Khu vực châu Á - Thái Bình Dương kiến tạo hệ sinh thái thành phố thông minh bền vững

Tâm An| 14/11/2021 15:28
Theo dõi ICTVietnam trên

Là trung tâm của tăng trưởng kinh tế và việc làm, các thành phố trong khu vực châu Á - Thái Bình Dương (APAC) có tiềm năng trở thành các trung tâm đô thị đổi mới sáng tạo trong kỷ nguyên số.

Những bước đột phá về xây dựng TPTM khu vực APAC

Với tốc độ đô thị hóa nhanh chóng, từ năm 1970 - 2017, các nền kinh tế đang phát triển của châu Á vượt xa phần còn lại của thế giới cả về tốc độ tăng dân số và tốc độ tăng trưởng, với dân số thành thị tăng 3,4% mỗi năm, so với 2,6% ở phần còn lại của thế giới ở các nền kinh tế đang phát triển và 1% ở các nền kinh tế phát triển. Tốc độ này vẫn sẽ tiếp tục duy trì trong những năm tới, và khu vực được dự kiến sẽ có thêm hơn 1 tỷ cư dân đô thị mới vào năm 2050.

Khu vực châu Á – Thái Bình Dương kiến tạo hệ sinh thái thành phố thông minh bền vững - Ảnh 1.

Khu vực châu Á - Thái Bình Dương dự kiến sẽ có thêm hơn 1 tỷ cư dân đô thị mới vào năm 2050. (Ảnh: MIT Technology Review)

Xây dựng và quy hoạch đô thị trong khu vực những năm vừa qua đã có những bước tiến rõ rệt, nhiều thành phố đã trở thành những hình mẫu đô thị thông minh tiêu biểu trên thế giới.

Báo cáo "Các thành phố thế kỷ 21: Sự chuyển đổi đô thị ở APAC" của MIT Technology Review mới đây đã cho biết, các thành phố hàng đầu ở khu vực APAC đang tạo ra bước đột phá mới trong đổi mới bền vững, đưa ra những sáng kiến, ý tưởng sáng tạo hiệu quả cho các thành phố khác trong khu vực và trên toàn cầu có thể học hỏi kinh nghiệm.

Chẳng hạn như Singapore, quốc gia đã thành công trong việc chuyển mình từ những thành phố với sinh thái căng thẳng, đông dân cư, tình trạng thiếu nước, ô nhiễm và không đủ nhà ở thành một đô thị toàn cầu với các chỉ số về khả năng sống tốt nhất trên thế giới.

Khu vực châu Á – Thái Bình Dương kiến tạo hệ sinh thái thành phố thông minh bền vững - Ảnh 2.

Những đổi mới về quy hoạch và chính sách đô thị của Singapore đã được xuất khẩu khắp thế giới dưới nhiều hình thức khác nhau.

Bà Tanvi Maheshwari, Phó Giám đốc Phòng thí nghiệm các Thành phố tương lai toàn cầu (Future Cities Lab Global) Singapore cho biết, Singapore như một món ăn sáng tạo có thể truyền cảm hứng cho những thành phố khác học hỏi. Những đổi mới về quy hoạch và chính sách đô thị của Singapore đã được xuất khẩu khắp thế giới dưới nhiều hình thức khác nhau.

Các thành phố trong khu vực cũng đang đi tiên phong trong cách tiếp cận mới đối với quy hoạch thành phố để tận dụng khả năng phục hồi dựa vào thiên nhiên, chẳng hạn như các "thành phố bọt biển" của Trung Quốc và các khu rừng đô thị ở Melbourne, cùng với các vật liệu xây dựng thân thiện với môi trường hơn để thay thế bê tông và thép sử dụng nhiều carbon. Hệ thống giao thông cũng đang được thiết kế lại cùng với việc khuyến khích, vận động người dân tích cực đi xe đạp.

Bên cạnh đó, rất nhiều thành phố trong khu vực cũng đã được quốc tế đánh giá cao về sự phát triển và đổi mới đô thị. Auckland, Wellington (New Zealand), Osaka, Tokyo (Nhật Bản), Adelaide, Perth, Melbourne và Brisbane (Australia) là những thành phố thuộc top 10 thành phố đáng sống nhất toàn cầu năm 2021 (the 2021 Global Liveability Index) của Economist Intelligence Unit (doanh nghiệp thuộc Tập đoàn Economist cung cấp những dịch vụ dự báo và tư vấn qua nghiên cứu và phân tích).

Ngoài ra, các cụm đô thị của Nhật Bản như Tokyo-Yokohama, Osaka-Kobe-Kyoto và Nagoya cũng đều có mặt trong bảng xếp hạng năm 2017 về 10 khu vực địa lý đổi mới hàng đầu thế giới dựa trên hồ sơ đăng ký bằng sáng chế.

Các đại đô thị của Trung Quốc là Thâm Quyến và Bắc Kinh cũng đã đóng góp lớn vào thành công kinh tế của quốc gia này.

Tuy nhiên, bên cạnh những bước tiến lớn trong việc quy hoạch và phát triển đô thị thông minh, việc thay đổi nhân khẩu học trong khu vực những năm vừa qua cũng đang tạo ra những nhóm người dễ bị tổn thương mới, bao gồm cả ở các thành phố có thu nhập cao, bằng chứng là số lượng người cao tuổi ở thành thị ngày càng tăng, những người cần được hỗ trợ cũng nhiều hơn. Các thành phố có thể là nơi nguy hiểm đối với phụ nữ và các biện pháp phòng ngừa bạo lực đối với những công dân dễ bị tổn thương vẫn chưa được đưa vào quy hoạch đô thị.

Đặc biệt, theo báo cáo của MIT Technology Review, do địa hình khu vực APAC có xu hướng xảy ra các hiện tượng thời tiết cực đoan và quỹ đạo đô thị hóa lộn xộn, không có kế hoạch. Các thành phố ở khu vực là những thành phố dễ bị tổn thương nhất trên thế giới, với số lượng lớn người nghèo thành thị không được tiếp cận với các tiện nghi, nhà ở an toàn và sự tham gia đầy đủ xã hội tạo ra mức độ bất bình đẳng khá lớn.

Từ bối cảnh những thách thức đó, các thành phố trong khu vực đang bắt đầu nghiên cứu, khám phá nhằm tạo ra những đột phá, đổi mới và sáng tạo đối với các thách thức xã hội, kinh tế và sinh thái.

Trong lịch sử, đô thị hóa nói chung là một dấu hiệu chứng minh "sức khỏe" của một quốc gia. Là trung tâm lớn nơi tài năng và vốn kết hợp với nhau, các thành phố trong khu vực châu Á - Thái Bình Dương được kỳ vọng có thể là trung tâm đổi mới hiện đại trong tương lai.

Xây dựng hệ sinh thái thành phố bền vững ở châu Á - Thái Bình Dương

Mục tiêu chính của thành phố thông minh (TPTM) là tối ưu hóa các chức năng của thành phố và thúc đẩy tăng trưởng kinh tế đồng thời nâng cao chất lượng cuộc sống cho người dân bằng cách sử dụng các công nghệ thông minh và phân tích dữ liệu. Giá trị nằm ở cách công nghệ này được sử dụng chứ không chỉ đơn giản là có bao nhiêu công nghệ.

Các chuyên gia cho biết, làn sóng đầu tiên của TPTM có xu hướng quá tập trung vào công nghệ mà không xác định rõ ràng các vấn đề hoặc xác định đâu là nhu cầu khác nhau của người dân thành phố. Theo đó, những phương pháp mang tính xây dựng hơn cần được bắt đầu từ kinh nghiệm, sự hiểu biết sâu sắc về cộng đồng và tập trung vào nhu cầu, mong muốn của các cộng đồng đô thị đa dạng cũng như giải quyết những thách thức chính của thành phố.

Theo MIT Technology Review, các giải pháp tiềm năng cần cung cấp tính linh hoạt và khả năng thích ứng cho các nhu cầu ngày càng phát triển của dân cư đô thị và cân bằng tầm nhìn tổng thể của thành phố cho tương lai với sự phối hợp và đưa ra các quyết định ở cấp địa phương.

Ngoài ra, các thành phố cũng có thể học hỏi thông qua các mạng lưới chia sẻ toàn cầu. Tinh thần hợp tác sẽ trở nên quan trọng hơn bao giờ hết để đảm bảo sự lan tỏa của các mô hình sáng tạo thành công trong khu vực và rộng hơn nữa.

Với những thách thức về môi trường trong khu vực và trên toàn cầu, việc cải thiện tính bền vững của đô thị sẽ là điều cần thiết đối với khu vực APAC trong thế kỷ 21. Điều đó có nghĩa là cần giảm tác động của các thành phố đến môi trường và nâng cao khả năng thích ứng với các mối nguy hiểm tiềm tàng trong tương lai.

Trên thế giới, các tòa nhà và việc xây dựng chịu trách nhiệm cho 39% tổng lượng khí thải carbon. Các tòa nhà ở châu Á thường chiếm tỷ lệ phát thải khí nhà kính lớn hơn trung bình toàn cầu.

Nhằm khắc phục tình trạng này, các thành phố trong khu vực đang nỗ lực thực hiện nâng cấp các tòa nhà cũ. Việc trang bị thêm hệ thống có thể cắt giảm chi phí năng lượng từ 15 - 35%, tùy thuộc vào mức đầu tư.

Theo MIT Technology Review, nếu không có những bước tiến đổi mới để thực hiện kế hoạch "net-zero" carbon (carbon bằng 0) có hệ thống hơn, tăng trưởng đô thị sẽ tiêu tốn một lượng lớn tài nguyên thiên nhiên và năng lượng, góp phần làm tăng gấp đôi tổng tiêu thụ nguyên liệu thô toàn cầu vào khoảng giữa thế kỷ này.

Từ đòi hỏi cấp thiết đó, các thành phố trong khu vực đang xem xét lại các giải pháp về môi trường đảm bảo phát triển đô thị nhưng vẫn đảm bảo giảm tác động đến sinh thái và cải thiện khả năng phục hồi.

Chẳng hạn như, Melbourne đang lên kế hoạch xây dựng các khu rừng đô thị để cải thiện chất lượng không khí và Thành Đô (Trung Quốc) cũng đang quy hoạch một mạng lưới công viên và đường xanh rộng lớn.

Khu vực châu Á – Thái Bình Dương kiến tạo hệ sinh thái thành phố thông minh bền vững - Ảnh 3.

Từ năm 2014, Trung Quốc đã trở thành địa điểm cho các thí điểm "thành phố bọt biển".

Từ năm 2014, Trung Quốc đã trở thành địa điểm cho các thí điểm "thành phố bọt biển". Các cuộc thử nghiệm đã thành công, giảm lũ lụt và tăng khả năng tiếp cận nước có thể sử dụng của các thành phố. Ước tính có khoảng 30 thành phố hiện đang tham gia vào các dự án thí điểm và Trung Quốc đặt mục tiêu đến năm 2030 các "thành phố bọt biển" được tích hợp vào các kế hoạch phát triển đô thị của khu vực.

Bên cạnh việc phát triển và nâng cao các giải pháp cải thiện môi trường, phát triển giao thông đô thị cũng là một vấn đề quan trọng mà khu vực cũng đang tập trung đổi mới.

Tổ chức Hợp tác và Phát triển Kinh tế (OECD) ước tính rằng, châu Á sẽ chiếm 43% nhu cầu vận tải toàn cầu tính theo km hành khách vào năm 2050, gây áp lực ngày càng lớn lên các mạng lưới giao thông hiện có và gia tăng lượng khí thải carbon nếu các giải pháp giao thông bền vững hơn không được thực hiện hiệu quả.

Từ thực tế đó đòi hỏi cần có một cách tiếp cận để quản lý nhu cầu vận tải hợp lý và hiệu quả. Với quy hoạch phù hợp, các thành phố có thể đảm bảo hầu hết các tiện nghi và dịch vụ cho cư dân đều nằm trong khoảng cách 15 phút đi bộ hoặc đi xe đạp. Ý tưởng này được gọi là "thành phố 15 phút", đã đạt được những thành công nhất định trong thời gian đại dịch COVID-19 vừa qua.

Mặc dù việc triển khai đang ở giai đoạn đầu, các thành phố ở Singapore, Quảng Châu và Thượng Hải cũng đã phác thảo kế hoạch cho các vùng ngoại ô thực hiện mô hình này. Hiện, Melbourne đang dẫn đầu chiến lược với tầm nhìn 30 năm về "khu dân cư 20 phút", mang đến cho người dân hầu hết những gì họ cần trong vòng 800m với khoảng cách tính từ nhà.

Ngoài ra, ở nhiều thành phố, quá trình chuyển đổi sang cơ sở hạ tầng di chuyển bền vững hơn cũng đang được quan tâm đẩy mạnh. Các chương trình xe đạp điện và xe tay ga dùng chung đã được triển khai ở các thành phố trong khu vực với mức độ thành công khác nhau. Một điển hình là Đài Bắc, nơi chương trình chia sẻ xe đạp, YouBike, được tích hợp vào hệ thống thẻ tàu điện ngầm, cung cấp các dịch vụ chặng cuối cho hàng triệu người dùng.

Ở những thành phố khác, các nhà chức trách đang tận dụng các công cụ kinh tế để đẩy nhanh quá trình chuyển đổi sang hướng di chuyển tích cực.

Singapore sử dụng hệ thống thu phí điện tử tự động thu phí đối với những trường hợp lái xe di chuyển vào các khu thương mại trung tâm, trong khi Bắc Kinh sử dụng giải pháp phân bổ theo phương thức "chẵn - lẻ" chỉ cho phép một số biển số đăng ký nhất định đi các con đường vào những ngày nhất định…

Khu vực châu Á – Thái Bình Dương kiến tạo hệ sinh thái thành phố thông minh bền vững - Ảnh 4.

Các giải pháp giao thông tích cực sẽ giúp giảm tình trạng tắc đường.

Các giải pháp giao thông tích cực sẽ giúp giảm tắc nghẽn, tuy nhiên, các thành phố APAC vẫn cần cải thiện hệ thống giao thông hiện có, bằng cách đầu tư vào cơ sở hạ tầng carbon thấp, đầu tư hệ thống xe điện và khai thác các công nghệ tiên tiến hơn để hiện thực hóa hệ thống giao thông bền vững.

Trong khi các giải pháp nâng cấp và cải thiện đối với cơ sở hạ tầng giao thông là rất quan trọng đối với tính bền vững, các nền tảng và ứng dụng dựa trên dữ liệu đang bắt đầu có tác động đáng kể đến cách các thành phố vận hành. Ở một số thành phố, những gã khổng lồ công nghệ đang triển khai công nghệ điện toán đám mây và trí tuệ nhân tạo (AI) mới nhất để giải quyết những thách thức về tính bền vững và khả năng sống.

Dự án City Brain của Alibaba ở Hàng Châu khai thác AI để thu thập dữ liệu như video từ camera giao lộ và vị trí GPS của ô tô và xe buýt, phân tích thông tin để ngăn chặn tình trạng tắc nghẽn giao thông.

Một thành phố hòa nhập, theo định nghĩa của Chương trình Định cư con người Liên Hợp Quốc (UN-Habitat), là một thành phố thúc đẩy tăng trưởng cùng với công bằng, một nơi mà tất cả mọi người, bất kể phương diện kinh tế, giới tính, chủng tộc, dân tộc, hoặc tôn giáo đều có thể tham gia vào các cơ hội xã hội, kinh tế và chính trị mà thành phố cung cấp. Nhận ra tầm nhìn này sẽ là một thách thức vừa đáng giá vừa phức tạp đối với các thành phố.

Trong khi các nền tảng số có thể hỗ trợ sự an toàn và hòa nhập, các thành phố cũng cần xem xét lại việc đảm bảo thu hẹp khoảng cách tiếp cận kỹ thuật số.

Tại thành phố Banda Aceh của Indonesia, Đại học Syiah Kuala, với sự hỗ trợ của Chương trình Phát triển Liên Hợp Quốc, đang thực hiện một chương trình thúc đẩy khả năng tiếp cận số cho các nhóm cộng đồng dễ bị tổn thương thông qua nghiên cứu xác định khả năng kết nối kỹ thuật số hạn chế trong cộng đồng công dân nghèo. Chương trình này đã giúp phổ biến điện thoại thông minh, tạo điều kiện tiếp cận bình đẳng với các dịch vụ kỹ thuật số của Banda Aceh.

Các thành phố sẽ đóng một vai trò trung tâm trong việc định hình cách thức hoạt động và phát triển của khu vực APAC. Những thách thức phải đối mặt có thể khác nhau trên các bối cảnh và địa lý đa dạng của khu vực, nhưng đối với tất cả các thành phố, việc chủ động thực hiện các bước để trở nên bền vững và toàn diện hơn sẽ là điều tối quan trọng trong việc đảm bảo một tương lai bền vững và công bằng cho người dân đô thị./.

Nổi bật Tạp chí Thông tin & Truyền thông
Đừng bỏ lỡ
Khu vực châu Á - Thái Bình Dương kiến tạo hệ sinh thái thành phố thông minh bền vững
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO