Sáng nay (12/4), Quốc hội đã hoàn thành tốt đẹp chương trình làm việc của Kỳ họp thứ 11. Đánh giá về kỳ họp, nhiều đại biểu Quốc hội đều cho rằng, cách làm của kỳ họp cuối khoá để lại nhiều ấn tượng, nhất là dấu ấn công tác kiện toàn nhân sự Nhà nước.
Quốc hội quyết định dân chủ, bàn kỹ lưỡng hơn về nhân sự
Đánh giá về Kỳ họp thứ 11, đại biểu Cao Sỹ Kiêm (đoàn Thái Bình) cho rằng, đây là kỳ họp có kết quả toàn diện về tất cả các mặt. Như việc thông qua nhiều luật giải quyết được những vướng mắc từ thực tiễn, cũng như đáp ứng nhu cầu hội nhập. Luật góp phần tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp, tạo động lực mới cho doanh nghiệp, đồng thời cũng tạo cơ sở để chúng ta hội nhập tốt hơn, hiệu quả hơn.
Đại biểu Cao Sỹ Kiêm |
Công tác giám sát được tiến hành đồng đều, từ trong báo cáo của Chính phủ đến chất vấn trên nghị trường. Nhìn chung, công tác giám sát lần này đều hơn, nội dung đổi mới hơn. Tuy nhiên, theo ông Cao Sỹ Kiêm, còn một vấn đề là khi giám sát đã phát hiện ra nhưng việc theo dõi tổ chức thực hiện chưa được đầy đủ.
Về quyết định những vấn đề lớn của đất nước, ông Kiêm cũng cho rằng, lần này Quốc hội quyết định dân chủ hơn, bàn kỹ lưỡng hơn.
Vị đại biểu đoàn Thái Bình cũng nhấn mạnh, dấu ấn nổi bật nhất là vấn đề nhân sự. Sau sự sắp xếp nhân sự của Đảng, Quốc hội lần này đã triển khai vấn đề nhân sự đều hơn, phối hợp nhịp nhàng hơn. Toàn bộ hệ thống tổ chức của Chính phủ, Quốc hội, các cơ quan của Quốc hội được phê chuẩn tạo nên sức mạnh tổng hợp.
Đặc biệt, cách làm nhân sự cũng dân chủ hơn, thận trọng hơn, đảm bảo nghiêm minh luật pháp hơn. Nhân sự của Quốc hội lần này đã tạo nên được dấu ấn mới, cách làm mới, sẽ tạo cơ sở cho Quốc hội khoá XIV hoạt động tốt hơn, hiệu quả hơn.
“Tổng kết nhiệm kỳ được thực hiện tương đối có hệ thống và đảm bảo chất lượng. Một nhiệm kỳ mà 2 lần làm nhân sự, tôi cho rằng rất tốt. Chỉ có một thời gian ngắn nên các nhân sự phải bảo đảm nhân lực, chí khí, sức phấn đấu của mình, phương pháp lãnh đạo của mình”, ông Cao Sỹ Kiêm nói.
Trong kỳ họp, lần đầu tiên các nhân sự chủ chốt tiến hành tuyên thệ đã tạo nên một sự hy vọng, một niềm tin cho nhân dân. Tuy nhiên, ông Kiêm cho rằng, việc tuyên thệ, thực hiện lời hứa ấy phải cần có thời gian, có quá trình quá trình phấn đấu, thực hiện lời hứa, được kiểm nghiệm thực tế mới có thể trả lời được.
“Đại biểu đã dốc hết lời gan ruột”
Theo đại biểu Lê Nam - Phó trưởng đoàn ĐBQH tỉnh Thanh Hoá, mặc dù là kỳ họp cuối, nhưng các nội dung thảo luận về kinh tế xã hội, đặc biệt là tổng kết nhiệm kỳ của Quốc hội, Chính phủ, Chủ tịch nước và các cơ quan Tư pháp đã được chuẩn bị rất kỹ.
Các tiếng nói đóng góp, chất lượng của các phiên họp để đánh giá tổng kết của các nhiệm kỳ rất sôi nổi. Cử tri cũng rất hoan nghênh khi đây là kỳ họp mà các ĐBQH dốc hết những lời gan ruột về vấn đề trọng đại của đất nước như kinh tế, xây dựng nhà nước, bảo vệ chủ quyền quốc gia, đấu tranh phòng, chống tham nhũng. Các ĐBQH đã nói hết những tâm tư, bức xúc, mong đợi của cử tri gửi gắm cho nhiệm kỳ sau.
Đại biểu Quốc hội Lê Nam |
Kỳ này cũng đã hoàn thành được chương trình kiện toàn bộ máy nhân sự nhà nước, mặc dù trước đó cũng có những băn khoăn nào đó. Phần lớn nhân sự được Đảng giới thiệu đều được Quốc hội đồng tình, được đánh giá đồng thuận cao, tính dân chủ trong việc bầu chọn cũng được phát huy.
“Số phiếu cao thấp cũng là thông tin cực kỳ quan trọng làm công tác tổ chức cán bộ, quản lý cán bộ để đánh giá, theo dõi, giúp đỡ những đồng chí vừa được kiện toàn”, ông Lê Nam nói.
Nêu quan điểm về việc lần đầu tiên 4 chức danh lãnh đạo tuyên thệ khi nhậm chức, Phó trưởng Đoàn ĐBQH tỉnh Thanh Hoá cho rằng nghi lễ rất ý nghĩa và trang trọng. Đó cùng là cam kết của những đồng chí đứng đầu đối với đất nước, với Quốc hội và cử tri và nhân dân, cử tri không bao giờ quên những điều mà người đứng đầu Nhà nước đã tuyên thệ.
Cũng theo ông Lê Nam, nhiệm vụ đặt ra đối với các lãnh đạo Đảng, Nhà nước là rất nặng nề. Trong đó, công tác đấu tranh phòng, chống tham nhũng, rồi vấn đề nợ công, ngân sách quốc gia, bộ máy nhà nước cồng kềnh là những vấn đề khó. Đại biểu tin rằng, bộ máy mới, những người lãnh đạo mới sẽ tìm cách để giải quyết khó khăn này.
“Tôi kỳ vọng nhiệm kỳ Quốc hội khóa 14 sẽ tốt hơn, vì ĐBQH chuyên trách nhiều hơn. Những người ăn lương Quốc hội, toàn tâm toàn ý phục vụ công tác chuyên trách, dành toàn bộ thời gian, tâm lực cho Quốc hội thì chắc chắn chất lượng ĐBQH cũng như chất lượng hoạt động Quốc hội ngày càng nâng cao”, ông Lê Nam kỳ vọng.
Đại biểu Nguyễn Anh Sơn – Trưởng đoàn ĐBQH tỉnh Nam Định thì bày tỏ, sau kỳ họp này, Quốc hội đã gần dân hơn, hoạt động của Quốc hội được cử tri nhân dân theo dõi sát sao hơn.
“Tôi chỉ còn băn khoăn về tiếng nói của Quốc hội xung quanh việc bảo vệ chủ quyền biển đảo, có lẽ không cơ quan nào nói lên tiếng nói của người dân bằng Quốc hội trên diễn đàn bằng những hoạt động cụ thể. Bên cạnh đó, còn nhiều vấn đề cần giải quyết tốt hơn trong nhiệm kỳ mới như chống tham nhũng, vấn đề vệ sinh an toàn thực phẩm, trật tự an toàn xã hội... Kỳ này chúng ta đã giải quyết phần nào nhưng chưa tạo ra sự chuyển biến, vẫn còn “nợ” cử tri”, ông Sơn nói./.