Kinh doanh cà phê sách cần yêu sách vở

Linh Mai| 28/04/2020 15:38
Theo dõi ICTVietnam trên

Người đứng đầu hệ thống Đông Tây cho rằng bản chất mô hình cà phê sách vẫn là kinh doanh, nhưng nó gắn liền với văn hóa. Bởi vậy, người làm cà phê sách không chỉ cần cái đầu của doanh nhân mà cần cả trái tim của người yêu sách.

Hơn 10 năm qua, hệ thống cà phê sách Đông Tây không ngừng mở rộng, tạo ra điểm hẹn cho những người yêu sách ở Hà Nội. Ông Đoàn Tử Hoan - Chủ tịch HĐQT công ty Đông Tây - chia sẻ về không gian văn hóa độc đáo này.

Làm cà phê sách với tất cả sự yêu thích

PV: Thư viện cà phê Đông Tây đầu tiên đã ra đời như thế nào?

Thư viện cà phê đầu tiên của chúng tôi ra đời năm 2007. Công ty Đông Tây vốn là đơn vị xuất bản. Ngoài sách mình làm ra, chúng tôi cũng tích trữ mua sách của nhiều đơn vị khác. Thấy cứ để sách như vậy thì phí. Chúng tôi lại có văn phòng để không, nên mở ra một không gian cho mọi người đến đọc.

Thời điểm ấy, điện thoại thông minh chưa quá phổ biến, các mạng xã hội cũng không nhiều người sử dụng như ngày nay, thông tin không phải cứ một cú nhấp chuột là tìm thấy. Vì thế sách vẫn là một nguồn kiến thức, giải trí quan trọng.

“Kinh doanh cà phê sách cần yêu sách vở

Không gian văn hóa sách Đông Tây được nhiều người trẻ biết đến

Không gian của chúng tôi được mọi người hưởng ứng. Có người đến thì chúng tôi phục vụ thêm cà phê cho bạn đọc. Ngày càng được nhiều người hưởng ứng, chúng tôi mở rộng ra.

Thật ra mô hình thư viện cà phê không lạ trên thế giới hay ở nước ta. Chúng tôi chỉ duy trì, làm theo quy mô, chuỗi như đã có.

PV: Đến nay, Thư viện cà phê Đông Tây phát triển bao nhiêu địa điểm?

Hệ thống cà phê sách của chúng tôi có 5 địa điểm. Đầu tiên, chúng tôi để tên là Thư viện cà phê Đông Tây (địa chỉ ở phố Trần Quý Kiên, Hà Nội). Sau này, khi chuyển đổi thành chuỗi nhượng quyền, chúng tôi lấy tên là "Biblio Cà phê Sách". Tại Hà Nội có thêm 4 điểm nữa. Năm ngoái có một địa chỉ ở Hải Phòng, và năm nay là Phúc Yên.

Địa điểm rộng nhất của chúng tôi nằm ở Làng sinh viên Hacinco (Ngụy Như Kontum, Hà Nội) với diện tích trên 1.000 m2. Ở đây, ngoài sách và phục vụ đồ uống, chúng tôi có phòng hội thảo, họp nhóm, có không gian mở để những người yêu sách, yêu văn hóa trò chuyện, làm sự kiện.

PV:Ngoài phục vụ đồ uống, mảng thư viện của Đông Tây gồm những hoạt động gì để thu hút bạn đọc?

Tất nhiên là chúng tôi có sách. Ở địa điểm Làng sinh viên Hacinco có tới vài nghìn cuốn sách. Các điểm khác ít sách hơn. Thường các quán cà phê sách khác có một vài giá bày sách thì chúng tôi đầu tư nhiều sách.

Khách tới uống nước có thể thoải mái đọc sách. Ngoài đọc tại chỗ, chúng tôi cũng có sách mới, sách cũ để bán. Ở điểm Trần Quý Kiên có dịch vụ thư viện cho thuê sách về nhà.

Ở đây cũng là nơi diễn ra các cuộc giao lưu giới thiệu sách, trò chuyện về văn hóa, kỹ năng nuôi dạy con cái…

“Kinh doanh cà phê sách cần yêu sách vở

Nhiều người đến không gian văn hóa sách Đông Tây để đọc sách, làm việc và trao đổi

Các sự kiện văn hóa ở đây một phần do chúng tôi tổ chức, một phần là các đơn vị, cá nhân khác đến đặt chỗ, hợp tác. Có những chương trình thu hút người tham dự như buổi giao lưu với gia đình Đỗ Nhật Nam (dịch sách tiếng Anh từ khi còn nhỏ), nói chuyện về văn hóa Việt của nhóm nghiên cứu đền thờ văn hóa Việt, giao lưu với các tác giả Hungary Albert - László Barabási (nhân ra mắt cuốn Thế giới mạng lưới)…

PV: Trong thời buổi giá thuê mặt bằng cao ảnh hưởng tới kinh doanh, điều gì giúp Thư viện cà phê Đông Tây có sự mở rộng?

Điều này có lẽ do quán cà phê sách không cần nằm ở mặt đường nên giá thuê cũng không "tấc đất tấc vàng" như ở mặt tiền phố lớn. Ví dụ, Thư viện Cà phê Đông Tây là tầng 1 một khu chung cư ở Trần Quý Kiên, điểm ở Làng sinh viên là tầng hầm một khách sạn. Chúng tôi tự tin người đến với sách không cần bám mặt đường. Thêm nữa, mình cũng tìm những nơi chủ nhà có thiện cảm với sách, nơi có những cơ quan cần dịch vụ của mình, như trường học, sinh viên...

PV: Duy trì hệ thống cà phê sách qua 14 năm, ông có kinh nghiệm gì?

Kinh nghiệm thì to tát, nhưng nó là thực tiễn những gì chúng tôi đã trải qua. Chúng tôi làm khá lâu rồi, từ những điểm nhỏ lẻ nhất. Đợt đầu mỗi ngày bán được vài chục nghìn, 100.000 đồng, 200.000 đồng. Qua những "đau thương" thì tích trữ kinh nghiệm dần dần lên.

Về bản chất hệ thống cà phê sách là quán cà phê, nên vẫn phải kinh doanh. Nhưng khi mình làm với cả sự yêu thích của mình, được mọi người ủng hộ thì có thể đi đường dài.

PV: Duy trì hệ thống thư viện cà phê trong nhiều năm, ông gặp những khó khăn gì?

Không chuyên đồ uống, chúng tôi mất phí, trả giá khá nhiều. Để hoàn thiện dịch vụ chăm sóc, lượng sách, chất lượng đồ uống, hạ tầng như wifi, thái độ phục vụ… đều phải hoàn thiện dần dần. Các địa điểm của chúng tôi không để mọi người hút thuốc nên mất đi lượng khách cà phê sáng. Bù lại, chúng tôi phải tìm cách thu hút lượng khách khác. Những khó khăn thì làm việc gì rồi cũng gặp, ta đối diện nó ra sao thôi.

Ngày càng nhiều người đọc sách

PV: Quan sát người tới cà phê sách, ông thấy lượng người đọc sách ra sao?

Khoảng 30% người đến đọc sách. Có những người vào không gian để đọc thực sự, có khi họ đọc từ sáng đến tối. Có những người đến làm việc, có những người trong lúc chờ đợi thì đọc. Nhiều người hẹn hò trong không gian sách tạo hứng khởi… Chúng tôi rất thoải mái, khách có thể ngồi từ sáng tới tối đọc sách, làm việc.

PV: Lượng sách chủ yếu trong không gian Đông Tây là gì?

Chúng tôi không hạn chế nội dung, thể loại sách. Nhưng đối tượng mà chúng tôi hướng đến là các bạn trẻ, dân văn phòng, công sở trẻ. Ngoài ra, chúng tôi cũng có sách thiếu nhi. Truyền thống công ty Đông Tây là làm sách nghiên cứu, nhưng nội dung sách chúng tôi nhập về phong phú

PV: Nhiều người kêu ca văn hóa đọc đi xuống, sách ngày càng nhiều mà lại ít người đọc. Là người làm trong ngành sách, thư viện, ông đánh giá thế nào về quan điểm này thông qua lượng người tới các điểm Đông Tây?

Ngày nay chúng ta không nên phân biệt đọc sách mới gọi là văn hóa đọc. Ta có thể đọc và tiếp thu tri thức, giải trí, tăng hiểu biết… từ nhiều nguồn. Ta đọc báo chí, đọc qua Internet, thậm chí trên Facebook nhiều người đưa ra nghiên cứu sâu, hữu ích. Đọc ở đây được mở rộng ra nhiều thiết bị số.

Riêng về đọc sách, mọi người cứ nói chúng ta đọc ít đi, nhưng tôi nghĩ người đọc đang nhiều hơn.

“Kinh doanh cà phê sách cần yêu sách vở

Ở Đông Tây cũng diễn ra nhiều cuộc gặp gỡ, trao đổi giữa các chuyên gia

Lượng sách ngày nay đúng là nhiều, phong phú. Vấn đề đặt ra là sách đó có đáng để họ đọc không khi quỹ thời gian eo hẹp. Sách hay thì vẫn được đón nhận nhiều. Ngày nay, người ta không còn đọc sách để giết thời gian như xưa, họ đọc chọn lọc hơn.

Về chủ quan tôi nghĩ văn hóa đọc đang tốt lên. Vấn đề của người làm thư viện, cà phê sách là phải nhập sách tốt.

PV:Hiện tại, ngoài địa điểm ở Làng sinh viên Hacinco thường xuyên có sự kiện, dường như những địa điểm khác của Đông Tây đang thiếu những hoạt động văn hóa đọc?

Lý do là những nơi ấy diện tích hơi nhỏ, không gian chưa thoải mái nên chỉ làm được chương trình nhỏ lẻ. Khi nhượng quyền, chúng tôi luôn cầu điểm nhượng phải đảm bảo dịch vụ của mình; yêu cầu mặt tường trong không gian phải là giá sách, thiết kế theo đúng mô hình, lượng sách phong phú.

PV: Luật thư viện đã được thông qua năm 2019. Điều này có ý nghĩa như thế nào với những người làm cà phê sách như hệ thống Đông Tây?

Với chúng tôi nó chưa có tác động nào. Có thể với những đơn vị làm quản lý hành chính như thư viện công sẽ có. Trước khi luật ra đời chúng tôi đã làm quán cà phê sách. Tôi coi đây là việc kinh doanh bình thường, sách là một mặt hàng. Mình cứ làm đúng bản chất, giá trị của nó. Còn bản thân sách đã hàm chứa giá trị văn hóa, mình kinh doanh mặt hàng văn hóa mà được hưởng ứng thì tôi nghĩ đó là điều tích cực.

PV: Mục tiêu và những dự định mà Đông Tây sẽ làm trong tương lai để góp vào sự phát triển văn hóa đọc là gì?

Chúng tôi là nhóm người yêu thích sách. Theo khía cạnh nào đó thì đây là trách nhiệm chia sẻ với xã hội. Bản chất của cà phê sách vẫn là kinh doanh. Nhưng khi kinh doanh mặt hàng đảm bảo kinh tế cho mình, tạo ra mô hình mà xã hội thấy tốt, thì đương nhiên điều ấy là tích cực với xã hội. Tôi không muốn nhắc tới việc chúng tôi góp gì cho văn hóa đọc.

Với tôi mặt hàng sách là nghề, là nghiệp mà mình cần, mình theo đuổi. Chúng tôi luôn có người chuyên phụ trách sách, chăm sóc, cập nhật sách thường xuyên đáp ứng khách hàng trong không gian của mình. Ai cũng có việc của mình. Việc của chúng tôi là nỗ lực phục vụ khách, những bạn đọc trong không gian của mình./.

(Bài viết từ ấn phẩm in Tạp chí TT&TT số đặc biệt kỷ niệm Ngày sách Việt Nam 21/4/2020)

Nổi bật Tạp chí Thông tin & Truyền thông
Đừng bỏ lỡ
Kinh doanh cà phê sách cần yêu sách vở
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO