Không thể chần chừ
100% lãnh đạo doanh nghiệp dự Hội thảo “Doanh nghiệp phát triển bền vững Việt Nam 2021 thực hiện mục tiêu kép”, do Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) tổ chức, đều khẳng định, chuyển đổi số là việc cần làm lúc này, bởi đây là giải pháp để doanh nghiệp phát triển trong và sau giai đoạn dịch bệnh.
Sẽ không có giải pháp nào làm thước đo cho từng doanh nghiệp, song với chuyển đổ số thì tất cả doanh nghiệp đều có thể thực hiện, tùy từng phạm vi, quy mô doanh nghiệp để lựa chọn mô hình số hóa thích hợp.
Ông Urs Kloeti, Giám đốc Nhà máy Nestlé Bông Sen cho biết, sau khi phục hồi sau tác động của dịch Covid-19 từ năm ngoái, tăng trưởng của ngành hàng tiêu dùng nhanh tại Việt Nam một lần nữa bị ảnh hưởng bởi làn sóng Covid-19 thứ tư. Trong bối cảnh này, chuyển đổi số giúp Công ty có thể ứng phó và tiếp tục phát triển trong bối cảnh đại dịch.
Các doanh nghiệp đã nỗ lực hết mình nhằm đảm bảo tính liên tục cho hoạt động sản xuất - kinh doanh trong bối cảnh các chuỗi cung ứng bị ảnh hưởng nghiêm trọng. Trong hoàn cảnh đó, việc linh hoạt xây dựng các chương trình hành động để đảm bảo kinh doanh không bị gián đoạn là mục tiêu của Nestlé Bông Sen.
“Chúng tôi đã tối ưu hóa nguồn cung cấp sản phẩm của mình để duy trì tính liên tục trong hoạt động kinh doanh. Công ty kích hoạt các kế hoạch duy trì sản xuất - kinh doanh liên tục bằng cách thích ứng nhanh với thay đổi về chính sách. Đồng thời, ưu tiên số hóa về mặt dữ liệu, từ đó tìm kiếm và áp dụng các công nghệ phù hợp. Điều quan trọng nhất trong chiến lược chuyển đổi số là trang bị và phát triển các kỹ năng cần thiết cho đội ngũ nhân viên để tiếp cận và làm chủ công nghệ”, ông Urs Kloeti cho biết.
Bán lẻ cũng là ngành thích ứng nhanh với chuyển đổi số. Bà Nguyễn Thị Ngọc Huệ, Giám đốc Truyền thông và Đối ngoại của Công ty TNHH AEON Việt Nam chia sẻ, tăng tốc chuyển đổi số và thay đổi phương thức vận hành phù hợp với xu thế chung là giải pháp để thích nghi và phục hồi của doanh nghiệp bán lẻ, như AEON, trong bối cảnh đại dịch.
Ngoài giải pháp chuyển đổi số ở phạm vi doanh nghiệp, cần số hóa các thủ tục hành chính công, áp dụng công nghệ để hỗ trợ việc nộp và phê duyệt hồ sơ trực tuyến của các cơ quan chính phủ.
Ông Urs Kloeti, Giám đốc Nhà máy Nestlé Bông Sen AEON đã đầu tư lớn cho hạ tầng số hóa, từ hệ thống quản trị doanh nghiệp số, quản lý đơn đặt hàng, đến nhà cung cấp đều qua nền tảng số như web edi, ứng dụng di động AEON và các phương thức mua sắm đa kênh, thanh toán qua các ví điện tử Zalo, Momo, Moca… nhằm phục vụ khách hàng tốt nhất.
Theo bà Huệ, chuyển đổi số thực sự đã tạo ra sự thay đổi tích cực cho toàn bộ chuỗi cung ứng, nâng cao chất lượng sản phẩm và chất lượng trải nghiệm cho người tiêu dùng, trong khi nhà bán lẻ cũng dễ dàng quản lý được các khâu trong quá trình vận hành.
Trong khi đó, Phó tổng giám đốc Công ty cổ phần Traphaco Đào Thúy Hà chia sẻ, trong những năm gần đây, Traphaco đã từng bước thành công trong chuyển đổi số, đầu tư nhân sự, hạ tầng, xây dựng quy trình phù hợp, bắt nhịp xu hướng mua hàng online.
Traphaco đã chủ động đầu tư công nghệ dược phẩm hiện đại theo tiêu chuẩn quốc tế, sử dụng robot trong sản xuất, tạo lợi thế dẫn đầu về Pharma 4.0 tại Việt Nam; ứng dụng công nghệ thông tin trong quản lý bán hàng; áp dụng Hệ thống hoạch định nguồn lực doanh nghiệp (ERP) trong quản lý doanh nghiệp; phân tích và khai thác dữ liệu khách hàng thông qua hệ thống BI (Business Intelligence), đánh giá năng lực từng đại lý, nhà thuốc để tối ưu hóa các chính sách bán hàng.
Bùng nổ kinh tế online
Theo ông Đinh Hồng Kỳ, Chủ tịch Công ty cổ phần Secoin, nhìn vào sự chuyển động của kinh tế toàn cầu, có thể khẳng định, nền kinh tế online sẽ bùng phát mạnh mẽ trong thời gian tới.
“Trong một buổi chiều, dù đang phải cách ly sau khi từ nước ngoài trở về, tôi đã tham dự 2 hội thảo trực tuyến. Nếu như ở giai đoạn bình thường, tôi khó có thể tham dự được cả 2 sự kiện, nhưng nay thì mọi sự đã khác. Điều đó cho thấy, đời sống online đã lan rộng trong xã hội, đến từng người dân và doanh nghiệp”, ông Kỳ chia sẻ.
Dẫn chứng về việc doanh nghiệp Việt cần thay đổi để thích ứng trong thời kỳ đại dịch, ông Kỳ nói: “Trong Giải bóng bóng đá Euro 2020, nếu ai để ý sẽ thấy, cơ cấu các nhà tài trợ cho Euro 2020 đã có sự đổi rõ rệt. 4/12 thương hiệu tài trợ cho giải này hoạt động trong lĩnh vực kỹ thuật số và là những gương mặt mới. Điều đó cho thấy, các tên tuổi truyền thống như đang dần nhường lại sân chơi cho các doanh nghiệp mới, như Tiktok, JustEat Takeaway, Alipay, Booking.com”.
Trong đó, JustEat Takeaway.com (Hà Lan) là ứng dụng gọi đồ ăn trực tuyến, mới thành lập được 1 năm. Việc một gương mặt mới như JustEat Takeaway.com xuất hiện trong 12 nhà tài trợ cho giải bóng đá lớn nhất châu Âu cho thấy, các lĩnh vực kinh tế đã thay đổi nhanh như thế nào vì Covid-19.
“Covid-19 làm thay đổi kinh tế toàn cầu, làm thay đổi đáng kể hành vi mua sắm của khách hàng. Để thích ứng với kinh doanh trong bối cảnh dịch bệnh có thể kéo dài, doanh nghiệp cần phải thay đổi, phải tính đến phương án số hóa các hoạt động của mình, nếu như không muốn bị bỏ lỡ cơ hội kinh doanh”, ông Kỳ lưu ý.
Ông Robert Trần, CEO Tập đoàn tư vấn chiến lược RBNC, thị trường Bắc Mỹ và châu Á - Thái Bình Dương cho rằng, đại dịch đã khiến các doanh nghiệp phải đẩy mọi thứ lên nền tảng online trong thời gian ngắn. “Với rất nhiều lợi thế, nền tảng online sẽ là một xu hướng mang tính dài hạn”, ông Robert Trần đánh giá./.