Ông Deepak Mishra, Nhà kinh tế trưởng của Ngân hàng Thế giới tại Việt Nam, đồng tác giả báo cáo phát triển thế giới năm 2016 với chủ đề “Lợi ích số”. Ảnh: VGP/Phúc Lâm |
Ngày 14/3 tại Hà Nội, Ngân hàng Thế giới (WB) đã tổ chức hội thảo Báo cáo phát triển thế giới năm 2016 với chủ đề “Lợi ích số”.
Trong báo cáo này, công nghệ số đã giúp thúc đẩy hòa nhập, hiệu suất và đổi mới sáng tạo. Trên 40% người trưởng thành tại Đông Phi trả tiền điện nước bằng điện thoại di động. Hiện có 8 triệu doanh nhân Trung Quốc, trong đó có 1/3 là nữ, sử dụng nền tảng thương mại điện tử để bán hàng cho các khách hàng trong cả nước và tới 120 nước khác. Trong ngành y tế, người ta dùng dịch vụ tin nhắn SMS để nhắc bệnh nhân HIV uống thuốc đúng giờ rất hiệu quả.
Báo cáo cũng cảnh báo rằng, công nghệ số có thể chuyển đổi các nền kinh tế, xã hội và thể chế công, nhưng sự thay đổi không hề diễn ra tự động hay được bảo đảm. Các nước đầu tư vào công nghệ số và các yếu tố bổ trợ tương tự sẽ giành được kết quả tương ứng, nước nào không làm như vậy sẽ bị tụt hậu. Công nghệ, nếu không đi kèm với một nền tảng vững chắc, sẽ mang lại rủi ro và tạo ra phân cực kinh tế, tăng cường bất bình đẳng và nhà nước chuyên chế.
Bên lề hội thảo, phóng viên Báo điện tử Chính phủ đã có cuộc phỏng vấn nhanh ông Deepak Mishra, Nhà kinh tế trưởng của WB tại Việt Nam, đồng tác giả báo cáo.
Công nghệ số có ý nghĩa như thế nào đối với năng lực cạnh tranh của nền kinh tế, thưa ông?Ông Deepak Mishra: Đầu tiên, công nghệ số có thể tạo ra năng lực cạnh tranh cụ thể cho nền kinh tế. Ví dụ như ở Estonia, họ có hệ thống mà mọi công việc kinh doanh có thể thực hiện trực tuyến. Với một nền kinh tế như vậy, bạn gặp nhiều thuận lợi trong kinh doanh, phục vụ khách hàng, thậm chí chỉ trong vài chục giây.
Bên cạnh đó, nếu một nền kinh tế sử dụng công nghệ số thì công việc kinh doanh của bạn sẽ có tính cạnh tranh cao hơn. Ví dụ, trong lĩnh vực ngân hàng, công nghệ đã khiến cho lĩnh vực này trở nên thuận tiện và dễ dàng hơn nhiều.
Đây là mối quan hệ nhân quả, qua lại, công nghệ số giúp cho nền kinh tế có thêm năng lực cạnh tranh và nền kinh tế nếu có công nghệ số thì sẽ phát triển hơn rất nhiều.
Ông đánh giá thế nào về sự phát triển của công nghệ số tại Việt Nam?
Ông Deepak Mishra: Nếu so sánh với các nước đang phát triển thì Việt Nam đang ứng dụng rất tốt công nghệ số. Minh chứng rõ nhất là số người sử dụng internet và điện thoại di động đạt tỉ lệ cao. Việt Nam cũng có môi trường thuận lợi cho việc phát triển công nghệ số, bởi vậy chúng tôi đánh giá rằng sự cải thiện về ứng dụng công nghệ ở Việt Nam ở mức toàn diện, cùng mức độ với các nước như Ấn Độ, Kenya, Philippines- những nước đã làm rất tốt việc này. Việt Nam cũng đang tiếp tục đầu tư vào công nghệ để phát triển xã hội tri thức và tôi đánh giá rất cao việc cố gắng trở thành một xã hội tri thức dựa vào việc sử dụng công nghệ.
Biện pháp nào đối với Việt Nam để phát triển hơn nữa công nghệ số, thưa ông?
Ông Deepak Mishra: Có hai biện pháp chính:
Thứ nhất, chúng ta cần làm cho môi trường internet trở nên mở hơn và an toàn hơn, để mọi người có thể lên mạng (trực tuyến) và cảm thấy an toàn để thể hiện bản thân. Ngoài ra, cần phải nâng cao quản lý nhà nước nhằm đảm bảo môi trường cạnh tranh giữa các doanh nghiệp.
Thứ hai, Việt Nam cần nâng cao hơn nữa trình độ nguồn nhân lực làm trong lĩnh vực công nghệ, cập nhật những tiến bộ kỹ thuật.