Cụ thể, đó là các sản phẩm bài viết trên chuyên mục Special Today - nếu muốn đọc, độc giả phải trả tiền theo hình thức thanh toán phí online. Vậy đâu là lý do để đơn vị trên quyết định thay đổi, lại tự nguyện lĩnh ấn "tiên phong"? Và sự thay đổi này có tạo ra thông lệ, hướng đi tích cực cho sự phát triển của báo chí tương lai, đặc biệt là loại hình các tạp chí? Nói cách khác, sự "tiên phong" đó có phải là một giải pháp đem lại nguồn thu; phù hợp trong thời điểm hiện tại? Cách "đi ngược" này liệu có tạo ra "con đường xuôi" để phát triển báo chí theo hướng bền vững?... Để tìm ra câu trả lời cho một số vấn đề nêu trên, qua ý kiến, quan điểm của các các nhà quản lý, các đồng nghiệp, đặc biệt là những người trong cuộc, "bức tranh" tổng thể về các nội dung nêu trên như dần được sáng tỏ, điều này được xem như những câu trả lời khách quan, thấu đáo, rõ ràng về các mục tiêu to lớn mà báo chí nói chung đang thực hiện, Tạp chí điện tử Ngày Nay nói riêng đang đổi mới, hướng đến phát triển vì sự bền vững.
Thu phí báo điện tử để tạo các sản phẩm tin tức có chất lượng cao
Chia sẻ với Nhà báo & Công luận về nội dung thu phí đọc trực tuyến, đại diện lãnh đạo tạp chí điện tử Ngày Nay, Phó Tổng Biên tập Phạm Hữu Quang cho rằng, đây đang là một xu thế tất yếu trong dòng chảy của chuyển đổi số hướng tới xã hội số và tạp chí điện tử Ngày Nay xác định luôn phải làm mới mình trong một kỷ nguyên nơi thôngtin hữu ích không chỉ cần nhanh, chính xác mà còn mangtính xâu chuỗi và hệ thống.
"Với câu chuyện chuyển đổi số, chúng tôi hiểu rằng, tương lai không phải là đường thẳng kéo dài của quá khứ. Chuyển đổi số chính là một cú hích của một cơ quan báo chí nhỏ bé như Ngày Nay", ông Quang nhấn mạnh.
Do đó, khi ra mắt báo thu phí là cách Ngày Nay đón nhận sự tin tưởng của bạn đọc, là thông điệp về lòng biết ơn và sự tôn vinh dành cho bạn đọc với sự tồn tại của Ngày Nay, cũng như chúng tôi đã kiên trì thực hiện việc phát hành tạp chí Ngày Nay bản in theo phương thức miễn phí trong suốt hơn 5 năm qua, với số lượng khoảng 2 vạn bản/kỳ/tuần.
Cũng theo ông Quang, hiện nay, trước sự phát triển ngập tràn của mạng xã hội, các trang thông tin điện tử, các kênh thông tin trực tuyến, bạn đọc đang bị "nhiễu loạn", khó phân biệt thông tin thật, giả (fake news). Để góp phần giải quyết triệt để vấn đề này, Ngày Nay hướng đến các bài viết đa chiều, có kiểm chứng, xác thực, hội tụ hàm lượng tri thức cao, những câu chuyện tử tế và nhân văn, những góc nhìn riêng biệt từ những cây bút, nhà báo có uy tín…Chúng tôi tin rằng, bạn đọc Việt Nam sẽ sẵn sàng chi trả cho những sản phẩm báo chí chuẩn mực, hấp dẫn, chất lượng cao.
"Bên cạnh mục tiêu đổi mới, tạo nguồn thu cho đơn vị, Ngày Nay luôn mong muốn nhận được sự hỗ trợ từ Bộ TT&TT, Hội Nhà báo Việt Nam về cơ chế chính sách, về các giải pháp công nghệ hiện đại, đào tạo kỹ năng nghiệp vụ báo chí… để có thể tiếp tục phát triển tốt hơn trong kỷ nguyên số", Phó Tổng Biên tập Quang đề xuất (1).
Trên quan điểm lãnh đạo, quản lý một đơn vị báo chí lớn nhất quốc gia, tại sự kiện lễ ra mắt báo thu phí củaNgày Nay, nhà báo Lê Quốc Minh, Phó Tổng Giám đốcThông tấn xã Việt Nam khẳng định thêm rằng: "Thu phí độc giả cho nội dung digital là một xu hướng nổi bật của báo chí thế giới trong khoảng 10 năm qua, là một trong nhiều phương thức đa dạng hóa nguồn thu của các cơ quan báo chí trong bối cảnh nguồn thu quảng cáo nói chung, đặc biệt là trên báo in, giảm sút nghiêm trọng".
"Việc thu phí báo điện tử sẽ giúp chúng ta sản xuất được những nội dung chất lượng cao thực sự và chúng ta có thể thu hút độc giả bỏ tiền ra chứng tỏ chúng ta đã làm được nội dung tốt" - ông Minh nhấn mạnh.
Còn nhớ, cách đây không lâu, đề cập đến vấn đề thu phí cho báo điện tử, nhà báo Lê Quốc Minh nêu rõ, chất lượng nội dung các bài viết sẽ quyết định, tỷ lệ thuận với sự thành công của việc thu phí, bởi lẽ, sản phẩm cốt lõi của báo chí - những nội dung chất lượng cao, đáng tin cậy, sử dụng lối kể chuyện hấp dẫn, những bài phân tích chuyên ngành, bình luận của các chuyên gia, những ý kiến nhận định sâu sắc, các cuộc phỏng vấn độc quyền, những phóng sự điều tra kỳ công - là những sản phẩm vô giá và những nguồn tin đó có thể biến người đọc bình thường thành những độc giả đăng ký có trả phí.
Cũng xoay quanh nội dung này, ông Minh cho rằng, những độc giả trả tiền mua nội dung vì nguồn tin đó giúp họ nắm bắt thông tin và đăng tải những vấn đề mà họ quan tâm. Các nguồn tin của họ cung cấp tin tức và thông tin theo cách thức tiếp cận dễ dàng và đáng tin cậy. Các độc giả trả phí phát đi tín hiệu rõ ràng: các cơ quan báo chí muốn tăng trưởng thì không thể cắt giảm chi phí. Việc thu hút độc giả trả phí luôn đòi hỏi các tòa soạn phải tập trung đầu tư vào nội dung chất lượng cao để đáp ứng nhu cầu của độc giả (2).
Đồng tình với các quan điểm, ý kiến nêu trên, cũng tại sự kiện lễ công bố ra mắt báo thu phí của Ngày Nay, đại diện cơ quan quản lý nhà nước về báo chí, Cục trưởngCục Báo chí, ông Nguyễn Thanh Lâm nhấn mạnh thêm, việc đưa vào tính năng thu phí có thể coi là bước đột phá của tạp chí điện tử Ngày Nay khi chọn cách "làmngược" để tìm được con đường phát triển mang bản sắc của riêng mình.
Cũng theo Cục trưởng Lâm, mô hình "báo chí thu phí" là con đường khó nhưng đầy vinh quang để báo chí tìm về với độc giả đích thực của mình, những người đã mất đi thói quen bỏ tiền mua tờ báo in ngày xưa nhưng giờ có thể sẵn sàng trả tiền để đọc được đúng những gì mình cần, không bị "nhiễu loạn" trước một biển thông tin thật giả lẫn lộn trên không gian mạng, vốn từ lâu đã bị chi phối bởi những thủ thuật nhằm để "câu view" và bán những nội dung quảng cáo kém chất lượng đến người đọc.
Muốn thay đổi cơ cấu doanh thu, phải bắt tay vào làm
Có thể nói, những năm qua, nhất là năm 2020, Bộ TT&TT, Cục Báo chí, Cục Phát thanh Truyền hình vàThông tin điện tử - đơn vị quản lý nhà nước về báo chí luôn tích cực, chủ động phối hợp cùng Hội Nhà báo Việt Nam, các cơ quan chức năng, các đơn vị có liên quan... tổ chức nhiều hội nghị, hội thảo, diễn đàn nhằm thảo luận, tìm ra hướng đi, giải pháp để thúc đẩy, phát triển kinh tế báo chí trong giai đoạn mới. Điển hình là các diễn đàn như "Báo chí và Bài toán phát triển nguồn thu", "Chuyển đổi số và các mô hình kinh tế mới cho báo chí"…
Và nếu ở Diễn đàn "Chuyển đổi số và các mô hình kinh tế mới cho báo chí", một sự kiện được coi là hoạt động khởi động cho sáng kiến phát triển báo chí Việt Nam giai đoạn 2020 – 2024 do Bộ trưởng Bộ TT&TT đề xuất thực hiện nhằm mục tiêu hỗ trợ sự phát triển của báo chí cách mạng Việt Nam, hòa nhập với sự phát triển của báo chí thế giới thì ở Diễn đàn "Báo chí và Bài toán phát triển nguồn thu" các vấn đề giải pháp, các kiến nghị, đề xuất nhằm tháo gỡ khó khăn về tài chính số cho báo chí đã được các nhà quản lý, lãnh đạo các đơn vị báo chí thảo luận sâu sắc, chi tiết.
Tạp chí điện tử Ngày Nay sử dụng việc thu phí người đọc khi muốn xem các bài viết trong chuyên mục Special Today với mức dao động từ 10.000 đồng/tuần đến 180.000đồng/năm. Độc giả có thể thanh toán điện tử qua nền tảng ViettelPay,Bank Plus, thẻ ATM của hơn 40 ngân hàng trong nước và các loại thẻ quốc tế Visa, Master Card, JCB, American Express. Trong thời gian tới, các nền tảng thanh toán trực tuyến mới, phổ biến nhất, cũng sẽ được bổ sung như nền tảng kết nối Napas, tin nhắn điện thoại SMS và đặc biệt là thanh toán qua Mobile Money.
Điều được coi là ấn tượng, nhằm tìm giải pháp để đảm nguồn thu giúp báo chí tồn tại, phát triển đã thể hiện đậm nét tại diễn đàn "Báo chí và Bài toán phát triển nguồn thu", Phó chủ tịch thường trực Hội Nhà báo Việt Nam Hồ Quang Lợi cho rằng, giờ đây, các cơ quan báo chí phải tích cực chuyển động, đổi mới, thậm chí phải lột xác thì mới tồn tại được.
"Dù có làm biện pháp gì đi nữa mà không cải tiến, không nâng cao chất lượng thì khó có thể tồn tại. Chúng ta phải nâng cao chất lượng các sản phẩm báo chí, đặc biệt là phải có bản sắc riêng thì mới có nguồn thu. Bên cạnh đó, không ngừng ứng dụng công nghệ truyền thông để nâng cao năng lực truyền thông của các cơ quan báo chí", ông Lợi nhấn mạnh.
Ông Lưu Đình Phúc, Cục trưởng Cục Phát thanh Truyền hình và Thông tin điện tử chia sẻ: hiện nay, các kênh quảng cáo số, đặc biệt là Facebook, Google,... đã chiếm đa số chi phí quảng cáo của doanh nghiệp. Vì vậy, nguồn thu của báo chí nói chung sẽ ngày một thu nhỏ lại, đến mức các báo không còn nguồn thu.
"Trong bối cảnh khó khăn hiện nay, đã đến lúc chúng ta cần nhìn nhận nghiêm túc về hình thức thu phí. Mọi người dân được xem các kênh báo chí, truyền hình thiết yếu không bị thu phí, nhưng các kênh giải trí khác có chất lượng thì đều cần có thu phí", Cục trưởng Phúc nhấn mạnh.
Còn theo nhà báo Trần Tiến Duẩn, Tổng Biên tập báo điện tử VietnamPlus, một đơn vị đã áp dụng thu phí báo chí điện tử từ năm 2018 cho biết, việc thu tiền từ bạn đọc trực tuyến tại Việt Nam hiện nay rất khó, muốn thay đổi cơ cấu doanh thu thì các cơ quan báo chí phải bắt tay vào làm. Quan trọng nhất là bảo vệ được bản quyền, không để xảy ra tình trạng một bài báo hay bị hàng chục trang khác cắt về, dán lên trang của mình một cách thoải mái. Việc khóa bài, mời mua báo trực tuyến cần phải được tiến hành đồng thời ở nhiều báo mới tạo được hiệu ứng tích cực.
Cũng được coi là vấn đề liên quan đến việc tìm giải pháp cho phát triển kinh tế báo chí, nhất là trong bối cảnh các đơn vị sự nghiệp báo chí phải thực hiện cơ chế tự chủ, cách đây 2 năm, tại Hội nghị báo chí toàn quốc tổng kết công tác năm 2018, triển khai nhiệm vụ năm 2019, Trưởng BanTuyên giáo T.Ư lúc đó là ông Võ Văn Thưởng từng nhấn mạnh "Không có doanh thu từ độc giả, mọi chuyện sẽ chấm dứt". Do vậy, không thể chậm trễ hơn nữa, các cơ quan quản lý phải xác định việc chủ động đề xuất, chủ động xây dựng cơ chế, chính sách về kinh tế báo chí một cách khoa học, khả thi, phù hợp với xu hướng phát triển truyền thông hiện đại… là một nhiệm vụ trọng tâm nhằm tháo gỡ, giải quyết căn bản bài toán kinh tế báo chí vốn đã đặt ra hàng chục năm qua.
Như vậy, nói tóm lại, câu chuyện thu phí người đọc trên báo điện tử xét về mặt bản chất không khác gì việc bỏ tiền mua báo giấy hiện nay. Tuy nhiên, nếu tìm sự khác biệt thì đó là những thay đổi về phương thức quản trị, giúp người đọc được tiếp cận, thụ hưởng các sản phẩm báo chí chất lượng cao hơn, và chúng ta luôn tin tưởng khi báo chí làm tốt nghĩa vụ, sứ mệnh của mình, độc giả sẽ ủng hộ, đón nhận, thích nghi nhanh trong môi trường số, xã hội số phát triển ngày nay.
Cũng qua các quan điểm, chia sẻ nêu trên một lần nữa điều đúng đắn đã được hình thành, khẳng định, giờ đây một nhiệm vụ quan trọng đảm bảo sự phát triển báo chí là việc các báo phải giải được bài toán nguồn thu của chính mình và việc thu phí báo điện tử không phải là vấn đề nằm ngoài phạm vi lựa chọn, bởi lẽ, thu phí báo điện tử giờ đây chính là một thành phần quan trọng trong nền kinh tế của báo chí số.Và chính việc các cơ quan báo chí ứng dụng các công nghệ tài chính số sẽ góp phần tạo ra môi trường số để các cơ quan báo chí mở rộng, tạo dựng thêm các cơ hội để tương tác, đồng thời tìm kiếm sự ủng hộ, tin tưởng từ chính các độc giả, bạn đọc thân yêu.
Thu phí báo chí quốc tế và ở Việt Nam
Hiện nay, việc thu phí để xem nội dung báo điện tử là xu hướng của báo chí quốc tế thông qua nền tảng "bức tường phí" (paywall) - công cụ ngăn cách giữa nội dung và người đọc, yêu cầu người đọc phải đóng phí mới có thể đọc bài.
Financial Times (FT), một trong những tờ báo có thương hiệu nhất trên thế giới, cũng là một trong những ấn phẩm báo chí đầu tiên thực hiện tường phí. FT bắt đầu tận dụng các đăng ký trực tuyến vào năm 2002 và tiên phong triển khai mà không lùi bước. Năm 2018, tờ báo này đạt ngưỡng 1 triệu người đăng ký, một kỷ lục. Trong đó,khoảng 75% là bạn đọc đăng ký số và khoảng 70% người đọc sống bên ngoài Vương Quốc Anh.
FT làm được như vậy là vì tờ báo đã tận dụng cách tiếp cận theo hướng dữ liệu cao. Trong nhiều năm, FT đã thu thập dữ liệu về bạn đọc, sử dụng dữ liệu đó để định hình chiến lược về phạm vi bao phủ của báo và sản phẩm số.Thông qua điểm số tương tác độc quyền nổi tiếng, các nhà báo của FT có thể hiểu rõ hơn câu chuyện nào hiệu quả nhất và tại sao - điều này có thể định hình mức độ phù hợp trong tương lai và làm hài lòng cả người đăng ký báo hiện tại và tiềm năng. FT cung cấp những thông tin "nóng", còn bạn đọc thì sẵn sàng trả tiền.
Cùng triển khai tường phí, tạp chí Wired cũng cho thấy kết quả đầy hứa hẹn. Sau khi giới thiệu tường phí của mình, Wired đã tăng 300% lượng người đăng ký số. Tạp chí đã thành công khi đưa ra nhiều thử nghiệm nhỏ để xem những gì hiệu quả. Ví dụ, khi bắt đầu thử nghiệm tường phí, Wired chủ yếu đầu tư vào 3 loại nội dung mới: những câu chuyện dài (longform), luận bàn ý tưởng (idea essays)và định hướng vấn đề (issue guides). Điểm mấu chốt, theoWired, là khách hàng sẽ đăng ký đọc sau khi những câu chuyện được thực hiện tốt. Một yếu tố quan trọng khác góp phần vào việc tăng lượng người đăng ký đọc là tất cả các loại bản tin (newsletters) thích hợp.
Dagbladet, một tờ báo lớn của Na Uy thì đã tận dụng sức mạnh của tường phí cá nhân hóa trong việc thúc đẩy doanh thu số của mình. Tờ báo có khoảng 85.000 người đăng ký đọc báo số. Trong hơn 6 tháng, Dagbladet đã xây dựng thuật toán của riêng tờ báo để hiển thị nội dung được cá nhân hóa cho khách truy cập trên một số phần khác nhau của trang báo. Thuật toán tính đến các hành vi nhất định của bạn đọc như liệu bạn đọc đã đọc bài viết nhiều hơn một lần hay không và liệu bạn đọc đã đọc các bài báo tương tự hay chưa. Tờ báo cũng theo dõi cả các yếu tố như thời gian dừng để phân phát nội dung phù hợp hơn với người truy cập. Thông qua thuật toán này, Dagbladet không chỉ có thể phục vụ độc giả của mình nội dung phù hợp hơn mà còn có thể tối ưu hóa khả năng doanh thu ở phạm vi rộng nhất.
Bild, một tờ báo của Đức vượt trội trong việc tận dụng sức mạnh của video để tăng lượng bạn đọc đăng ký trực tuyến. Bild cung cấp các video dài một phút có sẵn cho tất cả mọi người nhưng đưa các câu chuyện video chuyên sâu hơn vào sau tường phí Bild Plus. Về cơ bản, Bild nhận thấy rằng, 8/10 bài báo hàng đầu có sự chuyển đổi cao nhất về đăng ký là tin bài dạng phim tài liệu video hoặc chứa video.Tuy nhiên, Bild Plus không chỉ bao gồm các video do Bildtạo mà còn các video khác được cấp phép từ các bên sản xuất video.
Tại Việt Nam, hiện VietnamPlus, báo điện tử đối ngoại quốc gia trực thuộc TTXVN, là đơn vị cơ quan báo chí đầu tiên của Việt Nam thu phí đọc nội dung trên nền tảng digital (tháng 6 năm 2018). VietnamPlus phát khoảng 5-10 bài thu phí, gồm những bài phân tích chuyên sâu, phỏng vấn độc quyền... Đơn vị sử dụng nhiều chiến lược nhằm đạt các mục tiêu như: Bản tin định kỳ, thông tin về những chủ đề chuyên biệt (chính trị, kinh tế, văn hóa, khoa học) lôi kéo thuê bao nhằm vào từng đối tượng khách hàng và nhằm vào từng nhóm khách hàng cụ thể trên Facebook, Google không qua quảng cáo để đưa nội dung đăng tải của mình đến với khách hàng mới tiềm năng. Hiện phương thức thu phí của đơn vị này được thông qua thẻ ngân hàng,ví điện tử, QR code, nộp thẻ di động…
Tài liệu tham khảo:
1. https://vov.vn/xa-hoi/pho-tbt-tap-chi-ngay-nay-ap-luc-lon-nhat-la-su-tin-tuong-cua-bandoc-847362.vov
2. http://special.vietnamplus.vn/subscription)
(Bài đăng ấn phẩm in trên Tạp chí TT&TT Số 4 tháng 4/2021)