Làm thế nào để thu hẹp khoảng cách truy cập Internet tại Indonesia?

Ngọc Diệp| 17/05/2022 10:30
Theo dõi ICTVietnam trên

Theo thống kê, khoảng 12.500 ngôi làng và khu vực trên toàn lãnh thổ Indonesia hiện chưa được kết nối Internet. Báo cáo của Ngân hàng Thế giới (WB) đã chỉ ra một số bước có thể giúp thu hẹp khoảng cách số này.

Internet có tiềm năng to lớn để tạo ra một xã hội bình đẳng và thịnh vượng hơn. Nó cho phép các doanh nghiệp (DN) nhỏ tiếp cận các thị trường trên toàn thế giới. Đây là nguồn tài liệu học tập quý giá, giúp các em học sinh ở những vùng nghèo nhất và vùng sâu vùng xa nhất có thể tiếp cận thông tin giống như trẻ em ở các thành phố. Nó tạo ra cơ hội cho các hộ gia đình nông thôn được tiếp cận các dịch vụ y tế số mọi lúc, mọi nơi. Đặc biệt, khi đại dịch COVID-19 bùng phát, nhu cầu về kết nối Internet ngày càng gia tăng ở các vùng nông thôn.

Tuy nhiên, thực tế, không phải ai cũng có thể truy cập Internet. Tại Indonesia vào năm 2019, 94 triệu người trưởng thành không thể truy cập Internet trên thiết bị di động và thậm chí rất ít người có quyền truy cập Internet băng rộng cố định. Gần 80% những người không được kết nối sinh sống tại các khu vực nông thôn của các đảo Sumatera, Java và Bali, ba hòn đảo đông dân nhất của đất nước. Ngoài ra, 60 - 70% người Indonesia sống ở khu vực phía đông của đất nước được kết nối không đầy đủ do chất lượng dịch vụ thay đổi.

Khoảng cách số của Indonesia đã làm gia tăng sự chênh lệch kinh tế - xã hội giữa các khu vực của đất nước. Báo cáo "Beyond Unicorn" của WB cho thấy, những người trẻ tuổi có khả năng truy cập Internet di động cao hơn gấp 10 lần so với những người cao tuổi. Đồng thời, những người có trình độ đại học có khả năng kết nối cao hơn gấp 5 lần so với những người có trình độ học vấn ở mức trung học cơ sở trở xuống. Ngoài ra, các trẻ em thuộc các gia đình có thu nhập thấp có khả năng truy cập Internet thấp hơn 3 lần so với trẻ em sinh ra trong các gia đình thịnh vượng nhất.

Những chênh lệch này sẽ kìm hãm sự tăng trưởng kinh tế và sẽ làm gia tăng khoảng cách xã hội tại Indonesia. Tình trạng này càng trở nên trầm trọng hơn do các điều kiện khách quan, nằm ngoài khả năng kiểm soát của cá nhân, chẳng hạn như nơi mọi người sống hoặc hoàn cảnh kinh tế của gia đình họ. Do đó, việc phá bỏ các rào cản về kết nối Internet di động ở Indonesia sẽ là yếu tố quan trọng để tất cả mọi người đều được hưởng lợi ích từ nền kinh tế số.

Một số giải pháp để thu hẹp khoảng cách truy cập Internet tại Indonesia

Làm thế nào để thu hẹp khoảng cách về truy cập Internet tại Indonesia? - Ảnh 1.

Gần một nửa số người trưởng thành ở Indonesia không sở hữu điện thoại có kết nối Internet (ví dụ: điện thoại thông minh) trước đại dịch COVID-19, tạo ra rào cản cơ bản đối với việc truy cập trực tuyến. Mặc dù giá điện thoại di động đã giảm mạnh trong những thập kỷ qua nhưng nhiều người dân vẫn không đủ khả năng chi trả. 

Một chiếc điện thoại có kết nối Internet rẻ nhất có giá tương đương với 1/5 chi phí hàng tháng của một người có thu nhập thấp. Thậm chí giá thiết bị di động còn có thể cao hơn đáng kể tại các vùng nông thôn và vùng sâu vùng xa. Ngoài giá cả, việc tiếp cận các nền tảng và dịch vụ số cũng là một hạn chế đối với nhiều người.

Đại dịch COVID-19 đã đẩy nhanh quá trình chuyển đổi số và Chính phủ Indonesia xác định đây là nội dung trọng tâm trong chương trình nghị sự nhằm cải cách quản trị đất nước. Bộ trưởng Thông tin và Truyền thông Indonesia khẳng định: "Chúng tôi sẽ tăng tỷ lệ truy cập Internet trên toàn quốc, giảm chênh lệch truy cập Internet giữa các khu vực và thiết lập kết nối Internet nhanh chóng", đồng thời cam kết tăng cường kiến thức kỹ thuật số cho công chúng, đặc biệt là các DN siêu nhỏ, nhỏ và vừa, cũng như nông dân và ngư dân".

Dựa trên những phân tích, báo cáo Beyond Unicorn đã chỉ ra một số bước có thể giúp thu hẹp khoảng cách số tại Indonesia. Đầu tiên, các nhà mạng Indonesia cần tiếp cận tốt hơn với các băng tần, vốn cần thiết để cung cấp dịch vụ mạng. Trong khi việc phân bổ phổ tần không hiệu quả sẽ hạn chế việc mở rộng vùng phủ sóng và góp phần gây tắc nghẽn mạng, thì thiếu các băng tần phù hợp sẽ cản trở việc triển khai công nghệ di động 5G. 

Các quy định của Luật Omnibus số 11/2020 về bưu chính, viễn thông và phát sóng đã áp đặt kế hoạch bắt buộc hai năm để chuyển đổi truyền hình tương tự sang kỹ thuật số để cấp phát phổ tần cho mạng 4G, chính phủ cũng có thể xem xét giải phóng băng tần trước đây được sử dụng cho truyền hình vệ tinh để giải tỏa tắc nghẽn mạng ở các khu vực đô thị.

Thứ hai, Indonesia cần đảm bảo khả năng tiếp cận với các thiết bị CNTT và truyền thông (ICT) như máy tính và điện thoại có kết nối Internet, đặc biệt là ở các khu vực nông thôn và vùng sâu, vùng xa. Bằng cách cải thiện khả năng tiếp cận thị trường số toàn cầu và mở rộng đường tiếp cận đến các ngôi làng hẻo lánh, Indonesia có thể giảm bớt sự chênh lệch giá giữa thị trường thành thị và nông thôn do chi phí hậu cần hoặc đi lại đắt đỏ. 

Ngoài ra, các chương trình giáo dục cụ thể cho các gia đình có thu nhập thấp có thể đảm bảo rằng trẻ em có thể học các kỹ năng số cần thiết nhằm giảm thiểu tình trạng "nghèo kỹ thuật số" khiến người dân không có cơ hội giao tiếp, được giáo dục, chăm sóc y tế, các dịch vụ thông tin,... và khai thác cơ hội số.

Cuối cùng, cải thiện kỹ năng số cho người dân Indonesia sẽ vẫn là ưu tiên hàng đầu để thu hẹp khoảng cách số. Đối với những người cao tuổi hoặc những người nghèo nhất, xác suất truy cập Internet tăng lên đáng kể khi trình độ học vấn được cải thiện, điều đó cho thấy mối liên hệ giữa giáo dục và ứng dụng công nghệ. 

Để gặt hái đầy đủ những tiềm năng và cơ hội số, Indonesia cần xây dựng một hệ thống giáo dục không chỉ sử dụng công nghệ số mà còn thúc đẩy các kỹ năng số và sử dụng Internet hiệu quả giữa các tầng lớp trong xã hội. Hệ thống giáo dục chính thức cũng như cộng đồng hoặc các chương trình học tập suốt đời cần phải cung cấp kiến thức số cơ bản, đặc biệt là đối với các thế hệ cũ hầu như vẫn chưa được kết nối./.

Nổi bật Tạp chí Thông tin & Truyền thông
Đừng bỏ lỡ
Làm thế nào để thu hẹp khoảng cách truy cập Internet tại Indonesia?
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO