Lắng nghe người dân hiến kế: Gỡ nút thắt dữ liệu trong số hóa y tế

Lê Ngọc Phú| 24/12/2021 11:26
Theo dõi ICTVietnam trên

Dữ liệu y tế ở nước ta nói chung và TP HCM nói riêng có nhiều nhưng bị phân tán ở các hệ thống khác nhau và thiếu tính liên kết

Chưa bao giờ việc chuyển đổi số trong lĩnh vực y tế lại diễn ra mạnh mẽ như trong đại dịch Covid-19. Chỉ trong thời gian ngắn, hàng loạt ứng dụng, giải pháp công nghệ ra đời và phát huy hiệu quả tích cực. Cũng chính thực tế chống dịch, việc triển khai số hóa trong quản lý khám - chữa bệnh cần tăng tốc nhanh hơn nữa.

Những bất cập trong quá trình số hóa y tế

Việc đẩy mạnh công nghệ thông tin, số hóa trong lĩnh vực khám - chữa bệnh phải bảo đảm thực hiện nhiệm vụ quan trọng số một hiện nay là thực hiện phòng chống dịch Covid-19 trong bệnh viện. Tuy nhiên, vì nhiều lý do, vẫn còn những bất cập như:

Thứ nhất, y tế là lĩnh vực đặc thù với kho dữ liệu khổng lồ, mỗi người dân sẽ là ô dữ liệu trong kho dữ liệu y tế chung. Việc bảo đảm an toàn bảo mật kho dữ liệu chung này được sử dụng cho toàn bộ hệ thống y tế trong cả nước là điều không dễ dàng, nhất là khi chưa có hành lang pháp lý rõ ràng về chia sẻ cơ sở dữ liệu.

Mỗi bệnh viện là một cá thể độc lập, vì vậy sẽ không có phần mềm nào có thể dùng chung cho nhiều bệnh viện, nếu có chỉ là phần khung sườn chung. Theo đó, sẽ có 5 đối tượng trong ngành y tế mà doanh nghiệp phải tiếp cận và hiểu được mới hy vọng có thể làm chuyển đổi số hiệu quả. Bao gồm đội ngũ y - bác sĩ, quản lý; các cơ quan quản lý; doanh nghiệp sản xuất trang thiết bị y tế; hệ thống máy móc, trang thiết bị y tế; cuối cùng là bệnh nhân. Chính bệnh nhân là người đánh giá, trải nghiệm dịch vụ để biết xem việc chuyển đổi số đó có thành công hay không.

Thứ hai, dữ liệu y tế về bệnh nhân rất lớn, nhiều bệnh viện buộc phải thuê ngoài do khối kỹ thuật của bệnh viện không thể phụ trách được hết. Nhân sự ngành y tế luôn là điều trăn trở mà những địa phương như TP HCM đã và đang thiếu, đặc biệt là nhân lực kỹ thuật cao.

Thứ ba, việc quản lý thời gian, lịch khám bệnh chưa hợp lý, dẫn đến việc người bệnh tập trung đi khám buổi sáng, khiến bác sĩ quá tải, dẫn đến nhiều sai sót không đáng có, người bệnh thì chờ đợi lâu. Đây là thói quen mang tính xã hội cần phải điều chỉnh và thay đổi theo hướng tận dụng hiệu quả được nguồn nhân lực lẫn trang thiết bị y tế để phục vụ người dân thật tốt.

Thứ tư, việc quản lý hồ sơ bệnh nhân chưa thành hệ thống, không liên thông giữa các bệnh viện khối trung ương, giữa trung ương và địa phương. Thậm chí hồ sơ khám bệnh bị cắt nát, lưu giữ ở các cơ sở khác nhau dẫn đến lãng phí kết quả khám nghiệm y tế.

Sau cùng, từ năm 2019, Sở Y tế TP HCM đã triển khai thử nghiệm ứng dụng "Tra cứu nơi khám chữa bệnh" trên điện thoại thông minh và máy tính bảng, với mong muốn số hóa công tác khám chữa bệnh của ngành y tế thành phố và cung cấp cho người dân biết rõ cần khám chữa bệnh ở đâu là phù hợp nhất. Tuy nhiên, 2 năm qua, tình hình dịch Covid-19 diễn biến phức tạp khiến quá trình số hóa bằng ứng dụng công nghệ thông tin ít nhiều bị "thắt cổ chai".

Lắng nghe người dân hiến kế: Gỡ nút thắt dữ liệu trong số hóa y tế - Ảnh 1.

Đăng ký khám bệnh tại Bệnh viện Nhi Đồng 1, TP HCMẢnh: Hoàng Triều

Giải pháp tăng tốc quá trình số hóa

Đầu tiên, đẩy nhanh dự án xây dựng cơ sở dữ liệu chuẩn mở, đặc biệt là cơ sở dữ liệu về người dân là một trong những dự án quan trọng mà TP HCM đang xây dựng. Đây sẽ là nền tảng dữ liệu mà các ngành nghề có thể kế thừa, bổ sung và khai thác tối đa hiệu quả. Song song là vấn đề bảo mật phải được đặt ra và đưa lên hàng đầu, vì thông tin bảo mật trong ngành y tế cũng quan trọng như tài chính - ngân hàng.

Tiếp đến, những năm gần đây, nền tảng dữ liệu phong phú và sự lớn mạnh của đội ngũ nghiên cứu có trình độ cao đã giúp các ứng dụng về trí tuệ nhân tạo (AI) ngày càng phát triển. AI đang làm thay đổi toàn bộ thế giới về mọi mặt, trong đó y tế chính là một trong các lĩnh vực có nhiều ứng dụng AI nhất, phát triển mạnh nhất, làm thay đổi bộ mặt ngành y tế. Trong xu thế phát triển chung, việc ứng dụng AI trong khám, chữa bệnh là cần thiết, phù hợp và hữu ích, góp phần nâng cao chất lượng, hiệu quả việc chẩn đoán và điều trị bệnh.

Mặt khác, dữ liệu y tế ở nước ta nói chung và TP HCM nói riêng có nhiều nhưng bị phân tán ở các hệ thống khác nhau và thiếu tính liên kết. Các cơ sở khám - chữa bệnh lưu trữ dữ liệu riêng, chưa chuẩn hóa dữ liệu hoặc lưu trữ theo phương pháp truyền thống. Việc này gây khó khăn trong việc tích hợp, liên thông và chia sẻ dữ liệu trong tương lai. Dữ liệu y tế sẽ mang lại tiềm năng phát triển đối với AI và máy móc, hoạt động khám - chữa bệnh từ xa, ứng dụng internet vạn vật và các hoạt động tự động, trợ lý ảo… Do đó, cần chuẩn hóa các hoạt động y tế khi số hóa dữ liệu để có được dữ liệu sạch, tạo cơ sở pháp lý cho việc bảo vệ, sử dụng, chia sẻ dữ liệu. Về lâu dài, cần có những chính sách đào tạo về AI và các thuật toán; đồng thời có cơ chế, chính sách rõ ràng để ứng dụng AI vào các lĩnh vực cụ thể.

Nhiều ý kiến cho rằng để có thể triển khai thành công công cuộc chuyển đổi số, cần sớm thay đổi về các quy định liên quan hồ sơ lưu trữ, phương pháp quản lý và thói quen làm việc của nhân viên và cán bộ y tế. Điều quan trọng nhất đó là sự hưởng ứng của người dân trong việc tiếp cận công nghệ mới, giúp thuận lợi và rút ngắn thời gian chờ khi có nhu cầu sử dụng các dịch vụ y tế.

Ngành y tế TP HCM, nhất là mảng khám chữa bệnh, phải hướng đến xây dựng mô hình chăm sóc sức khỏe thông minh bằng việc kết hợp giữa trí tuệ con người và công nghệ. Đây là xu hướng phát triển tất yếu của ngành y tế trong tiến trình hội nhập với nền y tế thế giới. Việc triển khai ứng dụng đăng ký khám bệnh và thanh toán trực tuyến trên website và thiết bị di động thông minh hy vọng sẽ giúp người bệnh thuận tiện và dễ dàng hơn trong việc khám, chữa bệnh. 

Mời gửi bài dự thi

Cuộc thi "Lắng nghe người dân hiến kế" lần 3 tập trung vào 3 chủ đề: 1. Các giải pháp nhằm duy trì, phục hồi và phát triển nền kinh tế đất nước sau đại dịch Covid-19; 2. Hiến kế để TP HCM giữ vững là đầu tàu kinh tế của cả nước; 3. Làm gì để chuyển đổi số thành công?

Tác phẩm tham dự cuộc thi gửi qua địa chỉ email: bandoc@nld.com.vn; chưa từng gửi đăng bất kỳ trên báo, tạp chí nào; không được gửi cho nơi khác, cuộc thi khác. Cuối tác phẩm ghi rõ tên tác giả, địa chỉ, số điện thoại, tài khoản ngân hàng.

Cơ cấu giải thưởng: 1 giải nhất 50 triệu đồng, 1 giải nhì 30 triệu đồng, 1 giải ba 20 triệu đồng và 2 giải khuyến khích: 10 triệu đồng/giải.

Nổi bật Tạp chí Thông tin & Truyền thông
Đừng bỏ lỡ
Lắng nghe người dân hiến kế: Gỡ nút thắt dữ liệu trong số hóa y tế
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO