Cách Hà Nội hơn 40km về phía tây, Làng Văn hóa - Du lịch các dân tộc Việt Nam là một phần thuộc khu du lịch Đồng Mô, Sơn Tây, Hà Nội. Đây là một dự án của Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch với tổng kinh phí đầu tư lên đến 3.200 tỷ đồng. Dự án được khởi công xây dựng từ tháng 10/1999, đến tháng 9/2010, Làng Văn hóa chính thức khai trương, mở cổng chào đón du khách gần xa.
Làng Văn hóa - Du lịch các dân tộc Việt Nam được xây dựng trên tổng diện tích 1.544 ha, thuộc thôn Đồng Mô, thị xã Sơn Tây, Hà Nội. Điểm nhấn là khu các làng dân tộc với diện tích gần 200 ha. Khu các làng có địa hình đồi, núi, thung lũng, hồ nước đan xen, mô hình bản làng truyền thống của đồng bào các dân tộc nhằm tái hiện khung cảnh thiên nhiên, văn hóa 4 cụm làng trên khắp mọi miền đất nước.
Làng Văn hoá dân tộc là nơi tái hiện những giá trị văn hoá đặc sắc của 54 dân tộc Việt Nam. Đây là điểm tham quan lý tưởng cho người dân trong nước cũng như khách du lịch quốc tế và là biểu tượng sinh động để các nước trên thế giới hiểu được chính sách dân tộc của Việt Nam, đáp ứng các nhu cầu vui chơi giải trí lành mạnh, hoạt động thể thao, dưỡng sinh, văn nghệ của khách du lịch trong nước và quốc tế.
Khu các Làng dân tộc được xây dựng thành quần thể tái hiện các cấu trúc làng, bản của các dân tộc Việt Nam với quy hoạch và kiến trúc dân gian nhằm gìn giữ, phát triển và giới thiệu các giá trị văn hóa truyền thống của cộng đồng 54 dân tộc Việt Nam..
Vào các dịp cuối tuần, các nhóm nghệ nhân đang hoạt động hằng ngày tại Làng Văn hóa sẽ giới thiệu, giao lưu văn nghệ và các loại hình nghệ thuật dân gian truyền thống như: Múa xòe, nhảy sạp, hát ví, hát dân ca, nghệ thuật hát then, đàn tính, các điệu múa chuông, múa rùa,...; tổ chức các trò chơi dân gian truyền thống; tìm hiểu văn hóa ẩm thực và thưởng thức các món ăn đặc sắc…
Các hoạt động hằng ngày, cuối tuần, chương trình du lịch homestay, trải nghiệm ẩm thực, trò chơi dân gian... nhằm giới thiệu nét văn hóa, phong tục tập quán của đồng bào, cùng các hoạt động trải nghiệm tại “Ngôi nhà chung” của cộng đồng 54 dân tộc Việt Nam vẫn diễn ra, góp phần tăng cường giao lưu giữa các dân tộc, thu hút khách du lịch đến vui chơi.
Văn hóa Việt Nam vô cùng đa dạng với nhiều sắc thái khác nhau đến từ 54 dân tộc anh em. Những hoạt động băn hóa được thường xuyên tổ chức để quảng bá, giữ gìn những phong tục và nét đẹp văn hóa truyền thống.
Tại đây, bà con mỗi vùng miền sẽ mang những sản vật đặc trưng, những điệu múa, lời ca của dân tộc mình để giao lưu với nhau và biểu diễn cho du khách cùng thường thức.
Trước đây, khi mới đi vào hoạt động, Làng Văn hóa - Du lịch các dân tộc Việt Nam đã gặp phải không ít khó khăn. Một mặt, do khó khăn trong việc vận động đồng bào các dân tộc đến làng sinh sống nên nhiều ngôi nhà bị bỏ hoang, dần dần bị cây cỏ vùi lấp. Nhiều hạng mục công trình sử dụng thiếu hiệu quả, không được cải tạo thường xuyên nên xuống cấp trầm trọng. Nhiều bức tượng gỗ bị mục nát, sân khấu nổi cỏ mọc um tùm, phần mái che bằng kính trên phía khán đài nhiều tấm bị vỡ.
Đến thời điểm hiện tại, Làng Văn hóa - Du lịch các dân tộc Việt Nam đang có những khởi sắc đáng kể. Để làng có được những thành quả như ngày hôm nay là nhờ sự quan tâm hỗ trợ của Nhà nước, sự nỗ lực của các cấp chính quyền, của cán bộ, nhân viên và sự hợp tác của người dân trong làng.
Nơi đây ngày càng có nhiều bạn trẻ các dân tộc đến sinh sống nối tiếp nhau gìn giữ văn hóa; cùng lan tỏa những cái hay, cái đẹp, giới thiệu bản sắc của dân tộc mình đến đồng bào trong nước và bạn bè quốc tế.
Làng Văn hóa - Du lịch các dân tộc Việt Nam thu hút rất đông du khách gần xa đến tham quan và trải nghiệm.
Với sự quan tâm kịp thời của Nhà nước, của Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch, của các cấp chính quyền cùng sự nỗ lực của cán bộ, nhân viên và đặc biệt là của người dân trong làng, hy vọng trong tương lai không xa Làng Văn hóa - Du lịch các dân tộc Việt Nam sẽ đón nhiều hơn nữa du khách trong và ngoài nước đến tham quan, trải nghiệm những giá trị văn hóa./.