Loạt nước châu Âu hoãn đấu giá băng tần 5G do Covid-19

Hoàng Linh| 01/04/2020 10:16
Theo dõi ICTVietnam trên

Tây Ban Nha là nước mới nhất tại châu Âu hoãn đấu giá phổ tần 5G theo kế hoạch do sự bùng phát của Covid-19.

Loạt nước châu Âu dừng đấu giá băng tần 5G do Covid-19 - Ảnh 1.

Là một phần trong nỗ lực trên toàn châu Âu để tăng tốc độ Internet và mở rộng vùng phủ sóng, Tây Ban Nha đã giải phóng dải tần mạng 700 MHz của nước này bằng cách ngừng truyền hình tương tự (analog) chuyển sang truyền hình kỹ thuật số mặt đất vào ngày 30/6/2019.

Mới đây, Tây Ban Nha đã thông báo cho Uỷ ban châu Âu biết sẽ đưa ra thời hạn mới cho việc đấu giá băng tần 700 MHz tùy thuộc vào ngày cuối cùng kết thúc các biện pháp khẩn cấp chống Covid-19, bao gồm việc hạn chế di chuyển của người dân.

Được biết, tại châu Âu, Tây Ban Nha là quốc gia bị ảnh hưởng nặng nề bởi Covid-19 sau Ý.

Trước Tây Ban Nha, theo cơ quan quản lý viễn thông RTR của Áo, nước này cũng thông báo thực hiện lùi thời hạn đấu giá tần số 5G. Truốc đó, cuộc đấu giá dự kiến diễn ra vào tháng 4 để thực hiện đấu giá các băng tần 700, 1.500 và 2.100 MHz, nhằm đáp ứng tốc độ dữ liệu cần thiết cho xe tự lái và kết nối các thiết bị, nhà máy sản xuất.

Quốc gia thứ 3 hoãn đấu giá phổ 5G do dịch Covid-19 tại châu Âu là Pháp. Cơ quan quản lý viễn thông Pháp là Arcep đã thông báo hoãn đấu giá phổ tần 5G do sự bùng phát dịch tại nước này và cho biết đại dịch đã khiến không thể thực hiện đấu giá theo dự kiến ban đầu vào tháng 4.

Tổng thống Pháp Emmanuel Macron đã ra lệnh phong tỏa trong 2 tuần từ 17/3 và dự kiến sẽ tiếp tục kéo dài.

Vào tháng 11/2019, Arcep cho biết cơ quan này sẽ dành các dải tần trong băng tần 3,4 - 3,8 GHz và tổng phân bổ phổ tần sẽ là 310 MHz. Arcep cũng cho biết việc phân bổ sẽ bao gồm 4 khối 50 MHz và phần còn lại sẽ là các khối 10 MHz.

Chính phủ Pháp trước đây cho biết đặt mục tiêu huy động ít nhất 2,17 tỷ euro (2,38 tỷ USD) từ việc đấu giá phổ tần.

Thomas Reynaud, Giám đốc điều hành của nhà mạng Iliad của Pháp, cho biết nhà mạng này đã được thông báo hoãn tham gia đấu giá, nhưng điều đó không làm thay đổi kế hoạch sẵn sàng thương mại hóa 5G vào cuối năm nay.

4 nhà mạng khác của Pháp là Orange, SFR, Iliad và Bouygues đều sẽ tham gia phiên đấu giá 5G sắp tới.

 Arcep yêu cầu mỗi nhà mạng phải triển khai dịch vụ 5G tại ít nhất hai thành phố trước cuối năm 2020. Mỗi nhà mạng phải triển khai 3.000 trạm gốc vào năm 2022, 8.000 trạm vào năm 2024 và 10.500 trạm vào năm 2025. Tất cả các trạm gốc phải đáp ứng các dịch vụ 5G sử dụng các tần số trong băng tần 3,4 - 3,8 GHz hoặc các băng tần khác.

Arcep cũng nhấn mạnh rằng cơ quan này đang đề xuất 25% các trạm gốc băng tần 3,4 - 3,8 GHz trong hai giai đoạn cuối phải được đặt tại các khu vực dân cư thưa thớt, đáp ứng hoạt động kinh tế, đặc biệt là sản xuất, ngoài các khu vực đô thị lớn.

Đến năm 2022, ít nhất 75% các trạm gốc phải có khả năng đáp ứng các tốc độ thấp nhất 240 Mb/giây/mỗi trạm, theo các tiêu chuẩn kỹ thuật ban đầu của Arcep.

Các điều kiện của Arcep cũng quy định nghĩa vụ đối với các nhà mạng triển khai 5G trong việc cung cấp vùng phủ sóng trên các tuyến đường khắp nước Pháp.

Mỹ hoãn đấu giá băng 3,5 GHz

Không chỉ các nước châu Âu hoãn đấu giá băng tần cho 5G do Covid-19, Ủy ban Truyền thông Liên bang Mỹ (FCC) đã đẩy lùi ngày bắt đầu cho phiên đấu giá phổ tần 3,5 GHz khoảng một tháng. Các hồ sơ đăng ký tham gia sẽ được lùi đến ngày 7/5 thay vì ngày 9/4, với dự kiến bắt đầu đấu giá vào ngày 23/7, thay vì ngày dự kiến bắt đầu vào ngày 25/6.

Các quan chức cho rằng việc lùi thời hạn là cần thiết "để bảo vệ sức khỏe và sự an toàn của nhân viên Ủy ban và cho phép các bên có thêm thời gian để chuẩn bị".

Chủ tịch của FCC, Ajit Pai, cho biết thêm trong một tuyên bố rằng FCC vẫn cam kết tiến lên phía trước mặc dù có những trở ngại, và trông đợi cuộc đấu giá quan trọng này.

Đây là lần đấu giá đầu tiên ở Mỹ để cung cấp phổ tần cho các nhà mạng 5G, cung cấp tổng cộng 22.631 giấy phép. Mỗi khu vực địa lý sẽ có khoảng 7 giấy phép. Phổ tần sẽ được bán theo khối 10 MHz, với các nhà thầu được phép giữ tối đa 4 giấy phép trong một khu vực nhất định.

Dự kiến, trong năm 2020, FCC sẽ tổ chức ít nhất hai phiên đấu giá băng tần trung, trong đó việc đấu giá phổ tần băng C (3,7GHz – 4,2GHz) dự kiến vào tháng 12/2020.

Băng tần 3,5 GHz được chỉ định là phổ tần dùng chung không phải cấp phép ở Mỹ, đã được mở để sử dụng cho mục đích thương mại vào tháng 1.

Nổi bật Tạp chí Thông tin & Truyền thông
  • 5G và những thay đổi toàn diện trong xây dựng thành phố thông minh
    Với tốc độ cực cao, độ trễ cực thấp, băng thông rộng và kết nối mật độ cực lớn, 5G là hạ tầng cốt lõi hỗ trợ toàn diện cho sự đổi mới và phát triển của thành phố thông minh trên tất cả các lĩnh vực, tác động tích cực vào công tác xây dựng và quản lý thành phố, tạo ra một môi trường sống tiện nghi, bền vững và an toàn hơn bao giờ hết.
  • ĐMST mở xã hội mang lại cho 90% doanh nghiệp cơ hội tạo giá trị kinh doanh bền vững
    Theo bà Nguyễn Phương Linh, Viện trưởng Viện MSD, hơn 90% các doanh nghiệp cho rằng đổi mới sáng tạo (ĐMST) mở xã hội mang lại cho doanh nghiệp cơ hội tạo ra giá trị kinh doanh bền vững, tác động tích cực đến xã hội và môi trường.
  • ‏FPT đẩy mạnh phát triển giải pháp low-code tại thị trường Hàn Quốc‏
    ‏Mới đây, FPT vừa ký kết thỏa thuận hợp tác ba năm với OutSystems, chính thức trở thành đối tác phân phối và triển khai tại thị trường Hàn Quốc, đảm bảo thời gian ra mắt phần mềm của khách hàng được rút ngắn và tối ưu chi phí.
  • Người giữ bình yên nơi vùng cao
    Huyện Sơn Động là huyện vùng cao của tỉnh Bắc Giang, có tỷ lệ người dân tộc thiểu số (DTTS) cao nhất tỉnh, chiếm 56,92%, với địa hình rừng núi, giao thông đi lại khó khăn, phong tục tập quán, bản sắc văn hóa đa dạng chính vì vậy công tác đảm bảo an ninh trật tự ở các bản làng luôn là nhiệm vụ được các cấp ủy Đảng quan tâm. Do đó, đội ngũ già làng, trưởng bản, người uy tín luôn là đội ngũ nòng cốt góp phần xây dựng khối đại đoàn kết dân tộc, giữ gìn an ninh trật tự xã hội trong cộng đồng.
  • Tuyên Quang: Kiên trì phương châm “mưa dầm thấm lâu” để nâng cao kiến thức pháp luật cho đồng bào vùng DTTS&MN
    Với phương châm “mưa dầm thấm lâu”, những năm qua, các cấp chính quyền tỉnh Tuyên Quang đã đa dạng hoá các hình thức tuyên truyền, góp phần giúp các kiến thức pháp luật về mọi mặt của đời sống ngày một đến gần hơn với người dân (đặc biệt là vùng đồng bào DTTS&MN).
Đừng bỏ lỡ
Loạt nước châu Âu hoãn đấu giá băng tần 5G do Covid-19
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO