Nguyên nhân của tình trạng này một phần do thu nhập kinh tế của người dân còn thấp nên chưa đủ điều kiện để xây dựng nhà tiêu hợp vệ sinh. Do đó, việc lựa chọn mô hình nhà tiêu hợp vệ sinh phù hợp với điều kiện là rất quan trọng.
Nhà tiêu tự hoại là công trình vệ sinh đảm bảo sạch sẽ, vệ sinh môi trường tốt nhất hiện nay. Ảnh Quốc Huy
Theo kỹ sư Phạm Trung Tính, một chuyên gia trong lĩnh vực nước sạch và vệ sinh môi trường, hiện có một số mô hình nhà tiêu hợp vệ sinh dễ xây dựng để người dân lựa chọn cho phù hợp. Trong đó, với những gia đình có điều kiện, thì mô hình nhà tiêu tự hoại có thể thực hiện hầu hết ở mọi nơi vùng nông thôn.
Để xây nhà tiêu tự hoại, cần thiết phải xây bể phốt. Theo đó, thông thường thể tích của bể phốt cho một gia đình có 5 - 7 người khoảng 2m3, được chia làm 2 - 3 ngăn (có thể xây gạch, đỗ ống buy tròn bằng bê tông,...), trong đó 1 ngăn chứa, 1 ngăn lắng. Phần nổi trên mặt đất cao 40cm và hơi nghiêng về phía sau.
Ngăn chứa có 1 ống thông hơi đường kính sử dụng từ 27mm hoặc 34mm, phía trên ống nên gắn cút chữ T, cao hơn mái nhà khoảng 30 - 40cm. Hai đầu ngăn chứa có 2 hố ga (nắp kiểm tra) dành để lấy phân nhưng luôn được trát kín. Giữa ngăn chứa và ngăn lắng thông với nhau bằng cút chữ L đặt ngược, đường kính 90mm hoặc 114mm.
Ưu điểm của mô hình này là rất sạch sẽ hợp vệ sinh; không có ruồi, nhặng; sử dụng thuận tiện. Tuy nhiên, nhược điểm là giá thành cao, Do đó, người dân có thể lựa chọn mô hình nhà vệ sinh di động tiêu thấm dội nước.
Mô hình nhà tiêu thấm dội nước phải đặt ở vị trí cách nguồn nước (như giếng, kênh, rạch, mương,...) ít nhất 10m, có thể xây 1 hoặc 2 bể chứa phân tuỳ từng gia đình, mỗi bể có thể tích khoảng 1 m3. Đào hố sâu 1,2 m, chiều rộng và chiều dài khi xây thành còn để cách vách đất từ 5-10 cm để chèn một lớp cát xung quanh làm tăng khả năng lọc cho bể. Đáy bể chứa không xây. Các thành bể xây bỏ trống nhiều lỗ thấm, nếu là 2 bể thì vách ngăn giữa hai bể không để lỗ thấm mà để một rãnh hở bằng 1/2 viên gạch sát ngay dưới tấm đan nắp bể. Thành bể xây cao hơn mặt đất khoảng 20 cm để ngăn nước mưa tràn vào bể.
Bệ xí và nhà che mưa nắng có thể đặt trực tiếp trên hố chứa phân hoặc đặt trên nền đất. Bệ xí có ống xi phông để tạo nút nước và ống dẫn phân đổ vào bể. Hố phân có 1 ống thông hơi đường kính sử dụng từ 27 mm hoặc 34 mm, phía trên ống nên gắn cút chữ T, cao hơn mái nhà khoảng 30-40 cm.
Mô hình này có ưu điểm ít có mùi hôi thối, do đó không hấp dẫn ruồi nhặng; tốn ít nước dội, và có thể dùng nước tắm giặt để dội. Kỹ thuật xây dựng đơn giản, giá thành rẻ. Bên cạnh đó, người dân có thể tham khảo thêm mô hình nhà vệ sinh công cộng tiêu đào có ống thông hơi.
Để xây dựng nhà vệ sinh công cộng tiêu đào có ống thông hơi cần phải đào hố chứa sâu 1,5-2 m, đường kính hố từ 0,8-1,2 m. Miệng hố xây cao hơn mặt đất 30-40 cm để tránh nước mưa tràn vào. Mặt bệ bằng bê tông cốt sắt dày 5cm hoặc ván gỗ, có tạo rảnh thoát nước tiểu riêng (chôn lấp hoặc đổ đúng nơi quy định).Lỗ tiêu có đường kính 16cm, có nắp đậy kín với tay cầm an toàn, thuận tiện. Máng dẫn nước tiểu ra ngoài có độ dốc vừa phải. Có xô (sọt) đựng tro hoặc đất bột.
Lưu ý,khi xây cần có ống thông hơi đường kính 60-90 mm, đặt cao hơn mái nhà 40cm, đầu trên có cút chữ T và lưới chắn ruồi. Ưu điểm của mô hình nhà vệ sinh này là dễ làm, giá thành rẻ nhất và dễ sử dụng, bảo quản…