Lừa đảo công nghệ cao dịp cuối năm: Chuyên gia khuyến cáo người dân điều gì?

Hồng Quân| 06/01/2022 14:33
Theo dõi ICTVietnam trên

Với tình hình dịch bệnh phức tạp, các hình thức giao dịch online, thương mại điện tử được dịp bùng nổ. Tuy nhiên đây cũng là cơ hội cho tội phạm công nghệ cao lợi dụng công nghệ cao để lừa đảo, chiếm đoạt tài sản.

Các hình thức lừa đảo sử dụng công nghệ cao phổ biến

1. Giả mạo hoặc chiếm quyền điều khiển tài khoản mạng xã hội của người dùng, sau đó nhắn tin lừa đảo bạn bè của họ

Tội phạm giả mạo là chủ tài khoản để liên hệ thân nhân, bạn bè của các chủ tài khoản mạng xã hội này để xin tiền, mượn tiền, nhờ mua giúp thẻ cào điện thoại, mở giúp tài khoản ngân hàng... với mục đích lừa đảo chiếm đoạt tiền. Sau đó, chúng sử dụng các tài khoản ngân hàng (nhờ mở giúp) vào các hoạt động phạm tội khác.

2. Lừa đảo qua dịch vụ VoIP mạo danh cơ quan thực thi pháp luật, cơ quan nhà nước, tổ chức chính phủ

Tội phạm thực hiện hành vi lừa đảo dưới hình thức giả danh cán bộ của các cơ quan thực thi pháp luật, cơ quan nhà nước, tổ chức chính phủ. Tội phạm giả danh nhân viên nhà mạng, lừa đảo chủ thuê bao điện thoại di động để lấy mã OTP (mật khẩu bảo vệ cho các tài khoản thanh toán ngân hàng điện tử, thanh toán trực tuyến…) của chủ sử dụng để đăng nhập vào các ví điện tử (Momo, Zalo Pay, VnMart…) để chiếm đoạt tiền.

3. Lừa đảo chiếm đoạt tài sản thông qua hình thức kinh doanh đa cấp, tiền ảo thông qua các sàn giao dịch ảo

Các sàn giao dịch này thường do một nhóm đối tượng ẩn danh tổ chức hoạt động, không có đăng ký kinh doanh, không có trụ sở tại Việt Nam hay người đứng đầu cụ thể và cũng không kinh doanh các sản phẩm mà hình thức đầu tư tài chính, giao dịch mà người mua sẽ đưa ra dự đoán xu hướng tăng hoặc giảm của các loại tài sản như hàng hóa, tiền tệ, cổ phiếu, chỉ số tại thời điểm dự đoán.

Lừa đảo công nghệ cao dịp cuối năm: Chuyên gia khuyến cáo người dân điều gì? - Ảnh 1.

Nhiều sàn giao dịch ảo bị các đối tượng thao túng nhằm thực hiện hành vi lừa đảo.

Tuy nhiên, thực tế các đối tượng sử dụng kỹ thuật để can thiệp vào hệ thống xử lý lệnh giao dịch, điều khiển các tài khoản của người chơi, nhằm mục đích chiếm đoạt tài sản của các nhà đầu tư tham gia vào các sàn giao dịch.

4. Lừa đảo chiếm đoạt tài sản thông qua mạng xã hội kết bạn, xây dựng tình cảm và hứa hẹn gửi quà có giá trị

Qua mạng xã hội facebook, đối tượng giới thiệu là người nước ngoài kết bạn, làm quen với các phụ nữ Việt Nam nhằm tán tỉnh, yêu đương, đề nghị chuyển quà như: trang sức, mỹ phẩm và số lượng lớn tiền USD qua đường hàng không về Việt Nam để làm quà tặng, tiếp theo giả danh nhân viên sân bay yêu cầu nạn nhân chuyển tiền vào tài khoản ngân hàng cho chúng để làm thủ tục nhận hàng nhằm thực hiện hành vi lừa đảo chiếm đoạt tài sản.

5. Lừa đảo chiếm đoạt tài sản thông qua hoạt động thương mại điện tử

Cùng với việc đánh cắp các thông tin tài khoản của người dùng trên mạng xã hội thì thủ đoạn lừa đảo bán hàng online là một phương thức mà các đối tượng hiện nay sử dụng khá phổ biến. Với thủ đoạn này, các đối tượng mở các trang cá nhân bán hàng online để rao bán các mặt hàng trên mạng xã hội (Facebook, Zalo…); khi có người có nhu cầu mua hang, các đối tượng sẽ yêu cầu người mua hàng chuyển khoản trước tiền đặt cọc.

Sau khi nhận được tiền đặt cọc hay tiền chuyển khoản trước để đặt mua hàng, đối tượng không giao hàng hoặc giao hàng giả, sau đó khóa trang mạng của mình, bỏ số liên lạc để xóa bỏ dấu vết và chiếm đoạt số tiền mà các nạn nhân đã chuyển trước đó.

6. Lừa đảo chiếm đoạt tài sản thông qua dịch vụ OTT thông báo trúng thưởng

Các đối tượng thường lập các website trúng thưởng, gửi tin nhắn qua phần mềm nhắn tin OTT như: Facebook, Zalo, Viber… thông báo cho chủ tài khoản đã trúng thưởng tài sản, hiện vật có giá trị lớn, đề nghị nạp tiền phí để nhận thưởng.

Lừa đảo công nghệ cao dịp cuối năm: Chuyên gia khuyến cáo người dân điều gì? - Ảnh 2.

Đánh vào lòng tham của nhiều người, các đối tượng lừa đảo nhắn tin thông báo trúng thưởng cực lớn.

Chúng thường yêu cầu nạn nhân nạp tiền thông qua mua mã thẻ điện thoại, thẻ game hoặc chuyển tiền sang các tài khoản trung gian sau đó chiếm đoạt.

7. Lừa đảo thông qua hình thức tuyển dụng lao động

Thời gian gần đây, lợi dụng nhu cầu tìm kiếm việc làm của người lao động, các đối tượng xấu đã gửi các tin nhắn, cuộc gọi tới người dân với nội dung tuyển dụng việc làm. Trước những lời chào mời hấp dẫn với mức lương khủng như trên, người dân nếu truy cập theo các địa chỉ trang web như trong cuộc gọi hoặc đường link trong tin nhắn thì rất có thể sẽ bị đánh cắp thông tin cá nhân, thông tin ngân hàng hoặc bị lôi kéo nộp các khoản tiền vô lý.

Lừa đảo công nghệ cao dịp cuối năm: Chuyên gia khuyến cáo người dân điều gì? - Ảnh 3.

Một tin nhắn mời gọi tuyển dụng với thu nhập cực cao. Ảnh: HQ

8. Lừa đảo thông qua hình thức cho vay tiền nóng

Các đối tượng còn sử dụng lừa đảo bằng hình thức cho vay tiền (qua App, gọi điện thoại trực tiếp cho bị hại hoặc đăng thông tin cho vay lên mạng Internet, mạng xã hội và cung cấp số điện thoại để bị hại liên hệ). Đối tượng lừa đảo đưa ra thủ tục vay tiền đơn giản là chỉ cần chụp hình người vay, ảnh chứng minh nhân dân, cung cấp tài khoản ngân hàng của người vay, số điện thoại của người thân hoặc tải và cài đặt các App vay tiền do chúng cung cấp. Khi người vay không có tiền trả nợ đến hạn, chúng gây áp lực đối với người thân của con nợ để buộc trả tiền.

Có nhiều trường hợp, đối tượng yêu cầu người vay chuyển tiền cho chúng nhiều lần, với lý do là để đảm bảo hồ sơ vay, tài khoản yêu cầu vay cần phải điều chỉnh (tốn phí); khi người vay chuyển tiền xong theo yêu cầu của đối tượng thì chúng cắt đứt liên lạc (người có nhu cầu vay bị mất tiền, trong khi chưa nhận được tiền vay).

9. Đánh cắp thông tin cá nhân, lừa đảo qua thư điện tử

Chủ yếu do các đối tượng người nước ngoài thực hiện như: Nigeria, Nam Phi… Chúng sử dụng các biện pháp kĩ thuật giả mạo, xâm nhập, chiếm quyền điều khiển email của các doanh nghiệp, cá nhân kinh doanh, thanh toán tiền với các đối tác nước ngoài, thường tập trung vào các doanh nghiệp vừa và nhỏ tại các địa phương, không có bộ phận quản trị mạng chuyên trách, kiến thức bảo mật chưa cao để lừa đảo

Tinh vi hơn, các đối tượng gửi thư điện tử đến các nạn nhân với nội dung: "Yêu cầu xác thực tài khoản ngân hàng, nếu không thực hiện xác thực theo đường link đối tượng cung cấp trong vòng 24h tài khoản ngân hàng sẽ bị tạm khoá".

Nhiều nạn nhân đã tin tưởng vào email dạng này, sau khi truy cập vào đường link sẽ được điều hướng đến một trang website giả mạo có giao diện giống hệt trang chủ của Ngân hàng, đối tượng sẽ yêu cầu nạn nhân nhập thông tin đăng nhập InternetBanking, cung cấp mã xác thực bảo mật OTP, từ thao tác này các đối tượng sẽ có được thông tin cá nhân và truy cập của người bị hại.

Chuyên gia khuyến cáo người dân cần hết sức cảnh giác

Trao đổi với phóng viên Dân Việt, ông Trương Đức Lượng - CEO Công ty An ninh mạng Việt Nam (VSEC) cho biết, người dùng nên cẩn thận và tuyệt đối không để lộ các thông tin cá nhân quan trọng như ảnh chụp chứng minh thư, căn cước công dân, mật khẩu tài khoản trực tuyến/ngân hàng.

Lừa đảo công nghệ cao dịp cuối năm: Chuyên gia khuyến cáo người dân điều gì? - Ảnh 4.

Ông Trương Đức Lượng có vài lời khuyên vô cùng hữu ích cho người dùng internet. Ảnh NVCC

Các đối tượng xấu thu thập, khai thác thông tin khi người dùng mạng Internet cung cấp thông tin cá nhân để mua hàng, tham gia giao dịch thương mại điện tử; từ các chiêu trò quảng cáo bán hàng hay "bẫy quảng cáo" trên các Website; việc đăng ký thông tin cá nhân trên các tài khoản mạng xã hội Facebook, Zalo, Telegram, Uber… và có thể từ tất cả các ứng dụng không chính thống, không có bảo mật thông tin.

Đặc biệt, trong bối cảnh tình hình dịch bệnh Covid 19, người dân sử dụng mạng xã hội với tần suất lớn trong thời gian rảnh rỗi và nhiều người có nhu cầu về tài chính; biết được đặc điểm, nhu cầu này, nhiều tổ chức tài chính không hợp pháp đã quảng cáo, lôi kéo, mời chào bị hại tham gia và cũng đã có nhiều trường hợp mắc bẫy "vay tín chấp" với mức lãi suất kiểu "tín dụng đen" mà không thoát ra được.

Ông Trương Đức Lượng cũng đưa ra lời khuyên cho người dân nhằm tránh bị lợi dụng, lừa đảo bởi tội phạm công nghệ cao trong dịp cận Tết: "Người dân cần cân nhắc kĩ khi cung cấp thông tin vào các trang mạng: Nhìn, kiểm tra địa chỉ website đúng chuẩn, khi chat thì nhìn đúng tên người dùng và không gửi thông tin cá nhân cho những người lạ. Khi chuyển tiền thì chú ý cần xác minh qua nhiều kênh (ví dụ như khi chat zalo nhận được đề nghị chuyển tiền thì xác minh thêm qua kênh gọi điện trực tiếp).

Trong trường hợp bị lừa đảo, ngay khi phát hiện những dấu hiệu bất thường phải có ý thức tự bảo vệ như thực hiện đổi mật khẩu tài khoản, thông báo cho bạn bè, người thân biết việc tài khoản riêng của mình có thể bị xâm nhập trái phép để tránh bị lừa đảo; Nhanh chóng đến cơ quan công an gần nhất để trình báo trong trường hợp bị chiếm đoạt tài sản./.

Nổi bật Tạp chí Thông tin & Truyền thông
  • 5G và những thay đổi toàn diện trong xây dựng thành phố thông minh
    Với tốc độ cực cao, độ trễ cực thấp, băng thông rộng và kết nối mật độ cực lớn, 5G là hạ tầng cốt lõi hỗ trợ toàn diện cho sự đổi mới và phát triển của thành phố thông minh trên tất cả các lĩnh vực, tác động tích cực vào công tác xây dựng và quản lý thành phố, tạo ra một môi trường sống tiện nghi, bền vững và an toàn hơn bao giờ hết.
  • ĐMST mở xã hội mang lại cho 90% doanh nghiệp cơ hội tạo giá trị kinh doanh bền vững
    Theo bà Nguyễn Phương Linh, Viện trưởng Viện MSD, hơn 90% các doanh nghiệp cho rằng đổi mới sáng tạo (ĐMST) mở xã hội mang lại cho doanh nghiệp cơ hội tạo ra giá trị kinh doanh bền vững, tác động tích cực đến xã hội và môi trường.
  • ‏FPT đẩy mạnh phát triển giải pháp low-code tại thị trường Hàn Quốc‏
    ‏Mới đây, FPT vừa ký kết thỏa thuận hợp tác ba năm với OutSystems, chính thức trở thành đối tác phân phối và triển khai tại thị trường Hàn Quốc, đảm bảo thời gian ra mắt phần mềm của khách hàng được rút ngắn và tối ưu chi phí.
  • Người giữ bình yên nơi vùng cao
    Huyện Sơn Động là huyện vùng cao của tỉnh Bắc Giang, có tỷ lệ người dân tộc thiểu số (DTTS) cao nhất tỉnh, chiếm 56,92%, với địa hình rừng núi, giao thông đi lại khó khăn, phong tục tập quán, bản sắc văn hóa đa dạng chính vì vậy công tác đảm bảo an ninh trật tự ở các bản làng luôn là nhiệm vụ được các cấp ủy Đảng quan tâm. Do đó, đội ngũ già làng, trưởng bản, người uy tín luôn là đội ngũ nòng cốt góp phần xây dựng khối đại đoàn kết dân tộc, giữ gìn an ninh trật tự xã hội trong cộng đồng.
  • Tuyên Quang: Kiên trì phương châm “mưa dầm thấm lâu” để nâng cao kiến thức pháp luật cho đồng bào vùng DTTS&MN
    Với phương châm “mưa dầm thấm lâu”, những năm qua, các cấp chính quyền tỉnh Tuyên Quang đã đa dạng hoá các hình thức tuyên truyền, góp phần giúp các kiến thức pháp luật về mọi mặt của đời sống ngày một đến gần hơn với người dân (đặc biệt là vùng đồng bào DTTS&MN).
Đừng bỏ lỡ
Lừa đảo công nghệ cao dịp cuối năm: Chuyên gia khuyến cáo người dân điều gì?
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO