Ảnh minh họa (nguồn: Internet) |
Với Luật Báo chí sửa đổi, bổ sung năm 1999, quyền tự do báo chí, quyền tự do ngôn luận trên báo chí là một trong các cơ sở, một trong các yếu tố bảo đảm xây dựng “quy định chế độ báo chí”. Với Luật Báo chí năm 2016 (có hiệu lực từ ngày 1-1-2017), việc khẳng định quyền tự do báo chí, quyền tự do ngôn luận trên báo chí đã được xây dựng thành điều luật cụ thể, đó là: “Điều 1. Phạm vi Điều chỉnh: Luật này quy định về quyền tự do báo chí, quyền tự do ngôn luận trên báo chí của công dân; tổ chức và hoạt động báo chí; quyền và nghĩa vụ của cơ quan, tổ chức, cá nhân tham gia và có liên quan đến hoạt động báo chí; quản lý nhà nước về báo chí”. Đây là một điểm mới, một bước tiến quan trọng để luật hóa quyền tự do báo chí, quyền tự do ngôn luận trên báo chí; từ đó xác lập các nội dung luật pháp tương ứng nhằm vừa tạo điều kiện, vừa bảo đảm để quyền tự do báo chí, quyền tự do ngôn luận trên báo chí được tổ chức, quản lý một cách dân chủ, công bằng, văn minh, phù hợp với yêu cầu của tiến trình xây dựng, phát triển đất nước.
Điểm mới và bước tiến trên đây chính là cụ thể hóa một nội dung quan trọng của Hiến pháp nước CHXHCN Việt Nam đã được Quốc hội nước CHXHCN Việt Nam khóa XIII thông qua ngày 28-11-2013 tại Kỳ họp thứ 6, được khẳng định tại Điều 25: “Công dân có quyền tự do ngôn luận, tự do báo chí, tiếp cận thông tin, hội họp, lập hội, biểu tình. Việc thực hiện các quyền này do pháp luật quy định”. Với tính cách “luật cơ bản” của quốc gia, Hiến pháp là cơ sở để xây dựng, ban hành các luật, pháp lệnh, nghị quyết, các văn bản thuộc hệ thống pháp luật Nhà nước. Như vậy, sự ra đời Luật Báo chí năm 2016 (cũng như các Luật Báo chí ban hành trước đó) đều dựa trên một nội dung quan trọng của Hiến pháp. Nội dung này hoàn toàn tương thích với các điều ước quốc tế mà Nhà nước Việt Nam tham gia ký kết. Như: Điều 19 Tuyên ngôn quốc tế nhân quyền Liên hợp quốc (Tuyên ngôn) khẳng định: “Mọi người đều có quyền tự do ngôn luận và bày tỏ ý kiến. Quyền này bao gồm sự tự do giữ quan điểm không có sự can thiệp và sự tự do tìm kiếm, tiếp nhận, chia sẻ những ý tưởng và thông tin bằng bất kỳ phương tiện truyền thông nào và không có biên giới”, đồng thời khoản 2 Điều 29 Tuyên ngôn cũng khẳng định: “Trong khi thực hiện các quyền và quyền tự do cho cá nhân mọi người chỉ phải tuân thủ các hạn chế do luật định nhằm mục đích duy nhất là bảo đảm việc thừa nhận, tôn trọng đối với các quyền và quyền tự do của những người khác, đáp ứng được những đòi hỏi chính đáng về đạo đức, trật tự công cộng, phúc lợi chung trong một xã hội dân chủ”; hoặc khoản 2 Điều 19 Công ước Quốc tế về các quyền dân sự và chính trị của Liên hợp quốc (Công ước) khẳng định: “Mọi người đều có quyền tự do phát biểu quan điểm; quyền này bao gồm quyền tự do tìm kiếm, tiếp nhận, và phổ biến mọi tin tức và ý kiến bằng truyền khẩu, bút tự hay ấn phẩm, dưới hình thức nghệ thuật, hay bằng mọi phương tiện truyền thông khác, không kể biên giới quốc gia”, đồng thời khoản 3 Điều 19 Công ước cũng khẳng định: “Việc hành xử quyền tự do phát biểu quan điểm (ghi ở khoản 2 nói trên) đòi hỏi đương sự phải có các bổn phận, trách nhiệm đặc biệt. Quyền này chỉ có thể bị giới hạn bởi pháp luật vì nhu cầu: a. Tôn trọng các quyền tự do và thanh danh của người khác; b. Bảo vệ an ninh quốc gia, trật tự công cộng, sức khỏe công cộng hay đạo lý”.
Như vậy, Hiến pháp nước CHXHCN Việt Nam cùng Tuyên ngôn, Công ước đều khẳng định quyền tự do ngôn luận của công dân, đồng thời thống nhất nguyên tắc coi thực hiện quyền tự do ngôn luận của công dân phải do “pháp luật quy định”, “phải tuân thủ những hạn chế do luật định”, “có thể bị giới hạn bởi pháp luật”. Vì thế tự do ngôn luận là một quyền hiến định, do Hiến pháp đặt ra và không thể thay đổi. Trong lĩnh vực báo chí, khẳng định quyền tự do báo chí và quyền tự do ngôn luận trên báo chí là một mặt của vấn đề, mặt khác là phải xây dựng, ban hành các điều luật bảo đảm những quyền này được thực hiện một cách dân chủ, phù hợp với yêu cầu ổn định và phát triển xã hội, có tác động tích cực đến sự phát triển của con người. Chương II Luật Báo chí năm 2016 đưa ra những quy định cụ thể. Nếu Điều 10 quy định công dân có quyền tự do báo chí, với nội dung chủ yếu: sáng tạo tác phẩm báo chí; cung cấp thông tin cho báo chí; phản hồi thông tin trên báo chí; tiếp cận thông tin báo chí; liên kết với cơ quan báo chí thực hiện sản phẩm báo chí; in, phát hành báo in, thì Điều 11 quy định công dân có quyền tự do ngôn luận trên báo chí, thể hiện qua nội dung chủ yếu: phát biểu ý kiến về tình hình đất nước và thế giới; tham gia ý kiến xây dựng và thực hiện đường lối, chủ trương, chính sách của Đảng, pháp luật của Nhà nước; góp ý kiến, phê bình, kiến nghị, khiếu nại, tố cáo trên báo chí đối với các tổ chức của Đảng, cơ quan nhà nước, tổ chức chính trị - xã hội, tổ chức chính trị xã hội - nghề nghiệp, tổ chức xã hội, tổ chức xã hội - nghề nghiệp và các tổ chức, cá nhân khác. Và Điều 12 đề cập trách nhiệm của cơ quan báo chí, với nội dung chủ yếu: đăng, phát kiến nghị, phê bình, tin, bài, ảnh, tác phẩm báo chí khác của công dân phù hợp với tôn chỉ, mục đích...; trường hợp không đăng, phát phải trả lời, nêu rõ lý do khi có yêu cầu; trả lời hoặc yêu cầu tổ chức, người có thẩm quyền trả lời bằng văn bản hoặc trả lời trên báo chí về kiến nghị, khiếu nại, tố cáo của công dân gửi đến. Đồng thời Điều 13 quy định trách nhiệm của Nhà nước với quyền tự do báo chí, quyền tự do ngôn luận trên báo chí của công dân qua nội dung chủ yếu: Nhà nước tạo điều kiện thuận lợi để công dân thực hiện các quyền này và để báo chí phát huy đúng vai trò của mình; báo chí, nhà báo hoạt động trong khuôn khổ pháp luật và được Nhà nước bảo hộ; không ai được lạm dụng quyền tự do báo chí, quyền tự do ngôn luận trên báo chí để xâm phạm lợi ích của Nhà nước, quyền và lợi ích hợp pháp của tổ chức và công dân; báo chí không bị kiểm duyệt trước khi in, truyền dẫn và phát sóng.
Cùng với việc mở rộng đối tượng được phép thành lập cơ quan báo chí, đưa ra quy định mới về liên kết trong hoạt động báo chí, với các quy định về quyền tự do báo chí và quyền tự do ngôn luận trên báo chí của công dân, Luật Báo chí năm 2016 thật sự là bước tiến rất quan trọng của Nhà nước Việt Nam trong khi vừa bảo đảm quyền tự do ngôn luận trong xã hội, vừa hoàn thiện hệ thống luật pháp để bảo đảm các quyền này. Tuy nhiên, quyền tự do ngôn luận nói chung, quyền tự do báo chí và quyền tự do ngôn luận trên báo chí nói riêng, không phải là các quyền không có giới hạn, mà như đã trình bày ở phần trên, Hiến pháp nước CHXHCN Việt Nam và các văn bản liên quan của Liên hợp quốc đều đặt các quyền này trong khuôn khổ pháp luật, và bị giới hạn trong các nguyên tắc không được gây hại, không được xúc phạm, không được xung đột với các quyền khác của Nhà nước, của công dân,... Thí dụ, trong khi thực hiện quyền tự do báo chí, quyền tự do ngôn luận trên báo chí nói riêng, công dân phải tuân thủ Điều 15 Hiến pháp nước CHXHCN Việt Nam, trong đó khoản 2 khẳng định: “Mọi người có nghĩa vụ tôn trọng quyền của người khác” và khoản 4 khẳng định: “Việc thực hiện quyền con người, quyền công dân không được xâm phạm lợi ích quốc gia, dân tộc, quyền và lợi ích hợp pháp của người khác”. Và đó là cơ sở để Điều 9 Luật Báo chí năm 2016 có quy định cụ thể về các hành vi bị nghiêm cấm trong hoạt động báo chí để hạn chế các hành vi lạm quyền của báo chí, sử dụng báo chí đăng tải nội dung xấu độc, tiêu cực, làm phương hại đến Nhà nước, nhân dân, tổ chức xã hội, lịch sử dân tộc, chủ quyền của đất nước, quan hệ quốc tế, tín ngưỡng - tôn giáo, quyền trẻ em, danh dự và uy tín của công dân,...
Từ các nội dung trên, có thể nói Luật Báo chí năm 2016 đã tạo khung pháp lý rộng nhưng nghiêm khắc, bảo hộ mạnh mẽ bằng các định chế cần và đủ để công dân thực hiện quyền tự do báo chí và quyền tự do ngôn luận trên báo chí; để các cơ quan báo chí và nhà báo có thể tự do tác nghiệp trong khuôn khổ luật định... Đây là một phương diện quan trọng thể hiện tính chất dân chủ, công bằng, văn minh trong tổ chức, quản lý xã hội của Nhà nước Việt Nam, đồng thời cũng là một bằng chứng chứng minh hệ thống pháp luật ở Việt Nam đã và đang ngày càng hoàn thiện, phù hợp với yêu cầu của sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc, phù hợp với trình độ phát triển của thế giới hiện đại. Đồng thời đây cũng là cơ sở để bác bỏ luận điệu mà các thế lực thù địch và một số tổ chức, cá nhân thiếu thiện chí vẫn thường sử dụng để vu cáo, vu khống, bịa đặt về vấn đề tự do báo chí ở Việt Nam.
Tự do báo chí, tự do ngôn luận trên báo chí thuộc các quyền cơ bản của con người trong một xã hội phát triển. Song thực hiện quyền tự do báo chí, quyền tự do ngôn luận trên báo chí như thế nào lại là vấn đề cần đề cập một cách cụ thể, căn cứ vào sự lựa chọn con đường phát triển của mỗi quốc gia và hệ thống luật pháp của quốc gia ấy, cùng với các tiêu chí của nền văn hóa mà trực tiếp là đạo đức. Nên dù thực hiện các quyền này, trong khuôn khổ pháp luật, để phù hợp với truyền thống văn hóa, phục vụ lợi ích của đất nước, của dân tộc, của cộng đồng, báo chí không thể lợi dụng quyền tự do báo chí, quyền tự do ngôn luận trên báo chí được quan niệm một cách cực đoan mà xâm phạm tới quyền và lợi ích của mọi tổ chức, cá nhân, của đất nước. Đó là những vấn đề tất yếu mà chỉ từ nhận thức đầy đủ, nghiêm túc thì mỗi công dân, mỗi cơ quan báo chí, mỗi người làm báo mới có thể sử dụng quyền tự do báo chí và quyền tự do ngôn luận trên báo chí một cách thiết thực, hiệu quả, có ý nghĩa tích cực với xã hội và con người, qua đó thể hiện tinh thần “Sống và làm việc theo Hiến pháp, pháp luật”.