Chính phủ số

Luật Giao dịch điện tử 2023 tạo đà bứt phá các giao dịch số trong tương lai

PV 18/08/2023 08:46

Vừa qua Luật Giao dịch điện tử số 20/2023/QH15 đã được Quốc hội thông qua ngày 22/06/2023, chính thức có hiệu lực kể từ ngày 01/07/2024. Đặc biệt 08 điểm mới của Luật Giao dịch điện tử 2023 sẽ tạo hành lang thông thoáng hơn cho các giao dịch trên môi trường số, mang lại hiệu quả kinh tế.

Theo các chuyên gia, với các quy định cụ thể, chặt chẽ về thông điệp dữ liệu, với sự hoàn thiện về công nghệ hiện nay, dù không gặp mặt trực tiếp nhưng các bên của chủ thể hoàn toàn được đảm bảo tính pháp lý của hợp đồng, đảm bảo sự tin cậy về vai trò, quyền hạn đầy đủ của người đang thực hiện ký kết, giao dịch với mình.

"Khi người dân được định danh rõ ràng, đầy đủ trên môi trường mạng, kèm theo đó là có một chứng thư số để ký số trên môi trường mạng thì tất cả các giao dịch trên môi trường mạng sẽ được thực hiện một cách tin cậy giữa các bên tham gia giao dịch. Thứ hai thúc đẩy các nhà ứng dụng áp dụng dịch vụ số họ có thể áp dụng chữ ký số trong tất cả các giao dịch", ông Phạm Quốc Hoàn, Phó Giám đốc Trung tâm chứng thực điện tử quốc gia, Bộ Thông tin và Truyền thông, đánh giá.

tai-xuong-1-.jpg

Đặc biệt 8 điểm mới của Luật Giao dịch điện tử 2023 sẽ tạo hành lang thông thoáng hơn cho các giao dịch trên môi trường số, mang lại hiệu quả kinh tế cho toàn xã hội.

Một là, Luật mới không quy định về nội dung của giao dịch điện tử. Điều 1 Luật Giao dịch điện tử 2023 nêu rõ, Luật này chỉ quy định việc thực hiện giao dịch bằng phương tiện điện tử và không quy định về nội dung, điều kiện, hình thức của giao dịch điện tử. Trường hợp luật khác quy định hoặc không quy định giao dịch được thực hiện bằng phương tiện điện tử thì được áp dụng theo quy định của Luật này. Như vậy, giao dịch điện tử trong lĩnh vực nào sẽ được điều chỉnh bởi pháp luật chuyên ngành của lĩnh vực đó. Trường hợp luật khác quy định không được thực hiện giao dịch bằng phương tiện điện tử thì thực hiện theo quy định của luật đó.
Hai là, bổ sung khái niệm “chữ ký điện tử”, “chữ ký số”, “hợp đồng điện tử”. Điều 3 Luật Giao dịch điện tử 2023 bổ sung thêm loạt khái niệm mới về “chữ ký điện tử”, “chữ ký số”, “hợp đồng điện tử”, dữ liệu số”.

Chữ ký điện tử là chữ ký được tạo lập dưới dạng dữ liệu điện tử gắn liền hoặc kết hợp một cách logic với thông điệp dữ liệu để xác nhận chủ thể ký và khẳng định sự chấp thuận của chủ thể đó đối với thông điệp dữ liệu.

Chữ ký số là chữ ký điện tử sử dụng thuật toán khóa không đối xứng, gồm khóa bí mật và khóa công khai, trong đó khóa bí mật được dùng để ký số và khóa công khai được dùng để kiểm tra chữ ký số. Chữ ký số bảo đảm tính xác thực, tính toàn vẹn và tính chống chối bỏ nhưng không bảo đảm tính bí mật của thông điệp dữ liệu. Hợp đồng điện tử là hợp đồng được thiết lập dưới dạng thông điệp dữ liệu. Dữ liệu điện tử là dữ liệu được tạo ra, xử lý, lưu trữ bằng phương tiện điện tử.

Ba là, Chữ ký số có thể được xác định là chữ ký điện tử. Theo khoản 3 Điều 22 Luật Giao dịch điện tử năm 2023, chữ ký số được công nhận là chữ ký điện tử nếu đáp ứng đủ các điều kiện sau: Xác nhận chủ thể ký và khẳng định sự chấp thuận của chủ thể ký đối với thông điệp dữ liệu. Dữ liệu tạo chữ ký số chỉ gắn duy nhất với nội dung của thông điệp dữ liệu được chấp thuận. Dữ liệu tạo chữ ký số chỉ thuộc sự kiểm soát của chủ thể ký tại thời điểm ký. Mọi thay đổi đối với thông điệp dữ liệu sau thời điểm ký đều có thể bị phát hiện. Phải được bảo đảm bởi chứng thư chữ ký số. Phương tiện tạo chữ ký số phải bảo đảm dữ liệu tạo chữ ký số không bị tiết lộ, thu thập, sử dụng cho mục đích giả mạo chữ ký; Bảo đảm dữ liệu được dùng để tạo chữ ký số chỉ có thể sử dụng một lần; Không làm thay đổi dữ liệu cần ký.

Bốn là, Sửa quy định về các hành vi bị cấm trong giao dịch điện tử. Điều 6 Luật Giao dịch điện tử 2023 đã quy định một cách cụ thể, rõ ràng hơn về những hành vi bị nghiêm cấm trong giao dịch điện tử, tạo điều kiện thuận lợi cho việc áp dụng luật.

Năm là, bổ sung thêm quy định về việc chuyển đổi hình thức giữa văn bản giấy và thông điệp dữ liệu. Theo đó, thông điệp dữ liệu được chuyển đổi từ văn bản giấy phải đáp ứng đủ các điều kiện sau: Thông tin trong đó được bảo đảm toàn vẹn như văn bản giấy. Thông tin trong thông điệp dữ liệu có thể truy cập và sử dụng được để tham chiếu. Có ký hiệu riêng xác nhận đã được chuyển đổi từ văn bản giấy sang thông điệp dữ liệu và thông tin của cơ quan, tổ chức, cá nhân thực hiện chuyển đổi. Trường hợp văn bản giấy là giấy phép, giấy chứng nhận, chứng chỉ, văn bản xác nhận, văn bản chấp thuận khác do cơ quan, tổ chức có thẩm quyền phát hành thì phải có thêm chữ ký số của cơ quan, tổ chức thực hiện chuyển đổi, trừ trường hợp pháp luật có quy định khác.

Sáu là, Chỉ rõ cơ quan đầu mối quản lý nhà nước về giao dịch điện tử. Luật Giao dịch điện tử 2023 đã chỉ rõ Bộ Thông tin và Truyền thông là cơ quan đầu mối chịu trách nhiệm trước Chính phủ trong việc chủ trì, phối hợp với các Bộ, cơ quan ngang Bộ thực hiện quản lý nhà nước về giao dịch điện tử.

Trong khi đó, Bộ trưởng Bộ Quốc phòng thực hiện quản lý nhà nước về giao dịch điện tử trong lĩnh vực cơ yếu, chữ ký số chuyên dùng công vụ trên cơ sở tiêu chuẩn, quy chuẩn kỹ thuật quốc gia về chữ ký số.
Bảy là, Dịch vụ tin cậy lần đầu đưa vào Luật thúc đẩy giao dịch điện tử. Đây là một loại dịch vụ mới được ghi nhận tại Luật Giao dịch điện tử năm 2023. Theo Điều 28 Luật này, dịch vụ tin cậy bao gồm: Dịch vụ cấp dấu thời gian; Dịch vụ chứng thực thông điệp dữ liệu; Dịch vụ chứng thực chữ ký số công cộng. Đây là ngành, nghề đầu tư kinh doanh có điều kiện, tổ chức cung cấp dịch vụ này phải có giấy phép kinh doanh dịch vụ do Bộ Thông tin và Truyền thông cấp, trừ dịch vụ chứng thực hợp đồng điện tử trong thương mại.

Tám là, thêm loạt quy định mới về chứng thư điện tử Luật Giao dịch điện tử năm 2023 đã sửa khái niệm về chứng thư điện tử. Theo quy định mới, chứng thư điện tử là giấy phép, giấy chứng nhận, chứng chỉ, văn bản xác nhận, văn bản chấp thuận khác do cơ quan, tổ chức có thẩm quyền phát hành dưới dạng dữ liệu điện tử.

Trong khi hiện nay Luật Giao dịch điện tử năm 2005 quy định chứng thư điện tử là thông điệp dữ liệu do tổ chức cung cấp dịch vụ chứng thực chữ ký điện tử phát hành nhằm xác nhận cơ quan, tổ chức, cá nhân được chứng thực là người ký chữ ký điện tử.

Thêm vào đó, Luật Giao dịch điện tử năm 2023 cũng bổ sung quy định về giá trị pháp lý của chứng thư điện tử tại Điều 19 như sau: Thông tin trong chứng thư điện tử có giá trị pháp lý khi đáp ứng đủ các điều kiện như (chứng thư điện tử được ký bằng chữ ký số của cơ quan, tổ chức phát hành; Thông tin trong chứng thư điện tử có thể truy cập và sử dụng được dưới dạng hoàn chỉnh; Trường hợp pháp luật yêu cầu chỉ ra thời gian liên quan đến chứng thư điện tử thì chứng thư điện tử phải có dấu thời gian.

Nổi bật Tạp chí Thông tin & Truyền thông
Đừng bỏ lỡ
Luật Giao dịch điện tử 2023 tạo đà bứt phá các giao dịch số trong tương lai
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO