Luật pháp và công nghệ là giải pháp để phòng, chống in lậu

Tuấn Trần| 23/03/2022 20:42
Theo dõi ICTVietnam trên

Tại hội nghị "Tổng kết - tập huấn nghiệp vụ phòng, chống in lậu năm 2022" được tổ chức vào ngày 22/3, nhiều giải pháp nhằm phòng, phống in lậu đã được nêu ra.

Hội nghị nói trên do Đoàn liên ngành Phòng, chống in lậu Trung ương, Cục Xuất bản In và Phát hành, Bộ TT&TT tại TP. HCM tổ chức. Tại hội nghị này, theo Thứ trưởng Bộ TT&TT Phạm Anh Tuấn: "Hai năm qua chúng ta đã có quyết tâm trong việc chống in lậu, quyết tâm này xuất phát từ phiá các doanh nghiệp (DN) và các cơ quan quản lý nhà nước (QLNN) quyết tâm phòng chống in lậu".

phòng, chống in lậu - Ảnh 1.

Thứ trưởng Bộ TT&TT Phạm Anh Tuấn: Ngành in phải áp dụng các biện pháp công nghệ, phải sống chết với công nghệ.

Tình trạng in lậu còn khá phố biến

Các DN hô hào chống in lậu nhưng lại in lậu. Có hiện tượng cho một số DN cho rằng, mình có sản phẩm tốt, nhưng người khác in lậu của mình, trong khi chính DN đó lại đi in lậu sản phẩm hay của người khác. 

Vẫn theo Thứ trưởng Phạm Anh Tuấn, cái đó mới đáng sợ và chuyện đó đã xảy ra trên thực tế. "Tôi không khẳng định, không kết luận, nhưng có lẽ là hiện tượng này xảy ra khá phổ biến ở các DN in", ông Tuấn cho biết.

Vậy, QLNN có biết hiện tượng như đã nói ở trên không? Các Sở TT&TT biết không? Trừ hai địa phương Hà Nội và TP.HCM là địa bàn lớn, tập trung nhiều nhà in, xưởng in, nhà xuất bản (NXB)... thì có thể hơi khó phát hiện việc in lậu. Nhưng ở hai thành phố này đã có Đoàn liên ngành Phòng, chống in lậu Trung ương và các cơ quan QLNN trên địa bàn Hà Nội và TP. HCM cũng đủ sức mạnh để hỗ trợ các sở để triển khai việc phòng, chống in lậu. Trong khi đó, ở các địa phương còn lại, nơi các cơ sở in không có nhiều, thì việc phát hiện các hoạt động in lậu là không khó. 

Như vậy, theo Thứ trưởng Phạm Anh Tuấn: "Nếu nói về nguyên tắc, DN và các cơ quan QLNN bắt tay nhau được thì sẽ giải quyết được bài toàn in lậu, nhưng với điều kiện là phải nghiêm, để tránh tình trạng tiếp tay. Hai năm vừa rồi, trong công tác phòng, chống in lậu, chúng ta đã đạt được các kết quả kỳ vọng, và cũng có sự chuyển biến nhưng rõ ràng tình trạng in lậu vẫn còn khá phố biến". 

Ví dụ, chỉ riêng tại Hà Nội, trong năm 2021, theo ông Lê Văn Phong, Phó Chánh Thanh tra Sở TT&TT Hà Nội: "Đội liên ngành phòng chống in lậu Thành phố, Đoàn kiểm tra liên ngành quận, huyện, thị xã phối hợp với cơ quan chức năng của Thành phố đã tổ chức, kiểm tra, xử lý tổng số 105 tổ chức, cá nhân. Gồm 32 cơ sở in, 67 cơ sở photocopy, 6 cơ sở phát hành xuất bản với tổng số tiền xử phạt vi phạm hành chính là 420 triệu đồng, tịch thu buộc tiêu huỷ 21.051 xuất bản phẩm".

Các giải pháp để chống in lậu

Nguyên nhân nào dẫn đến việc in lậu? Các chuyên gia tại Hội thảo cho rằng, thứ nhất là pháp luật có vấn đề, thứ hai là cơ chế chính sách, và lợi nhuận từ việc in lậu. 

Theo Thứ trưởng Phạm Anh Tuấn: "Chúng ta cần phải xem xét rằng pháp luật liên quan đến vấn đề in lậu đã nghiêm chưa, đã đủ răn đe chưa, cái này theo tôi là quan trọng nhất".

Trong khi đó cũng liên quan đến vấn đề pháp luật trong phòng, phòng chống in lậu, ông Lê Văn Phong đề xuất: "Đề nghị Bộ TT&TT sửa đổi, bổ sung các văn bản pháp luật về lĩnh vực xuất bản còn những vấn đề bất cập không phù hợp với điều kiện thực tế, có văn bản hướng dẫn quy định cụ thể đối với xuất bản phẩm, xuất bản phẩm bán thành phẩm".

Luật pháp và công nghệ là giải pháp để phòng, chống in lậu - Ảnh 2.

Ông Lê Văn Phong: cần có văn bản hướng dẫn quy định cụ thể đối với xuất bản phẩm, xuất bản phẩm bán thành phẩm.

Để phòng, chống in lậu cần phải xem pháp luật chế tài, và chế tài ở đây là chế tài bản quyền đã thực sự mạnh chưa? Quan điểm của Bộ TT&TT liên quan đến vấn đề phòng, chống in lậu là chỉ hình sự khi và chi khi ai đó thực sự vi phạm luật hình sự. Và tập trung chế tài mạnh nhất là rút giấy phép. Bởi khi đầu tư mà rút giấy phép thì sẽ là vấn đề lớn đối với các DN. 

Giải pháp tiếp theo, khi đã hoàn thiện các vấn đề pháp luật thì phải thực hiện tuyên truyền phổ biến để thực hiện nghiêm minh, đối với cả người tiêu dùng và cả đối tượng quản lý, tất cả những việc này phải làm đúng kịch bản thì mới đảm bảo được việc thực thi pháp luật.

Cần có giải pháp để người tiêu dùng nhận biết sản phẩm giả. Và muốn họ nhận biết được hàng giả, thì một là phải có thiết bị thông minh, hai là ứng dụng công nghệ. Theo kế hoạch chuyển đổi số quốc gia, hết năm 2022, 85% người dân Việt Nam dùng smartphone, như vậy, điều kiện cần đã có. Điều kiện đủ là gì, các DN phải đưa công nghệ vào, phải chấp nhận thực hiện việc này. 

"Phải áp dụng các biện pháp công nghệ, phải sống chết với công nghệ", Thứ trưởng Phạm Anh Tuấn nhấn mạnh.

Cũng theo Thứ trưởng Phạm Anh Tuấn: "Các DN phải xác định, có thể không phải tràn lan, cái gì cũng QR Code, không phải sản phẩm nào cũng QR Code, vì đưa công nghệ vào thì tăng giá thành. Nhưng các sản phẩm sách giáo khoa, sách tham khảo hay một số loại sách có nhu cầu lớn, dễ bị làm giả thì cần đưa công nghệ vào, ví dụ QR Code". 

Khi người dân có smartphone, cần tuyên truyền cách để họ phát hiện hàng giả trước khi mua, đó là quét QR Code để biết được sản phẩm là thật hay giả. Người mua, các công ty sách thiết bị trường học v.v... không tiếp tay cho in lậu nữa thì cũng cần kiểm tra QR Code của từng cuốn sách. Nếu không thực hiện quy trình ấy là tiếp tay cho in lậu.

Ngoài các giải pháp liên quan đến QR Code, để phòng, chống in giả có hiệu quả hơn, theo ThS. Nguyễn Quang Hưng, giảng viên trường Đại học Bách Khoa Hà Nội: "Nên ứng dụng giải pháp tem chống giả kết hợp cả công nghệ truyền thống và hiện đại, hướng tới mục tiêu đáp ứng lớn nhất khả năng xác định hàng thật của người tiêu dùng".

Luật pháp và công nghệ là giải pháp để phòng, chống in lậu - Ảnh 3.

ThS. Nguyễn Quang Hưng: Nên ứng dụng giải pháp tem chống giả kết hợp cả công nghệ truyền thống và hiện đại.

Để phòng, chống in lậu có hiệu quả, cũng cần phải tăng cường kiểm tra giám sát. Giám sát, phòng ngừa, phát hiện từ xa được Bộ TT&TT cho là các giải pháp trọng tâm. Để làm được những việc này, một trong những giải pháp được đưa ra là kết nối dữ liệu của các DN in, các DN xuất bản. Công việc này yêu cầu phải kết nối dữ liệu "real-time" (thời gian thực), và trực tuyến.

Điều đó sẽ giúp cho các cơ quan QLNN biết được hoạt động của các DN, từ đó có các biện pháp kiểm tra. "Tôi lấy ví dụ, về nguyên tắc, DN phải khai báo, hoặc kết nối dữ liệu, và như thế thì ít nhất cơ quan QLNN có thể nhìn thấy đột biến về doanh số, nhìn thấy đột biến về quy mô, sản lượng. Và chúng ta sẽ đặt ra câu hỏi, đột biến do đâu, nguyên nhân nào? có phải là do in lậu không? Các đơn vị thanh tra cần lưu ý, hãy kết nối với các đối tượng quản lý bằng các chỉ số để phát hiện ra những hiện tượng bất thường, bất ổn để từ đó có các biện pháp cảnh báo", Thứ trưởng Phạm Anh Tuấn cho biết.

Không chỉ ở Hà Nội và TP.HCM mà đối với đoàn liên ngành các địa phương khác cũng cần tập trung quản lý trên cơ sở ứng dụng công nghệ. Cần tăng cường hoạt động, và kết nối dữ liệu liên thông giữa đoàn liên ngành trung ương và đoàn liên ngành các sở ban ngành địa phương.

Cuối cùng, việc in lậu tại Việt Nam hiện nay chủ yết tập trung vào các thể loại sách như sách giáo khoa, sách "best seller" (bán chạy), và các loại nhãn hàng có sức tiêu thụ lớn. Nên để phòng, chống in lậu, các NXB, nhà in phải có các biện pháp giảm giá thành, cắt bỏ các khâu trung gian, cắt bỏ các chi phí không cần thiết. 

Các tổ chức chỉ tiến hành in lậu khi họ có lợi nhuận, vì họ không phải trả bản quyền. Nhưng bản quyền sách giáo khoa lại không nhiều, và số lượng in lại lớn như vậy chi phí bản quyền/giá thành/1 cuốn sách giáo khoa không lớn. Chất lượng in lậu mà thấp thì người tiêu dùng biết ngay nên rõ ràng các tổ chức in lậu đã biết cách tiết kiệm chi phí in ấn và chi phí bán hàng.

Thứ trưởng Phạm Anh Tuấn cho biết: "Tôi lo nhất là việc chất lượng như nhau nhưng chi phí in lậu lại rẻ hơn nhiều. Như vậy, ở đây là chi phí của các NXB cao quá. Từ đấy nếu in lậu người ta sẽ có lợi nhuận". Chí phí trung gian quá nhiều, đó chính là lý do người ta vẫn có cơ hội in lậu./.

Nổi bật Tạp chí Thông tin & Truyền thông
Đừng bỏ lỡ
Luật pháp và công nghệ là giải pháp để phòng, chống in lậu
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO