Lưu lượng Internet tăng trưởng hơn 20% vào năm 2018

03/11/2015 22:08
Theo dõi ICTVietnam trên

Theo dự báo của Cisco Visual Networking Index, tới năm 2018 lưu lượng Internet toàn cầu sẽ tăng trưởng tới 20%, ước đạt 1,6 Zettabytes (1 Zettabytes tương đương với 1.000 Exabytes).

Theo báo cáo thường niên của Cisco "Cisco® Visual Networking Index™ Global Forecast and Service Adoption for 2013 to 2018, lưu lượng IP (Internet Protocol) trên toàn cầu sẽ tăng gần gấp 3 lần trong vòng 4 năm tới. Điều này có được là do sự gia tăng về số lượng thiết bị và người dùng Internet, tốc độ truy nhập Internet băng rộng cao hơn và ngày càng có nhiều người xem video trên Internet.  

Tăng trưởng lưu lượng IP trên toàn cầu.

 Thành phần của lưu lượng IP sẽ thay đổi đáng kể trong vài năm tới. Trong đó, thành phần chính của lưu lượng Internet thông qua kết nối giữa các máy tính cá nhân (PC – Personal Computer) sẽ dịch chuyển sang các dạng thiết bị khác. Lưu lượng từ kết nối vô tuyến sẽ vượt qua lưu lượng hữu tuyến và các video với chuẩn độ nét cao (HD) tạo sự bùng phát lưu lượng cao hơn hẳn so với video độ nét tiêu chuẩn SD.

 Với sự kiện FIFA World Cup 2014 sẽ bắt đầu vào ngày mai (12/6) tại Brazil, ước tính có hàng triệu người sử dụng Internet để theo dõi các trận đấu và các thông tin bên lề khác. Video streaming và IP Broadcast về World Cup dự kiến sẽ tạo ra khoảng 4,3 Exabytes (1 Exabyte tương đương 1 tỷ Gigabyte) lưu lượng IP, con số này gấp 3 lần lưu lượng hàng tháng hiện tại đang được tạo ra ở Brazil. Ngoài ra, lưu lượng IP được tạo ra bởi những người xem trực tiếp từ sân vận động và khách du lịch dự báo sẽ vượt qua lưu lượng trong giờ bận của hơn 94 triệu thuê bao di động ở Brazil.

 Cũng theo báo cáo này, lưu lượng IP toàn cầu hàng tháng vào năm 2018 sẽ tiến tới con số 132 Exabyte. Khối lượng IP khổng lồ này được tạo ra từ:

-8,8 tỷ người dùng theo dõi các trận đấu ở vòng chung kết FIFA World Cup 2018 với Ultra-HD/4K tại cùng một thời điểm.

-5,5 tỷ người theo dõi “Trò chơi vương quyền  - Game of Thrones” Season 4 qua dịch vụ truyền hình theo yêu cầu (VOD – Video on Demand) ở chế độ HD hay 1,5 tỷ người xem qua Ultra-HD/4K.

-4,5 nghìn tỷ lần xem các clip trên YouTube và một lượng khổng lồ người dùng sử dụng các dịch vụ tin nhắn văn bản trên Internet.  

                                     Bình quân mức sử dụng băng thông Internet trên toàn cầu

 Cisco dự báo, tới năm 2018 lưu lượng Internet toàn cầu sẽ tăng trưởng tới 20%, ước đạt 1,6 Zettabytes (1 Zettabytes tương đương với 1.000 Exabytes). Trong đó, cấu trúc của các thành phần đóng góp cho sự tăng trưởng này bao gồm:

- Lưu lượng IP: Các thiết bị di động và cầm tay sẽ là yếu tố chính thúc đẩy tăng tưởng lưu lượng vào năm 2018. Trong năm 2013, 33% lưu lượng được tạo ra từ các thiết bị ngoài PC, tuy nhiên tới năm 2018, lưu lượng này sẽ đạt tới 57%. Lưu lượng từ PC sẽ tăng trưởng với tốc độ tăng trưởng hàng năm kép (CAGR - Compound Annual Growth Rate) khoảng 10%, trong khi đó các thành phần khác sẽ có tốc độ tăng trưởng cao hơn như máy tính bảng 74%, điện thoại thông minh 64%, kết nối giữa các thiết bị với nhau (M2M – Machine to Machine) 84%; Lưu lượng trong các giờ bận tăng nhanh hơn so với lưu lượng Internet trung bình. Lưu lượng giờ bận tăng 32% và lưu lượng trung bình tăng 25% so với năm 2013; Lưu lượng từ các mạng Metro sẽ tăng trưởng mạnh mẽ so với các tuyến đường dài. 

- IP Video: Lưu lượng IP Video sẽ chiếm 79% tổng lưu lượng IP vào năm 2018, tăng trưởng 66% so với 2013; Trong đó, Ultra HD video chiếm 11% (so với năm 2013 là 0,1%), HD video chiếm tỷ lệ 52% và SD sẽ duy trì ở mức 37% (giảm 64%) của tổng lưu lượng IP Video.

- Các dạng truy nhập: Lưu lượng IP được tạo ra từ Wifi và các kết nối di dộng sẽ chiếm 61% vào năm 2018. Wifi chiếm 49%, di động chiếm 12% và như vậy lưu lượng được tạo ra từ các kết nối hữu tuyến chỉ còn là 39%. So với năm 2013, Wifi chiếm 41%, di động là 3% trong khi các kết nối hữu tuyến là 56%.

- Các thiết bị/kết nối: Vào năm 2018 trên toàn cầu sẽ có gần 21 tỷ kết nối (các thiết bị cá nhân cố định, các kết nối M2M); Có khoảng 7,3 tỷ kết nối M2M và 10 tỷ thiết bị di động và cố định IPv6.

- Tăng trưởng tốc độ truy nhập băng rộng: Tốc độ truy nhập băng rộng toàn cầu sẽ đạt 42Mbps vào năm 2018 so với 16Mbps vào cuối năm 2013. Ước tính 55% các kết nối băng rộng sẽ đạt tốc độ lớn hơn 10Mbps. Tại Hàn Quốc và Nhật Bản,  tốc độ truy nhập băng rộng có thể đạt 100Mbps vào năm 2018.

- Tăng trưởng của các dịch vụ: Video trực tuyến sẽ tăng trưởng mạnh mẽ với CAGR là 10% trong giai đoạn 2013 – 2018. Số lượng người dùng cũng sẽ tăng trưởng từ 1,2 tỷ lên 1,9 tỷ người; Các dịch vụ dựa trên vị trí di động cũng có sự tăng trưởng với CAGR là 36% từ năm 2013 tới năm 2018 tương ứng với số lượng người dùng tăng từ 236 triệu trong năm 2013 tới hơn 1 tỷ vào năm 2018.

Về lưu lượng dữ liệu tạo mới, vào năm 2018, khu vực châu Á – Thái Bình Dương sẽ tạo ra phần lớn lưu lượng IP toàn cầu, lưu lương hàng tháng đạt khoảng 47,6 Exabytes (chiếm 36%), do khu vực này có số dân cư đông nhất và số lượng kết nối lớn nhất. Khu vực Trung Đông và châu Phi vẫn sẽ tiếp tục là nơi có tốc độ tăng trưởng cao với CAGR ước khoảng 38%. Tới năm 2018, các quốc gia tạo ra lưu lượng cao nhất sẽ vẫn là Mỹ (lưu lượng hàng tháng 37 Exabytes) và Trung Quốc (18 Exabytes).

(Nguồn fiercewireless.com)

Nổi bật Tạp chí Thông tin & Truyền thông
Đừng bỏ lỡ
Lưu lượng Internet tăng trưởng hơn 20% vào năm 2018
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO