Người dân trên đảo hàng ngày đi chở từng can nước ngọt về uống. |
Một sáng đầu tháng năm này, đi trên xã An Vĩnh - trung tâm của huyện đảo Lý Sơn, chúng tôi thấy nhiều người dân vất vả đi xe đạp chở từng can nước ngọt về nhà sử dụng. Người dân trên đảo đang trong cơn “khát nước” trầm trọng. Xã An Vĩnh có 867 giếng nước ngọt phục vụ sinh hoạt và tưới tiêu hành, tỏi. Thế nhưng, hiện nay, hơn 2/3 số giếng nước đã khô cạn hoặc bị nhiễm mặn nguồn nước, khiến cuộc sống người dân đất đảo gặp nhiều khó khăn bởi bao vây tứ phía là nước biển.
Toàn huyện có gần 150 ha hành, đậu xanh và một số cây trồng khác đang trong giai đoạn phát triển nhưng thiếu nước tưới nên héo rũ và có nguy cơ mất mùa. Với tình trạng khan hiếm nước tưới, nhiều gia đình ở xã An Vĩnh và An Hải đã buộc phải vay nóng để đào giếng lấy nước sinh hoạt và cứu cánh đồng hành hàng chục ha đang bị khô cháy.
Ông Lê Lân, ở thôn Đông, xã An Vĩnh lo lắng: “Nếu cây hành chịu được nước biển mặn thì chúng tôi đỡ biết mấy. Giờ đây, cả đảo đang khát nước ngọt, không có nguồn nước phục vụ sản xuất, tôi đã phải chi phí đào giếng mất gần cả trăm triệu đồng mới có nước tưới cho cây hành”.
Cạnh đó, là gia đình anh Nguyễn Văn Dũng, anh trăn trở: “Hiện, tám sào hành đang dần khô héo. Năm nào cũng bị hạn hán cả, nông dân chúng tôi chịu không thấu, đặc biệt năm nay khô hạn đến sớm quá. Tôi quyết định vay mượn bà con để đào giếng tại cánh đồng trồng hành. Đến giờ, thợ đào giếng đã đào sâu gần 8m, “ngốn” hơn 75 triệu đồng rồi mà chưa thấy giọt nước nào. Nếu đào thêm nữa, cứ đào sâu 1m phải tốn thêm 10 triệu đồng. Khi giếng không có nước, đành bỏ khô ruộng hành, chắc tôi trắng tay”.
Người dân trên đảo Lý Sơn gian nan đào giếng tìm nước ngọt.
Không những thiếu nước tưới tiêu mà hàng trăm giếng nước sinh hoạt của nhiều hộ dân trên đảo cũng đang dần trơ đáy vì hạn hán. Theo ông Nguyễn Chỉ, ở thôn Đông, xã An Vĩnh, hiện nay trong xóm có gần 30 giếng nước sinh hoạt, nhưng 25 cái đã cạn kiệt hoặc nhiễm mặn. Các hộ dân trong xóm phải trực nhiều giờ mới lấy được nước cho gia đình sử dụng.
Trao đổi với phóng viên Nhân Dân điện tử, Phó Chủ tịch UBND huyện đảo Lý Sơn Phạm Thị Hương cho biết: Gần một tháng qua, trên đảo Lý Sơn dường như không có mưa. Cho nên, không những nhiều giếng nước sinh hoạt bị nhiễm mặn và cạn kiệt mà toàn bộ giếng nước phục vụ tưới tiêu, sản xuất nông nghiệp cũng rơi vào cảnh cạn trơ đáy. Gần 70 ha hành và cây trồng vụ hè thu sắp cho thu hoạch đang bị ảnh hưởng lớn đến năng suất, một số diện tích có nguy cơ mất trắng.
Trước mắt, địa phương vận động người dân tích cực nạo vét các giếng nước hiện có. Đồng thời, tuyên truyền người dân sử dụng tiết kiệm để cân đối nguồn nước sản xuất và sinh hoạt cho gia đình. “Ngoài ra, chính quyền địa phương cũng hỗ trợ người dân nạo vét các giếng cũ trên đồng, trong các khu dân cư để bảo đảm nguồn nước phục vụ sản xuất và sinh hoạt cho người dân” - bà Hương nói.
Hiện, huyện đảo Lý Sơn đã trích kinh phí chống hạn để tổ chức nạo vét 48 giếng nước tại các khu dân cư trong huyện. Bà con các xã An Hải, An Vĩnh cũng đã khai thác tối đa những giếng nước ngọt còn sử dụng được tại địa phương, đồng thời, đi chở nước ở các xã khác về để sinh hoạt hàng ngày. Tuy nhiên, đó mới chỉ là giải pháp tạm thời, việc quan trọng là xử lý với những giếng nước bị nhiễm mặn thì đến nay vẫn đang “giậm chân tại chỗ”.
Rõ ràng, đảo Lý Sơn đang khát nước, các bộ ngành T.Ư và tỉnh Quảng Ngãi cần có giải pháp hữu hiệu, tích cực mới giải cứu được cơn khát bền vững cho người dân trên đảo.
Giếng cổ Xó La giúp người dân trên đảo cứu cơn khát nước ngọt.