Các cửa hàng giao dịch điện thoại hầu hết được miễn 100% cước chuyển đổi sim 4G. Ảnh TL.
Cơ hội lớn cho cả khách hàng và nhà mạng?
Trước đây, chiếm phần lớn doanh thu của nhà mạng viễn thông chủ yếu từ các dịch vụ truyền thống như thoại và tin nhắn. Tuy nhiên thời gian gần đây, với sự phát triển của 3G, 4G, dịch vụ GTGT, các dịch vụ nội dung trên nền công nghệ số đã dần chiếm tỉ trọng lớn doanh thu của các nhà mạng. Theo ước tính đến năm 2020, thế giới sẽ có 20,8 tỷ kết nối và xu hướng phát triển theo hướng xã hội thông minh, thành phố thông minh. Việc triển khai mạng 4G sẽ tạo nên một nền tảng kết nối dữ liệu tốc độ cao, tạo cơ sở cho sự phát triển mạnh mẽ các dịch vụ nội dung. Cùng với việc tốc độ kết nối truy cập dữ liệu tăng, nhu cầu sử dụng các dịch vụ này của người sử dụng sẽ ngày càng phát triển. Đó là một thị trường rất lớn cho các doanh nghiệp.
Như vậy, 4G là cơ hội cho doanh nghiệp viễn thông và CNTT, bởi đây là điều kiện cho phép áp dụng công nghệ IoT trên phạm vi rộng với chất lượng tốt hơn và cung cấp nhiều dịch vụ hơn. Hiện Bộ Thông tin và Truyền thông đã cấp 4G cho 4/5 nhà mạng gồm: Công ty cổ phần viễn thông toàn cầu G-tel (chủ đầu tư mạng di động G-mobile), MobiFone, Viettel và VNPT (VinaPhone) trên băng tần 1800 MHz chỉ còn Vietnamobile là chưa được cấp.
Đại diện MobiFone cho biết: Phát triển 4G là chiến lược trọng tâm của nhà mạng này, trong đó mục tiêu đem đến cho khách hàng những trải nghiệm dịch vụ tốt nhất. Hiện MobiFone đang dồn sức để mở rộng vùng phủ sóng 4G và hợp tác với nhiều đối tác để đem đến nhiều dịch vụ giá trị gia tăng hấp dẫn trên nền 4G. Từ khi thử nghiệm dịch vụ 4G tại 3 thành phố lớn là: Hà Nội, Đà Nẵng và TP. Hồ Chí Minh, nhà mạng này đã tung ra chính sách để khách hàng đổi SIM 4G miễn phí. Nhiều khách hàng đến đổi SIM 4G và họ rất hào hứng khi là những người tiên phong trải nghiệm mọi tiện ích của công nghệ 4G mới có tốc độ truy cập Internet nhanh gấp 10 lần hiện nay.
Nhiều khách hàng cho hay, nếu như trước đây đối với dịch vụ 3G, việc truy cập Internet trên di động còn bị chậm, sử dụng các dịch vụ như: Xem video trên Youtobe, Zalo, Fabook, Viber… bị lag, giật thì với dịch vụ 4G hầu như những khó chịu này không còn nữa. "Bình thường, tôi chỉ có nhu cầu đọc báo, xem phim và lướt mạng xã hội, khi 4G vừa triển khai thử nghiệm tôi đã thử xem phim trên YouTube ở độ phân giải 4K nhưng không bị giật hay đứng hình. Tôi thấy rất rõ tốc độ 4G là nhanh hơn hẳn. Tuy nhiên, để đánh giá dịch vụ thì cần phải có thêm thời gian trải nghiệm”. Anh Tú, sinh viên trường Đại học Hà Nội cho biết.
"Tôi thích trực tiếp video trên Facebook và chia sẻ cho người thân, bạn bè nhưng bị phụ thuộc vào Wi-Fi vì mạng 3G hiện tại chưa đủ mạnh, khiến việc streaming video chập chờn, hình ảnh không được rõ nét, âm thanh thường bị tiếng vọng… Sau khi đổi sim, những điều khó chịu ấy gần như không còn. Nhưng việc chỉ phủ sóng ở một vài quận khiến mạng không được ổn định, thường xuyên chuyển về 3G" - Thúy Hà, TP. Hồ Chí Minh chia sẻ.
Cùng với khách hàng người Việt, các du khách nước ngoài cũng khá hào hứng với mạng 4G. Chị Malisa, đến từ Canada, tiết lộ: "Ngoài nhu cầu cá nhân, tôi muốn là một trong những du khách đầu tiên trải nghiệm mạng 4G tại Việt Nam. Tốc độ truyền tải dữ liệu đang được thử nghiệm dù chưa thể bằng đất nước tôi nhưng cũng đủ làm tôi ấn tượng ".
Anh Minh Tân, một người kinh doanh Uber rất quan tâm đến 4G để phục vụ công việc của mình. "Tôi đang sử dụng 3G kèm bộ phát trên xe để phục vụ khách nhưng rất mong chờ 4G để tốc độ mạng nhanh hơn. Bởi, bí quyết riêng của tôi để có nhiều khách là kết nối Internet trên xe phải thật ổn định".
Vẫn còn nhiều bất cập...
Dù có nhiều tiện ích, nhưng đa số người dùng đều có chung nhận xét rằng, tốc độ mạng ở nơi thử nghiệm khá cao, nhưng kém dần, thậm chí tự động chuyển sang 3G nếu ra ngoài đường. Có trường hợp người dùng cứ mở cài đặt 4G là không nhận được điện thoại gọi đến. Nguyên nhân, theo đại diện của một nhà mạng, là do cơ sở hạ tầng chưa ổn định và ngay trong một khu vực, không phải tất cả đều phủ sóng 4G. “Do những hạn chế đến từ vùng phủ sóng, địa hình phủ sóng, mật độ người dùng, cấu hình trạm phát, tài nguyên tần số và chất lượng thiết bị đầu cuối..., tốc độ tải 4G có thể sẽ khác nhau và hiện nay dao động từ 10 – 200 Mbps chứ không thể nhanh đến hàng trăm Mpbs như con số trong phòng thí nghiệm...” - ông Nguyễn Bảo Long - Phó Tổng giám đốc MobiFone chia sẻ.
Đặc biệt, nơi MobiFone chọn để thử nghiệm 4G đều là các thành phố đông đúc có mật độ dân cư lớn và có nhiều nhà cao tầng. Nhiều người sử dụng cùng một lúc dẫn đến việc tài nguyên bị chia sẻ, địa hình không thuận lợi cũng gây ra nhiễu sóng.
Ngoài ra, cần nhấn mạnh rằng, 4G đang trong giai đoạn thử nghiệm nên chỉ có vài trăm trạm thu phát sóng được lắp đặt tại 03 thành phố lớn. Ví dụ tại Hà Nội, MobiFone chỉ thử nghiệm 100 trạm phát ở một số phường của các quận nội thành như: Ba Đình, Hoàn Kiếm, Hai Bà Trưng, Cầu Giấy và Đống Đa. Sự khác biệt về khoảng cách so với trạm phát sóng sẽ khiến tốc độ 4G khác nhau dù người dùng đang ở trong cùng một quận. Để đảm bảo được trải nghiệm người dùng qua chỉ số tốc độ tải trung bình như ví dụ trên các nhà mạng, cần ít nhất 1.000 trạm để phủ sóng TP. Hà Nội cũng như tài nguyên tần số đủ lớn do Bộ Thông tin và Truyền thông cấp phép.
Khảo sát nhanh trên thị trường, hiện số lượng smartphone có tích hợp công nghệ mạng 4G tại Việt Nam có thể nói là khá thấp, chỉ tập trung chủ yếu ở các điện thoại phân khúc cao cấp, từ 10 triệu đồng trở lên.
Trong khi đó, ở thị trường phân khúc thấp, một số hãng cũng tung ra thị trường các mẫu điện thoại có tích hợp 4G nhưng chỉ đếm trên đầu ngón tay. Tuy nhiên khi bán tại Việt Nam, nhà sản xuất vẫn chưa "mở" 4G mà chỉ hỗ trợ 3G. Lý do là họ phải đợi nhà mạng công bố chuẩn 4G chính thức, sau đó đo băng thông cụ thể và tích hợp 4G vào sản phẩm để tránh tình trạng "lệch pha", không kết hợp được với 4G của nhà mạng.
Theo thông tin dự báo từ một nhà bán lẻ, điện thoại tích hợp 4G sẽ là sản phẩm chủ đạo của năm nay nhưng lượng thiết bị về Việt Nam sẽ đến nhiều hơn trong quý II/2017. Giá thành cho một sản phẩm tích hợp 4G có tốc độ cao phải nằm ở con số từ 6 triệu đồng trở lên chứ chưa có thể rẻ được như các sản phẩm 3G hiện nay.
Do đó, để có thể trải nghiệm mạng 4G tốc độ cao tại Việt Nam hiện nay, người dùng phải bỏ ra một số tiền lớn với thiết bị smartphone cao cấp, hỗ trợ LTE Cat 5 trở lên mới có thể trải nghiệm tốt nhất. Đây cũng được xem là một trở ngại lớn để thúc đẩy nhanh sự phát triển của mạng 4G tại Việt Nam./.