Mạng lưới "Thầy thuốc đồng hành": Mô hình tư vấn từ xa được "may đo" phù hợp với từng địa phương

Thế Phương| 23/09/2021 15:09
Theo dõi ICTVietnam trên

Mạng lưới "Thầy thuốc đồng hành" là sự kết hợp của các kiến thức được tích lũy nhiều năm và được "may đo" để phù hợp với tình hình dịch bệnh tại TP. Hồ Chí Minh (HCM) và các nơi khác. Đến nay mạng lưới đã thực hiện được hơn 862.000 cuộc gọi, hơn 2 triệu phút đàm thoại và sàng lọc được gần 300.000 ca F0.

Sau 7 tuần đã có hơn 2 triệu phút đàm thoại, giúp sàng lọc gần 300.000 F0

Chia sẻ về ý tưởng ra đời dự án mạng lưới "Thầy thuốc đồng hành", bác sĩ Lê Tuấn Thành, Phó Chủ tịch Hội Thầy thuốc trẻ Hà Nội, phụ trách mạng lưới bác sĩ tư vấn cho biết: Ngày 19/7/2021, khi tình hình dịch bệnh diễn biến phức tạp tại TP. HCM và các tỉnh phía Nam, TS Hà Anh Đức - Chủ tịch Hội Thầy thuốc trẻ Việt Nam và tôi đã có cuộc trao đổi qua điện thoại và cùng thống nhất phải có cách thức phân tầng nguy cơ của các trường hợp mới phát hiện nhiễm COVID-19 nhưng chưa kịp đưa vào bệnh viện theo dõi, điều trị do quá tải y tế.

Cùng thời điểm này, Thứ Trưởng Bộ Khoa học và Công nghệ (KHCN) Bùi Thế Duy nhận thấy các cuộc gọi đến hệ thống tổng đài hỗ trợ người dân trở nên quá tải nhanh chóng. Do Hội Thầy thuốc trẻ và Bộ KHCN đã có thời gian làm việc với nhau từ tháng 3/2020 nên quyết định cùng thảo luận đưa ra phương án hỗ trợ TP. HCM.

"Ban đầu, anh Nguyễn Hữu Tú (Phó Chủ tịch thường trực kiêm Tổng thư ký Hội Thầy thuốc trẻ Việt Nam) đề nghị triển khai chương trình "Hỗ trợ F0 tại nhà". Tuy nhiên, do thời điểm đó tại TP. HCM, Hội Thầy thuốc trẻ nói riêng và lực lượng nhân viên y tế đều đang quá bận rộn chống đỡ dịch bệnh với số ca mắc và trở nặng tăng lên nhanh, nên phương án này khó thực hiện", bác sĩ Thành chia sẻ thêm.

Cuối cùng, các thành viên sáng lập đã thống nhất xây dựng mô hình Telehealth với quy mô huy động 2.500 - 3.500 bác sỹ/tình nguyên viên, tương ứng với quy mô dịch bệnh tại TP. HCM và giao cho bác sĩ Lê Tuấn Thành phụ trách xây dựng, phát triển và điều hành. Mạng lưới là sự kết hợp của các kiến thức được tích lũy nhiều năm, học hỏi các mô hình của quốc tế, có sự điều chỉnh liên tục để phù hợp với tình hình dịch bệnh tại TP. HCM và các nơi khác.

Dự án mạng lưới "Thầy thuốc đồng hành" ra đời để hỗ trợ 5 đối tượng chính bao gồm: F0 cần hỗ trợ khẩn cấp; F0 chưa kịp đưa đến cơ sở y tế điều trị COVID-19 (do mới phát hiện hoặc do cơ sở quá tải); F0 được chỉ định theo dõi điều trị tại nhà, sau điều trị ban đầu tại cơ sở y tế theo hướng dẫn của Bộ Y tế; F1 có triệu chứng, xét nghiệm gần nhất cho kết quả âm tính; F1 nguy cơ cao vì ở chung trong không gian kín với F0.

Mạng lưới Thầy thuốc đồng hành: Mô hình tư vấn từ xa được “may đo” phù hợp với từng địa phương - Ảnh 1.

Mạng lưới "Thầy thuốc đồng hành" đã thực hiện được 862.571 cuộc gọi thành công với hơn 2 triệu phút đàm thoại với người bệnh.

Để hỗ trợ 5 đối tượng này, mạng lưới sẽ tiếp nhận thông tin của họ từ CDC các tỉnh cần hỗ trợ và bác sỹ chủ động gọi điện thoại đến, sàng lọc nguy cơ và đánh giá tình trạng tâm lý, sau đó chuyển tiếp thông tin cho y tế địa phương trong trường hợp người bệnh có dấu hiệu nặng hoặc nguy hiểm. Đối với các trường hợp sàng lọc hiện không có nguy cơ, hoặc nguy cơ thấp với chỉ một vài triệu chứng thông thường, bác sỹ sẽ chuyển cho tình nguyện viên gọi điện thăm hỏi theo dõi sức khỏe ngày 1-2 lần. Trường hợp có triệu chứng và dấu hiệu nặng lên thì mạng lưới sẽ báo cho họ số điện thoại đường dây nóng của y tế địa phương, đồng thời có bác sỹ trực tiếp theo dõi và có cơ chế tiếp nhận cuộc gọi ngược lại với đúng bác sỹ đó nhưng vẫn đảm bảo bí mật thông tin số điện thoại riêng của bác sỹ.

Sau hơn 7 tuần hoạt động, mạng lưới "Thầy thuốc đồng hành" vẫn đang cố gắng hỗ trợ, giảm tải sức ép cho y tế địa phương tại 3 khu vực lớn là Hà Nội, Bình Dương và TP. HCM. Tính đến hết ngày 19/9, toàn mạng lưới đã sàng lọc được 298.339 F0 trong cộng đồng, chuyển cấp cứu kịp thời 1.920 F0 trở nặng, đồng thời chăm sóc thường xuyên 296.026 bệnh nhân nhẹ và trung bình. 862.571 cuộc gọi đã được thực hiện thành công với hơn 2 triệu phút đàm thoại với người bệnh.

Mạng lưới Thầy thuốc đồng hành: Mô hình tư vấn từ xa được “may đo” phù hợp với từng địa phương - Ảnh 2.

Sau hơn 7 tuần, mạng lưới đã có sự tham gia của 5.838 y bác sĩ và các tình nguyện viên.

Khó khăn từ khâu kết nối cho đến hệ thống tổng đài, chăm sóc từ xa

Cũng theo bác sĩ Thành, thời gian đầu mới thực hiện, khó khăn lớn nhất là khâu kết nối với y tế địa phương do lực lượng y tế địa phương tại TP. HCM đang quá tải. Để khắc phục vấn đề này, mạng lưới đã phải thiết lập 22 nhóm làm việc, tương đương với 22 khu vực quận/huyện của thành phố, để các bác sỹ quen thuộc với y tế địa phương và ghép cặp với họ sau một thời gian tương tác.

Khó khăn thứ hai là phát triển phần mềm tổng đài và quản trị chăm sóc từ xa. Với khối lượng công việc khổng lồ trong 1 tuần đầu, mỗi ngày vài chục ngàn cuộc gọi, chăm sóc tư vấn sức khỏe thường xuyên cho hơn 28.000 người bệnh, theo dõi tình trạng chuyển biến nguy cơ của họ, báo cho cấp cứu nếu phát hiện tình trạng nặng khoảng 100 ca/ ngày. Chưa kể đến, luồng công việc được trao đổi liên tục giữa tình nguyện viên - bác sỹ tư vấn - bác sỹ quản lý - các chuyên gia - tổ hỗ trợ cấp cứu - tổ xử lý thông tin khẩn cấp y tế (G23) - tổ Telehealth xác thực - thường trực ban điều hành - lãnh đạo Sở Y tế.

"Điều may mắn là đội ngũ chuyên gia công nghệ tình nguyện đã làm ngày đêm để luôn đồng hành cùng đội ngũ thầy thuốc chuyên môn. Đến thời điểm này hệ thống đã ổn định và đáp ứng được nhu cầu công việc", bác sĩ Thành bày tỏ.

Mặc dù hiện cũng có một số dự án hỗ trợ người bệnh trực tuyến khác, nhưng theo bác sĩ Thành, dự án mạng lưới "Thầy thuốc đồng hành" có những sự khác biệt nhất định. Đó là việc dự án xây dựng một mô hình quản trị người bệnh được "may đo" để phù hợp với từng địa phương. "Chúng tôi coi việc hợp tác với y tế địa phương là điểm quan trọng số một", bác sĩ Thành chia sẻ.

Ngoài ra, mạng lưới cũng có quy trình làm việc nhóm khoa học, rõ ràng, nhiều tầng, có các công nghệ hỗ trợ theo từng tầng làm việc cũng như được sự ủng hộ rất lớn từ nhà mạng VNPT, các công ty công nghệ như Callio, Gapowork và cộng đồng công nghệ, tình nguyện viên trong việc vận hành mạng lưới với gần 6.000 người làm việc liên tục và 8.000 thành viên tính đến thời điểm này.

Về kế hoạch trong thời gian sắp tới, tùy vào tình hình dịch bệnh của các địa phương TP. HCM, Bình Dương, Hà Nội, mạng lưới "Thầy thuốc đồng hành" sẽ tiếp tục đồng hành cùng người dân và y tế địa phương để chống lại dịch COVID-19, nhằm đạt được mục tiêu giảm thiểu số ca tử vong tại cộng đồng.

"Chúng tôi có kế hoạch báo cáo đầy đủ lên các bộ, ngành liên quan để thẩm định, chuyển giao mô hình mạng lưới "Thầy thuốc đồng hành" cho các địa phương khác có nhu cầu", bác sĩ Thành kết luận.

Tham gia mạng lưới nhờ "cái duyên" với Telehealth

Bác sĩ Đỗ Tiến Sơn đang công tác tại Viện Đào tạo và Nghiên cứu sức khỏe trẻ em - Bệnh viện Nhi Trung ương cho biết, khi tình hình dịch bệnh các tỉnh phía Nam căng thẳng hơn, nhận được công văn xin hỗ trợ từ Hội Thầy thuốc trẻ Việt Nam, Ban giám đốc bệnh viện đã điều động ngay ekip tham gia mạng lưới "Thầy thuốc đồng hành". Để rồi, bác sĩ Sơn khẳng định, cảm thấy may mắn, vinh dự khi được là một trong số những người của bệnh viện được tham gia mạng lưới và trở thành Trưởng nhóm tư vấn – Khu vực 772 của mạng lưới "Thầy thuốc đồng hành".

Kể về cái duyên khi được tham gia dự án này, bác sĩ Sơn khẳng định, một năm trước đó, lãnh đạo khoa có giao tìm hiểu về Telehealth để triển khai khám chữa bệnh cho trẻ em. Mặc dù dự án chưa hoàn thiện nhưng bác sĩ Sơn đã học và đọc rất nhiều tài liệu cũng như gia nhập các hiệp hội liên quan để nắm được kiến thức cơ bản về y học từ xa.

Khi tham gia dự án, theo bác sĩ Sơn, bản thân đã học hỏi được rất nhiều về kĩ năng dẫn dắt và xây dựng đội nhóm hoạt động y khoa. Với vai trò trưởng nhóm khu vực, nhiệm vụ không chỉ là triển khai Telehealth cho bệnh nhân, bác sĩ Sơn còn cần làm tốt việc dẫn dắt một nhóm bác sĩ, tình nguyện viên với những trái tim nhân hậu, khối óc mẫn tiệp. "Tôi và các anh em trong nhóm đều đến với nhau bằng lòng chân thành. Tôi cảm thấy may mắn khi có cho mình một đội nhóm đoàn kết, mỗi ngày lại học tập thêm nhiều điều thú vị và chất lượng", bác sĩ Đỗ Tiến Sơn khẳng định.

Mạng lưới Thầy thuốc đồng hành: Mô hình tư vấn từ xa được “may đo” phù hợp với từng địa phương - Ảnh 4.

Mạng lưới là sự kết hợp của các kiến thức được tích lũy nhiều năm, học hỏi các mô hình của quốc tế, có sự điều chỉnh liên tục để phù hợp với tình hình dịch bệnh tại địa phương.

Việc thăm khám bệnh qua điện thoại sẽ tiếp cận được nhiều người nghèo hơn

Ngay từ thời điểm tham gia, bác sĩ Sơn cùng những đồng nghiệp khác tại Bệnh viện Nhi Trung ương đã quyết tâm làm tốt nhiệm vụ này. Theo bác sĩ Sơn, điểm thuận lợi hiện nay là do giãn cách xã hội nên số lượng bệnh nhân tại Bệnh viện Nhi Trung ương không cao nên lãnh đạo bệnh viện đã ưu tiên để nhóm bác sĩ tham gia mạng lưới có thể dành nhiều thời gian hoạt động hơn.

Tuy nhiên, nhóm cũng gặp rất nhiều khó khăn và áp lực. Bác sĩ Sơn cho biết thời điểm duy nhất mình muốn dừng lại là vào cuối tuần thứ 2 kể từ khi tham gia mạng lưới. Khi đó, lượng bệnh nhân nặng chưa được hỗ trợ y tế rất nhiều, trong khi mỗi bệnh nhân chậm tiếp cận chăm sóc phù hợp là một nỗi đau, ám ảnh đeo bám. Do đó, với mỗi bác sĩ, nỗi sợ sâu thẳm nhất là sợ bệnh nhân của mình trở nặng. "Áp lực đè nặng lên tâm trí bác sĩ tư vấn, tình nguyện viên, bác sĩ tổ cấp cứu và tôi - bác sĩ quản lý. Cuốn sổ cấp cứu khi ấy là vật bất li thân với tôi, dù đi trực, đi làm hay thậm chí đi siêu thị", bác sĩ Sơn khẳng định.

Khi đó, bác sĩ Sơn đã nghĩ rằng, nếu bỏ cuộc, mình sẽ mất thêm thời gian để người mới có thể bắt kịp và xử lí công việc được. "Vì thế, tôi cùng anh em tự tìm cách giải tỏa áp lực. Và rồi, đến giờ này, chúng tôi vẫn ở cạnh nhau và công việc đã trơn tru hơn nhiều", bác sĩ Sơn nói.

Đối với các bác sĩ, trước giờ vẫn khám bệnh trực tiếp, nhưng giờ chuyển sang khám bệnh qua điện thoại. Chia sẻ về việc thay đổi thói quen này có khiến các bác sĩ tham gia dự án gặp khó khăn hay không, bác sĩ Sơn cho rằng, do có những kiến thức nền tảng về Telehealth nên hiểu được về những giới hạn của y học từ xa, đặc biệt là thăm khám qua gọi điện tiếng (phone call). "Do đó, tôi đã phải chia sẻ rất nhiều để anh em chấp nhận và hiểu được những ranh giới đó", bác sĩ Sơn cho biết.

Ở mạng lưới "Thầy thuốc đồng hành", các bác sĩ sử dụng phần mềm tổng đài ảo Callio với hỗ trợ của VNPT, thông qua những cuộc gọi thông thường qua đầu số 18001119. Đây cũng là một ưu điểm, thay vì sử dụng qua kênh khác như video call, app nội bộ.

"Bởi vì cuộc gọi cơ bản như vậy có thể đến với mọi hoàn cảnh, đặc biệt đến với người nghèo - những người chắc chắn không có smartphone, không có tiền sử dụng dịch vụ Internet, không biết tải ứng dụng. Độ phủ của mạng lưới nhờ vậy mà sâu và rộng hơn", bác sĩ Sơn khẳng định.

Ngoài ra còn có khó khăn về việc xây dựng lòng tin và rào cản ngôn ngữ văn hóa vùng miền. Bác sĩ Sơn cho biết đó là những bài toán mà bất cứ người làm Telehealth nào cũng rõ. Vì vậy, các bác sĩ cần gọi kĩ hơn, lâu hơn và biết chấp nhận giới hạn xa nhất mà y học từ xa có thể chạm đến.

Để khắc phục hạn chế đó, mạng lưới còn tổ chức Telehealth với nền tảng VeeMed để khám với hình ảnh (video call) đảm bảo bảo mật, hiệu quả và chuyên nghiệp. Và không thể không kể đến vai trò phối hợp hỗ trợ của y tế địa phương, tổ quân y, tổ phản ứng nhanh - những lực lượng đang chiến đấu trên thực địa. "Tôi tin rằng đó là hai mảnh ghép quan trọng, trám lấy "khuyết điểm" của telemedicine qua phone call", bác sĩ Sơn nói.

Khi cuộc sống về trạng thái bình thường mới, bác sĩ Sơn cho rằng, công việc khám từ xa chắc chắn sẽ được chú trọng phát triển. Telehealth khi ấy cũng còn hiệu quả hơn nhiều khi có thể đi đến tận cùng vấn đề với bệnh nhân. Ví dụ như sau Telehealth, các bác sĩ có thể xác định đứa trẻ đang khó thở, phải đi viện ngay hoặc đề nghị làm thêm các xét nghiệm hay khám trực tiếp tại đâu. Lúc này, các bệnh nhân sẽ được hưởng lợi. Bản thân các bác sĩ cũng sẽ không bị áp lực không giải quyết được hết các vấn đề của người ốm.

"Sau khi mạng lưới "Thầy thuốc đồng hành" hoàn thành sứ mệnh, tôi và cộng sự mong rằng sẽ có thể áp dụng linh hoạt mô hình này vào nhu cầu thực tế của Bệnh viện Nhi Trung ương", bác sĩ Sơn kết luận.

Về lời khuyên cho những bác sĩ khi khám bệnh online, theo bác sĩ Đỗ Tiến Sơn, đó là cần nói chậm lại, dẫn dắt kĩ hơn cũng như nắm chắc triệu chứng, cơ chế bệnh. Đó chính là nền tảng cho bất kì phiên khám nào dù là online hay đối mặt. Bác sĩ Sơn tin rằng, các bác sĩ là nhóm đối tượng được đào tạo và có thiên bẩm trong dẫn dắt, đồng cảm và khai thác thông tin. Do đó, đa số bác sĩ có thể hoạt động trơn tru chỉ sau vài lần làm quen.

Nổi bật Tạp chí Thông tin & Truyền thông
  • Báo chí quốc tế viết gì về Triển lãm Quốc phòng quốc tế Việt Nam 2024?
    Sự kiện Triển lãm Quốc phòng quốc tế Việt Nam năm 2024 thu hút sự chú ý trong - ngoài nước và cả nhiều cơ quan truyền thông quốc tế.
  • “AI như là một chiếc gương đen”
    Bài báo "AI is the Black Mirror" của Philip Ball cung cấp một cái nhìn chi tiết về trí tuệ nhân tạo (AI) và tác động của nó đến nhận thức con người.
  • Chất lượng thông tin báo chí về kinh tế - Vai trò, yêu cầu thước đo và giải pháp cần có
    Báo chí kinh tế cần là diễn đàn thực thụ cho doanh nghiệp, không chỉ cung cấp thông tin. Thông tin cần chính xác và kịp thời để hỗ trợ doanh nghiệp trong điều chỉnh chiến lược kinh doanh.
  • Những “ngọn đuốc” ở bản
    Ở Tuyên Quang, người có uy tín là những người đi đầu thay đổi nếp nghĩ, cách làm của bà con dân tộc thiểu số (DTTS). Họ như những “ngọn đuốc” đi trước, thắp sáng, lan tỏa tinh thần trách nhiệm, nêu gương với cộng đồng. Gương mẫu, uy tín, những người có uy tín đã và đang góp sức xây dựng bản làng, thôn xóm ngày càng ấm no, giàu mạnh.
  • 5 lý do để tăng cường bảo mật mạng
    Các chương trình an ninh mạng đã phát triển đáng kể trong vài thập kỷ qua. Sự ra đời của điện toán đám mây đã phá vỡ ranh giới an ninh mạng thông thường của của các doanh nghiệp, buộc các tổ chức phải liên tục cập nhật những chiến lược phòng thủ của mình.
Đừng bỏ lỡ
Mạng lưới "Thầy thuốc đồng hành": Mô hình tư vấn từ xa được "may đo" phù hợp với từng địa phương
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO