MỘT SỐ ĐỀ XUẤT VỀ VIỆC XÂY DỰNG NwGN TRONG MẠNG VIỄN THÔNG VIỆT NAM
Vài nét về mạng viễn thông Việt Nam
Để có thể hình dung việc chuyển dịch mạng viễn thông Việt Nam hiện nay sang mạng thế hệ mới NwGN, ta cần xem xét cấu hình thực tế mạng viễn thông Việt Nam hiện tại. Cấu hình của mạng viễn thông Việt Nam nói chung đều có vòng ring chính chịu tải lưu lượng. Bên cạnh đó, các nhà khai thác dịch vụ, cung cấp dịch vụ, dịch vụ nội dung chuyển lưu lượng của mình lên các trạm router tại các tỉnh thành phố, từ đó chuyển lưu lượng lên mạng lõi (Hình 4).
Việc hiện đại hoá mạng lõi (hay OTN hoá mạng lõi) sẽ là một chủ đề khác [19], [20], [21], nhưng cũng nên là một phần của kế hoạch tiệm cận lên NwGN, vì tính ưu việt của nó trong việc nâng cấp và đảm bảo tốc độ tối ưu, cực cao của mạng lõi, nhằm đáp ứng nhu cầu thông tin ngày càng cao của Việt Nam và sự đa dạng hoá của nguồn thông tin, đa dạng hoá các dịch vụ thông tin trên mạng.
Gần đây, chủ trương của chính phủ trong việc xây dựng chính phủ điện tử (e-Gov), chuyển sang thanh toán điện tử (không dùng tiền mặt), dịch vụ ví điện tử, e-Bank... đã là thách thức rất lớn của xã hội đối với ngành viễn thông nói riêng và của cả xã hội nói chung.
Đề xuất tiệm cận hoá NwGN cho mạng viễn thông Việt Nam
Nguyên nhân
Vấn đề là việc đi lên, đi tắt đón đầu trong công nghệ không phải là xu hướng của Việt Nam nói riêng, mà của hầu hết các nước đang phát triển nói chung. Việc tiến đến mạng NwGN là cách rút ngắn khoảng cách công nghệ với các nước tiên tiến, tránh để tụt hậu sâu hơn về công nghệ thông tin là một chủ trương đúng đã và đang đem lại hiệu quả lớn cho nền kinh tế Việt Nam hiện nay. Đây cũng đồng thời là định hướng phát triển ngành viễn thông trong giai đoạn từ nay đến năm 2020 và các năm tiếp theo. Tuy nhiên, do việc chuyển lên NwGN là một mạng hiện nay chỉ mới ứng dụng ở mức định hướng, chưa có một định nghĩa cụ thể nào về mạng này, nên việc ứng dụng và chuyển lên NwGN phải được tiến hành từng bước một, tiệm cận dần đến các mục tiêu của NwGN, các mục tiêu mà đa số các dự án, đặc biệt là các khuyến nghị đã được ITU khẳng định, thông qua nhóm thảo luận đặc biệt (2009) của ITU nghiên cứu về mạng thế hệ mới ([16]).
Do đó, về định hướng chung, cần nhận thức được định hướng chuyển lên NwGN là định hướng nhất quán. Còn trong thực tế, các nhà mạng cũng như chính phủ cần có lộ trình, định hướng rõ ràng, nhằm hướng đến một mạng NwGN mới, mạnh, có tính đón đầu, nhằm đạt hiệu quả đầu tư cao nhất, tránh đầu tư dàn trải, đầu tư vào các mục tiêu phụ, mục tiêu không hiệu quả trong tương lai.
Hướng tiệm cận NwGN về công nghệ và tiến trình ứng dụng
Về công nghệ, cần có một lộ trình hiện đại hóa mạng lõi viễn thông, nhằm đáp ứng ngay nhu cầu hiện tại, đồng thời có hướng đến tương lai. OTN, theo khuyến nghị G.709, G.872 của ITU-T tại [14], [15], sẽ là một hướng công nghệ của tương lai, ít nhất là vài thập kỷ nữa. Với nhu cầu ngày càng tăng về băng thông của Việt Nam, việc nâng cấp, đầu tư ngay mạng lõi công nghệ OTN sẽ là một hướng công nghệ rất đáng đầu tư ngay từ bây giờ [19], [20], [21].
Về các mạng ngoại vi, cần có tiến trình hiện đại hoá, nâng cấp dần tốc độ của các mạng biên, kết nối lõi với tốc độ cao, đảm bảo an ninh, an toàn, đồng thời tổ chức quang hoá đến cấp thấp nhất trong mạng viễn thông, càng nhiều, càng sớm càng tốt.
Về môi trường, ngay từ giờ cần sớm đặt ra các tiêu chuẩn về môi trường. Ví dụ: các tiêu chuẩn về tiêu thụ năng lượng, các ưu tiên cho các thiết bị sử dụng năng lượng tái tạo, năng lượng mặt trời. Các chính sách của nhà nước về đầu tư cho các thiết bị, giải pháp công nghệ tương ứng, đảm bảo cho việc ứng dụng càng nhiều càng tốt các thiết bị, giải pháp công nghệ mang tính đột phá về môi trường, giảm thiểu khí thải nhà kính, tiêu thụ năng lượng trên đầu Gb thấp sẽ là định hướng ưu tiên khi đi lên NwGN.
Về mặt xã hội, các ứng dụng mang tính xã hội cao cần được ưu tiên giải quyết, như các ứng dụng về giải quyết việc làm, y tế, giáo dục, cân bằng sinh thái, chống biến đổi khí hậu, cân bằng và hợp lý trong giới tính, tuổi tác, năng lực tự nhiên của mỗi người sử dụng mạng.
Ước lượng đánh giá hiệu quả
Rõ ràng, mạng viễn thông Việt Nam hiện tại đã và đang đáp ứng tốt cho các nhu cầu của nền kinh tế. Việc Việt Nam là một trong những nước ứng dụng 3G hiệu quả và có giá cước thông tin trên mạng thấp nhất, cho thấy việc đầu tư nâng cấp mạng lưới đã và đang đem lại những hiệu quả không nhỏ cho nền kinh tế, nhất là trong thời đại thông tin và truyền thông như hiện nay.
Trong những năm tới, khi cả thế giới thay đổi theo chiều hướng ứng dụng ngày càng nhiều mạng viễn thông để giải quyết các vấn đề xã hội, thì việc mạng viễn thông phải thay đổi liên tục, phải đi trước một bước là điều hiển nhiên. Do đó, hiệu quả đầu tiên của triển khai NwGN cho mạng viễn thông Việt Nam là đem lại cho người dân, cho nên kinh tế một công cụ hiệu quả để thúc đẩy kinh tế phát triển.
Hơn nữa, trong khi thị trường viễn thông ngày càng bùng nổ như hiện nay, việc phát triển sang NwGN là việc hết sức cần thiết để có thể đi trước đón đầu, và thu lợi nhuận từ việc hoạch định chính sách đáp ứng nhu cầu của xã hội trong lĩnh vực thông tin. Việc sử dụng các nền tảng thông tin mới, tốc độ cao, chất lượng tốt được coi là một phương pháp hiệu quả để đáp ứng nhu cầu sử dụng ngày càng tăng hiện nay.
KẾT LUẬN
Mạng thế hệ mới (NwGN) đến nay thực sự là giải pháp hữu hiệu cho việc hiện đại hoá mạng viễn thông của các nhà khai thác trên thế giới nói chung và Việt Nam nói riêng.
Việc hiện đại hoá này nhằm đáp ứng một phần nhu cầu thông tin hiện tại, giải quyết một loạt vấn đề nảy sinh hiện nay như thiếu băng thông, nghẽn cục bộ đồng thời là cơ sở quan trọng trong việc đáp ứng nhu cầu thông tin, truyền thông ngày càng cao trong giai đoạn tiếp theo, từ nay đến 2020 và các năm sau.
Trong tiến trình đáp ứng với sự phát triển nhanh của dịch vụ, xu thế đi lên mạng thế hệ mới là một tất yếu, cũng như nhu cầu lưu lượng tăng vọt trong những năm sắp tới, đặc biệt là lưu lượng trên di động cũng như băng rộng thì việc tiến tới NwGN của Việt Nam cũng như các nhà khai thác mạng viễn thông trên thế giới là một thực tế khách quan và là điều các nhà khai thác đang hướng đến để có thể định hướng kinh doanh trong thời gian sắp đến.
Tài liệu tham khảo
[1].Cisco Visual Networking Index-.Forecast and Methodology, 2012-2017.
[2]. Worldwide Bandwidth Demand Market Forecast, April 2010.
[3]. Tabulation and Estimation of Internet Traffic in Japan, February 21, 2008.
[4].http://www.nets-find.net/.
[5].http://cordis.europa.eu/fp7/ict/programme/challenge1_ en.html.
[6].GENI Research Plan; GENI: Global Environment for Network Innovations.
[7].FIND Observer Panel Report, 2009.
[8].NSFFuture Internet Summit, 2010.
[9]. Euro-NF, Anticipating the Network of the Future - From Theory to Design, 2008.
[10].EIFFEL - The EIFFEL Support Action: Laying the foundatbn for Future Networked Society, 2010.
[11].New Generation Network Architecture - AKARI Conceptual Design, 2008.
[12].New Network Architectures - The Path to the Future Internet, Springer, 2010.
[13]. expressive Internet Architecture, NFS Future Internet Architectture Project, 2011.
[14].ITU-T G.709 (01/03), Interfaces for the Optical Transport Network (OTN).
[15].ITU-T G.872 (10/01), Architecture for the Optical Transport Network (OTN).
[16].http://www.itu.int/en/ITU-T/focusgroups/fn/Pages/default. aspx.
[17].http://www.nict.go.jp/nrh/nwgn.
[18].DAVID CLARK, KAREN SOLLINS, JOHN WROCLAWSKI, DINA KATABI, JOANNA KULIK, XIAOWEI YANG, ROBERT BRADEN, TED FABER, AARON FALK, VENKATA PINGALI, MARK HANDLEY, NOEL CHIAPPA, 2000, New Arch: Future Generaton Internet Architecture.
[19].NGUYỄN TRỌNG TÂM, TRẦN MẠNH HÙNG, Một số giải pháp hện đại hoá mạng lõi, Tạp chí Công nghệ Thông tin và Truyền thông, Số 400(590), kỳ 1 tháng 5/2011.
[20].Ericsson WhitePaper, OTN - Tuong lai của truyền tải dữ liệu, Tạp chí Công nghệ Thông tin và Truyền thông, Số 388(578), kỳ 1 tháng 11/2010.
[21] NGUYỄN TRỌNG TÂM, Triển khai hiện đại hóa mạng với OTN (phán 1,2), http://tapchibcvt.gov.vn/TinBai/2610/ Trien-khai-hien-dai-hoa-mang-voi-OTN-phan-1(2), truy cập ngày 10/8/2013.
Trần Minh Anh