Thu hút nhân tài tham gia khu vực công trong bối cảnh chuyển đổi số tại Việt Nam
Trong bối cảnh đất nước đang đẩy mạnh phát triển khoa học công nghệ, chuyển đổi số và đổi mới sáng tạo, nguồn nhân lực trẻ chính là một trong những nhân tố then chốt. Chính phủ đã và đang đưa ra nhiều chính sách mới nhằm thu hút nhân tài vào khu vực công, với kỳ vọng xây dựng đội ngũ nhân sự hiện đại, năng động.
.jpg)
Mức độ sẵn sàng của thanh niên Việt Nam với việc làm trong khu vực công
Giữa thời đại kỷ nguyên số bùng nổ, khi trí tuệ nhân tạo (AI) và tự động hóa định hình lại thế giới, tương lai đất nước phụ thuộc rất nhiều vào việc chuẩn bị một thế hệ trẻ không chỉ giỏi tri thức mà còn mạnh về thể chất, vững về bản lĩnh và giàu bản sắc văn hóa. Đầu tư cho thế hệ trẻ là nền tảng chiến lược để đưa đất nước bứt phá, vươn lên mạnh mẽ.
Trong bài viết “Tương lai cho thế hệ vươn mình”, Tổng Bí thư Tô Lâm cũng đã khẳng định “Xây dựng và nuôi dưỡng một thế hệ thanh niên mạnh mẽ, trí tuệ và văn minh chính là nền tảng vững chắc để Việt Nam không ngừng vươn lên, trở thành quốc gia phát triển, biểu tượng của khát vọng, sức mạnh và ý chí dân tộc”.
Phát biểu tại tọa đàm “Thanh niên và tương lai nghề nghiệp trong bối cảnh chuyển mình của Việt Nam” diễn ra chiều 8/5, ông Patrick Haverman, Phó trưởng đại diện thường trú của UNDP Việt Nam, cho biết: “Tháng 12/2024, Tổng Bí thư Tô Lâm đã ban hành Nghị quyết số 57-NQ/TW của Bộ Chính trị về đột phá phát triển khoa học, công nghệ, đổi mới sáng tạo và chuyển đổi số (CĐS) quốc gia, kêu gọi đẩy nhanh quá trình CĐS của Việt Nam trên mọi lĩnh vực. Đây chính là tầm nhìn dựa trên nền tảng một xã hội số hiện đại, hiệu quả và thúc đẩy đổi mới sáng tạo (ĐMST).
Hơn nữa, Việt Nam đang tiến hành tinh gọn, sắp xếp lại tổ chức bộ máy, hoàn thiện thể chế để làm sao thu hút nhân tài cũng như tăng cường hơn nữa tính hiệu quả và tinh gọn của hệ thống chính phủ. Để đạt được những tầm nhìn này không chỉ là về công nghệ mà còn là về con người. Và điều đó có nghĩa là cần đầu tư và trao quyền cho một thế hệ trẻ tài năng, có động lực mới. Đó là lý do tại sao sự kiện hôm nay với chủ đề “Thanh niên và tương lai nghề nghiệp trong bối cảnh chuyển mình của Việt Nam” được tổ chức vừa mang tính kịp thời vừa cần thiết”.
“Thế giới việc làm đang thay đổi nhanh chóng với những công nghệ mới. Trong bối cảnh đó điều quan trọng là giới trẻ phải tích cực tham gia vào việc định hình cho tương lai việc làm để làm sao tương lai của chúng ta có tính hòa nhập và công bằng hơn”, ông Patrick Haverman nhấn mạnh.
Theo khảo sát do UNDP thực hiện, khi lựa chọn việc làm, thanh niên hiện nay ưu tiên các yếu tố như cơ hội phát triển bản thân và thăng tiến, môi trường làm việc sáng tạo, thân thiện và hòa nhập, cùng với quyền lợi và lương thưởng khi lựa chọn công việc. Uy tín của tổ chức, khả năng đóng góp cho xã hội và mức độ ổn định cũng được cân nhắc, nhưng ở mức độ thấp hơn.

Kết quả khảo sát dựa trên 402 phản hồi từ người trẻ ở nhiều độ tuổi và tình trạng việc làm khác nhau (sinh viên, người đã đi làm trong khu vực công, tư và các tổ chức phi lợi nhuận) và 15 cuộc phỏng vấn sâu được thực hiện với các cá nhân đến từ nhiều khu vực khác nhau, bao gồm các nhóm yếu thế như người khuyết tật và cộng đồng LGBTIQ+.
Đặc biệt, theo khảo sát, môi trường làm việc được nhóm LGBTIQ+ đánh giá là yếu tố quan trọng nhất. Đối với nhiều người trẻ, "phát triển bản thân" không chỉ là thăng tiến về chức vụ mà còn bao gồm mở rộng kỹ năng, trải nghiệm đa dạng vị trí trước khi gắn bó lâu dài. Họ cũng đánh giá cao môi trường có đồng nghiệp chuyên nghiệp và lãnh đạo truyền cảm hứng
Mặc dù có tới 85% người được khảo sát từng được người thân khuyến khích làm việc trong khu vực công, nhưng chỉ có 20% xem đây là lựa chọn ưu tiên trong tương lai. Sự ổn định và cơ hội cống hiến là động lực chính để người trẻ xem xét khu vực công, trong khi môi trường cứng nhắc, lương thấp và các rào cản tiếp cận là yếu tố cản trở.
Người trẻ cũng cảm thấy tự tin với năng lực và nền tảng học vấn của mình, nhưng cho rằng giáo dục hiện tại thiếu tính thực tiễn và không đáp ứng nhu cầu về kỹ năng mềm, công nghệ, và ĐMST - đặc biệt trong các ngành xã hội.
Cũng theo kết quả khảo sát, những rào cản lớn nhất khiến thanh niên khó tiếp cận việc làm khu vực công bao gồm: Thiếu thông tin rõ ràng và dễ tiếp cận về cơ hội việc làm; Ngôn ngữ trong thông báo tuyển dụng và quy định pháp luật khó hiểu; Quy trình ứng tuyển phức tạp, chậm, và đôi khi thiếu minh bạch; Chi phí nộp hồ sơ cao và có dấu hiệu thu phí bất hợp lý; Các yếu tố “thiếu quan hệ” và “thiếu tài chính” là cản trở lớn trong tiếp cận cơ hội việc làm công; Thiếu các cơ hội thực tập, thử việc trong khu vực công; Rào cản về giới, tuổi.
Tương lai của việc làm trong bối cảnh CĐS tại Việt Nam
Hiện nay, CĐS đã trở thành yếu tố sống còn trong nền kinh tế hiện đại. Tuy nhiên, thống kê cho thấy do thiếu kỹ năng số, 54% lao động cần được đào tạo trong năm 2025 trong khi hệ thống giáo dục và đào tạo chưa đáp ứng kịp nhu cầu.
Bên cạnh đó, lao động phổ thông và trung niên gặp khó khăn trong thích nghi với AI, dữ liệu lớn và tự động hóa. CĐS mở ra cơ hội lớn nhưng đòi hỏi sự chuẩn bị kỹ lưỡng để vượt qua các thách thức về kỹ năng, công nghệ và bất bình đẳng.
Chia sẻ tại tọa đàm, đại diện Bộ Nội vụ cho biết: “Đảng, nhà nước ta hiện nay đang thực hiện sắp xếp, tinh gọn tổ chức bộ máy nhằm loại bỏ những người không có trình độ, không có năng lực, làm việc không hiệu quả”.
Bộ Nội vụ cũng đang nghiên cứu sửa đổi Luật Cán bộ, công chức, trong đó xem xét xoá bỏ quy định về “biên chế suốt đời”, tức là những người không có năng lực sẽ phải đưa ra khỏi nền công vụ; đồng thời cải cách chế độ tiền lương và thu nhập cho công chức, viên chức, người lao động trong khu vực công.
“Các bạn trẻ cần có thái độ tốt, học tập tốt mới có kỹ năng để tự tin phát triển được”, đại diện Bộ Nội vụ cho biết.
Cũng theo chia sẻ của vị đại điện Bộ Nội vụ, hiện nay có rất nhiều chế độ đãi ngộ để thu hút nhân tài tham gia khu vực công như có mức lương khởi điểm cao hơn, được cử tham gia các khóa đào tạo trong nước và nước ngoài, được tham gia đề xuất các chủ trương chính sách, được tư vấn phản biện trao đổi ý kiến. Đặc biệt, Nghị định số 179/2024/NĐ-CP ngày 31/12/2024 đã quy định rất rõ các chính sách nhằm thu hút, trọng dụng người có tài năng làm việc trong cơ quan, tổ chức, đơn vị của Đảng Cộng sản Việt Nam, Nhà nước, Mặt trận Tổ quốc Việt Nam và các tổ chức chính trị - xã hội./.