Máy tính điện tử ở miền Nam sau năm 1975 với lời dặn của Giáo Sư Trần Đại Nghĩa

03/11/2015 20:42
Theo dõi ICTVietnam trên

Nhân dịp kỷ niệm 40 năm ngày giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước, Tạp chí CNTT&TT xin giới thiệu bài viết của TS. Nguyễn Trọng kể về những ngày đầu tháng 5/1975, đội ngũ sỹ quan trẻ của Trung tâm Toán – Máy tính quân đội ta tiếp quản và sử dụng hệ thống máy tính điện tử của chế độ ngụy quyền Sài Gòn.

 Về các dàn máy tính IBM khá hiện đại thời bấy giờ ở Sài Gòn thì hôm nay còn có gì cần suy nghĩ nữa?

Trong bài báo của Donald Ficher Harisson viết năm 1988 với tựa đề “Computer, Electronic Data, and the Vietnam War” đã viết rằng: Chiến tranh Việt Nam là cuộc chiến có nhiều dữ liệu nhất trong lịch sử quân sự, là cuộc chiến đã được vận hành với sự hỗ trợ tổng lực của công nghệ phân tích dữ liệu điện tử.

Năm 1965, Nhà Trắng mới chính thức sử dụng máy tính điện tử trong quản lý và phân tích dữ liệu chính phủ và dữ liệu quốc phòng thì năm 1968, quân đội Mỹ đã làm điều ấy ở chiến tranh Việt Nam, tại Lầu Năm Góc Phương Đông, đặt trong khu vực sân bay Tân Sơn Nhất.

Viết những dòng này, tôi nhớ lại một buổi trưa khoảng giữa tháng 8/1975, Bác Trần Đại Nghĩa, khi đó là thiếu tướng, Phó Chủ Nhiệm Tổng Cục Hậu Cần, sau khi vào thăm dàn máy tính IBM – 360/40 đang làm nhiệm vụ khai thác các dữ liệu về nhân sự của quân đội Sài Gòn và các dữ liệu mà quân đội Sài Gòn gọi là “Tù binh cộng sản”, Bác Nghĩa cùng ngồi bệt xuống đất bên sân bóng bàn ở khu vực ngoài phòng máy trò chuyện với bọn sỹ quan trẻ chúng tôi.

Hình ảnh khu sân của Trung Tâm máy tính IBM 360 – 40 năm 1975, nơi bác Trần Đại Nghĩa ngồi trò chuyện với chúng tôi là sân bóng bàn phía sau lùm cây mé phải.

Hình ảnh dàn máy tính IBM 360 -40 thuộc Bộ Tổng Tham Mưu Quân Đội Sài Gòn, chuyên về quản lý nhân sự quân đội Sài Gòn với hơn 1 triệu quân, nơi bác Trần Đại Nghĩa ghé thăm vào tháng 8/1975. Ảnh trái là bộ phận CPU với bàn phím điều khiển máy, ảnh phải là các tủ băng từ, máy nhập dữ liệu từ bìa đục lỗ và máy in (từ trong ra).

Sau khi báo cáo với bác Nghĩa mọi mặt về tình hình khôi phục và tiếp tục tổ chức hoạt động của dàn IBM 360 – 40, tôi báo cáo thêm với Bác rằng quân đội Mỹ đã đưa các dàn máy tính vào loại hiện đại nhất thời cuối 1960 vào tham chiến ở Việt Nam, chỉ chậm hơn vài năm so với Pentagon, thì Bác Nghĩa cười và nói: “Một trong các lý do Mỹ thua là vì thế đấy! Hành quân theo máy tính, ném bom cũng theo máy tính! Mà hôm nay họ còn đau tiếp là vì máy tính đã cho các bạn biết về từng người lính của quân đội Sài Gòn”. Dừng một lát Bác nói tiếp: “Nói đùa thôi, chứ các cậu phải nghiên cứu xem họ làm những gì và làm thế nào để mau chóng sử dụng các dàn máy này vào việc tích lũy và phân tích dữ liệu cho quân đội và nhà nước ta. Tới đây nhất định phải là như vậy, chiến tranh hiện đại và xây dựng kinh tế rất cần tích lũy và phân tích dữ liệu. Chúng ta chưa quen với thông tin và dữ liệu. Chiến thắng họ nhưng chỗ này phải học họ”.

Trong bài viết “Data Processing Goes to War with IBM's Bachelor Computer Experts” của Dan Feltham, tác giả đã nói khá kỹ về một đội quân kỹ thuật của IBM gồm khoảng 250 lượt người đã tham gia trong một đội tham chiến ở Việt Nam thuộc đội hình của MACV (Bộ Tư lệnh hỗ trợ quân sự Hoa Kỳ tại Nam Việt Nam, thường đọc là Mắc Vi). MACV thực chất là bộ chỉ huy tối cao quân đội Mỹ và đồng minh trong chiến tranh xâm lược Việt Nam và toàn Đông Dương.

Thời những năm trước 1970, nói đến máy tính điện tử thì chủ yếu chỉ có IBM ở Mỹ và EC ở Liên Xô. Vài nước khác cũng có sản xuất máy tính nhưng chưa đáng kể. Bản thân Feltham là một trong số 250 chuyên viên IBM tham chiến tại Việt Nam. Họ được điều sang Thái Lan và Việt Nam theo từng nhiệm kỳ 2 năm. Theo Feltham thì có lẽ tại một thời điểm có nhiều nhất là khoảng 50 chuyên viên kỹ thuật IBM có mặt tại Việt Nam. Kể từ năm 1968, nhóm chuyên viên IBM này chủ yếu làm việc tại Việt Nam và rút đi vào cuối tháng 3/1973, đúng 60 ngày sau hiệp định Paris được ký kết vào 27/01/1973, quy định việc quân đội Mỹ phải rút khỏi Nam Việt Nam. Như vậy là nhóm IBM này có mặt tại chiến trường Việt Nam suốt trong thời kỳ của các đại tướng Westmoreland, Abrams, Wayand, lần lượt là các tư lệnh của  MACV từ 1967 tới 1973 và sau đó đều là Tham Mưu Trưởng Lục Quân Hoa Kỳ (Chief of Staff of the United States Army) - sĩ quan cao cấp nhất trongLục quân Mỹ.

Dàn máy tính chính mà nhóm IBM sử dụng trong thời kỳ này là IBM 360-50 cùng với một số máy tính nhỏ hơn và hàng trăm đầu cuối thu thập dữ liệu chiến trường. Dàn máy 360-50 này được kết nối mạng với các trung tâm máy tính ở Thái Lan, Honolulu và Lầu Năm Góc. Mọi kế hoạch tác chiến, mọi mệnh lệnh từ Bộ Quốc Phòng, mọi kết quả không kích và những kết quả tác chiến khác, mọi mệnh lệnh điều động lực lượng và phương tiện vật chất trong chiến tranh Việt Nam,… đều được lưu trữ, xử lý tại dàn máy này. Báo cáo được máy tính chuyển lên cấp trên và mệnh lệnh thì chuyển xuống các đơn vị và cá nhân thực hiện. Thông tin được nhận – truyền trực tiếp về các bộ tư lệnh cấp trên và về Tổng Hành Dinh với hệ thống viễn thông cực tốt hoạt động 24/7.

Hãng IBM có lẽ là hãng máy tính duy nhất kiếm được khá nhiều tiền trong chiến tranh Việt Nam. Theo Feltham thì trong những năm 1968 – 1973, quân đội Mỹ đã phải chi cho đội IBM khoảng 70 triệu USD mỗi năm.

Từ tháng 3 năm 1973, dàn máy IBM 360-50 này được bán cho quân đội Sài Gòn và trở thành Trung tâm Điện toán Tiếp vận. Trung tâm này quản lý toàn bộ cơ sở vật chất kỹ thuật của quân đội Sài Gòn, chủ yếu là Tổng kho Long Bình và một số kho lớn khác ở Tây Nguyên và các vùng chiến thuật.

Vào những năm đầu thập kỷ 70, IBM còn thành lập công ty IBM Việt Nam với nhiệm vụ chính là cho thuê và bảo trì các dàn máy IBM mà các tổ chức khác nhau ở miền Nam kể cả quân đội, cảnh sát, cơ quan Chính Phủ và một số doanh nghiệp khác (chủ yếu là ngân hàng) thuê để sử dụng. Với IBM Việt Nam này thì người Mỹ làm quản lý, còn các chuyên viên kỹ thuật kể cả cứng và mềm chủ yếu là người Việt, vài người Hoa, người Pháp. Có tất cả khoảng 15 dàn máy IBM hoạt động tại Sài Gòn vào thời kỳ 5/1975, bao gồm chủ yếu là IBM 360 (13 dàn, thời đó gọi là Main Frame, tức các máy tính lớn), và vài dàn System 3 (thời đó gọi là các dàn Mini, tức máy tính nhỏ). Số các dàn IBM 360 bao gồm:

-  2 dàn máy 360-50: Ngoài dàn máy IBM 360-50 nói trên mà quân đội Sài Gòn đã mua lại của hãng IBM thì còn một dàn máy IBM 360-50 nữa đặt tại cơ quan Phủ Tổng Thống.

-  4 dàn IBM 360-40: 01 ở Bộ Tổng Tham Mưu quân đội Sài Gòn (chuyên về quản lý nhân sự), 01 ở Tổng Nha Cảnh Sát, 01 ở cơ quan điện lực và chiếc thứ tư ở chính trụ sở công ty IBM,

-  1 dàn IBM 360-30 đặt tại một cơ quan trong sân bay Tân Sơn Nhất, chuyên thầu các công trình quân sự.

-  5 dàn IBM 360-20: 01 ở cơ quan Bộ Quốc Phòng (chuyên về tính lương cho quân đội Sài Gòn), 01 ở Bộ Tư Lệnh Hải Quân, 01 ở hãng rượu bia BGI, 01 ở trụ sở ngân hàng và chiếc thứ năm ở cơ quan bưu điện.

Với 13 dàn máy IBM 360 (20, 30, 40, 50) này và một số dàn máy tính IBM loại khác thì đội ngũ lập trình viên (ngày đó gọi là thảo chương viên) tại Sài Gòn đã khá đông, có thể đã lên đến vài trăm người. Cùng với đội ngũ lập trình viên, loại nhân sự cấp cao trong các trung tâm tính toán thì còn 3 nhóm nhân viên nữa với số lượng nhiều hơn số lập trình viên. Đó là nhóm các operators (đôi khi gọi là các “điều hành viên”), tức những nhân viên vận hành máy tính, nhóm các nhân viên chuẩn bị dữ liệu (thường gọi là “nhân viên xuyên phiếu”) và nhóm nhân viên chuẩn bị tài liệu cho xuyên phiếu viên (thường gọi là các “mã số viên”). Cả 4 nhóm, tức nguồn nhân lực làm việc với các dàn máy tính này có lẽ khoảng 3 - 4 ngàn người. Vào thời kỳ đó, năng lực tính toán của Sài Gòn phải coi là lớn so với miền Bắc và cả với các quốc gia lân cận.

Ngày nay, khi hầu như mọi người đều làm việc với máy tính thì chúng ta khó hình dung chỉ một dàn máy, chẳng hạn IBM 360-40 thuộc Bộ Tổng Tham Mưu quân đội Sài Gòn, chuyên về quản trị nhân sự toàn thể quân đội Sài Gòn cần đến khoảng 40 thảo chương viên, 30 điều hành viên, khoảng 200 xuyên phiếu viên và khoảng 200 mã số viên, tức tổng cộng khoảng 500 người làm việc cho hệ thống quản lý nhân sự với dữ liệu trên 1 triệu quân của quân đội Sài Gòn thời kỳ đó.

Sau ngày 30/4, sự hợp tác giữa anh chị em làm máy tính miền Bắc và miền Nam kể cả dân sự và quân sự phải nói là rất tốt, chung sức cùng nhau tổ chức hoạt động trở lại các dàn máy tính ở Sài Gòn để một mặt khai thác các thông tin của chế độ cũ và mặt khác phục vụ các nhu cầu tính toán cho nhà nước và quân đội ta, khắc phục sức tính toán còn nhỏ của vài dàn máy tính ở miền Bắc.

Hầu hết các dàn máy tính phi quân sự ở Sài Gòn đều tiếp tục làm việc với nhân lực cơ bản là anh chị em đã làm việc ở đó trước đây, rồi tiếp tục được bổ sung bởi các anh chị em làm những công việc tương tự từ miền Bắc. Trong số các anh chị em làm máy tính trước năm 1975 tại Sài Gòn có thể kể đến các anh Dương Quang Thiện (nguyên giám đốc máy tính IBM 360 – 20 thuộc hãng BGI), anh Lê Bá Quang (nguyên cán bộ của máy tính ngân hàng), anh Đỗ Văn Hai (nguyên đại úy, trưởng phòng thảo chương thuộc dàn máy IBM 360 – 40 Bộ Tổng Tham Mưu quân đội Sài Gòn), và nhiều anh chị em khác đã có nhiều đóng góp đáng kể cho sự khôi phục hoạt động của các dàn máy tính IBM và tham gia vào việc phát triển các công nghệ và ứng dụng hệ thống máy vi tính trong nhiều năm sau này tại TP HCM.

Các dàn máy thuộc quân đội, cảnh sát và chính quyền Sài Gòn thì các cán bộ máy tính của quân đội, công an, một số cơ quan Chính Phủ ta cũng rất nhanh chóng làm chủ và tổ chức cho hoạt động lại chỉ vài ngày sau ngày 30/4/1975. Với các dàn máy này thì thường ta mời lại một số chuyên viên cũ cùng làm việc với các hệ thống dữ liệu của chính quyền Sài Gòn.

Một trong những vấn đề nan giải là việc bảo trì, sửa chữa các dàn máy thì các chuyên viên kỹ thuật còn lại của hãng IBM, như các anh Sô, anh Hòa, anh Lý,… đã một mặt tiếp tục lo việc này rất trách nhiệm, mặt khác huấn luyện và đào tạo nhiều kỹ sư của ta làm chủ các hệ thống kỹ thuật của IBM. Có vài người tiếp tục đi sâu vào công nghệ IBM và trở thành những chuyên gia kỹ thuật cấp cao của công ty IBM hoạt động tại Việt Nam nhiều năm sau này.

Một nhận xét quan trọng là toàn bộ các dàn máy tính ở Sài Gòn khi đó chỉ tập trung giải quyết các bài toán quản lý, phân tích dữ liệu. Hầu như không có các bài toán về khoa học – kỹ thuật được giải quyết trên các dàn máy tính này. Tuy nhiên đây lại là một đặc điểm mang lại cho chúng ta nhiều tri thức rất bổ ích.

Hai đỉnh cao của thời đại máy tính cho đến các năm cuối của thế kỷ trước là:

- Đỉnh cao thứ nhất:  Computer đã có thể thực hiện mọi tính toán cho tất cả các bài toán khoa học – kỹ thuật từ xây dựng nhà cửa, đến chế tạo bom nguyên tử, từ thiết kế ô tô đến các con tàu vũ trụ,...  Đỉnh cao này thì con người đã có thể kết luận ngay sau vài chục năm xuất hiện máy tính điện tử, tức kết luận này đã có được vào những năm 60 thế kỷ trước.

- Đỉnh cao thứ hai: Computer đã có thể triển khai mọi hệ thống quản trị từ nhỏ gọn như QUẢN LÝ NHÂN SỰ cho một cơ quan đến khổng lồ như QUẢN LÝ TÀI CHÍNH cho một đại tổ chức như WORLD BANK. Kết luận này dần dần được lộ diện từ thập kỷ 70 thế kỷ trước và đến những năm 80 - 90 thì đã được khẳng định.

Ở góc độ ứng dụng thì để leo lên mức nào đó ở đỉnh cao thứ 2, tức ứng dụng hiệu quả CNTT cho một yêu cầu quản lý nào đó khó hơn rất nhiều so với lập trình cho việc giải một bài toán về khoa học kỹ thuật đã có mô hình toán học. Bác Trần Đại Nghĩa đã dặn rằng, ta thắng Mỹ và chính quyền tay sai nhưng trong lĩnh vực này cần học họ. Chúng ta đều biết rằng về quản lý thì Mỹ là quốc gia có trình độ quản lý hàng đầu thế giới. Chính quyền và quân đội Sài Gòn đã buộc phải tổ chức các hệ thống quản lý theo các công nghệ quản lý của Mỹ. Vì vậy, việc nghiên cứu các hệ thống quản lý sử dụng máy tính điện tử trong các đơn vị kinh tế cũng như trong quân đội Sài Gòn chính là nghiên cứu phương pháp tổ chức ứng dụng CNTT trong quản lý của Mỹ vào những năm 70 thế kỷ trước. Có những nguyên lý, phương pháp, giải thuật trong tổ chức các hệ thống thông tin quy mô lớn cho đến hôm nay vẫn còn nguyên giá trị vì đó là những nguyên tắc quản trị chứ không chỉ là vấn đề công nghệ tính toán. Theo nhận xét của chúng tôi thì đến nay, các chương trình giảng dạy về sử dụng CNTT trong quản lý của chúng ta ở bậc đại học cũng vẫn còn thiếu rất nhiều về công nghệ quản lý mà chỉ chú trọng nhiều về CNTT. Một thí dụ rất đơn giản là khi tổ chức một hệ thống quản lý nhân sự cỡ vài triệu đối tượng, phân tán trên một vùng địa lý rộng lớn, chẳng hạn một tỉnh hoặc lớn hơn là trong cả nước thì rất nhiều câu hỏi được đặt ra như:

·Những sai lệch giữa thực tế và dữ liệu trên máy tính sẽ là những gì?

·Vì sao lại có thể phát sinh những sai lệch (tất yếu!) đó?

·Làm sao phát hiện những sai lệch đó?

·Khả năng khắc phục có thể ở mức độ nào và khắc phục ra sao?

v.v…

Các câu trả lời không nằm trong công nghệ tính toán mà thuộc các công nghệ quản trị.

Khi nghiên cứu tài liệu phân tích về hệ thống quản lý nhân sự trên một triệu người của quân đội Sài Gòn, chúng tôi đã được thấy họ giải đáp toàn bộ các vấn đề đó. Cho đến nay, chúng ta chưa bao giờ có những tài liệu như vậy dù rằng nhiều người đã và đang nói về những hệ thống còn lớn hơn gấp bội so với hệ thống quản lý nhân sự của quân đội Sài Gòn trong những năm chiến tranh. Thực tế tiếp cận với một số đề án tổ chức các hệ thống quản lý kiểu quản lý con người ở quy mô khá lớn tại TP. HCM và vài địa phương lân cận cho thấy những câu hỏi như vừa nêu trên không bao giờ được đặt ra. Kết quả là các hệ thống đó chưa bao giờ được vận hành tốt dù chi phí không nhỏ.

Có thể nói, lực lượng làm máy tính còn lại ở miền Nam sau giải phóng cùng với lực lượng làm máy tính ở miền Bắc đã nhanh chóng làm chủ vững chắc và cho các dàn máy khá lớn vào thời đó trở lại hoạt động, vượt qua muôn vàn khó khăn của thời kỳ cấm vận, duy trì một năng lực tính toán khá mạnh cho cả nước so với trong khu vực trong hàng chục năm sau giải phóng. Vào cuối những năm 80, đầu những năm 90 thì lần lượt các dàn máy IBM ở Sài Gòn ngưng hoạt động. Thay thế vào đó là các máy vi tính, các máy tính cá nhân. Chúng có giá trị là làm cho hàng trăm ngàn người, rồi hàng triệu người và nay thì hầu như mọi người quen với khái niệm máy tính, thông tin, dữ liệu, Internet. Hiện tượng tích cực này giống như sự bùng nổ của kinh tế thị trường sau đổi mới. Tuy nhiên, chúng ta vẫn còn một khoảng cách tri thức trong việc tổ chức các hệ thống thông tin quy mô lớn.

Có thể làm một so sánh tuy hơi khập khiễng để phần nào thấy cái thiếu về tri thức tổ chức các hệ thống thông tin quy mô lớn mà chúng ta đang phải đối mặt. Đó là chúng ta đã có hàng triệu doanh nghiệp, hàng chục triệu người làm kinh doanh, quen với việc mua, bán, quen với đồng tiền, với lời, lỗ... Nhưng chúng ta còn rất ít các doanh nghiệp lớn, rất ít các doanh nghiệp có sản phẩm với thị trường lớn dù chỉ là trong nước. Nhìn vào việc ứng dụng CNTT trong quản lý thì hầu khắp mọi nơi có sử dụng CNTT nhưng tổ chức những hệ thống thông tin lớn, đặc biệt là những hệ thống quản trị xã hội cỡ lớn như dân cư (với rất nhiều thể loại khác nhau), cơ sở vật chất các loại,… thì việc này cũng khó như việc xây nên những đại doanh nghiệp, dù rằng buôn bán thì hầu như ai cũng làm được ở mức độ nào đó. Ta có thể thấy có một nguyên nhân chung của hiện tượng không ít những đại doanh nghiệp, nhất là đại doanh nghiệp nhà nước đã sụp đổ tương tự sự sụp đổ của không ít các hệ thống thông tin quy mô lớn. Đó là trình độ tổ chức quản trị còn chưa tới mức cần thiết.

Dường như chúng ta chưa hiểu hết về ứng dụng CNTT trong quản lý và do đó mà cũng chưa làm hết điều mà Bác Trần Đại Nghĩa đã dặn dò đám sỹ quan trẻ bốn mươi năm trước mà bây giờ họ đều đã ở tuổi 70. Một trong những biểu hiện của “hiện đại hóa” chính là những hệ thống thông tin lớn về kinh tế, về xã hội được tổ chức nghiêm cẩn, một mục tiêu còn khá xa với nước ta./.

TS. Nguyễn Trọng

Nổi bật Tạp chí Thông tin & Truyền thông
Đừng bỏ lỡ
Máy tính điện tử ở miền Nam sau năm 1975 với lời dặn của Giáo Sư Trần Đại Nghĩa
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO