Ngày 24/4, Mexico đã trở thành quốc gia đầu tiên phê chuẩn Hiệp định Đối tác Toàn diện và Tiến bộ xuyên Thái Bình Dương (CPTPP) sau khi Thượng viện nước này đã thông qua văn kiện với 73 phiếu thuận và 24 phiếu chống. Việc ký kết CPTPP nằm trong chiến lược đa dạng hóa thị trường xuất khẩu, mở rộng và tìm kiếm các đối tác thương mại mới của Mexico nhằm giảm sự phụ thuộc vào Mỹ.
Hiệp định CPTPP được ký kết hôm 8/3 vừa qua tại Chile giữa 11 quốc gia thành viên, gồm Australia, Brunei, Canada, Chile, Nhật Bản, Malaysia, Mexico, New Zealand, Peru, Singapore và Việt Nam được xem như một phát súng chống lại chủ nghĩa bảo hộ thương mại toàn cầu. CPTPP tiếp tục là một FTA thế hệ mới hơn, với các cam kết mở cửa mạnh mẽ thị trường hàng hóa, dịch vụ, đầu tư cũng như các tiêu chuẩn cao về quy tắc bao trùm nhiều lĩnh vực như sở hữu trí tuệ, đầu tư, giải quyết tranh chấp, hải quan, phòng vệ thương mại, tiêu chuẩn kỹ thuật, vệ sinh an toàn thực phẩm…
Để thực thi các điều khoản CPTPP đòi hỏi các nước thành viên phải đầu tư nguồn lực rất là lớn. Trước đây, khi Mỹ còn tham gia TPP, các nước chấp nhận thực hiện các điều khoản do Mỹ đặt ra để đổi lấy sự thâm nhập vào thị trường Mỹ. Tuy nhiên, khi Mỹ rút khỏi TPP các nước cùng nhận thấy rằng không cần thiết phải tốn nguồn lực để thực hiện các nghĩa vụ đó nên đã hoãn lại. Việc tạm hoãn này không làm giảm tính chất toàn diện và thế hệ mới của hiệp định vì CPTPP vẫn đề cập tới tất cả các lĩnh vực từ lĩnh vực truyền thống như cắt giảm thuế quan, mở cửa thị trường dịch vụ, sở hữu trí tuệ, hàng rào kỹ thuật liên quan đến thương mại đến những vấn đề mới, phi truyền thống như lao động, môi trường, mua sắm của chính phủ, doanh nghiệp nhà nước.
Bên cạnh một số thách thức, nhất là cạnh tranh trong các lĩnh vực dệt may, da giầy với Việt Nam và Malaysia và các sản phẩm sữa với New Zealand, nhiều lĩnh vực xuất khẩu của Mexico được hưởng lợi như ô tô, máy móc thiết bị, thịt bò, thực phẩm chế biến, trái cây và rau quả. Bộ trưởng Kinh tế Mexico Ildefonso Guajardo cho biết chính phủ nước này sẽ đưa ra biện pháp tiếp cận hạn ngạch, đồng thời triển khai các chính sách hỗ trợ, kéo dài giai đoạn giảm thuế từ 14 lên 16 năm, nhằm tăng cường khả năng cạnh tranh trong một số lĩnh vực. Bộ Kinh tế Mexico còn đánh giá CPTPP sẽ giúp xuất khẩu tăng 6,7% và đóng góp tới 1,5% Tổng sản phẩm quốc nội (GDP) của Mexico./.