Microsoft Corp đưa ra yêu cầu thoạt nghe tưởng chừng vô lý: Vui lòng thử hack vào Azure một cách thường xuyên hơn.
Công ty không khuyến khích các cuộc tấn công độc hại, nhưng họ muốn các nhà nghiên cứu bảo mật dành nhiều thời gian hơn để chọc thủng dịch vụ đám mây hàng đầu của mình. Từ đó, công ty có thể tìm hiểu về các lỗ hổng và sửa chữa chúng.
Kymberlee Price, người giám sát các chương trình cộng đồng trong Trung tâm phản hồi bảo mật của Microsoft cho biết: “Những người được gọi là tin tặc mũ trắng – White Hat cũng làm điều tương tự cho các sản phẩm cũ hơn của công ty như Windows, Office và trình duyệt, nhưng điều đó là chưa đủ đối với Azure”. Công ty đang lên kế hoạch để thay đổi điều đó, bao gồm một tuyên bố rõ ràng rằng họ sẽ không thực hiện những hành động pháp lý chống lại các nhà nghiên cứu, và tạo ra một hệ thống phần thưởng dành cho những người đã thành công trong việc tìm ra lỗi.
Microsoft hiện cung cấp các khoản thanh toán tiền thưởng khi phát hiện ra lỗi của Azure. Price cho biết thêm: “Nhưng hiện tại, Microsoft vẫn chưa nhận được nhiều phát hiện lỗi như họ mong muốn”.
Đây là một vấn đề Microsoft cần phải lo lắng, khi công ty đặt cược lớn vào các dịch vụ đám mây để tăng trưởng doanh thu. Sự chuyển đổi sang điện toán đám mây đang dần thay đổi lĩnh vực an ninh mạng, mang đến những cơ hội mới và những thách thức mới. Một trong những rủi ro lớn nhất là Microsoft hiện đang thực hiện các dịch vụ cho khách hàng trong đám mây của mình, điều đó có nghĩa là gã khổng lồ công nghệ có trách nhiệm bảo vệ họ.
Microsoft đang lên kế hoạch phát hành một tuyên bố có tên Safe Harbor, cho phép các nhà nghiên cứu quyền lợi hợp pháp để báo cáo lỗ hổng. Price cho biết: “Chúng tôi đã luôn luôn thực hiện chính sách đó, tuy nhiên lại chưa bao giờ tuyên bố chính thức về chính sách này. Điều quan trọng là phải công bố một chính sách chính thức khi các nhà nghiên cứu làm việc nhiều hơn trên các hệ thống đám mây, nơi họ có thể lo ngại rằng họ sẽ vô tình đánh sập một dịch vụ ngoại tuyến hoặc vô tình truy cập dữ liệu của khách hàng. Và những điều này có thể khiến họ gặp rắc rối”.
Trong những ngày đầu làm việc tại Microsoft vào những năm 2000, Price là một trong những kỹ sư bảo mật tiên phong trong nỗ lực cộng tác với các nhà nghiên cứu bảo mật, thay vì xem họ là đối thủ. Bà đã rời Microsoft vào năm 2009 và quay trở lại vào hai năm trước.
Ông Mark Russinovich, Giám đốc công nghệ của Azure cho biết: Hiện tại, những kẻ tấn công vẫn thường xuyên nhắm mục tiêu vào các mạng được đặt tại văn phòng của công ty, thay vì nhắm mục tiêu vào đám mây, tuy nhiên điều đó sẽ thay đổi. Ông cho biết thêm: “Mức độ tinh vi của những kẻ tấn công và sự quan tâm nhắm vào đám mây sẽ chỉ tiếp tục phát triển khi đám mây tiếp tục phát triển”.
Bảo mật đám mây đòi hỏi các công cụ và kỹ thuật mới, tuy nhiên nó cũng cho phép các công ty như Microsoft theo dõi và phân tích lượng dữ liệu khổng lồ để tìm các tác nhân độc hại. Đồng thời nó cho phép thực hiện quét mạng lưới của hàng trăm ngàn khách hàng để có thể nhìn thấy các cuộc tấn công trở thành hiện thực.
Russinovich đã nói về việc bảo vệ đám mây tại một hội nghị học thuật tại Microsoft, với sự tham dự của hàng trăm nhân viên của Microsoft và các kỹ sư bảo mật đến từ Amazon Web Services, Google, Nike Inc. và những công ty khác. Sự kiện này phát triển từ một nhóm các chuyên gia hoạt động bao gồm Ram Shankar Siva Kumar đến từ Microsoft, người giám sát một nhóm kỹ sư áp dụng học máy vào an ninh mạng và các đồng nghiệp của ông tại Amazon Web Services và Google. Các thành viên trong nhóm thường chia sẻ những kỹ thuật và nghiên cứu trong khi làm việc, và ý tưởng cho một hội nghị chính thức để trao đổi ý tưởng đã ra đời.
Hy vọng là việc chia sẻ dữ liệu, các công cụ và kỹ thuật công khai sẽ giúp mọi người chống lại những kẻ tấn công một cách tốt hơn. Steve Dispensa, tổng giám đốc phụ trách bảo mật đám mây và trí tuệ nhân tạo tại Microsoft cho biết: “Miễn là thông tin khách hàng cá nhân được bảo vệ, Microsoft muốn chia sẻ dữ liệu bảo mật”.
Ông cũng cho biết: “Ý nghĩ rằng chúng tôi thông minh hơn những kẻ tấn công là một điều hoang tưởng - chúng biết trước điểm yếu của chúng tôi trước khi chúng tôi nhận ra nó. Chúng tôi công bố dữ liệu, và tất cả chúng ta đều có thể học hỏi từ những dữ liệu đó, thủy triều dâng lên cũng khiến toàn bộ các con thuyền nổi lên theo”.