Sáng nay 11/6, Viện Đào tạo Báo chí và Truyền thông, Trường Đại học Khoa học Xã hội và Nhân văn (KHXH&NV) - Đại học Quốc gia Hà Nội, phối hợp với Tạp chí Thông tin và Truyền thông - Bộ TT&TT tổ chức Hội thảo khoa học "Chuyển đổi số báo chí Việt Nam - Những vấn đề lý luận và thực tiễn".
Tham dự Hội thảo có nhà báo Lê Quốc Minh, Phó Trưởng Ban Tuyên giáo Trung ương, Tổng Biên tập Báo Nhân dân, Chủ tịch Hội Nhà báo Việt Nam; nhà báo Nguyễn Thanh Lâm, Cục trưởng Cục Báo chí - Bộ TT&TT; PGS,TS Đặng Thị Thu Hương, Phó Hiệu trưởng Trường Đại học KHXH&NV, Viện trưởng Viện Đào tạo Báo chí và Truyền thông. Tham dự Hội thảo còn có đại diện lãnh đạo từ các đơn vị thuộc Bộ TT&TT, các đơn vị báo chí tại Hà Nội và các sinh viên đang theo học ngành Báo chí và Truyền thông.
Lãnh đạo cơ quan báo chí cần phải thay đổi tư duy về CĐS
Nhà báo Nguyễn Văn Bá, Tổng Biên tập Tạp chí TT&TT cho biết: Hội thảo được tổ chức vào thời điểm có hai sự kiện ý nghĩa là Kỷ niệm ngày Báo chí Cách mạng Việt Nam (21/6) và dịp Bộ TT&TT đang trình Chính phủ để phê duyệt Chiến lược CĐS báo chí Việt Nam. Hội thảo là dịp để các nhà khoa học, các nhà quản lý báo chí, các nhà báo có dịp thảo luận, phản biện, bổ sung thêm nhiều góc nhìn khác nhau về CĐS báo chí cũng như Chiến lược CĐS báo chí của Bộ TT&TT".
Chia sẻ tại Hội thảo, nhà báo Nguyễn Thanh Lâm - Cục trưởng Cục Báo chí nhấn mạnh: CĐS là một xu thế ảnh hưởng đến tất cả mọi mặt của đời sống xã hội. Báo chí phải đi đầu trong CĐS. Bởi vì muốn truyền thông CĐS cho toàn bộ xã hội thì báo chí đóng một vai trò rất quan trọng. Để hỗ trợ cho các cơ quan báo chí CĐS, Bộ TT&TT đã có những chính sách trao đổi với các nhà mạng, các nhà quảng cáo Việt Nam để nâng giá trị quảng cáo. Đồng thời cũng kiện toàn các văn bản quy phạm pháp luật như sửa đổi Luật Báo chí để phù hợp với thực tiễn…
"Quan trọng nhất là lãnh đạo các cơ quan báo chí cần phải thay đổi tư duy về CĐS và chúng ta phải có ý thức làm cùng nhau, làm như thế nào thì mỗi người một việc. Nhà nước sẽ cùng làm với các đơn vị báo chí"- nhà báo Nguyễn Thanh Lâm khẳng định.
Tiếp cận CĐS báo chí phù hợp với Việt Nam
Với nghiên cứu về "Báo chí số - nhìn lại 30 năm nghiên cứu và triển vọng phía trước", TS. Đỗ Anh Đức - Viện Đào tạo Báo chí và Truyền thông đã chia sẻ thông tin về quá trình phát triển của báo chí truyền thông toàn cầu đã diễn ra mạnh mẽ như thế nào trong suốt chiều dài 30 năm. Từ đó, nghiên cứu cụ thể về báo chí số, cách tiếp cận công nghệ để tạo ra những sản phẩm báo chí phù hợp với thực tế tại Việt Nam.
Nhà báo Lê Quốc Minh, Tổng Biên tập báo Nhân dân cho biết trên thế giới cứ 6 -7 nhà báo thì sẽ có 1 nhân viên công nghệ. Đây là một giải pháp tốt để tạo ra những quản trị lâu dài. Báo Nhân dân cũng đang áp dụng mô hình này, nhưng vẫn còn gặp nhiều khó khăn.
Khi mà hiện nay quảng cáo báo in đang ngày một sụt giảm thì việc CĐS báo chí là cần thiết và cấp bách. Việc CĐS sẽ đa dạng được các nguồn thu, đa dạng việc kinh doanh dịch vụ dữ liệu, PR, truyền thông…
"Chúng ta cũng không nên lệ thuộc vào các nền tảng. Báo chí phải nắm dữ liệu. Cần khuyến khích đối tác bằng những nội dung hay, hấp dẫn. Đồng thời chia sẻ dữ liệu bằng cách tất cả các báo chí hợp tác cùng nhau. Hiện, Báo Nhân dân đang hợp tác phát hành báo trên nhiều nền tảng phi báo chí. Mục tiêu cố gắng trở thành Trung tâm kết nối dữ liệu và công nghệ cho hệ thống báo Đảng thuộc 63 tỉnh thành với slogan "Nơi nào có nhân dân nơi đó có Báo Nhân dân", nhà báo Lê Quốc Minh chia sẻ.
Về những khó khăn vướng mắc trong quá trình thực hiện CĐS, nhà báo Lê Tân, Đài truyền hình VTC Now cho rằng mỗi đơn vị báo chí nên chọn cách thực dụng hơn phù hợp với đơn vị của mình vì mỗi đơn vị có nguồn tài chính khác nhau, con người, đặc thù khác nhau. Đồng thời cần thay đổi tư duy của người làm gắn với tư duy đổi mới sáng tạo.
Cùng chia sẻ những khó khăn trong quá trình CĐS, đại diện Trung tâm Truyền thông Quảng Ninh cũng cho biết: Trung tâm Truyền thông Quảng Ninh được sát nhập 4 đơn vị truyền thông của tỉnh Quảng Ninh. Triển khai CĐS tại Trung tân bắt đầu từ đào tạo nhân viên. Việc đào tạo về CĐS cho các cán bộ lâu năm hiện nay sẽ gặp nhiều khóa khăn hơn các bạn trẻ đã quen với công nghệ và các phương tiện truyền thông hiện đại.
TS. Nguyễn Thị Thúy Hằng, Viện Báo chí Truyền thông đưa ra những luận điểm về đặc điểm của xã hội số, từ đó có những nghiên cứu về cơ hội và thách thức cho chiến lược CĐS của báo chí Việt Nam từ góc nhìn độc giả.
TS. Phan Văn Kiền, Phó Viện trưởng Viện Báo chí và Truyền thông cho biết báo chí cũng là một lĩnh vực cần ưu tiên CĐS trong Chương trình CĐS quốc gia.
CĐS là sự chuyên nghiệp của các nhà báo
Nhà báo Hoàng Nhật, Phó Tổng Biên tập Báo điện tử VietnamPlus chia sẻ CĐS để đóng góp đa dạng hóa nguồn thu. Hiện nay, tại VietnamPlus doanh thu chủ yếu phụ thuộc vào các hợp đồng truyền thông, bởi vậy cần tăng doanh thu ở những mảng bền vững khác. Báo chí cũng nên kiên trì theo đuổi mô hình thu phí độc giả.
Nhà báo Trần Anh Tú, Báo Đại Đoàn kết nêu một thách thức khác: thực tế để tuyển một nhân viên kỹ thuật rất khó bởi lương trả cho nhân viên này là rất cao mà một tờ báo khó có thể đáp ứng được.
Nhà báo Trần Anh Tú cũng đề xuất cơ quan quản lý Nhà nước hỗ trợ mở các lớp tập huấn CĐS cho các lãnh đạo cơ quan báo chí và cơ quan chủ quản. Bởi lãnh đạo phải có tư duy CĐS thì mới thực hiện tốt CĐS được.
Bên cạnh đó, nhà báo Trần Anh Tú cũng cho rằng các phóng viên, những người làm báo trực tiếp cũng cần phải được đào tạo bồi dưỡng để tạo ra các bài báo được lập trình một cách nghiêm túc. Bởi CĐS là sự chuyên nghiệp của các nhà báo và ứng dụng công nghệ sẽ mang đến cho độc giả một tác phẩm báo chí toàn diện.
Nhà báo Kim Trung, Giám đốc Đài Truyền hình Hà Nội thì cho rằng không nên phân biệt số hóa hay CĐS là như thế nào. Thực tế quá trình CĐS đã diễn ra ở Việt Nam, các cơ quan báo chí đang bị cuốn theo guồng CĐS mà rất ít đơn vị xác định được mục tiêu CĐS là gì. Nên vấn đề đặt ra ở đây là những câu hỏi lớn: Đích cuối cùng của CĐS là gì?
"Dù có vất vả, khó khăn thì các cơ quan báo chí đều có thể vượt qua và CĐS thành công. Thực tế chúng ta cũng đã làm được các sản phẩm CĐS. CĐS cũng mang lại cho chúng ta nguồn thu, gia tăng lượng công chúng. Nhưng chúng ta cũng cần xác định mục tiêu lâu dài sau quá trình CĐS thành công", nhà báo Kim Trung nhấn mạnh.
Những nghiên cứu và lập luận của các nhà nghiên cứu, giảng viên về các vấn đề báo chí trong tình hình hiện nay cũng như các vấn đề về CĐS báo chí sẽ là cơ sở thực tiễn cho các nhà quản lý cũng như các đơn vị báo chí tham khảo khi thực hiện CĐS./.