Ông Nguyễn Trường Nam, Phó Cục trưởng Cục Công nghệ thông tin, Bộ Y tế cho biết việc xây dựng hệ thống cho phép cấp cho mỗi người một mã QR đã được triển khai hoàn thiện khoảng 80%.
Ông Nam chia sẻ: "Hiện nay hệ thống đang trong quá trình tinh chỉnh và hoàn thiện, đồng thời bắt đầu đưa vào sử dụng một số tính năng. Mục tiêu cuối tháng 7 này sẽ hoàn thành".
Hiện tại, trước tình hình diễn biến phức tạp của dịch bênh Covid 19, người dùng đang có rất nhiều ứng dụng, như Ncovi - phục vụ việc khai báo sức khỏe hằng ngày, Bluezone - phát hiện việc tiếp xúc với các F0, VietNam Health Decleratuon (VHD) - kiểm soát F1 cách ly tại nhà… Điều này phần nào gây khó khăn và nhầm lẫn cho người dân trong việc sử dụng.
Chính thách thức này đã đặt ra cho các cấp quản lý một bài toán trong việc gộp các ứng dụng trên lại thành một "super app". Tuy nhiên, so với gộp các ứng dụng trên lại thì việc cấp cho mỗi người dân một mã QR để có thể kiểm soát tất cả các hoạt động là một giải pháp vô cùng thiết thực.
Khi các mã QR này được đưa vào hoạt động, người dân sẽ chỉ cần cài đặt một ứng dụng bất kỳ trong số các ứng dụng chống dịch, truy vết được Bộ Y tế khuyến nghị sử dụng. Dựa trên các dữ liệu khai báo và đối chiếu với cơ sở dữ liệu quốc gia, chúng sẽ sinh ra một mã QR nếu đăng ký mới hoặc trở về mã QR nếu đã có sẵn. Mã này có thể liên thông với các ứng dụng còn lại về mặt dữ liệu. Và khi các cấp quản lý cần thông tin để kiểm soát hay để điều tra dịch tễ thì chỉ cần scan mã QR của mỗi người dân là có thể nắm được tất cả thông tin.
Theo ông Nguyễn Trường Nam, vấn đề quan trọng nhất trong việc triển khai mã QR cho mỗi người dân là liên thông dữ liệu. Hiện nay, nhiều ứng dụng đang tạo ra các mã QR khác nhau. Nhưng thời gian tới, khi dữ liệu được liên thông, các mã nãy được gộp thành một. "Mã QR chỉ là các để hiển thị, việc tích hợp thông tin vào nó không khó và chỉ là vấn đề kỹ thuật", ông Nam cho biết.
Theo mục tiêu Chiến lược phát triển Chính phủ điện tử, từ 2025, người dân và doanh nghiệp có thể dử dụng dịch vụ số thông qua mã QR với mục tiêu cá thể hoá, suốt cuộc đời, dễ dàng, đơn giản, nhanh chóng, không giấy tờ.
Việc hoàn tất và đưa vào sử dụng hệ thống mỗi người một mã QR này tại Việt Nam sẽ giúp đồng bộ để các cấp quản lý dễ dàng kiểm tra và kiểm soát tình hình dịch bệnh được tốt hơn.
QR Code (Quick Response Code - "Mã phản hồi nhanh" là mã vạch dạng hai chiều (2D), bao gồm các điểm đen và ô vuông nằm trong ô vuông trên nền trắng. Mã này có thể đọc bằng máy đọc mã vạch hay smartphone với camera có hỗ trợ đọc mã. QR Code được tạo ra bởi Denso Wave, một công ty con của Toyota, vào năm 1994.
Thời gian qua, một số quốc gia đã sử dụng mã QR cho các giải pháp chống dịch và đặc biệt phổ biến ở Trung Quốc, Mã QR được xem là vũ khí chống dịch của nước này khi Covid bùng phát vào năm ngoái. Người dân Trung Quốc khi tham gia mọi hoạt động bên ngoài được theo dõi qua ứng dụng theo dõi Y tế trên nền mã QR. Điện thoại cảnh báo mức độ an toàn của người đó qua màu sắc QR: màu xanh - được phép; vàng hoặc đỏ - bị cấm./.