Một số đề xuất xây dựng các chức danh nghề nghiệp viên chức CNTT (P1)

03/11/2015 21:00
Theo dõi ICTVietnam trên

Bài viết này sẽ phân tích, làm rõ khái niệm về chức danh CNTT, thực trạng và sự cần thiết ban hành chức danh viên chức chuyên môn nghiệp vụ CNTT, từ đó đề xuất ban hành một số chức danh.

 Trong bối cảnh bùng nổ thông tin ngày nay, Công nghệ thông tin (CNTT) đang phát triển không ngừng với tốc độ chóng mặt, tham gia vào tất cả mọi mặt đời sống xã hội không chỉ trên thế giới mà ngay cả ở những nước đang phát triển như Việt Nam. Do đó, các vị trí việc làm liên quan đến CNTT, ngày càng đa dạng phong phú, có tính chuyên môn hóa cao hơn. Mặc dù chưa được chính thức ban hành nhưng trên thực tế các chức danh nghề nghiệp CNTT vẫn tồn tại một cách khách quan nhằm phân biệt giữa các công việc khác nhau trong lĩnh vực này như: lập trình viên, quản trị mạng hay các tên gọi khác. Trong khối các cơ quan nhà nước (CQNN), dù đã được đề cập trong cả chục năm nay nhưng thực tế tới giờ các chức danh CNTT vẫn chưa được chính thức ban hành.

Bài viết này sẽ phân tích, làm rõ khái niệm về chức danh CNTT, thực trạng và sự cần thiết ban hành chức danh viên chức chuyên môn nghiệp vụ CNTT, từ đó đề xuất ban hành một số chức danh.

CHỨC DANH VÀ CHỨC DANH NGHỀ NGHIỆP VIÊN CHỨC CNTT

Trước tiên, cần phân biệt chức danh không phải là chức vụ và chức danh khác với danh hiệu. Chức danh thường gắn với vị trí việc làm nhiều hơn (Ví dụ: biên tập viên, phóng viên), trong khi chức vụ thường gắn với trách nhiệm nhiều hơn (Ví dụ: giám đốc, trưởng phòng), còn danh hiệu chủ yếu mang tính chất động viên, tôn vinh (Ví dụ: hiệp sĩ CNTT).

Theo quy định tại Luật Viên chức [1] và Luật Cán bộ công chức thì: "Chức danh nghề nghiệp là tên gọi thể hiện trình độ và năng lực chuyên môn, nghiệp vụ của viên chức trong từng lĩnh vực nghề nghiệp"; và "Tiêu chuẩn chức danh gắn liền với vị trí việc làm và chỉ tiêu biên chế". Như vậy, chức danh thường gắn với mô tả vị trí việc làm, nhiệm vụ, yêu cầu về trình độ, hiểu biết. Kèm theo đó là các quy chế đánh giá, công nhận, chuyển đổi ngạch chức danh và chế độ đãi ngộ.

Ở ngoài xã hội hiện nay tồn tại nhiều chức danh, có thể giống hoặc khác với chức danh trong hệ thống CQNN. Trong hệ thống CQNN lại có các chức danh ngạch công chức (công chức hành chính, ngành thuế, hải quan, thanh tra.) và chức danh nghề nghiệp viên chức chuyên ngành (viên chức hành chính, lưu trữ, công chứng, kiến trúc sư.). Phạm vi bài viết này chỉ xem xét các nội dung về chức danh viên chức chuyên môn nghiệp vụ CNTT.

TẠI SAO CẦN CHỨC DANH VIÊN CHỨC CHUYÊN MÔN NGHIỆP VỤ CNTT?

Để tìm hiểu nhu cầu, mức độ cần thiết phải xây dựng, ban hành các chức danh viên chức CNTT, xin được bắt đầu từ hiện trạng nhân lực CNTT trong CQNN vừa thiếu và yếu. Theo báo cáo Ứng dụng CNTT năm 2012 [2], chỉ 61,67% đơn vị trực thuộc Bộ, cơ quan ngang bộ có cán bộ chuyên trách CNTT, trung bình mỗi đơn vị có 2,69 cán bộ. Còn ở khối tỉnh, con số này tương ứng là 82,45% và 2,19 cán bộ, trong đó bao gồm cả các cán bộ do Trung ương quản lý đặt tại địa phương. Ở cấp quận, huyện trung bình chỉ 1,91 cán bộ (trừ Đà Nẵng). Về chất lượng nhân lực, chỉ lấy ví dụ ở khối xã, phường, thị trấn ở Hà Nội (một trong số các địa phương có trình độ nhân lực CNTT khá cao của cả nước) thì cũng chỉ có 22,6% đơn vị có trình độ nhân lực đạt từ trung bình trở lên.

Trong thời gian tới đây, theo xu thế chung của sự phát triển, CNTT sẽ tham gia ngày càng sâu rộng vào tất cả các ngành KT-XH, cùng với nỗ lực, quyết tâm đẩy mạnh ứng dụng CNTT trong CQNN của Chính phủ suốt thời gian qua thì nhu cầu nhân lực CNTT trong CQNN sẽ là rất lớn. Nhu cầu này không chỉ ở các cơ quan Trung ương mà cả ở các địa phương, không những về số lượng mà còn đòi hỏi cao về chất lượng. Về số lượng, do tính chuyên môn hóa ngày càng cao nên sẽ xuất hiện nhiều "chức danh“ CNTT mới và nhu cầu sẽ không đồng đều giữa các "chức danh“ này. Về chất lượng, bên cạnh trình độ chuyên môn nghiệp vụ thì vấn đề đạo đức cũng rất quan trọng, đặc biệt ở mảng An toàn thông tin.

Nhu cầu lớn như vậy nhưng thực tế thời gian qua cho thấy việc tuyển dụng cán bộ chuyên trách CNTT trong CQNN gặp rất nhiều khó khăn. Có nhiều nguyên nhân, nhưng theo nhiều chuyên gia thì một nguyên nhân quan trọng là chưa có hệ thống chức danh được ban hành. Chính vì chưa có chức danh viên chức CNTT nên: (i) Khó xác định được chỉ tiêu, biên chế, nhất là khi CNTT có chuyên môn hóa ngày càng cao như hiện nay. Không thể tuyển một kỹ sư CNTT để đảm nhiệm mọi vị trí việc làm từ quản trị mạng, quản trị cơ sở dữ liệu (CSDL) đến vận hành, bảo dưỡng, diệt virus đảm bảo an toàn thông tin; (ii) Cơ sở đào tạo CNTT cũng không dự đoán được nhu cầu để có kế hoạch đáp ứng; (iii) Chưa nhận thức đúng vai trò, tầm quan trọng của CNTT; (iv) Chưa có chế độ đãi ngộ, tôn vinh, thu hút người lao động CNTT, bao gồm cả đãi ngộ về lương thưởng và đãi ngộ về cơ chế; (v) Chưa có chức danh viên chức CNTT nên gặp phải sự cạnh tranh gay gắt từ khối tư nhân với chế độ đãi ngộ tốt, điều kiện làm việc năng động. Thậm chí nhiều cán bộ chuyên trách CNTT nghỉ việc ở CQNN ra làm bên ngoài, khiến tình trạng đã thiếu lại càng thiếu hơn.

Như vậy, nhu cầu thực tế cho thấy cần ban hành các chức danh nghề nghiệp viên chức CNTT trong CQNN. Để khẳng định thêm điều này, có thể tham khảo thêm một vài nước trên thế giới và ngay cả các ngành khác trong nước.

Hiện nay ở Mỹ có tới 50 chức danh CNTT khác nhau phân vào 11 nhóm ngành [3]. Còn ở Nhật Bản con số này là 27, phân vào 11 nhóm ngành. Do vậy, theo quy luật của sự phát triển, nhu cầu về chức danh CNTT ở Việt Nam cũng là một tất yếu.

Ở Việt Nam, trước năm 2008, chưa có chức danh trắc địa bản đồ hay địa chính của ngành Tài nguyên môi trường cho đến khi Quyết định 01/2008/QĐ- BNV được ban hành. Tương tự, trước năm 2009 không ai biết chức danh Kiểm soát viên chất lượng sản phẩm hàng hóa theo Quyết định 10/2009/TT- BNV. Do đó, việc có các chức danh viên chức CNTT tới đây cũng là bình thường, đã có nhiều tiền lệ tương tự.

 SỞ PHÁP LÝ

Từ những phân tích trên, có thể thấy cần thiết phải xây dựng và ban hành sớm các chức danh viên chức CNTT trong CQNN. Điều này là có thể làm được và có cơ sở pháp lý chắc chắn quy định tại: Luật Viên chức, Nghị định 29/2012/NĐ-CP về phân loại viên chức, Nghị định 41/2012/NĐ-CP về vị trí việc làm trong đơn vị sự nghiệp công lập, Thông tư 12/2012/ TT-BNV về chức danh nghề nghiệp viên chức. Đây cũng là nhiệm vụ của Bộ TTTT được quy định tại Nghị định 132/2013/NĐ-CP của Chính phủ, theo đó Bộ TTTT có nhiệm vụ "Ban hành tiêu chuẩn chuyên môn, nghiệp vụ của ngạch viên chức thuộc ngành, lĩnh vực quản lý" và "xây dựng tiêu chuẩn chuyên môn, nghiệp vụ của ngạch công chức thuộc ngành, lĩnh vực quản lý". Tóm lại, chức danh nghề nghiệp viên chức CNTT được ban hành sẽ là căn cứ để:

-Tuyển dụng, bố trí, sắp xếp, phân công công tác đúng với yêu cầu chuyên môn nghiệp vụ, trình độ và năng lực của người làm CNTT để sử dụng có hiệu quả nguồn nhân lực CNTT trong CQNN.

-Làm cơ sở cho việc xây dựng tiêu chuẩn chuyên môn nghiệp vụ, từ đó đánh giá chất lượng và hiệu quả công việc của người làm chuyên môn nghiệp vụ về CNTT.

-  Làm cơ sở cho việc đề xuất ban hành chính sách đãi ngộ nhằm thu hút những người có trình độ chuyên môn cao về CNTT vào làm việc trong các CQNN.

-Là căn cứ để các cơ sở đào tạo có phương án đào tạo cả về số lượng và chuyên ngành sát với nhu cầu thực tế.

ThS. Tô Hồng Nam

(còn nữa)

Nổi bật Tạp chí Thông tin & Truyền thông
Đừng bỏ lỡ
Một số đề xuất xây dựng các chức danh nghề nghiệp viên chức CNTT (P1)
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO