Một số yếu tố tác động đến công tác tư tưởng trong định hướng dư luận xã hội đối với cán bộ, đảng viên trẻ

Minh Hùng - Ngọc Quỳnh| 15/06/2016 10:35
Theo dõi ICTVietnam trên

Đối với Việt Nam, báo chí truyền thông tiếp tục đóng vai trò là công cụ định hướng dư luận xã hội quan trọng nhất, đồng thời phải nâng tầm để phát triển sức mạnh mềm quốc gia; hướng dư luận xã hội quốc tế hiểu đúng, đủ về tình hình kinh tế - xã hội, về văn hóa Việt Nam.

Ảnh mang tính chất minh họa (Nguồn: Internet)Những đặc điểm cơ bản của thời đại ngày nay

1- Đặc điểm nổi bật của thời đại ngày nay là cuộc đấu tranh giai cấp và dân tộc của nhân dân các nước vì hòa bình, độc lập dân tộc, dân chủ và tiến bộ xã hội đang diễn ra trên phạm vi toàn thế giới. Do đó, không thể mơ hồ, ảo tưởng về một “thế giới phẳng”, ít nhất là về chính trị.

2- Cuộc cách mạng khoa học và công nghệ ngày càng phát triển mạnh mẽ gây ra những thay đổi to lớn trên thế giới. Thế giới đang bước vào nền kinh tế tri thức và vòng đua của nhân loại trong thế kỷ 21 là vòng đua vào nền kinh tế tri thức. Cuộc cách mạng này ảnh hưởng mạnh đến hoạt động của công tác tư tưởng, đặc biệt là phương thức định hướng dư luận xã hội.

3- Sự xuất hiện những vấn đề toàn cầu đòi hỏi sự hợp tác giải quyết của các quốc gia. Do đó, công tác tư tưởng trong nước cũng phải hội nhập, hợp tác với công tác tư tưởng của các quốc gia có thể chế chính trị khác, giai cấp khác để cùng giải quyết các vấn đề toàn cầu.

4- Khu vực châu Á – Thái Bình Dương là khu vực năng động và có khả năng phát triển cao. Tuy nhiên khu vực này cũng đang tiềm ẩn một số nhân tố có nguy cơ gây mất ổn định như có nhiều nền văn hóa, nhiều hệ tư tưởng, nhiều tôn giáo, nhiều nguồn vốn nước ngoài đầu tư… Việt Nam nằm trong khu vực này nên công tác tư tưởng đương nhiên phải giải quyết những vấn đề trên.

Một số vấn đề của truyền thông hiện đại

Dưới tác động của cuộc cách mạng khoa học và công nghệ, nhất là công nghệ thông tin, báo chí, truyền thông đã, đang phát triển nhanh chóng, toàn diện và ngày càng phát huy sức mạnh như một vũ khí chính trị tư tưởng lợi hại nhất. Xu hướng hình thành các tập đoàn báo chí - truyền thông đa quốc gia, xuyên lục địa, cùng với làn sóng toàn cầu hóa truyền thông đại chúng đang làm gia tăng tính phức tạp của cuộc đấu tranh tư tưởng trên phạm vi khu vực và toàn cầu. Ngoài những vấn đề mang tính thường xuyên, lịch sử của công tác tư tưởng và định hướng dư luận xã hội, trong truyền thông hiện đại, nổi lên những vấn đề sẽ tác động mạnh mẽ  tới báo chí và công tác tư tưởng Việt Nam:

Khuynh hướng bành trướng thông tin

Về bản chất, các khái niệm bành trướng thông tin, xâm lược thông tin, xâm lăng văn hóa,… đều diễn đạt việc các nước lớn, các tập đoàn truyền thông mạnh có xu hướng truyền bá sự ảnh hưởng, áp đặt về mặt thông tin tới phần còn lại của thế giới. Mục đích là để tăng giá trị thương hiệu hoặc để thể hiện vai trò cường quốc. Việc bành trướng thông tin khiến lãnh địa, thị trường của cơ quan báo chí vượt khỏi lãnh thổ quốc gia.

Bành trướng thông tin được thực thi theo các cấp độ sau:

- Khiến cho các nước, các cơ quan báo chí có tiềm lực kém hơn bị phụ thuộc thông tin;

- Từ quá phụ thuộc dẫn tới lệ thuộc nguồn tin, bị “tha hóa” cả về nội dung lẫn hình thức truyền thông của báo chí bên ngoài;

- Từ bị phụ thuộc thông tin dẫn tới bị định hướng, hướng dẫn nhận thức dư luận xã hội theo ý đồ của các tập đoàn báo chí và các nước lớn. Đây là thực tế hết sức nguy hiểm mà ta đã được chứng kiến suốt thời gian sau 1991 đến nay, biểu hiện bằng các cuộc “lật đổ hòa bình” của một loạt các quốc gia trên thế giới.

Việc bành trướng thông tin phụ thuộc vào sức mạnh khoa học - công nghệ, sức mạnh của các tập đoàn truyền thông và gần như chẳng thể hoạch định biên giới khi  In-tơ-nét là mạng toàn cầu. Các phương tiện truyền thông của các nước lớn thường “lợi dụng” các vấn đề, như công dân toàn cầu, xã hội toàn cầu, trách nhiệm toàn cầu, lối nghĩ toàn cầu,… nhằm xóa nhòa ranh giới quốc gia dân tộc, nhưng mục đích ẩn sau là muốn bá chủ thông tin, định hướng thông tin toàn cầu.

Trong những năm gần đây, việc bành trướng thông tin càng được đẩy mạnh do sự xuất hiện và phát triển của các “mạng xã hội”. Các mạng này hiện nay không còn được xem là ảo (được xem như là cuộc sống thứ hai – thứ cấp, của con người) mà đã trở thành đối tượng mà truyền thông, báo chí nhằm tới để thực hiện bành trướng thông tin.

Định hướng dư luận xã hội để xây dựng sức mạnh mềm quốc gia

“Quyền lực mềm” là khái niệm được Giô-dép Ni - giáo sư người Mỹ, tác giả của học thuyết Sức mạnh mềm, đưa ra năm 1990. Ngày nay, trong bối cảnh xu thế hòa bình hợp tác và xu thế toàn cầu hóa trở thành những dòng chảy chính của quan hệ quốc tế, việc sử dụng “quyền lực cứng” ngày càng không còn là lựa chọn tối ưu của các quốc gia, “quyền lực mềm” được quan tâm và nhấn mạnh nhiều hơn, không những bởi nó phù hợp với xu thế thời đại, mà còn bởi tính chất “lạt mềm buộc chặt” và ít tốn kém hơn để đạt đến mục đích thông qua sử dụng công cụ này.

Các nước, đặc biệt là nước lớn sẽ chú trọng việc sử dụng báo chí, truyền thông để gia tăng sức mạnh mềm quốc gia, thông qua định hướng dư luận xã hội. Báo chí xây dựng sức mạnh mềm quốc gia trên cả bình diện định hướng dư luận trong nước và cả định hướng dư luận ngoài quốc gia, với mục đích phổ biến các giá trị quốc gia trên phạm vi quốc tế.

Đối với Việt Nam, báo chí truyền thông tiếp tục đóng vai trò là công cụ định hướng dư luận xã hội quan trọng nhất, đồng thời phải nâng tầm để phát triển sức mạnh mềm quốc gia; hướng dư luận xã hội quốc tế hiểu đúng, đủ về tình hình kinh tế - xã hội, về văn hóa Việt Nam.

Sự phát triển mạnh mẽ của báo mạng điện tử, mạng xã hội

Trong xã hội hiện đại, báo mạng điện tử và mạng xã hội ngày càng chiếm vai trò quan trọng. Báo mạng điện tử tương lai có thể trở thành phương thức truyền thông thống trị. Sức mạnh to lớn của nó được thể hiện rõ trên các đặc trưng, những điều mà các loại hình báo chí khác không thể, hoặc khó làm tốt. Còn mạng xã hội đang trở thành một “xã hội thật”, là một phần quan trọng của cuộc sống nhân loại, nhưng với biên giới mềm, xuyên quốc gia và rất khó kiểm soát.

Với những đặc trưng nổi bật – những lợi thế so sánh với những loại hình báo chí khác, báo mạng điện tử đã khẳng định chỗ đứng trong công chúng. Nhiều người kỳ vọng với xu hướng hội tụ của truyền thông, sự phát triển ngày càng mạnh mẽ của In-tơ-nét và các thiết bị cá nhân, tương lai của báo chí là báo mạng điện tử. Ưu điểm, và cũng là điểm cần lưu ý trong quản lý báo mạng điện tử là khả năng “không biên giới”, “không giới hạn” của nó.

Còn về mạng xã hội: “Chúng ta đang có những cơ hội chưa từng có, nhờ các công nghệ và phương tiện truyền thông mới. Ngày càng nhiều người có thể chia sẻ thông tin và trao đổi quan điểm, không chỉ trong quốc gia và còn vượt ra ngoài khuôn khổ các biên giới” và “Đây là điều tuyệt vời tạo điều kiện cho sự sáng tạo, cho những xã hội tốt đẹp và cho tất cả mọi người”. Đó là tuyên bố chung của Tổng thư ký Liên Hợp Quốc Ban Ki-moon và Chủ tịch UNESCO Irina Bokova về sự xuất hiện của truyền thông trên các mạng xã hội.

Ngày nay, các chuyên gia chỉ ra rằng có 3 lực lượng trong cuộc cách mạng thông tin hiện nay, gồm các mạng xã hội, những cá nhân dẫn dắt xu hướng thông tin trên các mạng xã hộivà báo chí truyền thống. Đó cũng chính là các lực lượng định hướng dư luận xã hội hiện đại.

Kiến nghị và giải pháp

Định hướng chung:

Một là, nội dung của công tác tư tưởng trong định hướng dư luận xã hội là bằng mọi cách thức để đấu tranh, bảo vệ, đưa lý luận của chủ nghĩa Mác – Lê-nin, tư tưởng Hồ Chí Minh, chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước thấm sâu vào mọi tầng lớp nhân dân, trong đó có thanh niên mà nòng cốt là cán bộ, đảng viên trẻ. Mục tiêu là để thanh niên có thái độ cách mạng, từ đó có những hành vi cách mạng; có sự tự đấu tranh trong tư tưởng với những tư tưởng không phù hợp, phản động. Khi đó Đảng mới có vị thế vững chắc trong thanh niên do thanh niên tự nguyện phục tùng, tin tường đi theo và làm theo.

Hai là, đối tượng của công tác tư tưởng rất rộng lớn, phải được mở rộng, tác động thường xuyên, liên tục. Một trong những nguyên lý cơ bản, quan trọng nhất của công tác tư tưởng là tư tưởng con người không có khoảng trống nên nếu không đem những tư tưởng, lý luận của chủ nghĩa Mác – Lê-nin trang bị cho các tầng lớp thanh niên, cán bộ, đảng viên trẻ thì họ sẽ đến với các quan điểm, đường lối, tư tưởng của các đảng phái, giai cấp khác. Việc buông lơi công tác tư tưởng trong định hướng dư luận xã hội không những làm cho khối đại đoàn kết toàn dân suy yếu, mà còn là một sự tiếp tay, tạo điều kiện cho các luồng tư tưởng khác phát triển.

Ba là, trong công tác tư tưởng luôn cần phải xây dựng được lực lượng nòng cốt. Mỗi cán bộ, đảng viên trẻ đương nhiên phải là một thành viên của lực lượng này trong thanh niên. Cán bộ, đảng viên trẻ phải nói đi đôi với làm, đi đầu, tiên phong trong công cuộc đổi mới, công nghiệp hóa, hiện đại hóa. Từ lực lượng nòng cốt này thì công tác tư tưởng, lý luận của Đảng lan tỏa tới toàn thanh niên cho tới xã hội; và cũng là kênh thông tin phản hồi quan trọng.

Bốn là, xã hội càng phát triển thì càng có nhiều cách thức thực hiện công tác tư tưởng, do đó, trong điều kiện đảng cầm quyền, cần phát huy tối đa sức mạnh của các hình thức làm công tác tư tưởng; trong đó nhấn mạnh vai trò của hệ thống truyền thông đại chúng, đặc biệt là báo chí; cũng cần nâng cao hiệu quả truyền thông nhóm, truyền thông phi đại chúng. Cần khai thác toàn diện các phương tiện tuyên truyền của công tác tư tưởng trong đó chú trọng kết hợp giữa truyền thông báo chí - tuyên truyền miệng – truyền thông trên mạng xã hội là “xương sống” cho công tác tuyên truyền hiện nay.

Một số giải pháp

Để định hướng dư luận xã hội cho cán bộ, đảng viên trẻ cần phải chú ý các vấn đề sau:

- Ở cấp độ cá nhân:

Thứ nhất, đối với từng cán bộ, đảng viên cụ thể, cần phải tìm hiểu đặc điểm cá nhân (trình độ nhận thức, nghề nghiệp, dân tộc, tôn giáo, giới tính, lứa tuổi, nhu cầu, thói quen, hoàn cảnh…) trước khi thực hiện các biện pháp nhằm thay đổi nhận thức, thái độ, hành vi của họ. Đồng thời, tuyệt đối không được tách cá nhân ra khỏi những mối quan hệ xung quanh, cần nhìn nhận một cách tổng thể, toàn diện để có giải pháp tốt nhất.

Thứ hai, để nhanh chóng điều chỉnh sự “lệch lạc” về nhận thức, cần phải cung cấp thông tin thiết thực, cụ thể, khách quan, chứng cứ, lý lẽ phù hợp, thuyết phục. Trên thực tế, việc định hướng dư luận xã hội cho từng cá nhân nhằm đấu tranh phòng, chống lệch lạc, suy thoái về tư tưởng chính trị đòi hỏi phải lâu dài, từ từ, không nóng vội, chủ quan.

Thứ ba, thực hiện tốt công tác khen thưởng – kỷ luật, phê bình và tự phê bình. Nêu cao tinh thần tiên phong, gương mẫu của mỗi cán bộ, đảng viên trẻ. Quan tâm, tìm hiểu tâm tư, nguyện vọng của từng cán bộ, đảng viên từ đó có sự định hướng kịp thời, phù hợp.

- Ở cấp độ nhóm xã hội:

Thứ nhất, khi cá nhân ở trong một nhóm nhất định, họ luôn chịu sự chi phối, ràng buộc bởi các quy tắc, chuẩn mực của nhóm và phải tuân thủ theo các quy định của nhóm xã hội đó. Chính vì vậy, để định hướng tư tưởng cho cán bộ, đảng viên trẻ, cần phải tập hợp họ vào một nhóm nhất định. Các nhóm, tổ chức phải phong phú, đa dạng, mở rộng về quy mô để có thể đáp ứng được nhu cầu của nhiều cán bộ, đảng viên.

Thứ hai, bên cạnh việc phát triển các nhóm tích cực, cần ngăn chặn, phá vỡ những nhóm tiêu cực, đi ngược lại sự lãnh đạo của Đảng, sự quản lý của Nhà nước, đồng thời thu hẹp những nhóm hoạt động thiếu hiệu quả.

Thứ ba, người lãnh đạo, quản lý phải là người có uy tín, thường xuyên nắm bắt kịp thời sự kiện, hiện tượng liên quan đến tổ chức, đơn vị mình và những sự kiện liên quan đến lợi ích quốc gia, dân tộc, làm chủ được dư luận xã hội về các sự kiện, hiện tượng đó để làm cơ sở cho việc định hướng dư luận xã hội.

- Ở cấp độ cộng đồng, xã hội:

Thứ nhất, đây là hoạt động định hướng mang tính chất liên nhóm. Phương tiện chủ yếu tham gia vào quá trình định hướng cộng đồng là các phương tiện truyền thông đại chúng (internet, báo chí, truyền hình, điện ảnh). Để nâng cao hiệu quả hoạt động của những phương tiện này cần phải bảo đảm: Nội dung mà các phương tiện truyền thông đại chúng truyền tải phải chính xác, nhanh chóng, kịp thời, có tính định hướng rõ ràng; hình thức phong phú, đa dạng, đáp ứng được nhu cầu của đối tượng; phương pháp tác động bảo đảm tính dân chủ, thực hiện thông tin 2 chiều; phương tiện phải phù hợp với từng vùng miền, hoàn cảnh, điều kiện tác động.

Thứ hai, chú trọng định hướng dư luận xã hội qua báo chí và mạng in-tơ-nét. Đẩy mạnh các biện pháp triệt phá, ngăn chặn những trang thông tin xấu, bảo đảm an ninh mạng; kiểm tra chặt chẽ nội dung báo chí, bảo đảm báo chí thực hiện đúng vai trò là công cụ của Đảng. Hiện nay, facebook là mạng xã hội đang được đông đảo giới trẻ sử dụng. Do đó, cần chú trọng định hướng dư luận xã hội trên trang này. Đồng thời coi đây là kênh quan trọng để nắm bắt tâm tư, nguyện vọng của cán bộ, đảng viên trẻ.

Thứ ba, tăng cường cơ chế giám sát về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống của cán bộ, đảng viên trẻ từ phía cơ quan Nhà nước, tổ chức chính – trị xã hội, nhất là tổ chức đảng và nhân dân.

Thứ tư, tăng cường nghiên cứu lý luận, tổng kết thực tiễn, làm sáng tỏ con đường cách mạng mà Đảng và Nhân dân ta lựa chọn; chủ động, kịp thời đấu tranh, phản bác những luận điệu xuyên tạc của kẻ thù.

Để định hướng dư luận xã hội đúng đắn, kịp thời, điều quan trọng là phải nắm bắt được dư luận xã hội. Do đó, cần chú trọng công tác nắm bắt dư luận xã hội thông qua nhiều kênh khác nhau, đồng thời nâng cao năng lực dự báo, tham mưu trong quá trình nghiên cứu dư luận xã hội.

Nổi bật Tạp chí Thông tin & Truyền thông
Đừng bỏ lỡ
Một số yếu tố tác động đến công tác tư tưởng trong định hướng dư luận xã hội đối với cán bộ, đảng viên trẻ
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO