An toàn thông tin

Mục tiêu kép khi bảo vệ trẻ an toàn trên môi trường mạng

Anh Minh 13:06 11/03/2023

Bảo vệ và hỗ trợ trẻ em tương tác lành mạnh, sáng tạo trên môi trường mạng sẽ vừa bảo vệ bí mật đời sống riêng tư, ngăn chặn các hành vi lợi dụng môi trường mạng để xâm hại trẻ em, vừa chú trọng trang bị hệ miễn dịch số cho các em.

img_20230311_105952.jpg
Hội thảo: “Môi trường Internet an toàn: Giải pháp trong trường học” diễn ra vào sáng 11/3

Không thể phủ nhận việc ứng dụng CNTT, Internet trong lĩnh vực Giáo dục và Đào tạo (GD&ĐT) đã tạo ra những chuyển biến và đổi mới quá trình dạy và học. Việc khai thác và sử dụng Internet trong học tập đã giúp các em học sinh có cơ hội tiếp cận được với nguồn tri thức khổng lồ và các phương pháp học mới một cách nhanh chóng, dễ dàng hơn. 

Trẻ em khi vào mạng là đã trở thành công dân số

Tại Hội thảo: “Môi trường Internet an toàn: Giải pháp trong trường học” được được tổ chức dưới sự bảo trợ của Trung tâm Đổi mới sáng tạo Quốc gia ( NIC) (Bộ Kế hoạch và Đầu tư) và Cục An toàn thông tin (ATTT) Bộ Thông tin và Truyền thông) ngày 11/3, bà Nguyễn Phương Linh, Viện trưởng Viện Nghiên cứu Quản lý và Phát triển bền vững cho rằng trẻ em khi đã vào mạng là đã trở thành công dân số, không thể an toàn trong sự bao bọc của cha mẹ hay của thầy cô. Chính vì thế các em phải được giáo dục, trang bị các kiến thức để trở thành công dân số chuẩn, có kiến thức, kỹ năng, tư duy phản biện và thấu cảm để bảo vệ bản thân mình trước các rủi ro trên môi trường mạng, vừa tận dụng những lợi thế mà công nghệ mang lại để phát triển toàn diện. 

Theo quy định của Bộ GD&ĐT, tin học và ngoại ngữ là 2 môn bắt buộc cho học sinh tiểu học từ lớp 3. Các phòng học có thiết bị nghe nhìn, thiết bị kết nối Internet và đảm bảo an toàn trong hoạt động dạy học. Tuy nhiên, việc trẻ được tiếp xúc với Internet cũng đặt ra những vấn đề về việc bảo vệ trẻ em trên môi trường mạng, đặc biệt là bảo vệ các em khỏi nguy cơ bị tấn công mạng, các hành vi bắt nạt, lạm dụng trẻ em và những nguồn thông tin xấu, độc…. Trên thực tế, dù đang được trang bị các phòng máy kết nối Internet nhưng nhiều trường lại chưa có các phương thức để quản lý cũng như bảo vệ an toàn mạng.

Bảo vệ và hỗ trợ trẻ em tương tác lành mạnh, sáng tạo trên môi trường mạng là một mục tiêu kép, vừa bảo vệ bí mật đời sống riêng tư, ngăn chặn các hành vi lợi dụng môi trường mạng để xâm hại trẻ em, vừa chú trọng trang bị hệ miễn dịch số cho các em.
Bên cạnh đó, cần duy trì một môi trường mạng lành mạnh, phát triển hệ sinh thái các sản phẩm, ứng dụng Việt cho trẻ em học tập, kết nối, giải trí một cách sáng tạo. Việc bảo vệ trẻ em và quản lý hoạt động sử dụng Internet ở trường lớp cũng như ở gia đình là vấn đề lớn được nhiều nhà trường, phụ huynh ngày nay quan tâm.

Theo điều tra hộ gia đình của dự án Ngăn chặn hành vi gây tổn hại tại Việt Nam cho thấy, 89% trẻ em từ 12-17 tuổi, sử dụng Internet, trong đó 87% sử dụng hàng ngày nhưng chỉ có 36% cho biết đã nhận được thông tin về cách đảm bảo an toàn trên mạng.

tre-em-2.png
Hình minh họa về những nguy cơ có thể xảy ra với trẻ trên môi trường mạng

Không chỉ sử dụng tại nhà, các em còn được tiếp cận với Internet thông qua các tiết học CNTT ở trường nhưng, thay vì học tập và tìm hiểu theo sự chỉ dẫn của thầy cô, nhiều em học sinh lại lướt Facebook, Tiktok, xem Youtube, thậm chí chơi game trong giờ học. Điều này đặt ra những rủi ro, khi môn học có mục đích hướng dẫn trẻ sử dụng Internet đúng cách, lại trở thành môi trường để trẻ có thể tiếp cận với những luồng thông tin độc hại.

Nâng cao nhận thức sử dụng mạng an toàn là cách bảo vệ trẻ hữu hiệu nhất

Nhấn mạnh tính cấp thiết của việc bảo vệ trẻ em trên môi trường mạng, bà Đinh Như Hoa, Trường phòng Kiểm định, Trung tâm Ứng cứu khẩn cấp không gian mạng Việt Nam (VNCERT/CC), Cục ATTT, cơ quan điều phối Mạng lưới ứng cứu, bảo vệ trẻ em trên môi trường mạng Việt Nam, chỉ rõ nâng cao nhận thức về sử dụng mạng an toàn chính là cách bảo vệ trẻ hữu hiệu nhất.
Bàn về giải pháp công nghệ hỗ trợ bảo vệ trẻ em trên môi trường mạng, vị đại diện VNCERT/CC điểm ra 3 loại công nghệ bảo vệ chủ yếu gồm: công nghệ bảo vệ trên các hệ điều hành, trình duyệt, ứng dụng; các thiết bị, ứng dụng bảo vệ trẻ em trên thiết bị đầu cuối; các ứng dụng hỗ trợ phản ánh, kiểm tra.

Từ kinh nghiệm triển khai giải pháp trong thực tiễn, ông Ngô Tuấn Anh, CEO Công ty An ninh mạng thông minh SCS cho biết: “Khi các trường học hiện nay phải trang bị phòng máy kết nối Internet theo quy định, thì thách thức lớn nhất trong việc giám sát sự an toàn trên không gian mạng của các trường là tìm kiếm và trang bị các công cụ giúp theo dõi, quản lý các em. Trên thị trường hiện nay đã có những giải pháp công nghệ có thể giúp các trường quản lý học sinh trên Internet đơn giản và thuận tiện”, ông Ngô Tuấn Anh nói.

CEO SCS cũng chia sẻ thêm về giải pháp an toàn Internet cho trường học SafeGate School do công ty phát triển áp dụng mô hình điện toán đám mây, cho phép các trường triển khai nhanh chóng và dễ dàng sử dụng với mức chi phí hợp lý hàng tháng. 

Có cùng ý kiến, ông Phạm Thành Đạt, đại diện Công ty Sangfor Việt Nam cũng cho rằng với sự phát triển ngày càng nhanh của ngành CNTT, nhu cầu sử dụng máy tính của trẻ cũng tăng cao, đi cùng với đó là những thách thức đến từ bảo mật phòng lab, bảo mật khi học online, thực hành online, gian lận thi cử dành cho nhà trường.

Trên thế giới hiện nay đã có giải pháp VDI (Virtual Desktop Infrastructure) để thay thế những phòng máy tính truyền thống, giúp tăng cao tính bảo mật, dễ dàng, thuận kiểm soát hành vi của trẻ. 

Theo các chuyên gia, cùng với các giải pháp công nghệ cần trang bị để quản lý, bảo vệ các hệ thống Internet và tạo ra môi trường hoạt động an toàn, lành mạnh trong nhà trường thì giáo dục ý thức và đồng hành cùng các em khi hoạt động trên môi trường mạng là vô cùng quan trọng.

Là ngôi trường tiên phong trong đổi mới sáng tạo, đặc biệt chú trọng phát triển CNTT trong dạy và học, bà Lê Tuệ Minh, Chủ tịch hội đồng trường - Hệ thống trường Phổ thông liên cấp Edison cho biết Internet là một phần không thể thiếu trong giảng dạy và vận hành trường học, việc đảm bảo không gian mạng an toàn và bảo mật là yếu tố then chốt. 

Bà Lê Tuệ Minh chia sẻ công thức để có một môi trường không gian mạng an toàn và bảo mật hiệu quả bao gồm sự quản lý chặt chẽ của đội ngũ quản trị viên, tường lửa (firewall) và phần mềm kiểm soát nội dung.
Đối với học sinh, để trang bị kiến thức và nâng cao ý thức của các em khi sử dụng Internet, nhà trường đã áp dụng nhiều biện pháp giáo dục, như đưa nội dung an toàn mạng vào môn học CNTT, môn kỹ năng sống, ban hành bộ quy định về việc sử dụng mạng xã hội dành cho học sinh, tổ chức các hội thảo về an toàn mạng có sự đồng hành cùng các chuyên gia và cha mẹ học sinh…

Bà Nguyễn Phương Linh, Viện trưởng Viện Nghiên cứu Quản lý và Phát triển bền vững, cho biết: “Các em phải được giáo dục, trang bị các kiến thức để trở thành các công dân số chuẩn, có kiến thức, kỹ năng, tư duy phản biện và thấu cảm để bảo vệ bản thân mình trước các rủi ro trên môi trường mạng, vừa tận dụng những lợi thế mà công nghệ mang lại để phát triển toàn diện. Các thầy cô và cha mẹ cần là người đồng hành hướng dẫn trẻ trong tiến trình trưởng thành này bằng sự tôn trọng, hỗ trợ để con trẻ làm chủ công nghệ, vừa sẵn sàng đồng hành và tìm giải pháp khi con gặp các vấn đề trên môi trường mạng".

Bài liên quan
Nổi bật Tạp chí Thông tin & Truyền thông
  • Đột phá thể chế, pháp luật để đất nước vươn mình
    Tổng Bí thư Tô Lâm có bài viết với tiêu đề "Đột phá thể chế, pháp luật để đất nước vươn mình". Trong đó nhấn mạnh, thể chế, pháp luật có chất lượng, phù hợp với yêu cầu phát triển của thực tiễn và nguyện vọng của Nhân dân là yếu tố hàng đầu quyết định thành công của mỗi quốc gia. Tạp chí Thông tin và Truyền thông trân trọng giới thiệu toàn văn bài viết của đồng chí Tổng Bí thư.
  • Hệ thống quản lý pin không dây và vấn đề bảo mật
    Quy mô thị trường hệ thống quản lý pin toàn cầu dự kiến sẽ đạt khoảng 35,14 tỷ đô la vào năm 2030, sẵn sàng tăng trưởng ở mức CAGR là 21,22% từ năm 2022 đến năm 2030. Khi công nghệ tiến bộ và các mối quan tâm về bảo mật và nhiễu điện từ EMI được giải quyết, wBMS sẵn sàng trở thành lực lượng thống trị trong tương lai của quản lý pin, định hình một thế giới nhẹ hơn, hiệu quả hơn và thông minh hơn.
  • Chuyển đổi số: Động lực mới cho hoạt động tình nguyện của tuổi trẻ Quảng Bình
    Với khát vọng vươn lên, tinh thần đổi mới, sáng tạo và nhiệt huyết của mình, thanh niên Quảng Bình đang dần khẳng định vai trò tiên phong, trở thành động lực quan trọng đóng góp vào thành công của công cuộc chuyển đổi số tại địa phương và cả nước.
  • Wikipedia ứng dụng AI để giảm tải cho biên tập viên tình nguyện
    Wikipedia vừa công bố kế hoạch tích hợp trí tuệ nhân tạo tạo sinh vào quy trình làm việc của đội ngũ biên tập, không nhằm thay thế con người mà hỗ trợ họ hiệu quả hơn.
  • Đến năm 2030, khoảng 95% mã code lập trình sẽ được tạo ra bởi AI
    Trí tuệ nhân tạo đang định hình lại ngành công nghiệp phần mềm, với 30% mã của Microsoft được tạo ra bởi AI. Các tập đoàn công nghệ lớn như Google và Meta cũng áp dụng AI, mở ra tương lai mới cho lập trình và thay đổi vai trò của kỹ sư.
Đừng bỏ lỡ
Mục tiêu kép khi bảo vệ trẻ an toàn trên môi trường mạng
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO