Năm 2019 sẽ phát hành tem kỷ niệm 1.000 năm ngày sinh Lý Thường Kiệt

Bình Minh| 12/04/2018 16:06
Theo dõi ICTVietnam trên

Nửa đầu năm 2019 sẽ phát hành bộ tem kỷ niệm 1.000 năm sinh Lý Thường Kiệt cùng 1 số bộ tem khác như tem kỷ niệm 50 năm thành lập Chính phủ Cách mạng lâm thời Cộng hòa miền Nam Việt Nam, 100 năm sinh nhà điêu khắc Diệp Minh Châu,…

Infonet-Hop-Hoi-dong-tem-quoc-gia_1.jpg

Toàn cảnh phiên họp sáng 12/4 tại trụ sở Bộ TT&TT ở Hà Nội.

Sáng 12/4, tại Hà Nội, Thứ trưởng Bộ TT&TT Nguyễn Minh Hồng, Chủ tịch Hội đồng Tư vấn quốc gia về tem bưu chính đã chủ trì cuộc họp Hội đồng để góp ý các bộ tem phát hành bổ sung năm 2018 và phát hành 6 tháng đầu năm 2019.

Theo đó, năm 2018 sẽ phát hành bổ sung bộ tem “Biển, đảo Việt Nam (bộ 1): Sinh vật biển” theo Quyết định phát hành bổ sung bộ tem do Bộ TT&TT ban hành ngày 23/11/2017.

Bộ tem gồm 4 mẫu và 1 bloc thể hiện các loài sinh vật biển có tại Khánh Hòa và các vùng biển Việt Nam và thế giới. Các loài sinh vật này đều được ghi trong sách đỏ Việt Nam. Theo kế hoạch, bộ tem này sẽ được phát hành trong tháng 6/2018.

Trong 6 tháng đầu năm 2019 sẽ phát hành 3 bộ tem kỷ niệm và 1 bộ tem chuyên đề.

Các bộ tem kỷ niệm gồm: Thứ nhất, bộ tem “Kỷ niệm 100 năm sinh Diệp Minh Châu (1919-2002), gồm 1 mẫu, sẽ phát hành ngày 10/2/2019.

Họa sĩ, nhà điêu khắc Diệp Minh Châu sinh ngày 10/2/1919, quê ở xã Nhơn Thanh, huyện Châu Thành, tỉnh Bến Tre. Ông đam mê hội họa và đã nổi tiếng ngay từ thuở nhỏ.

Ông là một trong những gương mặt lớn của nền hội họa Việt Nam hiện đại. Không chỉ là một họa sĩ thành công với đề tài Bác Hồ, đề tài miền Nam, Diệp Minh Châu còn là nhà điêu khắc tên tuổi trong giới nghệ thuật tạo hình.

Nhiều tác phẩm của ông đã đi vào lịch sử, trở thành tài sản quý của nhiều bảo tàng mỹ thuật lớn trong nước. Diệp Minh Châu luôn hướng tâm hồn về quê hương miền Nam ruột thịt. Ông đã vẽ nhiều tranh, điêu khắc nhiều bức tượng phản ánh cuộc chiến đấu kiên cường bất khuất của quê hương. Đáng chú ý là các bức tượng Bác Hồ mang dấu ấn Diệp Minh Châu như tượng tròn thạch cao “Bác Hồ bên suối Lê nin”, tượng đồng “Bác Hồ với thiếu nhi”…

Thứ hai, bộ tem kỷ niệm 1.000 năm sinh Lý Thường Kiệt (1019-1105) gồm 1 mẫu, phát hành ngày 1/4/2019.

Lý Thường Kiệt (1019 – 1105) tên thật là Ngô Tuấn, tự Lý Thường Kiệt. Ông sinh ra trong gia đình danh tướng, cha là Sùng Tiết tướng quân Ngô An Ngữ. Cũng vì vậy mà hình ảnh danh tướng đã thấm vào ông ngay từ bé. Khi trưởng thành, ông trở thành bậc đại danh tướng tài ba, là linh hồn của những chiến công lớn nhất lịch sử nước ta trong thế kỷ XI.

Trong lịch sử, ông là một trong những người nổi danh “phò vua phá Tống bình Chiêm”, công danh hiển hách, và đã gắn liền với bài thơ thần “Nam Quốc sơn hà” được coi như bản tuyên ngôn độc lập đầu tiên của nước Việt.

Thứ ba, bộ tem “Kỷ niệm 50 năm thành lập Chính phủ Cách mạng lâm thời Cộng hòa miền Nam Việt Nam (1969-2019) gồm 1 mẫu, sẽ phát hành ngày 6/6/2019.

Từ ngày 6 – 8/6/1969, Đại hội Đại biểu Quốc dân miền Nam Việt Nam mà Mặt trận Dân tộc giải phóng miền Nam Việt Nam là nòng cốt đã cùng với Liên minh Các lực lượng dân tộc, dân chủ và hòa bình Việt Nam do luật sư Trịnh Đình Thảo làm Chủ tịch đã bầu ra Chính phủ Cách mạng lâm thời Cộng hòa miền Nam Việt Nam do kiến trúc sư Huỳnh Tấn Phát làm Chủ tịch và Hội đồng Cố vấn Chính phủ do luật sư Nguyễn Hữu Thọ làm Chủ tịch.

Ngay sau khi được thành lập, Chính phủ Cách mạng lâm thời Cộng hòa miền Nam Việt Nam đã được 23 nước công nhận, trong đó 21 nước đặt quan hệ ngoại giao. Từ tháng 6/1969 đến cuối năm 1975, đã có hơn 50 nước trên thế giới (trong đó có nhiều nước tư bản chủ nghĩa) công nhận và lập quan hệ ngoại giao.

Và 1 bộ tem chuyên đề sẽ được phát hành trong 6  tháng đầu năm 2019 là bộ tem “Tranh lụa Việt Nam” dự kiến phát hành ngày 1/4/2019.

Tranh lụa hiện đại Việt Nam mới ra đời từ thập niên 1930. Điểm khác biệt nhất giữa kỹ thuật vẽ tranh lụa cổ và tranh lụa hiện đại Việt Nam là tranh lụa cổ thường được vẽ trực tiếp trên lụa khô, trong khi quá trình thực hiện tranh lụa hiện đại giống như sự nhuộm đi nhuộm lại màu lên mặt lụa. Lụa trong tranh lụa cổ được căng trên khung gỗ, trong quá trình vẽ, họa sĩ có thể rửa lụa nhiều lần rồi vẽ tiếp tới khi như ý.

Nổi bật Tạp chí Thông tin & Truyền thông
Đừng bỏ lỡ
Năm 2019 sẽ phát hành tem kỷ niệm 1.000 năm ngày sinh Lý Thường Kiệt
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO