Năm 2020 có thêm 5 Bộ ngành, địa phương quan tâm tốt đến việc bảo đảm ATTT

NK| 27/10/2021 21:08
Theo dõi ICTVietnam trên

Theo báo cáo mức độ an toàn thông tin (ATTT) mạng năm 2020 do Cục ATTT (Bộ TT&TT) thực hiện, có 2 Bộ ngành là Ngân hàng nhà nước (NHNN), Bộ Giao thông Vận tải (GTVT) và 7 địa phương được đánh giá quan tâm đến ATTT ở mức độ tốt (thang điểm A), tăng thêm 5 đơn vị so với năm 2019.

Thước đo thực trạng ATTT của Việt Nam để ban hành chính sách phù hợp

Trong khuôn khổ Hội thảo và Triển lãm quốc tế về An toàn không gian mạng - Vietnam Security Summit 2021 do Cục ATTT (Bộ TT&TT) phối hợp với IEC Group phối hợp tổ chức trực tuyến trong 2 ngày 27 - 28/10, ông Đinh Văn Kết, Phó trưởng phòng Phòng Thông tin và Hợp tác quốc tế, Cục ATTT (Bộ TT&TT) đã chính thức công bố xếp hạng Mức độ ATTT mạng của các Bộ, ngành, địa phương năm 2020. 

Theo ông Kết, đây là một bảng xếp hạng tổng thể, gồm các trụ cột phát triển ATTT mạng theo 5 tiêu chí của Chỉ số an toàn, an ninh mạng toàn cầu (GCI 2020) do Liên minh Viễn thông quốc tế (ITU) đánh giá. "Tuy nhiên, bảng xếp hạng này cũng chỉ mang tính chất tham khảo, không phải so sánh đơn vị mình với cơ quan khác, mà quan trọng nhất vẫn là so sánh với chính mình. Đồng thời, xếp hạng cũng không phải thước đo Bộ ngành, địa phương nào an toàn hay không, mà là mức độ sẵn sàng với việc đảm bảo ATTT mạng", ông Kết chia sẻ.

Việc Việt Nam thuộc nhóm 25 quốc gia dẫn đầu về Chỉ số GCI 2020 là thành tích chung của các Bộ, ngành, địa phương, trong đó có những trụ cột được điểm tuyệt đối 20/20 như pháp lý, hợp tác. Đánh giá này tương đối sát với thực tế, khi Việt Nam là một trong số những quốc gia có hành lang pháp lý tương đối hoàn thiện, với 2 luật, 8 nghị định, 7 quyết định, 2 chỉ thị được Thủ tướng Chính phủ ký ban hành, 5 thông tư. 

Đối với việc hợp tác quốc tế, Việt Nam cũng đã thể hiện được vai trò khi tích cực đóng góp cho các hoạt động song phương và đa phương như triển khai thành công Hội nghị  Triển lãm thế giới số (ITU Digital World) 2021… Còn trong nước, các Bộ ngành, địa phương cũng tích cực hợp tác với nhau, hay việc thành lập Liên minh phát triển hệ sinh thái sản phẩm an toàn, an ninh mạng Việt Nam, Liên minh xử lý mã độc và phòng, chống tấn công mạng Việt Nam…

Cũng theo ông Kết, xếp hạng mức độ ATTT mạng của các Bộ, ngành, địa phương năm 2020 thực hiện từ quý 4/2020 đến quý 1/2021 là thước đo đánh giá thực trạng của Việt Nam, từ đó xây dựng những chính sách, chiến lược phù hợp, phục vụ cho việc quản lý nhà nước của Bộ TT&TT. Trên cơ sở đó, các Bộ ngành, địa phương cũng nhìn lại năng lực bảo đảm ATTT của mình, khắc phục những điểm yếu. 

Dựa vào báo cáo này, Cục ATTT cũng muốn thay đổi tư duy, thay vì coi bị tấn công là kém thì coi rằng: Bị phát hiện tấn công và phát hiện sớm là tốt, bị tấn công và kịp thời khắc phục sự cố là tốt; Bị tấn công và kịp thời rút kinh nghiệm để chia sẻ, cảnh báo cho người khác không bị tấn công một cách tương tự là tốt.

Về cách thức đánh giá, Cục ATTT vẫn duy trì cách đánh giá cũ, đó là 50% dựa vào khảo sát trực tiếp tại các Bộ/ngành, địa phương gửi về, còn 50% dựa vào đánh giá thực tiễn trên các hệ thống kỹ thuật, thông qua hệ thống, tên miền… Các báo cáo, khảo sát dựa trên các trụ cột của GCI để cập nhật tiêu chí phù hợp, các quy định đã ban hành của tổ chức, công tác đào tạo tuyên truyền…. 

Cũng dựa vào khảo sát, Cục ATTT đã có những đánh giá kết quả năm 2020 theo thang điểm A tương ứng trên 80 điểm (quan tâm đến ATTT ở mức độ tốt), điểm B từ 65 - 80 điểm (quan tâm đến ATTT ở mức độ khá), điểm C từ 50 - 65 điểm (quan tâm ATTT ở mức trung bình). "2 thang điểm D và E là quan tâm ATTT ở mức yếu và chưa quan tâm thì năm 2020 hầu như đã không còn", ông Kết nói.

Lý giải về điều này, ông Kết cho rằng, sau khi công bố kết quả năm 2018 và 2019 của các Bộ ngành, địa phương, các cơ quan, tổ chức, đơn vị đã có sự quan tâm hơn về công tác bảo đảm ATTT mạng. Thậm chí, đơn vị xếp hạng A cũng đã có sự gia tăng hơn so với năm 2019, từ 4 lên 9 đơn vị. Tuy nhiên, nhiều Bộ ngành, địa phương triển khai còn mang tính hình thức và chưa có sự quyết tâm lớn. "Điều này có thể do chưa có nhiều kinh phí, nhân lực để triển khai bảo đảm ATTT mạng", ông Kết bày tỏ.

Năm 2020 có thêm 5 Bộ ngành, địa phương quan tâm tốt đến việc bảo đảm ATTT - Ảnh 1.

NHNN và Bộ GTVT là 2 đơn vị được đánh giá quan tâm ATTT ở mức độ tốt

9 đơn vị được đánh giá quan tâm ATTT ở mức độ tốt

Năm 2020, trong số 89 đơn vị đánh giá của các Bộ, ngành, địa phương, việc tăng hạng chiếm đến 40%, giữ hạng chiếm khoảng hơn 56%, trong đó, 9 đơn vị được xếp hạng A (2 Bộ, 7 địa phương và chiếm 10%), 64 đơn vị được xếp hạng B (61%), 16 đơn vị xếp hạng C (chiếm 29%). 

"So với năm 2019, số đơn vị được xếp hạng A và B đều tăng, và không còn thang đánh giá D, E", ông Kết cho hay.

Theo xếp hạng, trong 26 đơn vị cấp Bộ, số đơn vị hạng A chiếm 8%, đơn vị hạng B chiếm 73% và hạng C chiếm 19%. Như vậy, so với năm 2019, 38% Bộ ngành tăng hạng, 58% giữ hạng và chỉ có 4% xuống hạng. Từ đó, Cục ATTT đã đưa ra 5 Bộ ngành tiêu biểu là NHNN, Bộ GTVT (2 đơn vị xếp hạng thang điểm A), Bộ Tài nguyên và Môi trường, Bộ Xây dựng và Bảo hiểm xã hội.

Năm 2020 có thêm 5 Bộ ngành, địa phương quan tâm tốt đến việc bảo đảm ATTT - Ảnh 2.

Đối với mức độ quan tâm về ATTT của 63 tỉnh, thành, số đơn vị hạng A chiếm 12%, đơn vị hạng B chiếm 79% và hạng C chiếm 9%. So với năm 2019, số đơn vị hạng A, B tăng lần lượt 4 và 13 tỉnh thành, số đơn vị hạng C giảm cũng như không còn thang điểm D. Cục ATTT đã thông tin 5 địa phương có mức độ quan tâm ATTT cao nhất gồm Cần Thơ, Đà Nẵng, Thái Nguyên, Thừa Thiên - Huế và Vĩnh Phúc. Bảng xếp hạng top 5 địa phương năm 2020 có thêm 2 địa phương mới là Thái Nguyên và Thừa Thiên - Huế, 3 tỉnh thành còn lại cũng có sự tiến bộ vượt bậc.

"Trong năm 2020, xếp hạng này có 89 đơn vị và xếp hạng năm 2021 sẽ có thêm các tổng công ty, tập đoàn. Bảng xếp hạng này nhằm mục đích đánh giá mức độ sẵn sàng ATTT mạng tại các cơ quan, tổ chức, đơn vị, doanh nghiệp và cũng là cơ sở để triển khai các kế hoạch nâng cao thứ hạng Việt Nam do các tổ chức quốc tế đánh giá. Qua đó, sẽ có kế hoạch hỗ trợ các đơn vị hoàn thiện kế hoạch bảo đảm ATTT mạng. Cục ATTT mong muốn xếp hạng sẽ thúc đẩy phát triển ATTT mạng, nhất là nhận thức của người đứng đầu thông qua việc vinh danh các đơn vị có thứ hạng cao.

Ông Kết cũng chia sẻ: "Việc xếp hạng mức độ ATTT mạng của các Bộ, ngành, địa phương được công bố hàng năm và có thể được nghiên cứu xếp hạng theo  quý"./.

Bài liên quan
Nổi bật Tạp chí Thông tin & Truyền thông
Đừng bỏ lỡ
Năm 2020 có thêm 5 Bộ ngành, địa phương quan tâm tốt đến việc bảo đảm ATTT
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO