Năm 2020, Long An cung cấp trên 60% dịch vụ công trực tuyến mức độ 3, 4

Xuân Tuấn| 14/04/2020 11:24
Theo dõi ICTVietnam trên

Năm 2020, tỉnh Long An phấn đấu cung cấp trên 60% dịch vụ công (DVC) trực tuyến mức độ 3, 4, trong đó có ít nhất 30% DVC trực tuyến thực hiện ở mức độ 4.

Thời gian qua, tỉnh Long An đẩy mạnh việc ứng dụng CNTT vào hoạt động quản lý nhà nước, góp phần xây dựng chính quyền điện tử trong hoạt động quản lý, chuẩn hóa nội dung hồ sơ, giảm thời gian và chi phí thực hiện thủ tục hành chính (TTHC).

Rút ngắn thời gian giải quyết hồ sơ cho tổ chức, cá nhân

Đến nay, Cổng thông tin điện tử của tỉnh niêm yết công khai kịp thời, đầy đủ, đúng quy định 1.901 TTHC, trong đó thuộc thẩm quyền giải quyết của sở, ngành tỉnh là 1.412 TTHC, UBND cấp huyện là 278 TTHC, UBND cấp xã là 142 TTHC. Đối với TTHC của cơ quan hành chính nhà nước thuộc ngành dọc trên địa bàn tỉnh được đưa vào Trung tâm phục vụ Hành chính công (HCC) tỉnh, Trung tâm HCC cấp huyện và Bộ phận tiếp nhận và trả kết quả UBND cấp xã là 69 TTHC.

Trung tâm phục vụ HCC tỉnh, 15 Trung tâm HCC cấp huyện, 192 UBND cấp xã và 18 sở, ngành tỉnh tiếp tục sử dụng phần mềm một cửa điện tử để tiếp nhận, luân chuyển, giải quyết hồ sơ TTHC trên môi trường mạng.

Năm 2020, Long An cung cấp trên 60% dịch vụ công trực tuyến mức độ 3, 4 - Ảnh 1.

Trung tâm phục vụ HCC tỉnh Long An giải quyết TTHC cho người dân và DN (Ảnh: Báo Long An)

Toàn bộ hồ sơ TTHC được lưu trữ, luân chuyển từ các Trung tâm HCC đến cơ quan chuyên môn cấp tỉnh, cấp huyện, cấp xã qua hệ thống một cửa điện tử, không phụ thuộc vào hồ sơ giấy, nhờ vậy đã rút ngắn thời gian giải quyết hồ sơ cho tổ chức, cá nhân.

Tỷ lệ hồ sơ đã giải quyết đúng hạn đạt 99%, tăng 2% so với cùng kỳ năm 2019. Việc cung cấp thông tin tra cứu hồ sơ TTHC được thực hiện bằng nhiều hình thức: Cổng Dịch vụ công (DVC) trực tuyến của tỉnh, tổng đài điện thoại, SMS, Zalo.

Cổng DVC trực tuyến tỉnh Long An (https://dichvucong.longan.gov.vn) là đầu mối cung cấp thông tin về TTHC của tỉnh trên môi trường mạng, đảm bảo kết nối liên thông với hệ thống một cửa điện tử của tỉnh. Đến nay, Cổng DVC trực tuyến của tỉnh đã cung cấp 100% DVC trực tuyến mức độ 2; 824 DVCTT mức độ 3 và 198 DVC trực tuyến mức độ 4.

Riêng quý 1 năm 2020, có 1.620 hồ sơ được nộp qua mạng, chủ yếu là thủ tục liên quan doanh nghiệp (DN) do Bưu điện tỉnh hỗ trợ nộp (trong đó, dịch vụ mức độ 3 có 1.164 hồ sơ, mức độ 4 có 456 hồ sơ), tăng 513 hồ sơ so cùng kỳ năm 2019. Ngoài ra, còn có 27 DVC trực tuyến mức độ 3, 4 do Bộ, ngành Trung ương triển khai cho một số sở, ngành tỉnh.

Tỉnh Long An cung cấp nhiều kênh thông tin phục vụ tra cứu thông tin TTHC, người dân có thể xem tình trạng giải quyết hồ sơ TTHC qua: Cổng DVC trực tuyến của tỉnh, tổng đài điện thoại, tin nhắn SMS, qua ứng dụng Zalo.

Trong đó, kênh Zalo "Chính quyền điện tử tỉnh Long An" được triển khai, với chức năng chính là tra cứu, gửi tin nhắn thông báo tình trạng giải quyết hồ sơ, gửi tệp (file) thông tin hẹn trả kết quả, đang tiếp tục triển khai mở rộng thêm nhiều chức năng khác phục vụ người dân, DN.

Các Trung tâm HCC bước đầu đã phối hợp với Bưu điện tỉnh hỗ trợ người dân, DN thực hiện nộp hồ sơ trên Cổng DVC, kết hợp với tiếp nhận và trả kết quả qua dịch vụ bưu chính công ích.

Đến nay, 100% cơ quan nhà nước từ tỉnh đến xã và cán bộ, công chức, viên chức toàn tỉnh sử dụng phần mềm quản lý văn bản và điều hành để xử lý công việc. 100% sở, ngành tỉnh, UBND cấp huyện có trang thông tin điện tử và được tích hợp vào Cổng thông tin điện tử của tỉnh vận hành ổn định, đảm bảo thông suốt, phục vụ tốt cho công tác chỉ đạo, điều hành của các cơ quan nhà nước và nhu cầu nắm bắt thông tin của tổ chức, cá nhân.

Mở rộng hình thức thanh toán điện tử

Tỉnh Long An áp dụng thanh toán không dùng tiền mặt ở các lĩnh vực: giáo dục, y tế, bảo hiểm xã hội, trợ cấp,… Các tổ chức, cá nhân thực hiện TTHC tại Trung tâm phục vụ HCC tỉnh được lựa chọn hình thức thanh toán phí, lệ phí bằng tiền mặt hoặc thanh toán điện tử (thanh toán trên thiết bị di động, thanh toán qua thiết bị chấp nhận thẻ (POS)).

Năm 2020, Long An cung cấp trên 60% dịch vụ công trực tuyến mức độ 3, 4 - Ảnh 2.

Cổng DVC TT tỉnh Long An. Ảnh: XT

Đơn cử như trong lĩnh vực giáo dục, ngành đã thực hiện đối với các khoản chi thanh toán cá nhân: tiền lương, tiền công, phụ cấp lương, học bổng học sinh, sinh viên, tiền thưởng, phúc lợi tập thể, chi trả miễn giảm học phí, chi phí học tập, chi chế độ cho học sinh, sinh viên, người lao động và các khoản thanh toán khác cho cá nhân đều thực hiện thanh toán bằng chuyển khoản tại Kho bạc Nhà nước. 

Ngoài ra, ngành cũng tiến hành lắp đặt các thiết bị chấp nhận thanh toán thẻ (POS) hoặc mã thanh toán QRCode hoặc phần mềm trên điện thoại di động… tại các cơ sở giáo dục và đào tạo để người học và gia đình người học dễ dàng, thuận lợi thanh toán học phí, lệ phí tuyển sinh và các khoản thu khác không dùng tiền mặt.

Trong lĩnh vực y tế, 100% bệnh viện trên địa bàn thành phố Tân An (Bệnh viện đa khoa Long An; Bệnh viện Y học cổ truyền; Bệnh viện Lao và bệnh Phổi; Bệnh viện Tâm Thần) đã lắp đặt máy POS để phục vụ thanh toán cho bệnh nhân. Trung tâm Kiểm soát bệnh tật cũng đã lắp đặt máy POS để phục vụ cho người dân đến tiêm ngừa, khám chuyên khoa sức khỏe sinh sản và kế hoạch hóa gia đình.

Bên cạnh đó, tỉnh còn thực hiện chi trả trợ cấp cho các đối tượng bảo trợ xã hội thông qua hệ thống bưu điện. Các cơ sở giáo dục nghề nghiệp thu học phí của học sinh, sinh viên thông qua ngân hàng. Trung tâm Dịch vụ việc làm Long An thực hiện chi trả trợ cấp bảo hiểm thất nghiệp cho người lao động qua thẻ ATM. Hầu hết các DN bưu chính, viễn thông trên địa bàn tỉnh triển khai thu phí dịch vụ bưu chính, viễn thông khu vực đô thị bằng phương thức thanh toán không dùng tiền mặt.

Nổi bật Tạp chí Thông tin & Truyền thông
Đừng bỏ lỡ
Năm 2020, Long An cung cấp trên 60% dịch vụ công trực tuyến mức độ 3, 4
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO