Nâng cao chất lượng cho đội ngũ nòng cốt chuyển đổi số địa phương

Tâm An| 03/10/2022 10:19
Theo dõi ICTVietnam trên

Nhân lực là một trong những yếu tố then chốt, quyết định đến sự thành công của quá trình chuyển đổi số (CĐS). Với tôn chỉ “đi từng ngõ, gõ từng nhà, rà từng người” tổ công nghệ số cộng đồng (CNSCĐ) được xem là một trong những giải pháp quan trọng nhằm nâng cao trình độ, kỹ năng số cho người dân.

Tổ CNSCĐ - "cánh tay nối dài" của chính quyền

CĐS cần bắt đầu từ người dân, lấy người dân làm trung tâm, làm cho người dân hiểu và thấy việc sử dụng công nghệ là dễ dàng, thiết thực. Vì vậy, thành lập các tổ CNSCĐ gần dân, sát dân là rất quan trọng.

Tổ CNSCĐ là lực lượng mang tính huy động sức mạnh toàn dân, ở gần dân, sát dân và là cánh tay nối dài của Ban Chỉ đạo CĐS từ tỉnh, huyện đến xã, phường, thị trấn, tổ, đội. Các thành viên của tổ CNSCĐ tập trung đi từng ngõ, gõ từng nhà tuyên truyền đến người dân về các chủ trương, đường lối liên quan đến CĐS.

Đồng thời, hướng dẫn người dân truy cập cổng thông tin điện tử của thành phố, quận/huyện, phường/xã, đơn vị để tra cứu thông tin; cài đặt và sử dụng các nền tảng công nghệ số, thanh toán không dùng tiền mặt, tạo tài khoản và truy cập cổng dịch vụ công trực tuyến (DVCTT); hướng dẫn đăng ký và sử dụng các sàn thương mại điện tử (TMĐT) Voso, Postmart... để mua bán, quảng bá, giới thiệu sản phẩm.

Tại nhiều địa phương, tổ CNSCĐ đang đóng vai trò chính trong việc phổ cập công nghệ số, kỹ năng số tới từng người dân. Đây được xem là cách làm hiệu quả nhất để thay đổi nhận thức về CĐS của mỗi người dân.

Thông qua tổ CNSCĐ, nền tảng số, công nghệ số, kỹ năng số được đưa đến người dân một cách dễ dàng hơn để lan tỏa CĐS đến từng hộ gia đình, gắn với cuộc sống của người dân; xây dựng hành vi, thói quen số cho người dân trên môi trường số, thúc đẩy người dân tiên phong sử dụng nền tảng số, công nghệ số, qua đó sẽ góp phần thúc đẩy CĐS quốc gia.

Tổ CNSCĐ được thành lập, triển khai ở các cấp: xã, phường, thị trấn, thôn, tổ dân phố. Tại đây, các tổ CNSCĐ hoạt động chịu sự chỉ đạo của cấp ủy, chính quyền các cấp, đơn vị địa phương. Đồng thời, quy mô hoạt động mở rộng đến từng ngõ ngách, gắn với cuộc sống của người dân.

Đặc biệt, tổ CNSCĐ triển khai các nội dung phù hợp với đặc thù của từng đơn vị, địa phương; người dân được tiếp cận công nghệ theo cách đơn giản, tự nhiên, xuất phát từ nhu cầu và tạo ra giá trị thiết thực, đáp ứng nhu cầu thực tế cuộc sống của người dân.

Tổ CNSCĐ khi thành lập, hoạt động tuân thủ sự chỉ đạo của Ban Chỉ đạo CĐS cấp trên và hướng dẫn của Sở TT&TT và phải đảm bảo đa dạng các thành phần khối các đơn vị: Đoàn thanh niên, hội phụ nữ, hội nông dân, công đoàn, doanh nghiệp, công ty… Các nhân sự tham gia tổ CNSCĐ cũng cần đảm bảo có lòng nhiệt tình, tinh thần tự nguyện hoạt động cộng đồng, có kỹ năng về sử dụng nền tảng số, công nghệ số và khả năng tuyên truyền, hướng dẫn, hỗ trợ người dân sử dụng.

Sau một thời gian triển khai tích cực, theo thống kê của Bộ TT&TT, tính đến ngày 31/8/2022, cả nước có 51/63 tỉnh, thành phố đã thành lập 45.895 tổ CNSCĐ và 211.737 thành viên tham gia tổ CNSCĐ cấp xã, thôn, tổ dân phố. Đây là một kết quả rất đáng ghi nhận.

Tuy nhiên, bên cạnh những kết quả đã đạt được, việc triển khai các tổ CNSCĐ cũng còn gặp nhiều khó khăn như ở nhiều địa phương dân trí còn chưa cao, đặc biệt là các vùng sâu, vùng xa nhận thức của người dân về CĐS vẫn còn thấp, một số thành viên trong tổ chưa nắm rõ và thành thạo về việc sử dụng các nền tảng số, dịch vụ số, công nghệ số; tổ trưởng, tổ phó của tổ CNSCĐ là bí thư chi bộ hoặc tổ trưởng tổ dân phố thường là người tuổi cao, khó tiếp cận công nghệ hiện đại, trong khi đó, các thành viên khác là đoàn viên, hội viên kiêm nhiệm, lại không có nhiều thời gian để hoạt động năng nổ.

Ngoài ra, cơ sở vật chất để thực hiện CĐS cũng chưa đồng bộ, các thiết bị như điện thoại thông minh, máy tính, đường truyền, mạng chưa phổ cập đến 100% người dân; kinh phí để các tổ CNSCĐ hoạt động không có.

Để tổ CNSCĐ đi vào thực chất, hiệu quả, góp phần đưa công nghệ số vào mọi ngõ ngách cuộc sống, các địa phương cần thực hiện đồng bộ nhiều giải pháp, đặc biệt là tổ chức các lớp tập huấn, hướng dẫn nâng cao năng lực về CĐS cho các thành viên tổ CNSCĐ; phổ biến khóa học "Phổ cập kỹ năng số cộng đồng" trên Nền tảng học trực tuyến của Bộ TT&TT.

Từng chia sẻ về vai trò của Tổ CNSCĐ, Bộ trưởng Bộ TT&TT Nguyễn Mạnh Hùng cho biết các tổ CNSCĐ được thành lập ở từng tổ, thôn bản, với nòng cốt là thanh niên, có thể đi từng ngõ, gõ từng nhà, hướng dẫn từng người dân sử dụng các nền tảng số. Đây là hướng tiếp cận toàn dân về CĐS để cùng làm. Bộ TT&TT cũng đã có hướng dẫn hoạt động của các tổ CNSCĐ, đề nghị các địa phương quan tâm, chỉ đạo và coi đây là nhân tố quyết định thành công, bởi vì chính các tổ CNSCĐ này sẽ tạo ra các công dân số. Công dân số thì tạo ra xã hội số. Xã hội số thì tạo ra nhu cầu số. Nhu cầu số thì tạo ra thị trường số và thị trường số thì tạo ra DN số và từ đó hình thành nền kinh tế số".

Tập huấn, đào tạo kỹ năng số để tổ CNSCĐ đi vào thực chất, sát với nhu cầu của người dân

Để phổ cập kỹ năng số đến thành viên của tổ CNSCĐ và người dân, ngày 29/7/2022, Bộ TT&TT đã có công văn gửi UBND các tỉnh/thành phố trực thuộc Trung ương. Theo công văn, để hoạt động của tổ CNSCĐ tại các địa phương đi vào thực chất, sát với nhu cầu của người dân, làm cho người dân cảm nhận được giá trị, lợi ích thiết thực mang lại từ CĐS trong đời sống hằng ngày, Bộ TT&TT đã biên soạn các tài liệu để hướng dẫn cho tổ CNSCĐ và cho người dân, bao gồm:

- Tài liệu hướng dẫn cài đặt, sử dụng từng ứng dụng số thông qua các áp phích để tuyên truyền, hướng dẫn trực tiếp người dân cài đặt, sử dụng. Các tài liệu này tiếp cận người dân theo hình thức đi từng ngõ, gõ từng nhà, hướng dẫn từng người và kết hợp các hình thức phù hợp với đặc thù của địa phương.

- Tài liệu hướng dẫn cài đặt, sử dụng từng ứng dụng số thông qua các video hoặc tệp âm thanh để tuyên truyền, hướng dẫn gián tiếp người dân cài đặt sử dụng. Các tài liệu này được phát trên hệ thống truyền thanh cơ sở của xã, phường, các phương tiện truyền thanh khác của địa phương hoặc gửi qua các kênh giao tiếp giữa chính quyền với người dân.

Trong đó, 6 nội dung quan trọng để tập trung hướng dẫn người dân bao gồm: Sử dụng DVCTT; Thanh toán không dùng tiền mặt; Mua bán trên sàn TMĐT Voso, Postmart; Sử dụng nền tảng số Việt Nam do địa phương lựa chọn; Kỹ năng sử dụng phần mềm đảm bảo an toàn thông tin mạng cơ bản; Nội dung quan trọng khác theo định hướng, chỉ đạo của chính quyền địa phương.

Nâng cao chất lượng cho đội ngũ lòng cốt chuyển đổi số địa phương - Ảnh 2.

Đoàn Thanh niên ra quân tuyên truyền, hướng dẫn người dân thực hiện thanh toán số, thanh toán không dùng tiền mặt. (Ảnh: baoquangninh.com.vn)

Bộ TT&TT đã tổng hợp các tài liệu và đưa vào 01 khóa bồi dưỡng "Phổ cập kỹ năng số cộng đồng" trên nền tảng học trực tuyến mở đại trà của Bộ TT&TT để các thành viên tổ CNSCĐ và người dân có thể tiếp cận nhanh chóng, thuận tiện.

Thành viên tổ CNSCĐ và người dân có thể dễ dàng truy cập vào khóa bồi dưỡng trên nền tảng mọi lúc, mọi nơi, đơn giản bằng cách sử dụng ứng dụng Zalo và quét mã QR code kèm theo để truy cập tài liệu khóa bồi dưỡng.

Ngoài ra, thành viên tổ CNSCĐ và người dân có thể sử dụng kênh Zalo "Chuyển đổi số quốc gia" và chọn "Quan tâm" trên điện thoại thông minh như một kênh để cập nhật kịp thời các thông tin mới nhất về CĐS.

Bên cạnh đó, để chuẩn bị cho chương trình tập huấn, đào tạo kỹ năng số cho các tổ CNSCĐ, Bộ TT&TT cũng đã có công văn gửi Trung ương Đoàn TNCS Hồ Chí Minh và UBND các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương phối hợp thực hiện. Công văn khẳng định, để phát huy được vai trò, hiệu quả của các tổ CNSCĐ sau khi thành lập, thành viên tổ CNSCĐ cần được bồi dưỡng, tập huấn cung cấp thông tin về các chủ trương, chính sách, pháp luật về CĐS; hướng dẫn cài đặt, sử dụng nền tảng số, công nghệ số, kỹ năng số.

Tất cả các tổ CNSCĐ của địa phương thực hiện bồi dưỡng, tập huấn trực tuyến về CĐS, kỹ năng số thông qua Nền tảng học trực tuyến mở đại trà. Mục tiêu đến hết tháng 11/2022, 100% đoàn viên thanh niên và thành viên tổ CNSCĐ được bồi dưỡng, tập huấn trực tuyến thông qua Nền tảng học trực tuyến.

Đào tạo, bồi dưỡng kỹ năng số cho các tổ CNSCĐ trên cả nước để lực lượng này hỗ trợ triển khai các hoạt động CĐS tới các cấp cơ sở tại địa phương là cách tiếp cận toàn dân về CĐS của Việt Nam. Đây sẽ là những "cánh tay nối dài" của chính quyền, Ban Chỉ đạo CĐS tỉnh, thành phố để thực hiện các nhiệm vụ CĐS của quốc gia, của tỉnh, huyện, xã.

Tổ chức và duy trì hoạt động của các tổ CNSCĐ được Bộ TT&TT xác định là một trong những giải pháp đột phá, nhiệm vụ trọng tâm trong triển khai CĐS năm 2022.

Trong tháng 9 vừa qua, hoạt động đào tạo, bồi dưỡng kỹ năng số cho các tổ CNSCĐ đã được triển khai đồng bộ tại nhiều tỉnh, thành phố trên cả nước.

Cụ thể, chiều 21/9, Sở TT&TT tỉnh Thái Nguyên phối hợp với Cục CĐS quốc gia (Bộ TT&TT) tổ chức Chương trình phổ cập kỹ năng số cho các thành viên của tổ CNSCĐ trên địa bàn tỉnh theo hình thức trực tiếp và kết hợp trực tuyến từ điểm cầu TT&TT tới điểm cầu của 9 UBND huyện, thành phố và 178 UBND xã, phường, thị trấn trong toàn tỉnh. Tham gia Chương trình có gần 15.000 thành viên tổ CNSCĐ các cấp và cán bộ phòng Văn hóa - Thông tin các huyện, thành phố.

Theo đó, học viên được truyền đạt nhiều nội dung kiến thức như: Tổng quan về tổ CNSCĐ, hình thức và các nội dung triển khai; hướng dẫn sử dụng DVCTT; thanh toán không dùng tiền mặt (Viettel Money, VNPT Money), trình duyệt web Cốc Cốc; mua bán trên sàn TMĐT (Voso, Postmart...); kỹ năng sử dụng một số nền tảng số, ứng dụng số phổ biến; kỹ năng sử dụng phần mềm đảm bảo an toàn; một số nội dung, nhiệm vụ trọng tâm về CĐS tỉnh Thái Nguyên trong thời gian tới…

Ngày 30/9, Sở TT&TT TP. Hải Phòng cũng đã tổ chức Hội nghị bồi dưỡng, tập huấn kỹ năng số cho Tổ Đề án 06/CP và CNSCĐ trên địa bàn TP năm 2022 theo hình thức trực tuyến gồm điểm cầu chính tại Sở TT&TT, 15 điểm cầu tại các quận, huyện và 217 điểm cầu tại các xã, phường, thị trấn với 2.439 tổ CNSCĐ tham dự.

Ngoài ra, nhiều tỉnh, thành khác cũng đã tích cực triển khai tổ chức chương trình phổ cập kỹ năng số đến thành viên của các tổ CNSCĐ như tỉnh Ninh Bình (với 151 điểm cầu tại các huyện, TP và các xã, phường, thị trấn), Vĩnh Long (với hơn 110 điểm cầu trong tỉnh), Bình Phước (với 11 điểm cầu UBND cấp huyện, 111 điểm cầu UBND cấp xã, với sự tham gia của gần 6.000 đại biểu), Phú Thọ, TP. Đà Nẵng,…

Chương trình tập huấn hướng dẫn các thành viên tổ CNSCĐ tiếp tục hoàn thiện các kỹ năng số. Sau đó, lan tỏa rộng rãi trong cộng đồng, hỗ trợ người dân tiếp cận, sử dụng kỹ năng số để nâng cao chất lượng cuộc sống, tham gia phát triển kinh tế - xã hội.

Bên cạnh những nỗ lực và kết quả đạt được trong thời gian vừa qua, để triển khai hiệu quả, toàn diện tổ CNSCĐ trên toàn quốc thì cần phải huy động sức mạnh của cộng đồng để cùng chung tay giải quyết vấn đề và phải tạo ra lợi ích cho xã hội cũng như các bên tham gia.

Từ cơ sở đó, theo Cục CĐS quốc gia (Bộ TT&TT), chương trình đào tạo, tập huấn cho các thành viên tổ CNSCĐ sẽ có sự đồng hành của một số DN công nghệ như VNPT, Tổng công ty Bưu điện Việt Nam (Vietnam Post), Bkav...

Việc các DN công nghệ Việt Nam đồng hành cùng Bộ TT&TT, Trung ương Đoàn TNCS Hồ Chí Minh, UBND các tỉnh, thành phố để triển khai chương trình bồi dưỡng, tập huấn kỹ năng số cho các tổ CNSCĐ sẽ góp phần phần gắn kết DN với các địa phương, mở rộng thị trường sản phẩm, dịch vụ cho người dân của các DN.

Phát biểu tại Hội nghị giao ban công tác quản lý Nhà nước tháng 8/2022 của Bộ TT&TT, Thứ trưởng Bộ TT&TT Nguyễn Huy Dũng cũng cho biết: Tập huấn cho tổ CNSCĐ và người dân về kỹ năng số cũng mang lại lợi ích cho DN. Kinh nghiệm cho thấy đào tạo một người dùng số mới thì chi phí vào khoảng 4,5 - 5 USD, nhưng nếu có sự tham gia của tổ CNSCĐ thì chi phí này chỉ còn khoảng 2 USD. Đây là kinh nghiệm từ việc triển khai các nền tảng số cho người dân ở Lạng Sơn, Yên Bái. DN nền tảng số rất phấn khởi vì có thể tiết kiệm chi phí phát triển người dùng, tiết kiệm chi phí xã hội và quan trọng nhất là không làm phát sinh thêm chi phí cho tổ CNSCĐ.

Theo kế hoạch của Bộ TT&TT, trong năm 2022 sẽ tổ chức bồi dưỡng, tập huấn CĐS cho tối thiểu 10.000 lượt cán bộ Nhà nước, phổ cập kỹ năng số cơ bản cho tối thiểu 10 triệu lượt người dân. Các hoạt động bồi dưỡng, tập huấn không chỉ giúp thúc đẩy nhanh CĐS quốc gia, mà còn góp phần tạo ra thị trường tiềm năng cho các DN công nghệ số Việt Nam./.

Nổi bật Tạp chí Thông tin & Truyền thông
Đừng bỏ lỡ
Nâng cao chất lượng cho đội ngũ nòng cốt chuyển đổi số địa phương
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO