Xã hội số

Nâng cao chính sách thúc đẩy chuyển đổi số trong giáo dục - đào tạo

T. Quân 21/12/2023 07:09

Chuyển đổi số được coi là bước tiến quan trọng hướng tới xây dựng hệ thống giáo dục mở, linh hoạt, hiện đại đáp ứng yêu cầu đào tạo, nâng cao chất lượng nguồn nhân lực và thúc đẩy học tập suốt đời, xây dựng xã hội học tập.

Thực trạng chính sách chuyển đổi số

Chuyển đổi số trong giáo dục và đào tạo hiện nay đang gặp nhiều khó khăn, thách thức. Một phần do nhận thức của xã hội nói chung, của đội ngũ nhà giáo, cán bộ quản lý giáo dục và của người học về vị trí, vai trò của chuyển đổi số chưa đầy đủ, đúng đắn. Một số bộ phận giáo viên ngại đổi mới phương pháp giảng dạy và kiểm tra đánh giá dựa trên ứng dụng công nghệ kỹ thuật số. Trong đó có trường học, cơ sở giáo dục mới dừng lại ở việc triển khai các ứng dụng riêng lẻ trong hoạt động vận hành, quản trị nhà trường chưa quan tâm, chú trọng phát triển hạ tầng công nghệ kỹ thuật số.

Đầu tư từ ngân sách nhà nước cho ứng dụng công nghệ thông tin, chuyển đổi số trong giáo dục và đào tạo còn hạn hẹp trong khi huy động các nguồn lực xã hội chưa hiệu quả. Khoảng cách chênh lệch trong tiếp cận với công nghệ hiện đại giữa các khu vực đô thị, nông thôn, miền núi và các đối tượng người học do thiếu hụt về hạ tầng cơ sở vật chất kỹ thuật dẫn đến nguy cơ bất bình đẳng trong giáo dục.

tai-xuong.jpg

Về hành lang pháp lý trong điều chỉnh các quan hệ liên quan đến chuyển đổi số trong giáo dục và đào tạo khiến cho công tác tổ chức triển khai gặp nhiều lúng túng. Thực tế, quy định về tổ chức, quản lý, cấp phép đào tạo, kiểm tra và chế tài xử lý vi phạm đối với các chương trình, khóa học trực tuyến; Cách thức kiểm tra đánh giá, công nhận kết quả học tập trực tuyến chưa hoàn thiện, đồng bộ. Chưa có khung khổ pháp lý đầy đủ cho các hoạt động thu thập, quản lý và sử dụng cơ sở dữ liệu, tài nguyên học liệu mở trong đào tạo trực tuyến; Phân cấp, phân quyền và phân chia trách nhiệm trong đầu tư hạ tầng, quản lý, vận hành, khai thác dữ liệu thông tin chưa rõ ràng, ảnh hưởng tiêu cực đến quyền sở hữu trí tuệ cũng như việc bảo đảm an ninh thông tin an toàn dữ liệu trong quản lý, sở hữu, khai thác dữ liệu thông tin cá nhân.

Làm mới tư duy trong chính sách chuyển đổi số giáo dục

Chuyển đổi số trong lĩnh vực giáo dục và đào tạo được hiểu là việc ứng dụng các giải pháp công nghệ kỹ thuật số góp phần nâng cao chất lượng và hiệu quả hoạt động giảng dạy, học tập và công tác quản lý giáo dục. Thực tế thời gian qua, nhận thức về chuyển đổi số nói chung, chuyển đổi số trong ngành giáo dục và đào tạo nói riêng có chuyển biến, đặc biệt là sau khi Bộ Chính trị (Khóa XII) ban hành Nghị quyết số 52-NQ/TW ngày 27.9.2019 về một số chủ trương, chính sách chủ động tham gia cuộc Cách mạng Công nghiệp lần thứ tư, trong đó xác định một trong các nội dung cốt lõi của chính sách là thúc đẩy chuyển đổi số quốc gia. Thể chế hóa chủ trương của Đảng, Quốc hội đã xem xét, thông qua nhiều đạo luật có nội dung liên quan nhằm tạo điều kiện, môi trường pháp lý thuận lợi cho phát triển các sản phẩm, dịch vụ, mô hình kinh tế mới dựa trên nền tảng công nghệ số.

Thủ tướng Chính phủ đã ban hành Quyết định số 131/QĐ-TTg ngày 25/1/2022 phê duyệt Đề án “Tăng cường ứng dụng công nghệ thông tin và chuyển đổi số trong giáo dục và đào tạo giai đoạn 2022 - 2025, định hướng đến năm 2030”. Bộ Giáo dục và Đào tạo cũng đã ban hành nhiều văn bản pháp quy, trong đó có Kế hoạch tăng cường ứng dụng công nghệ thông tin và chuyển đổi số trong giáo dục và đào tạo giai đoạn 2022 - 2025; Bộ tiêu chí đánh giá ứng dụng công nghệ thông tin và chuyển đổi số của các cơ sở giáo dục...

Từ những chính sách đó đến nay, ngành giáo dục đã hoàn thành cơ bản việc xây dựng cơ sở dữ liệu ngành với thông tin thu thập của gần 53.000 cơ sở giáo dục mầm non, phổ thông và 442 cơ sở giáo dục đại học; Hơn 1,6 triệu hồ sơ nhà giáo và cán bộ quản lý giáo dục; gần 24 triệu hồ sơ học sinh; Đã kết nối, đồng bộ dữ liệu ngành với cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư, góp phần xác thực định danh và làm giàu dữ liệu về giáo dục cho hơn 23 triệu hồ sơ (đạt 98%). Cơ sở dữ liệu dùng chung của ngành cũng đã được chia sẻ, kết nối thông suốt từ trung ương (Bộ Giáo dục và Đào tạo) tới các địa phương (63 sở, 705 phòng Giáo dục và Đào tạo). Nhờ đó, thông tin phục vụ quản lý nhà nước được cung cấp kịp thời, chính xác và đầy đủ.

100% cơ sở giáo dục và đào tạo đã kết nối internet tốc độ cao, 90% cơ sở giáo dục sử dụng phần mềm quản lý theo mô hình trực tuyến giúp đổi mới công tác quản trị nhà trường, nhờ đó công tác báo cáo của các đơn vị được cải tiến, giảm thiểu áp lực sổ sách, tiết kiệm thời gian. Nhiều dịch vụ công trực tuyến lĩnh vực giáo dục và đào tạo đã được triển khai kết nối với Cổng dịch vụ công quốc gia.

Các giải pháp công nghệ kỹ thuật số cũng góp phần đổi mới mô hình, phương thức dạy, học và kiểm tra đánh giá. Người học được tiếp cận với các phương pháp học tập mới có sự hỗ trợ của công nghệ (Mô phỏng, thực tế ảo, lớp học kết nối thông minh…) khiến cho việc học trở nên dễ dàng, hấp dẫn hơn. Giáo viên đổi mới phương pháp, chuyển từ dạy kiến thức sang dạy cách học, phát huy tính tích cực, chủ động của người học để giúp họ luôn tự cập nhật và đổi mới tri thức, kỹ năng, phát triển năng lực của bản thân. Ngoài ra, với kho học liệu được số hóa, việc tiếp cận với giáo dục được thuận lợi hơn, giảm thiểu chi phí và không bị ràng buộc bởi các điều kiện về không gian, thời gian và khoảng cách địa lý. Việc theo dõi, đánh giá kết quả quá trình học tập của người học bảo đảm tính liên tục, khách quan giúp tìm hiểu và đưa ra lộ trình học tập phù hợp tới từng cá thể./.

Nổi bật Tạp chí Thông tin & Truyền thông
Đừng bỏ lỡ
Nâng cao chính sách thúc đẩy chuyển đổi số trong giáo dục - đào tạo
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO