Ngăn chặn truyện tranh “lậu”, vẫn chưa có câu trả lời?

Nhàn Nguyễn| 19/11/2019 08:53
Theo dõi ICTVietnam trên

Trên xe bus, trong quán trà chanh hay những nơi công cộng khác, chúng ta có thể dễ dàng bắt gặp những người trẻ đang đọc truyện tranh trên điện thoại thông minh. Truyện tranh là nhu cầu đọc rất lớn của giới trẻ, và không khó để tìm kiếm đọc miễn phí trên mạng.

Trong bài viết này, chúng tôi muốn lý giải một phần câu chuyện hiện nay nhiều đơn vị xuất bản, phát hành e ngại việc đẩy mạnh làm xuất bản điện tử.

Sáng tạo bị dập tắt

Dù sinh sau đẻ muộn, nhưng truyện tranh Việt Nam đã có những bước phát triển đáng ghi nhận trong thời gian qua. Thay vì đáp ứng nhu cầu của các bạn trẻ trong nước bởi các truyện tranh từ Nhật bản, Trung Quốc thì truyện tranh Việt Nam đang dần có những tác phẩm thu hút và thuyết phục bạn đọc, truyện của Việt Nam với những tác giả nổi tiếng như Nguyễn Khánh Dương, Nam Phong đã từng đạt được giải thưởng truyện tranh quốc tế, các fan đọc truyện tranh Việt Nam cũng dần hướng về các truyện tranh trong nước.

Để sáng tạo ra được những tác phẩm truyện tranh như thế, một thế hệ tác giả truyện tranh đã đánh đổi nhiều thứ để dốc lòng vì đam mê tác phẩm. Thành tựu của họ đã được thế giới ghi nhận, và họ chính là những người sẽ mang truyện tranh Việt Nam, với những giá trị văn hóa lịch sử Việt Nam phục vụ chính các bạn trẻ Việt Nam và quảng bá văn hóa, cạnh tranh với các nước trên thế giới.

Ấy thế nhưng, cứ tác phẩm nào được sản xuất ra thì ngay lập tức trên những trang website có tên miền quốc tế đã lấy nguyên xi nội dung, sản phẩm chất xám của những tác giả khổ công lao động chân chính, vừa kìm hãm sự phát triển của thị trường truyện tranh lành mạnh đang manh nha phát triển tại Việt Nam.

Nội dung không mất tiền - Thu tiền quảng cáo công khai

Cứ scan và đăng nguyên các ấn phẩm xuất bản và thu tiền quảng cáo là một hoạt động điển hình trong việc vi phạm bản quyền của hoạt động xuất bản điện tử hiện nay.

Có rất nhiều truyện của NXB Kim Đồng (Conan, Doraemon, Dragon Balls....) và hàng chục đầu truyện được lấy trực tiếp từ kho truyện của công ty Comicola, không xin phép, không bản quyền, không thương lượng.

Tiêu biểu là các truyện như: “Học sinh chân kinh” của tác giả Tuấn, Oanh, do công ty Phan Thị phát hành. Liên hệ với tác giả Tuấn, anh cho biết anh sáng tác bộ truyện tranh này từ năm 2012 và cho đến nay vẫn đang tiếp tục sáng tác.

Bộ truyện “Học sinh chân kinh" của anh được liên kết với công ty Phan Thị phát hành nhưng cho đến thời điểm này, khi website Medoctruyentranh.net phát hành online bộ truyện của anh và anh chưa hề nhận được sự xin phép hay thương lượng nào từ phía medoctruyentranh.net về việc phát hành truyện của mình.

Đại diện công ty Phan Thị, đơn vị mua bản quyền bộ truyện tranh “Học sinh chân kinh” cho hay, không có một thỏa thuận nào từ phía công ty Phan Thị cho phép Medoctruyentranh.net phát hành bộ truyện tranh này.

Một tác phẩm của tác giả Việt Nam bị phát hành lậu tại Medoctruyentranh.net

Tương tự, truyện “Hoàng đế Mèo” của Skybook của Công ty Văn hóa Truyền thông AZ, và còn rất nhiều nữa những truyện tranh của Việt bị đơn vị này phát hành không phép. Những tác giả và đơn vị sở hữu những tác phẩm truyện tranh này tỏ ra rất bức xúc khi truyện tranh do mình bỏ bao nhiêu công sức và sự sáng tạo lại bị ngang nhiên đánh cắp như thế. Quan trọng hơn, website này còn phát hành truyện tranh lậu của Hàn Quốc và Nhật Bản, bị các đơn vị của nước ngày lên tiếng. Điều này gây ảnh hưởng nghiêm trọng đến uy tín và môi trường xuất bản lành mạnh của Việt Nam.

Tồn tại nhiều năm như thế trên mạng, ngang nhiên phát hành truyện trên website này để thu tiền quảng cáo bất chính, theo thống kê có đến hàng chục tỷ đồng quảng cáo được công ty này thu về nhờ phát hành truyện tranh theo kiểu này và chiếm lĩnh tới 60-70% thị trường truyện lậu tại Việt Nam.

Truyện nước ngoài cũng bị “luộc”

Không dừng lại ở đó, medoctruyentranh.net còn là nơi phát hành các truyện tranh bất hợp pháp của các nước như Hàn Quốc và Nhật Bản, bị các đơn vị này lên án. Một đơn vị Hàn Quốc đã gửi công văn cho chúng tôi về việc website medoctruyentranh.net vi phạm bản quyền các tác phẩm của họ như: “Vị cứu tinh của nhân loại” của tác giả Myoung rang; “Độc cô”; Độc cô 2”; “Độc cô tiền truyện”; “Tổng”; “Máu nhuốm” của tác giả Meen…. Điều này làm ảnh hưởng nghiêm trọng đến uy tín và môi trường hợp tác xuất bản Việt Nam.

Trước hành vi vi phạm bản quyền của medoctruyentranh.net, ngày 20/9 năm 2019 Apple đã vĩnh viễn gỡ ứng dụng này ra khỏi hệ thống của AppStore trong khi trước thời điểm đó, ứng dụng này đứng vị trí số 1 trong danh mục “Sách” của Apple Store.

Một tác phẩm của tác giả Hàn Quốc bị phát hành lậu tại Medoctruyentranh.net

Theo phản ánh của độc giả, họ đã tìm hiểu và xác nhận được website medoctruyentranh.net là khách hàng của công ty trách nhiệm hữu hạn EXA có địa chỉ tại 268 Lý Thường Kiệt, phường 14, quận 10, TP. Hồ Chí Minh Khi chúng tôi liên hệ với công ty này thì không nhận được sự hợp tác để làm rõ vấn đề về vụ việc.

Hành vi vi phạm bản quyền nghiêm trọng đã gây tác động không nhỏ đến môi trường sáng tạo của các tác giả trẻ. Các nhà xuất bản tỏ ra ái ngại khi nhận xuất bản những tác phẩm truyện tranh này vì chúng bị phát hành “lậu” quá nhiều thông qua kênh online. Chính vì vậy, cần sự vào cuộc của các đơn vị và cơ quan chức năng có thẩm quyền.

Và để góp phần loại bỏ những hành vi vi phạm bản quyền trắng trợn này, bạn đọc, hãy là những người đọc văn minh, từ chối những sản phẩm phát hành trái phép, như một sự thể hiện thái độ tẩy chay những sản phẩm bất minh để môi trường đọc sách, văn hóa được lành mạnh hơn. Đấy là chưa kể khi phát hành “lậu” không qua sự thẩm định của cơ quan chức năng, nếu bị các đối tượng xấu lợi dụng đưa các nội dung xấu, độc thì hệ quả rất tai hại.

(Còn nữa)

Bài viết đăng tải trên kỳ in Tạp chí Thông tin và Truyền thông - Kỳ Xuất bản Việt Nam tháng 10/2019

Nổi bật Tạp chí Thông tin & Truyền thông
Đừng bỏ lỡ
Ngăn chặn truyện tranh “lậu”, vẫn chưa có câu trả lời?
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO