Theo ngân hàng RHB, người tiêu dùng có thể đăng ký RHB Easy-Pinjaman Ekspres, một sản phẩm cho vay cá nhân, vào bất kỳ thời điểm nào trong ngày và nhận được ngay kết quả trong ngày thông qua tin nhắn văn bản.
Chatbot được phát triển cùng với RinggitPlus, một trang web so sánh các sản phẩm tài chính của Malaysia mà RHB đang hợp tác để hỗ trợ các hồ sơ vay vốn trực tuyến trong vài năm gần đây.
Nazri Othman, người đứng đầu bộ phận ngân hàng bán lẻ tại RHB Banking Group, cho biết: “Chúng tôi hướng tới cung cấp trải nghiệm tài chính cá nhân cải tiến cho người tiêu dùng bằng cách triển khai Chatbot thông qua RinggitPlus”. Theo ông, chatbot sẽ loại bỏ rắc rối của việc hoàn thiện và nộp các mẫu đơn trong giai đoạn đầu của quá trình vay vốn.
Trước đây, khách hàng đăng ký RHB Easy-Pinjaman Ekspres phải nộp giấy đề nghị vay và hồ sơ liên quan trên RinggitPlus.com. Sau khi được ngân hàng liên lạc lại, khách hàng sẽ phải đến một chi nhánh của RHB để hoàn thiện hồ sơ và thẩm định xem có đủ điều kiện không.
Nhưng thông qua chatbot, RinggitPlus.com và RHB hiện đang cung cấp phê duyệt điều kiện vay mà không yêu cầu khách hàng phải nộp hồ sơ vay đầy đủ.
RHB cho biết khách hàng cũng có thể tạm dừng và tiếp tục quá trình vay vốn vào một thời điểm sau đó. Thông qua chatbot, họ cũng có thể giao tiếp với nhân viên dịch vụ khách hàng nếu họ cần hỗ trợ thêm.
Khi hồ sơ đề nghị vay của họ được chấp thuận, khách hàng có thể tới bất kỳ trung tâm bán hàng hoặc trung tâm giao dịch nào của RHB mà họ đã lựa chọn trước trong giấy đề nghị vay để hoàn thiện thủ tục và nhận khoản vay cá nhân của mình.
Nazri cho biết: “Trong 12 tháng qua tính tới tháng 8/2017, chúng tôi thấy trung bình có khoảng 3 triệu RM (710.479 USD) giải ngân khoản vay cá nhân mỗi tháng thông qua RinggitPlus. Với Chatbot, chúng tôi mong muốn đạt được mức tăng trưởng 67% hay 5 triệu RM giải ngân khoản vay cá nhân hàng tháng. RHB đặt mục tiêu tăng mức giải ngân vay cá nhân khoảng 60% đạt 60 triệu RM vào cuối năm”.
Trước đó, vào tháng 01/2017, ngân hàng DBS ở Singapore cũng đã triển khai một trợ lý ảo dựa trên chatbot, cho phép khách hàng POSB Bank tra cứu về số dư tài khoản, tỷ giá hối đoái và địa điểm các chi nhánh thông qua Facebook Messenger. POSB đã bị DBS mua lại vào năm 1998.
Theo DBS, hơn 11.000 giờ làm việc đã được dành cho việc đào tạo trợ lý ảo, với những câu hỏi và phản hồi thực tế thu được từ trung tâm khách hàng của ngân hàng. POSB cũng thiết lập một nhóm chú giải để đảm bảo phản hồi giữ đúng giá trị và ngắn gọn.
“Là một ngân hàng phục vụ gần 5 triệu khách hàng ở Singapore, chúng tôi đang dẫn đầu trong việc thúc đẩy đổi mới trong các dịch vụ số và cung cấp trải nghiệm khách hàng liền mạch trên nền tảng của chúng tôi”, Jeremy Soo, người đứng đầu bộ phận ngân hàng tiêu dùng của DBS tại Singapore cho biết.