Giới trẻ thời số hóa không có thói quen đọc báo in như thế hệ trước
Mặc dù đang có sự ổn định tài chính và sự trung thành của độc giả nhưng khó có thể lạc quan về tương lai ngành công nghiệp báo chí Nhật. Thực tế, năng lực ngành báo chí hiện nay chủ yếu dựa trên sự thành công trong quá khứ, khó có thể nói thành công tương tự sẽ tiếp tục trong tương lai. Không khó khăn gì để nhận ra bản chất nguy cơ này. Nhật cũng tương tự như các nước công nghiệp phát triển phương Tây, số lượng độc giả mới đăng ký mua báo giảm nhanh theo tốc độ phát triển của Internet và điện thoại thông minh (smartphone). Sinh viên Nhật hiếm khi đặt mua báo, đặc biệt nếu họ sống một mình. Họ sẵn sàng trả phí đăng ký các dịch vụ trên smartphone nhưng không muốn bỏ chi phí mua báo in, thậm chí chỉ với số tiền lẻ của chi phí cho dịch vụ trên smartphone.
Hình 2 thống kê xu hướng này, dựa trên số liệu khảo sát năm 2005 và 2010 do Viện nghiên cứu văn hóa truyền thông quảng bá của đài NHK thực hiện. Năm 2010, nam giới lứa tuổi 20-30 cho biết mỗi ngày họ dành trung bình 04 phút đọc báo in trong khi dành tới 68 phút lướt mạng (online).
Theo quy luật trong quá khứ, độc giả thường xuyên đọc báo in ở độ tuổi trưởng thành và có công việc ổn định. Tuy nhiên, quy luật này dường như không còn đúng nữa với những người Nhật mà thời trẻ lớn lên trong thời đại số hóa. Họ không đọc báo in ở độ tuổi trưởng thành và có công việc ổn định.
Nạn nhân cho sự thành công của chính mình
Các nhà phát hành báo chí Nhật đã phải thực hiện nhiều chiến lược khác nhau nhằm chinh phục độc giả trẻ nhưng hầu như đều gặp thất bại khi cố gắng giải quyết vấn đề cơ bản: hệ thống phân phối báo đến tận nhà có quy mô quá đồ sộ. Các tờ báo lớn không có cách nào khác là đứng nhìn cơn lốc truyền thông số đe dọa lãnh địa của mình. Hầu hết chủ các tờ báo lớn khi nói về chiến lược phát triển báo chí điện tử (số) trả phí đều gặp phải sự phản ứng mạnh của các nhà phân phối báo. “Chúng tôi không thể phớt lờ các nhà phân phối” – là câu trả lời chung của các nhà phát hành báo chí Nhật.
Đó cũng là lý do mà tờ Yomiuri, nhật báo lớn nhất Nhật bản, đã tạo ra phiên bản số (online) trả tiền Yomiuri Premium, chỉ dành cho các độc giả của tờ báo in Yomiuri. Tương tự, tờ Asahi Shimbun và Nihon Keizai Shimbun tạo ra gói hỗn hợp: báo in phiên bản điện tử nhưng không khuyến khích phiên bản thuần điện tử khi đưa ra giá mua báo điện tử đắt ngang giá báo in. Trong khi đó, hầu hết các tờ báo địa phương đều không phát triển báo điện tử. Website các tờ báo này hầu hết chỉ cung cấp 1 vài nội dung miễn phí, trong đó chủ yếu quảng cáo các nội dung hấp dẫn có đăng trên báo in.
Ngành báo chí ở Nhật là ví dụ điển hình của ngành công nghiệp thành công chủ yếu do dựa vào sức cầu nội địa. Họ đã rất giỏi trong việc tạo ra 1 thế hệ độc giả trung thành trong giai đoạn đất nước phát triển nhanh nhưng báo chí Nhật đã bị gắn chặt với mô hình kinh doanh cũ trong khi ngành công nghiệp báo chí thế giới đang thay đổi rất nhanh chóng – khi mà rất nhiều tờ báo đã phá sản hoặc bị mua lại trên khắp thế giới.
Cái khó của báo chí điện tử: Cân bằng giữa lợi nhuận và chất lượng
Hầu hết ngành truyền thông số online hiện nay đều cung cấp miễn phí nội dung và kiếm tiền nhờ quảng cáo. Tuy nhiên, để tạo những nội dung chất lượng cao, các nhà phát hành báo chí điện tử gặp phải 2 khó khăn cơ bản:
Thứ nhất, xu hướng làm việc suốt đời cho 1 công ty của người Nhật khiến cho những nhân tài đang làm việc tại các tờ báo in danh tiếng, nơi họ đang được trả lương cao, không muốn chuyển việc sang nhà phát hành báo chỉ có phiên bản điện tử. Hơn nữa, nhà phát hành báo điện tử không đủ năng lực tài chính để cử phóng viên đi khắp mọi nơi, một điều rất quan trọng để phóng viên trẻ nhanh chóng trưởng thành trong sự nghiệp báo chí.
Thứ hai, mô hình kiếm tiền nhờ quảng cáo của báo điện tử khiến cho mục tiêu cao nhất cần đạt là số lượt xem (pageview) và bấm vào quảng cáo của độc giả. Điều đó gây khó khăn cho những báo điện tử thuộc các chuyên ngành ít độc giả như: chính trị, khoa học, kinh tế. Để trụ được, những báo điện tử thường đã có doanh thu ổn định từ báo in hoặc có các nội dung điện tử được số đông độc giả quan tâm như giải trí hoặc lĩnh vực khác. Nói chung, trong ngắn hạn, rất khó để vừa tạo được nội dung chất lượng cao vừa có doanh thu tốt nếu chỉ dựa trên mô hình thu tiền quảng cáo.
Hai khó khăn trên câu chuyện “con gà – quả trứng”: nội dung chất lượng cao thu hút được độc giả nên có đủ lợi nhuận để thuê nhân tài làm nội dung chất lượng cao. Nhiều báo điện tử có xu hướng bỏ việc đưa tin tức trực tiếp, thay vào đó tập trung vào tổng hợp tin và đưa nội dung mang tính chất bình luận cá nhân, nghĩa là sản xuất nội dung với chi phí thấp nhất có thể.
Tờ báo Mỹ: Huffington Post đến Nhật bản
Báo điện tử ở Nhật tuyển cộng tác viên viết tin, bài theo một số cách. Ví dụ trang Blogos.com vốn bắt nguồn từ trang Niconico Nama Hōsō, nơi độc giả có thể đăng video miễn phí. Gần đây, video được kết hợp với văn bản để tạo thành nội dung trả phí. Cổng điện tử phổ biến nhất Nhật bản, Yahoo!Japan, có một mục để các cộng tác viên có thể đăng bài tự do. Kể từ đầu 2013, một số nội dung trong mục này phải trả phí để khuyến khích cộng tác viên. Tháng 5/2013, phiên bản điện tử tiếng Nhật của tờ báo kinh tế, chính trị nổi tiếng của Mỹ, Huffington Post, đã chính thức hoạt động. Dường như tờ báo điện tử đã có những thành công bước đầu khi một số cây bút danh tiếng của Nhật cũng chấp nhận viết bài miễn phí cho báo để tiếp cận đông đảo độc giả hơn nhờ thương hiệu của Huffington Post. Tuy nhiên, đã có nhiều phê phán từ tờ báo điện tử Huffington Post ở Mỹ rằng phiên bản ở Nhật có xu hướng ít nội dung chính trị, kinh tế mà lại tập trung nhiều hơn vào nội dung giải trí và những chuyện tầm phào khác. Rõ ràng là báo điện tử Huffington Post ở Nhật bắt đầu vấp phải khó khăn cơ bản của bất kỳ tờ báo điện tử nào muốn trở thành diễn đàn tranh luận những nội dung nghiêm túc: đọc nội dung trả phí làm giảm lượt xem, dẫn đến giảm lợi nhuận.
Đối với các trang tin điện tử của cây bút cá nhân, vấn đề trả nhuận bút cho tác giả không quá khó khăn vì chủ bút (chủ trang điện tử) có doanh thu từ độc giả đăng ký xem tin, bài qua e-mail (e-mail magazine) hoặc từ những ấn phẩm điện tử khác. Nhưng hầu hết chủ bút này đều là những tác giả đã thành danh qua các ấn phẩm in. Rất hiếm cây bút ở Nhật có thể thành danh chỉ thuần túy qua môi trường Internet. Hiện tại, việc phát hiện các cây bút mới vẫn dễ dàng hơn nếu thông qua các nhà phát hành ấn phẩm in truyền thống. Báo chí điện tử Nhật còn phải nỗ lực rất nhiều để thay đổi điều này. Có thể nhiều bài học phát triển báo chí truyền thống vẫn có giá trị cho báo chí điện tử như: biên tập viên kinh nghiệm hướng dẫn, dìu dắt các cây bút mới; có những giải thưởng danh giá dành cho các tác phẩm online có giá trị cao …
Vậy khi nào thì ngành công nghiệp báo chí Nhật sẽ đổi mới? Họ sẽ làm thế nào để trụ vững và phát triển nhu cầu của độc giả trong 40-50 năm sau trong một xã hội có bản chất hoàn toàn số hóa? Mắc kẹt trong cái “bẫy” công thức thành công của thế kỷ 20, đã đến lúc ngành công nghiệp báo chí Nhật cần phải sáng tạo ra tầm nhìn rõ ràng cho mình trong thế kỷ 21.
-HẾT- (Nguồn: Nippon.com)