An toàn thông tin

Ngành công nghiệp lừa đảo trực tuyến Đông Nam Á vươn vòi bạch tuộc ra toàn cầu

Tâm An 22/04/2025 12:05

Theo báo cáo mới đây của Liên Hợp Quốc, các tổ chức tội phạm châu Á đứng sau ngành công nghiệp lừa đảo trực tuyến trị giá hàng tỷ USD đang không ngừng mở rộng hoạt động trên phạm vi toàn cầu, bao gồm cả Nam Mỹ và châu Phi, bất chấp nỗ lực truy quét của các quốc gia Đông Nam Á.

lua-dao.jpg
Những tổ chức lừa đảo xây dựng các khu phức hợp quy mô lớn, chứa hàng chục nghìn lao động - nhiều người trong số đó là nạn nhân của nạn buôn người.

Văn phòng Liên Hợp Quốc về Ma túy và Tội phạm (UNODC) cho biết, trong những năm gần đây, các mạng lưới tội phạm có tổ chức đã nổi lên và phát triển mạnh mẽ tại khu vực Đông Nam Á. Những tổ chức này xây dựng các khu phức hợp quy mô lớn, chứa hàng chục nghìn lao động - nhiều người trong số đó là nạn nhân của nạn buôn người - bị ép buộc tham gia vào các hoạt động lừa đảo nhằm vào nạn nhân trên toàn thế giới. Những hoạt động này đã phát triển thành một ngành công nghiệp toàn cầu tinh vi.

Báo cáo của UNODC cũng nhấn mạnh rằng, mặc dù chính phủ các quốc gia trong khu vực đã tăng cường các biện pháp trấn áp, các tổ chức tội phạm vẫn di chuyển linh hoạt, hoạt động cả trong lẫn ngoài Đông Nam Á. UNODC nhận định về “một xu hướng lan rộng dường như không thể đảo ngược đã diễn ra”, cho phép các băng nhóm tội phạm tự do lựa chọn và di chuyển địa điểm hoạt động khi cần thiết.

“Chúng lan rộng như một căn bệnh ung thư”, ông Benedikt Hofmann, đại diện khu vực của UNODC tại Đông Nam Á và Thái Bình Dương nhận định. “Các cơ quan chức năng có thể triệt phá ở một số khu vực, nhưng gốc rễ không bao giờ biến mất; chúng chỉ đơn giản là di chuyển sang địa điểm khác”.

UNODC ước tính hiện có hàng trăm trung tâm lừa đảo quy mô lớn đang hoạt động trên toàn thế giới, mang lại lợi nhuận lên tới hàng chục tỷ USD mỗi năm. Cơ quan này kêu gọi các quốc gia tăng cường hợp tác quốc tế và nỗ lực hơn nữa trong việc triệt phá các băng nhóm tội phạm có tổ chức.

“Ngành công nghiệp lừa đảo trực tuyến tại khu vực… đã vượt trội hơn hẳn so với các loại tội phạm xuyên quốc gia khác, nhờ khả năng mở rộng quy mô dễ dàng và tiếp cận hàng triệu nạn nhân tiềm năng trực tuyến mà không cần di chuyển hay vận chuyển hàng hóa bất hợp pháp qua biên giới”, ông John Wojcik, chuyên gia phân tích khu vực của UNODC, nhận định.

Di chuyển linh hoạt

Trong những tháng gần đây, chính quyền Trung Quốc, Thái Lan và Myanmar đã phối hợp đẩy mạnh các chiến dịch truy quét hoạt động lừa đảo tại khu vực biên giới phức tạp giữa Thái Lan và Myanmar. Chính phủ Thái Lan thậm chí đã cắt điện, nhiên liệu và Internet tới những khu vực nghi có hoạt động lừa đảo.

ld1.jpg
Các chiến dịch truy quét tại một số khu vực ở Đông Nam Á đã dẫn đến sự dịch chuyển đáng kể của các tổ chức tội phạm sang những địa điểm xa xôi hơn.

Tuy nhiên, các tổ chức tội phạm này đã nhanh chóng thích nghi, chuyển hoạt động đến "những vùng xa xôi, dễ bị tổn thương và thiếu sự chuẩn bị nhất ở Đông Nam Á", đặc biệt là tại Lào, Myanmar và Campuchia. Đặc biệt, chúng cũng lợi dụng các khu vực có nền quản trị yếu và tỷ lệ tham nhũng cao để tiếp tục hoạt động.

UNODC cho biết, các chiến dịch truy quét tại một số khu vực ở Campuchia – nơi ngành công nghiệp này phát triển mạnh nhất – đã dẫn đến sự dịch chuyển đáng kể của các tổ chức tội phạm sang những địa điểm xa xôi hơn, như tỉnh Koh Kong ở phía Tây nước này, cũng như các khu vực giáp ranh với Thái Lan và Việt Nam. Tại Myanmar, quốc gia đang chìm trong xung đột lan rộng, các địa điểm hoạt động mới vẫn đang tiếp tục được phát triển.

Đáng chú ý, UNODC cảnh báo rằng các tổ chức tội phạm đang mở rộng sang các khu vực khác ngoài châu Á, bao gồm Nam Mỹ – nơi chúng tìm cách tăng cường hoạt động rửa tiền và hợp tác với các băng đảng ma túy Nam Mỹ, cũng như khu vực châu Phi (Zambia, Angola, Namibia) và Đông Âu (trong đó có Georgia).

Theo cơ quan này, các băng nhóm tội phạm cũng đang nhanh chóng đa dạng hóa lực lượng lao động, tuyển dụng người từ hàng chục quốc gia khác nhau. Điều này cho thấy ngành công nghiệp lừa đảo đang nỗ lực mở rộng phạm vi hoạt động trên quy mô toàn cầu, đồng thời tìm cách né tránh các nỗ lực chống buôn người ngày càng gia tăng.

Trong các chiến dịch trấn áp gần đây tại khu vực biên giới Thái Lan - Myanmar, lực lượng chức năng đã giải cứu công dân đến từ hơn 50 quốc gia, bao gồm Brazil, Nigeria, Sri Lanka và Uzbekistan.

UNODC nhấn mạnh cộng đồng quốc tế đang ở "thời điểm quan trọng", đồng thời thúc giục rằng nếu không hành động kịp thời, cuộc khủng hoảng này có thể gây ra “những hậu quả chưa từng có đối với Đông Nam Á và tạo ra tác động lan rộng trên toàn cầu”./.

Theo Reuters
Copy Link
Bài liên quan
Nổi bật Tạp chí Thông tin & Truyền thông
Đừng bỏ lỡ
Ngành công nghiệp lừa đảo trực tuyến Đông Nam Á vươn vòi bạch tuộc ra toàn cầu
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO