Ngành gỗ Việt Nam bắt tay vào việc thực hiện chuyển đổi số

Nhã Nam| 19/03/2020 16:56
Theo dõi ICTVietnam trên

Đã có tới 3 hiệp hội gỗ lớn nhất Việt Nam ký kết MOU với FPT để đẩy mạnh chuyển đổi số, với mục tiêu góp phần để ngành gỗ đạt doanh thu xuất khẩu 20 tỷ USD vào năm 2025.

Ngành gỗ Việt Nam bắt tay vào việc thực hiện chuyển đổi số - Ảnh 1.

.

Ba hiệp hội gỗ lớn nhất Việt Nam, gồm Hội Mỹ nghệ và Chế biến gỗ TP.HCM (HAWA), Hiệp hội Gỗ và Thủ công mỹ nghệ Đồng Nai (DOWA) và Hiệp hội Chế biến gỗ Bình Dương (BIFA), vừa ký kết biên bản ghi nhớ (MOU) với FPT về việc hợp tác đẩy mạnh chuyển đổi số.

Đây là một trong những nỗ lực nhằm đóng góp vào sự phát triển của ngành gỗ Việt Nam, hướng đến mục tiêu doanh thu xuất khẩu 20 tỷ USD vào năm 2025.

Theo đó, FPT sẽ tham gia tư chiến lược chuyển đổi số cho ngành chế biến gỗ và thủ công mỹ nghệ Việt Nam. Bên cạnh đó, FPT cũng xây dựng các cơ sở dữ liệu phục vụ cho ngành chế biến gỗ; góp phần số hóa các hoạt động quản trị văn phòng cho các hiệp hội và thành viên; tư vấn và giới thiệu các công nghệ và thành tựu mới nhất trong lĩnh vực công nghệ thông tin.

Thỏa thuận này được ký kết trong bối cảnh tác động của dịch bệnh COVID-19 đã khiến nền sản xuất đồ gỗ của Trung Quốc bị đình trệ, gây ra sự đứt gãy nghiêm trọng của chuỗi cung ứng toàn cầu. Sự chuyển hướng của các khách hàng lớn trên toàn cầu ra các khu vực ngoài Trung Quốc đã mở ra cơ hội mới cho các doanh nghiệp ở thị trường trẻ, sáng tạo và năng động như Việt Nam.

Đẩy nhanh tốc độ và thích ứng nhanh chóng bằng việc tối ưu hoạt động quản trị vận hành, tiết giảm chi phí là điều mà các doanh nghiệp ngành gỗ Việt Nam cần ưu tiên để có thể tiên phong bứt phá trên thị trường.

Chuyển đổi số là một trong những chìa khoá giúp các doanh nghiệp giải quyết vấn đề trên. Cốt lõi của chuyển đổi số trong cuộc cách mạng công nghiệp 4.0 chính là Trí tuệ nhân tạo, Vạn vật kết nối, Học máy, Dữ liệu lớn, Điện toán đám mây.

Những sản phẩm tích hợp và tận dụng sức mạnh của các công nghệ lõi trên có thể giúp doanh nghiệp hoạch định và tối ưu bài toán vận hành, cắt giảm từ 30 - 70% chi phí.

Hệ thống nhà máy sản xuất cũng có thể được vận hành tự động và kiểm soát theo thời gian thực, tiến đến tương lai của các nhà máy không bóng đèn và người vận hành. Từ đó việc vận hành, sửa chữa, khắc phục sự cố được thực hiện liền mạch, nâng cao năng suất và tối ưu chi phí một cách đột phá.

Công nghệ của chuyển đổi số cũng giúp nâng cao trải nghiệm khách hàng liền mạch. Theo đó các khách hàng có thể được hỗ trợ, giải đáp liên tục, chính xác, và có thể nhận được sự bảo trì, chăm sóc thường xuyên nhờ hệ thống vạn vật kết nối, điện toán đám mây. Điều này giúp doanh nghiệp nhanh chóng có những đột phá về mô hình và tốc độ kinh doanh.

“Vấn đề quan trọng và cần kíp nhất lúc này của các doanh nghiệp gỗ Việt Nam là cần đẩy nhanh tốc độ ứng dụng công nghệ chuyển đổi số để có được những kết quả đột phá chỉ trong thời gian ngắn”, ông Trương Gia Bình, Chủ tịch HĐQT FPT nhấn mạnh.

Cũng theo ông Bình, sau hơn 10 năm nghiên cứu, ứng dụng các công nghệ mới vào thực tiễn, được thừa nhận bởi các khách hàng toàn cầu, đến nay FPT đã có các giải pháp chuyển đổi số có thể giúp các doanh nghiệp ứng dụng được ngay, rút ngắn 30-50% thời gian triển khai chuyển đổi số và mang lại những kết quả vượt trội như trở thành văn phòng không giấy tờ, không chạm, chi phí giao dịch 0 đồng chỉ trong vòng vài tháng.

“Trở thành đối tác của các hiệp hội gỗ và thủ công mỹ nghệ, FPT cam kết sẽ đồng hành, tư vấn, chia sẻ phương pháp luận và những kinh nghiệm đã tích lũy, đồng thời mang những giải pháp công nghệ mới nhất để các doanh nghiệp ngành gỗ Việt Nam có thể nhanh chóng ứng dụng, nâng cao năng lực cạnh tranh, bứt phá vươn lên trong cuộc cách mạng 4.0”, ông Bình nhấn mạnh.

Nổi bật Tạp chí Thông tin & Truyền thông
Đừng bỏ lỡ
Ngành gỗ Việt Nam bắt tay vào việc thực hiện chuyển đổi số
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO