Ngành Thuế, BHXH, Công Thương chuyển đổi số tạo nhiều giá trị, hiệu quả phục vụ người dân
Có thể nói năm 2024 là năm có nhiều đột phá của các đơn vị, cơ quan nhà nước trong việc thực hiện nhiệm vụ chuyển đổi số, nhất là việc tăng chỉ số chất lượng về việc phục vụ người dân, doanh nghiệp khi thực hiện thủ tục hành chính, dịch vụ công…
Vừa qua, nhiều ngành, lĩnh vực đã tổng kết những hoạt động nổi bật trong năm 2024 và trong các kết quả đó, dấu ấn chuyển đổi số (CĐS) là một trong những điểm đột phá của nhiều ngành, lĩnh vực.
CĐS tạo ra nhiều dịch vụ, tiện ích
Trong năm 2024, Bảo hiểm Xã hội (BHXH) Việt Nam đã xác định công tác phục vụ người dân luôn là nhiệm vụ trọng tâm và việc cải cách hành chính, CĐS mạnh mẽ là một điều kiện cần để tạo ra nhiều dịch vụ, tiện ích và các lợi ích thiết thực cho người dân tham gia, thụ hưởng chính sách.
Trong những kết quả tích cực này, BHXH Việt Nam đã: Cắt giảm từ 115 TTHC còn 25 TTHC (giảm 78%); hoàn thành 100% phương án đơn giản hóa TTHC, giấy tờ công dân liên quan đến quản lý dân cư; 100% quy trình nghiệp vụ của BHXH Việt Nam được xử lý trên môi trường điện tử, các kết quả giải quyết TTHC được số hóa toàn diện…
Ngoài ra, BHXH đã đẩy mạnh việc kết nối, chia sẻ dữ liệu với các cơ sở dữ liệu (CSDL) quốc gia, CSDL chuyên ngành khác; đẩy mạnh giao dịch điện tử 24/7 (có khoảng 621.000 tổ chức, doanh nghiệp (DN) giao dịch điện tử với cơ quan BHXH, hơn 13,1 triệu hồ sơ giao dịch điện tử); triển khai các dịch vụ công trực tuyến (DVCTT) toàn trình; chi trả chế độ qua tài khoản cá nhân minh bạch…
Năm 2024, ngành BHXH Việt Nam đã phối hợp với các cơ quan thông tấn, báo chí Trung ương và địa phương đăng tải gần 32.000 tin, bài, phóng sự; thực hiện khoảng 27.000 hội nghị, tập huấn, tư vấn, đối thoại với trên 1,38 triệu lượt người tham gia...
Đặc biệt, Cổng Thông tin điện tử (TTĐT) của BHXH Việt Nam đến nay đã thu hút hơn 110 triệu lượt truy cập (tăng gấp 4 lần so với năm 2023) và là một trong những cổng TTĐT có lượng người đọc, người xem lớn nhất trong khối các bộ, ngành.
Đáng mừng, các trang Fanpage, Zalo, Youtube BHXH Việt Nam đã và đang phát huy hiệu quả, đổi mới truyền thông chính sách BHXH, bảo hiểm y tế (BHYT) tới đông đảo quần chúng nhân dân.
Đồng thời, BHXH Việt Nam đã đẩy mạnh các hoạt động tư vấn, giải đáp, truyền thông đã góp phần lan tỏa chính sách BHXH, BHYT, bảo hiểm thất nghiệp, tạo sự đồng thuận cao của toàn xã hội trong xây dựng, hoàn thiện và tổ chức, thực hiện chính sách.
Với những kết quả đạt được, BHXH Việt Nam xếp thứ 3 trong nhóm các bộ, ngành về chỉ số phục vụ người dân, DN trong thực hiện thủ TTHC, cung ứng DVC trên Cổng DVC quốc gia năm 2024.
Và với những kết quả nêu trên, ngành BHXH Việt Nam đã hoàn thành vượt các chỉ tiêu phát triển về BHXH, BHYT, bảo hiểm thất nghiệp được giao tại Nghị quyết 01/NQ-CP của Chính phủ; tạo nền tảng vững chắc để hoàn thành thắng lợi các mục tiêu tại các Nghị quyết của Đảng, Quốc hội, Chính phủ.
Thay đổi cách thức cung cấp dịch vụ thuế dựa trên công nghệ số
Cũng là đơn vị tích cực CĐS, năm 2024, ngành thuế đã tổng kết có bước tiến vượt bậc trong việc hiện đại hóa, số hóa quản lý thuế, nâng cao chất lượng dịch vụ và hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ thu ngân sách.
Và trong hành trình thực hiện nhiệm vụ CĐS ngành thuế luôn hướng đến mục tiêu “lấy người nộp thuế làm trung tâm phục vụ”. Đồng thời, thực hiện mục tiêu chiến lược là cung cấp dịch vụ thuế điện tử, ứng dụng công nghệ mới, trí tuệ nhân tạo (AI) trong công tác quản lý thuế.
Năm 2024, ngành thuế tiếp tục thay đổi tổng thể và toàn diện về cách thức quản lý thuế, từng bước tích hợp đưa toàn bộ hoạt động quản lý thuế của cơ quan thuế lên môi trường số, đổi mới mô hình hoạt động, thay đổi cách thức cung cấp dịch vụ thuế dựa trên công nghệ số và dữ liệu số, xây dựng cơ sở dữ liệu lớn (big data) vào công tác hỗ trợ người nộp thuế, quản lý nợ thuế, phân loại hồ sơ hoàn thuế...
Chính điều này đã góp phần ngăn chặn, phát hiện, xử lý hành vi vi phạm pháp luật về hóa đơn; quản lý thuế đối với các sàn thương mại điện tử (TMĐT) chặt chẽ, đảm bảo thu đúng, thu đủ, công bằng, minh bạch theo đúng quy định pháp luật thuế của Việt Nam.
Hơn nữa, ngành thuế đã đẩy mạnh hiệu quả việc ngăn chặn mua bán hóa đơn bất hợp pháp trên không gian mạng; đẩy mạnh việc áp dụng hệ số tự động so sánh tổng giá trị hàng hóa đã bán ra trên các hóa đơn đã xuất với ngưỡng giá trị hàng hóa đầu vào (hệ số K) trong quản lý rủi ro hóa đơn điện tử; đưa ra khuyến cáo người nộp thuế chấp hành tốt chế độ hoá đơn, chứng từ theo đúng quy định của pháp luật…
Cùng với đó, ngành đã triển khai lấy ý kiến đánh giá sự hài lòng của người nộp thuế đối với sự phục vụ của cơ quan thuế để đánh giá khách quan việc cung cấp dịch vụ công, thực thi chức trách, nhiệm vụ liên quan đến người nộp thuế của cơ quan thuế các cấp, từ đó xác định các vấn đề cần cải thiện để đưa ra các giải pháp nâng cao chất lượng phục vụ của cơ quan thuế với người nộp thuế.
Kết quả điểm chỉ số hài lòng năm 2024 đạt 88,3%. Đây cũng là kết quả rất khả thi, tiệm cận mục tiêu chiến lược đến năm 2025. So với kết quả đánh giá mức độ hài lòng của DN và người nộp thuế trong việc giải quyết thủ tục hành chính thuế năm 2019 với tỷ lệ đánh giá hài lòng là 77,94%, thì kết quả năm 2024 đã tăng 10,46 điểm.
Và điển hình trong đổi mới sáng tạo của ngành thuế chính là sử dụng các công nghệ, nền tảng số trong hoạt động chuyên môn. Theo đó, việc sử dụng chatbot AI đã thu được kết quả tích cực.
Ưu điểm của mô hình ứng dụng này chính là dùng trợ lý ảo hỗ trợ người nộp thuế và ứng dụng sẽ tự động trả lời, giải đáp các vướng mắc cho người dân, DN và tạo ra sự trải nghiệm, tương tác hai chiều.
Do đó, vệc sử dụng “Trợ lý ảo hỗ trợ người nộp thuế” chính là công cụ số hữu ích để góp phần hỗ trợ người dân, DN tham gia vào quá trình CĐS, nâng cao tính tự giác tuân thủ pháp luật thuế và khẳng định sự nỗ lực và quyết tâm của ngành thuế nhằm nâng cao chất lượng phục vụ người dân và DN, cải thiện chỉ số hài lòng người nộp thuế.
Thúc đẩy TMĐT tăng trưởng, xúc tiến thương mại CĐS, chuyển đổi xanh
Và trong bức tranh bức tranh tăng trưởng kinh tế với nhiều kết quả ngoạn mục, nhờ có CĐS, ngành Công Thương có những thành tích nổi bật phải kể đến đó chính là: Thúc đẩy tăng trưởng TMĐT đạt mức 18 - 25% mỗi năm.
Năm 2024, dự báo quy mô thị trường TMĐT sẽ vượt mốc 25 tỷ USD, tăng 20% so với năm 2023, chiếm tỷ trọng khoảng 9% so với tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ tiêu dùng cả nước.
Đặc biệt, hiện quy mô thị trường TMĐT chiếm 2/3 giá trị kinh tế số của cả nước và giúp Việt Nam lọt Top 10 quốc gia có tốc độ tăng trưởng TMĐT hàng đầu thế giới, tạo động lực phát triển kinh tế và dẫn dắt CĐS trong DN.
Hơn nữa, TMĐT xuyên biên giới được xác định là đòn bẩy cho xuất khẩu trực tuyến. Và việc tổ chức thành công ngày Thứ Sáu trực tuyến (Online Friday) đã góp phần không nhỏ trong tiến trình phát triển TMĐT quốc gia.
Đáng chú ý, công tác quản lý nhà nước của ngành Công Thương ngày càng được chú trọng, tạo tiền đề thúc đẩy sự phát triển mạnh mẽ của TMĐT tại Việt Nam trong năm 2024 và các năm tiếp theo.
Đáng mừng hơn, ngành Công Thương đã luôn tích cực đổi mới mạnh mẽ công tác xúc tiến thương mại (XTTM) theo hướng đẩy nhanh CĐS, chuyển đổi xanh (CĐX) và bền vững; nâng giá trị thương hiệu quốc gia của Việt Nam lần đầu vượt mốc 500 tỷ USD, xếp hạng 32 thế giới
Cụ thể, XTTM đổi mới mạnh mẽ, triển khai đồng bộ Chương trình cấp quốc gia về XTTM, Chương trình Thương hiệu quốc gia, Chương trình CĐS trong XTTM, chủ động bắt nhịp với xu thế CĐX và bền vững với hàng loạt hoạt động XTTM của Vùng, của các địa phương…
Ngành Công Thương còn đẩy mạnh việc lồng ghép đào tạo, tập huấn kỹ năng XTTM, điều này đã giúp sản phẩm, hàng hóa của các doanh nghiệp, hợp tác xã vươn xa, tiếp cận được các thị trường xuất khẩu lớn với chi phí thấp hơn, thông qua các nền tảng số như Alibaba, Tiktok, Amazon...
Và việc ngành Công Thương luôn tích cực tăng cường phân cấp, cắt giảm, đơn giản hóa các TTHC trong XTTM đã giúp DN giảm được 90% chi phí tuân thủ và hàng trăm ngàn lượt thực hiện các TTHC về XTTM, qua đó giúp DN nâng cao hiệu quả marketing, XTTM…
Như vậy có thể nói với những nỗ lực và tích cực thực hiện nhiệm vụ CĐS của 3 ngành kể trên trong năm qua đã cho thấy CĐS là điều cần thiết, có sức mạnh để tạo ra những kết quả ngoài mong đợi, đáp ứng sự phát triển trong kỷ nguyên, thời đại số, giúp Việt Nam phát triển bền vững, toàn diện./.