Đảm bảo nguyên tắc cạnh tranh, công bằng và minh bạch
Theo Nghị định 95/2020/NĐ-CP về việc lựa chọn nhà thầu để thực hiện gói thầu dịch vụ tư vấn, dịch vụ xây dựng, cung cấp hàng hóa, thì cơ quan mua sắm có thể sử dụng ý kiến tư vấn của các chuyên gia hoặc cơ quan chức năng độc lập hoặc của các doanh nghiệp trên thị trường trong việc lập kế hoạch lựa chọn nhà thầu nhưng phải đảm bảo nguyên tắc cạnh tranh, công bằng và minh bạch.
Cơ quan mua sắm là cơ quan, tổ chức được liệt kê tại Phụ lục II và Phụ lục III kèm theo Nghị định này được giao làm chủ đầu tư, bên mời thầu của dự án, dự toán mua sắm.
Nước thành viên là nước ký kết Hiệp định Đối tác Toàn diện và Tiến bộ xuyên Thái Bình Dương (sau đây gọi là Hiệp định CPTPP) ngày 08 tháng 3 năm 2018 và đã phê chuẩn Hiệp định này.
Dịch vụ xây dựng là dịch vụ quy định tại mục 51 của Hệ thống phân loại sản phẩm trung tâm tạm thời (CPC) của Liên Hợp quốc. Dịch vụ bao gồm dịch vụ tư vấn, dịch vụ phi tư vấn và dịch vụ xây dựng.
Nhà thầu trong nước là tổ chức được thành lập theo pháp luật Việt Nam hoặc cá nhân mang quốc tịch Việt Nam tham dự thầu.
Trong khi đó, Nhà thầu nội khối là tổ chức được thành lập theo pháp luật của Nước thành viên hoặc là cá nhân mang quốc tịch Nước thành viên tham dự thầu tại Việt Nam.
Còn Nhà thầu nước ngoài được hiểu là tổ chức được thành lập theo pháp luật nước ngoài hoặc cá nhân mang quốc tịch nước ngoài tham dự thầu tại Việt Nam.
Vấn đề đấu thầu, mua sắm theo Hiệp định CPTPP sẽ được thực hiện công khai, minh bạch và công bằng. (Ảnh: PV)
Đối xử bình đẳng giữa hàng hóa, dịch vụ và nhà thầu của các nước thành viên
Khi tổ chức lựa chọn nhà thầu đối với gói thầu thuộc phạm vi điều chỉnh của Nghị định này, cơ quan mua sắm phải tổ chức đấu thầu nội khối, trừ trường hợp người có thẩm quyền xét thấy cần tổ chức đấu thầu quốc tế để mang lại hiệu quả cao hơn cho dự án, gói thầu. Đấu thầu nội khối là đấu thầu mà chỉ có nhà thầu nội khối được tham dự thầu.
Trường hợp đấu thầu nội khối đối với gói thầu mua sắm hàng hóa, chỉ cho phép nhà thầu nội khối chào hàng hóa có xuất xứ từ các nước thành viên tham dự thầu.
Về nguyên tắc chung, Cơ quan mua sắm có nghĩa vụ: Đối xử bình đẳng giữa hàng hóa, dịch vụ và nhà thầu của các nước thành viên với hàng hóa, dịch vụ và nhà thầu trong nước; Đối xử bình đẳng giữa các nhà thầu trong nước với nhau, không phụ thuộc vào việc nhà thầu có cổ phần, vốn góp của nhà đầu tư nước ngoài hoặc phụ thuộc về mặt tổ chức với nước ngoài.
Tư cách hợp lệ của nhà thầu
Theo Điều 6 của Nghị định, Nhà thầu là tổ chức có tư cách hợp lệ khi đáp ứng đủ các điều kiện: Có Quyết định thành lập hoặc Giấy chứng nhận đăng ký doanh nghiệp hoặc Giấy chứng nhận đăng ký hộ kinh doanh (đối với hộ kinh doanh cá thể) hoặc các tài liệu tương đương khác; Hạch toán tài chính độc lập; Không đang trong quá trình thực hiện thủ tục giải thể hoặc bị thu hồi Giấy chứng nhận đăng ký doanh nghiệp; không thuộc trường hợp mất khả năng thanh toán theo quy định pháp luật của nhà nước mà nhà thầu được cấp Quyết định thành lập hoặc Giấy chứng nhận đăng ký doanh nghiệp hoặc Giấy chứng nhận đăng ký hộ kinh doanh hoặc các tài liệu tương đương khác. Tiếp đó, phải đáp ứng điều kiện: Đăng ký trên Hệ thống mạng đấu thầu quốc gia cho đến trước thời điểm xét duyệt trúng thầu; Bảo đảm cạnh tranh trong đấu thầu theo quy định tại Điều 7 của Nghị định này; Không đang trong thời gian bị cấm tham dự thầu ở bất kỳ quốc gia, vùng lãnh thổ nào và không bị kết luận vi phạm nghiêm trọng hoặc thường xuyên các nghĩa vụ quan trọng trong một hoặc nhiều hợp đồng trước đó.
Nhà thầu là cá nhân có tư cách hợp lệ khi đáp ứng đủ các điều kiện. Đồng thời, Nhà thầu có tư cách hợp lệ theo quy định tại Khoản 1 và Khoản 2 Điều này được tham dự thầu với tư cách độc lập hoặc liên danh; trường hợp liên danh phải có văn bản thỏa thuận giữa các thành viên, trong đó quy định rõ trách nhiệm của thành viên đứng đầu liên danh và trách nhiệm chung, trách nhiệm riêng của từng thành viên trong liên danh.
Máy móc, thiết bị để phục vụ xuất khẩu sẽ được các doanh nghiệp tại các nước thành viên của Hiệp định CPTPP đấu thầu mua sắm minh bạch. (Ảnh: PV)
Trách nhiệm của các bộ, ngành liên quan
Về xử lý tình huống; xử lý vi phạm, giải quyết kiến nghị và tranh chấp trong đấu thầu, Nghị định quy định: Trường hợp nhà thầu thực hiện gói thầu vi phạm hợp đồng, không còn năng lực để tiếp tục thực hiện hợp đồng, làm ảnh hưởng nghiêm trọng đến tiến độ, chất lượng, hiệu quả của gói thầu thì chủ đầu tư xem xét, báo cáo người có thẩm quyền quyết định cho phép chấm dứt hợp đồng với nhà thầu đó, phần khối lượng công việc chưa thực hiện được áp dụng hình thức chỉ định thầu với giá trị phần khối lượng công việc chưa thực hiện giao cho nhà thầu mới được tính bằng giá trị ghi trong hợp đồng trừ đi giá trị của phần khối lượng công việc đã thực hiện trước đó.
Người có thẩm quyền phải bảo đảm nhà thầu được chỉ định có năng lực, kinh nghiệm đáp ứng yêu cầu thực hiện phần công việc còn lại của gói thầu. Trường hợp không áp dụng hình thức chỉ định thầu thì hình thành gói thầu mới để tổ chức lựa chọn nhà thầu. Trường hợp việc thực hiện hợp đồng chậm tiến độ không do lỗi của nhà thầu thì không được phép chấm dứt hợp đồng để thay thế nhà thầu khác. Trường hợp phải chấm dứt hợp đồng với nhà thầu vi phạm để thay thế nhà thầu mới, trong vòng 05 ngày làm việc, kể từ ngày ban hành quyết định chấm dứt hợp đồng với nhà thầu vi phạm, chủ đầu tư phải gửi thông báo đến Bộ Kế hoạch và Đầu tư để xem xét, đăng tải thông tin nhà thầu vi phạm trên Hệ thống mạng đấu thầu quốc gia; trong thông báo phải nêu rõ lý do nhà thầu vi phạm dẫn tới phải chấm dứt hợp đồng, hình thức lựa chọn nhà thầu thay thế, tên nhà thầu được chỉ định trong trường hợp áp dụng hình thức chỉ định thầu.
Trường hợp sau khi đánh giá, có nhiều nhà thầu được đánh giá tốt nhất, ngang nhau thì xử lý theo cách: Trao thầu cho nhà thầu có điểm kỹ thuật cao hơn đối với trường hợp gói thầu áp dụng phương pháp giá thấp nhất; Trao thầu cho nhà thầu có giá đề nghị trúng thầu thấp hơn đối với gói thầu áp dụng phương pháp giá đánh giá hoặc phương pháp kết hợp giữa kỹ thuật và giá.
Việc xử lý vi phạm, giải quyết kiến nghị và tranh chấp trong đấu thầu được thực hiện theo quy định của pháp luật về đấu thầu hiện hành.
Theo Điều 100 của Nghị định quy định Trách nhiệm của Bộ, ngành và các cơ quan có liên quan thì Bộ Kế hoạch và Đầu tư chịu trách nhiệm: Phổ biến, tuyên truyền, hướng dẫn thực hiện Nghị định này; Công bố ngưỡng giá gói thầu áp dụng Nghị định này tính theo đồng Việt Nam trên Hệ thống mạng đấu thầu quốc gia theo quy định của Hiệp định CPTPP; Có ý kiến đối với việc ban hành quy định về lựa chọn nhà thầu nêu tại khoản 3 Điều này theo yêu cầu của Thủ tướng Chính phủ; Cung cấp thông tin cho các Nước thành viên theo quy định của Hiệp định CPTPP. Đồng thời, ban hành mẫu hồ sơ đấu thầu và hướng dẫn thực hiện các nội dung cần thiết khác của Nghị định này để đáp ứng yêu cầu quản lý nhà nước về hoạt động đấu thầu.
Bộ Y tế chịu trách nhiệm hướng dẫn thực hiện việc đấu thầu thuốc theo quy định của Hiệp định CPTPP.
Việc áp dụng quy định tại khoản này phải đảm bảo không phân biệt đối xử hoặc cản trở hoạt động thương mại quốc tế giữa các nước thành viên.
Theo Hướng dẫn thi hành của Nghị định thì đối với các nội dung không quy định tại Nghị định này thì thực hiện theo quy định tại Luật đấu thầu và các văn bản hướng dẫn liên quan nhưng đảm bảo không trái với quy định của Hiệp định CPTPP. Nghị định có hiệu lực thi hành từ ngày 24 tháng 8 năm 2020.
Như vậy, Nghị định 95/2020/NĐ-CP đã có hiệu lực hướng dẫn chi tiết về việc thực hiện về đấu thầu mua sắm theo Hiệp định CPTPP với điểm đáng chú ý về nguyên tắc cạnh tranh, công bằng và minh bạch và đối xử bình đẳng giữa hàng hóa, dịch vụ và nhà thầu của các nước thành viên. Đây là điều kiện cần thiết để đảm bảo tinh thần hội nhập và phát triển trong lĩnh vực đấu thầu, mua sắm theo Hiệp định CPTPP.