Nghiên cứu 6G phù hợp với điều kiện của Việt Nam
Bộ TT&TT đã kiện toàn Ban chỉ đạo thúc đẩy nghiên cứu 6G và đề xuất nội dung nghiên cứu 6G phù hợp với điều kiện Việt Nam.
Bộ TT&TT đã ban hành Quyết định số 1497/QĐ-BTTTT ngày 14/8/2023 sửa đổi, bổ sung một số điều của Quyết định số 12/QĐ-BTTTT ngày 07/01/2022 thành lập Ban Chỉ đạo thúc đẩy nghiên cứu phát triển công nghệ thông tin di động 6G, theo đó đã kiện toàn lại Ban Chỉ đạo.
Bộ TT&TT cũng đã ban hành Quyết định thành lập một số Nhóm nhiệm vụ của Ban chỉ đạo 6G gồm: Nhóm Thể chế, Nhóm Quy hoạch tần số 6G, Nhóm Tiêu chuẩn 6G, tiếp tục thành lập các Nhóm nhiệm vụ khác để thúc đẩy nghiên cứu phát triển công nghệ thông tin di động 6G. Quyết định đã phân công nhiệm vụ cho các thành viên Ban chỉ đạo phát triển công nghệ 6G và xác định kế hoạch hoạt động của Ban Chỉ đạo đến hết năm 2023.
Theo đó, nghiên cứu, tổng hợp thông tin về tình hình nghiên cứu 6G trên thế giới, kết quả nghiên cứu đến cuối tháng 6/2023 của ITU, các khuyến nghị cho IMT-2030 để xây dựng Báo cáo chuyên đề “Tổng quan về công nghệ 6G”. Ban chỉ đạo hiện đang tiếp tục nghiên cứu, đề xuất đối tác hợp tác nghiên cứu 6G; nghiên cứu, đề xuất nội dung nghiên cứu 6G phù hợp với điều kiện của Việt Nam; nghiên cứu đề xuất nguồn kinh phí hỗ trợ cho nghiên cứu 6G.
Kiểm tra đột xuất hoạt động của DN cung cấp dịch vụ điện thoại cố định
Cũng trong lĩnh vực viễn thông, trong tháng 8/2023, Bộ TT&TT phê duyệt kế hoạch kiểm tra đột xuất hoạt động của các doanh nghiệp (DN) cung cấp dịch vụ điện thoại cố định đối với cuộc gọi rác, triển khai cuối tháng 8/2023.
Tính đến 20/8/2023, Cục Viễn thông - Bộ TT&TT đã giao các DN viễn thông di động tổ chức rà soát các thuê bao sở hữu nhiều SIM thuê bao, làm rõ việc sở hữu các số thuê bao do tổ chức, cá nhân đã thực hiện giao kết hợp đồng theo mẫu, điều kiện giao dịch chung với DN viễn thông; thông báo đến những khách hàng trong danh sách thuê bao sở hữu nhiều SIM, đề nghị cập nhật lại thông tin chính xác của người sử dụng/sở hữu thực của số thuê bao đó trước ngày 30/8/2023.
Bộ TT&TT đã phối hợp với các cơ quan chức năng cung cấp thông tin 250 tên miền xử lý vi phạm, cụ thể: cung cấp thông tin 120 tên miền “.vn” và 130 tên miền quốc tế (TMQT) (trong đó 05 TMQT đăng ký qua nhà đăng ký (NĐK) TMQT tại Việt Nam, 125 TMQT đăng ký qua Tổ chức quốc tế ở nước ngoài, không có thông tin chủ thể).
Bộ cũng tăng cường phối hợp với các cơ quan chức năng trong việc xử lý vi phạm: phối hợp NĐK thực hiện tạm ngừng 55 tên miền “.vn”; thu hồi 02 tên miền “.vn”; giữ nguyên hiện trạng 03 tên miền “.vn”,các vi phạm tập trung về việc cung cấp thông tin trên mạng không đúng quy định.
Trong tháng 8/2023, Bộ TT&TT tiếp tục thanh tra, kiểm tra các đối tượng sử dụng tần số nhằm đảm bảo sự chấp hành các quy định pháp luật về sử dụng tần số. Qua đó, phát hiện một số vụ vi phạm về sử dụng thiết bị vô tuyến điện không giấy phép, sử dụng thiết bị không đúng quy định… Bộ TT&TT đã thực hiện xử lý 32 vụ vi phạm về sử dụng tần số. Trong đó, phạt tiền 22 vụ với tổng số tiền 32.000.000 đồng, cảnh cáo 02 vụ, nhắc nhở 8 vụ.
Qua Chương trình kiểm tra hoạt động NĐK TMQT tại Việt Nam, cơ bản các NĐK đã thực hiện tốt việc cung cấp dịch vụ đăng ký TMQT tại Việt Nam. Tuy nhiên, còn một số NĐK còn chưa đảm bảo các quy định về quản lý hồ sơ TMQT; chưa đảm bảo thông tin chủ thể đăng ký. Đoàn kiểm tra đã có hướng dẫn, nhắc nhở, lập biên bản đối với từng NĐK TMQT.
Bên cạnh đó, các NĐK tên miền chưa hiểu rõ, gặp khó khăn khi nghiên cứu triển khai Nghị định 13/2023/NĐ-CP của Chính phủ về bảo vệ dữ liệu cá nhân. Theo đó, Bộ TT&TT lên kế hoạch phối hợp với các đơn vị liên quan tổ chức hướng dẫn, phổ biến văn bản quy phạm pháp luật về quản lý tài nguyên Internet, cũng như nội dung Nghị định 13/2023/NĐ-CP cho các NĐK tên miền .VN và NĐK TMQT.
Tỷ lệ sử dụng IPv6 trên mạng Internet của Việt Nam tăng cao so với toàn cầu
Theo số liệu của Bộ TT&TT, tỷ lệ hộ gia đình sử dụng cáp quang đạt 78,3% tăng 6,2% so với cùng kỳ năm ngoái. Mục tiêu năm 2023 đạt 84% tỷ lệ hộ gia đình sử dụng cáp quang.
Số thuê bao băng rộng cố định đạt 22,3 triệu thuê bao (tương ứng với tỷ lệ 22,4 thuê bao/100 dân), tăng 7,7% so với cùng kỳ năm ngoái. Mục tiêu đến tháng 12/2023 đạt 25 thuê bao/100 dân.
Số thuê bao băng rộng di động đạt 86,6 triệu thuê bao (tương ứng với tỷ lệ 87,07 thuê bao/100 dân), tăng 6,3% so với cùng kỳ năm ngoái. Mục tiêu đạt đến tháng 12/2023 đạt 90 thuê bao/100 dân.
Thuê bao điện thoại di động sử dụng SMP (DN viễn thông thống lĩnh thị trường) ước đạt 101,2 triệu thuê bao tăng 7,77% so với cùng kỳ năm ngoái, tăng 7,3 triệu thuê bao.
Thuê bao điện thoại di động truyền thống (feature phone) 23,1 triệu thuê bao giảm 3 triệu thuê bao so với cùng kỳ năm ngoái.
Tốc độ truy nhập Internet (theo speedtest), tốc độ băng rộng cố định 93,66 Mbps (tăng 22,93% so với cùng kỳ năm 2022), xếp thứ 46 và cao hơn trung bình thế giới là 82,56 Mbps.
Tốc độ truy nhập Internet BRDĐ 48,29 Mbps (tăng 26,28% so với cùng kỳ năm 2022), xếp thứ 45 và cao hơn trung bình thế giới là 42,35 Mbps).
Số lượng địa chỉ Internet IPv4 đạt 16.249 triệu địa chỉ, tăng 0.4% so với cùng kỳ năm trước. Số lượng địa chỉ Internet IPv6 đạt 1,279 tỷ khối/64, tăng 33% so với cùng kỳ năm trước.
Tỷ lệ sử dụng IPv6 trên mạng Internet của Việt Nam đạt 58%, cao gấp 1,6 lần trung bình toàn cầu và gấp 1,7 lần trung bình khối ASEAN. Việt Nam đứng thứ 2, khu vực ASEAN, thứ 10 toàn cầu.
Số lượng bộ, ngành, địa phương đã ban hành kế hoạch chuyển đổi IPv6 đạt 81/85, tăng 7% so với cùng kỳ năm trước. Số lượng bộ, ngành, địa phương có cổng thông tin điện tử, dịch vụ công triển khai IPv6 đạt 75/85, tăng 79% so với cùng kỳ năm trước.
Cũng theo số liệu của Bộ TT&TT, tổng số tên miền quốc gia “.vn” được cấp đạt 593.472, tăng 6% so với cùng kỳ năm trước (tương ứng 36.083 tên miền), tăng 3,3% so với cuối năm 2022 (tương ứng 19.232 tên miền)./.