Nguyên tắc quản lý nguồn tài nguyên tần số, quỹ đạo vệ tinh
Nguyên tắc quản lý nguồn tài nguyên tần số, quỹ đạo vệ tinh và phạm vi áp dụng của các quốc gia thành viên Liên minh viễn thông quốc tế (ITU) được qui định trong Hiến chương và Công ước của ITU.
Điều 44 (Hiến chương và Công ước của ITU) qui định khi sử dụng dải tần số cho các nghiệp vụ vô tuyến, các nước thành viên phải nhớ rằng tần số vô tuyến điện và quỹ đạo vệ tinh (bao gồm cả các quỹ đạo địa tĩnh) là nguồn tài nguyên thiên nhiên có giới hạn và chúng phải được sử dụng một cách hợp lý, hiệu quả và kinh tế, phù hợp với các quy định của Thể lệ vô tuyến (Radio Regulations), để các nước, các nhóm nước có thể tiếp cận công bằng cho nguồn tài nguyên quỹ đạo và phổ tần, có tính đến các nhu cầu đặc biệt của các nước đang phát triển và các nước có địa hình đặc biệt.
Đây là nguyên tắc quản lý (sử dụng hiệu quả, kinh tế và tiếp cận công bằng) của ITU và được thể hiện qua các điều luật trong Thể lệ vô tuyến điện quốc tế. Thể lệ vô tuyến điện quốc tế qui định việc đăng ký tần số quỹ đạo vệ tinh (vệ tinh viễn thông, vệ tinh viễn thám, …), đăng ký tần số quốc tế (tần số phát thanh, truyền hình, viba, …), giải quyết can nhiễu.
Để thực hiện nguyên tắc quả lý hiệu quả, ITU phân chia thế giới thành 3 Khu vực như Hình 1.
Hình 1: Ba khu vực thế giới theo sự phân chia của ITU
Phổ tần số (từ 0 kHz đến 3.000 GHz) được phân chia (Allocation) thành từng đoạn băng tần. Ứng với mỗi đoạn băng tần này sẽ qui định một hoặc một số nghiệp vụ vô tuyến được phép triển khai sử dụng. Các nghiệp vụ vô tuyến được sử dụng trong một đoạn băng tần có thể giống nhau hoặc khác nhau ở các khu vực và thứ tự ưu tiên cũng có thể khác nhau. ITU qui định hai mức ưu tiên đối với các nghiệp vụ vô tuyến: nghiệp vụ chính (ưu tiên) và nghiệp vụ phụ (không ưu tiên). Trong một đoạn băng tần, khi một nghiệp vụ vô tuyến được qui định là nghiệp vụ phụ (nghiệp vụ phụ viết chữ thường, nghiệp vụ chính được viết hoa) thì không được phép gây can nhiễu hoặc kháng nghị nhiễu đối với các nghiệp vụ vô tuyến được qui định là nghiệp vụ chính khác.
Bảng 1: Phân bổ tần số theo các khu vực và dịch vụ
Để đảm bảo nguyên tắc sử dụng hiệu quả và truy cập công bằng đối với việc đăng ký quỹ đạo vệ tinh, ITU xây dựng, phân bổ hai loại băng tần: băng tần không qui hoạch (băng tần phổ biến - unplanned band) và băng tần qui hoạch (planned band). Nguyên tắc công bằng được thể hiện qua việc ITU phân bổ cho mỗi nước một vị trí quỹ đạo ở băng tần qui hoạch, nguyên tắc sử dụng hiệu quả được thể hiện qua việc nước nào đăng ký quỹ đạo trước thì được dùng trước trong băng tần không qui hoạch (first come-first serve). Vệ tinh VINASAT hoạt động ở băng tần phổ biến (không qui hoạch).
Phạm vi áp dụng
Quyền lợi và nghĩa vụ của các nước thành viên ITU (ITU Members) được qui định rõ trong Hiến chương và Công ước của ITU.
Như đã nói ở trên, điều 44 Hiến chương và Công ước của ITU qui định các nước sử dụng tần số/quỹ đạo vệ tinh phải phù hợp (tuân theo) qui định của Thể lệ vô tuyến quốc tế (Radio Regulations). Do đó việc phân bổ các nghiệp vụ vô tuyến được phép sử dụng trong một đoạn băng tần cụ thể trong toàn bộ dải tần từ 0kHz-3000GHz đã được ITU qui hoạch, phân chia thì các nước thành viên có nghĩa vụ phải tuân theo.
Qui hoạch phổ tần số vô tuyến điện của các quốc gia thành viên được xây dựng dựa trên qui hoạch, phân chia của ITU, tuy nhiên tùy theo từng điều kiện, đặc thù, nhu cầu và xu thế phát triển của mỗi quốc gia mà qui hoạch phổ tần số vô tuyến của quốc gia đó có thể có một số thay đổi nhưng không được trái với qui hoạch, phân chia của ITU.
Việt Nam là thành viên của ITU nên cũng phải tuân theo nguyên tắc này. Qui hoạch phổ tần số vô tuyến điện của các quốc gia của Việt Nam được xây dựng trên cơ sở qui hoạch, phân chia của ITU cho Khu vực 3. Bảng 2 đưa ra phân bổ tần số trong Qui hoạch gồm 03 cột: cột Tần số, Phân chia của Khu vực 3 (của ITU) và Phân chia của Việt Nam.
Bảng 2: Phân bổ tần số của Việt Nam cho các dịch vụ
Tuy theo điều kiện đặc thù của Việt Nam, phân chia tần số của Việt Nam có thêm ghi chú (qui định bổ sung theo điều kiện của Việt Nam). Ví dụ đối với Khu vực 3, ITU phân bổ các nghiệp vụ CỐ ĐỊNH, CỐ ĐỊNH QUA VỆ TINH, DI ĐỘNG trong dải tần 3600-3700MHz là nghiệp vụ chính, có nghĩa các nghiệp vụ này có cùng quyền như nhau. Tuy nhiên theo điều kiện đặc thù của Việt Nam vệ tinh VINASAT hoạt động ở dải tần 3400-3700MHz được ưu tiên cao, nên Việt Nam bổ sung thêm ghi chú VTN16. Theo qui định của ghi chú VTN16 thì nghiệp vụ CỐ ĐỊNH QUA VỆ TINH (dịch vụ vệ tinh) có quyền ưu tiên cao nhất, các nghiệp vụ khác không được gây nhiễu và kháng nghị nhiễu đối với dịch vụ vệ tinh ở băng tần này. Như vậy phân chia dải tần số của Việt Nam tuân theo phân chia của ITU (các nghiệp vụ được phân chia cho mỗi dải tần tuân theo (giống) phân chia của ITU) nhưng có tính đến điều kiện của Việt Nam và không trái với qui định của ITU.
(Tổng hợp)