6G cần một số đột phá khoa học
Để tiên phong về 6G, bà Huang Yuhong, Phó chủ tịch Viện Nghiên cứu của China Mobile, cho biết việc đột phá về tiêu chuẩn 6G là một trong những mối quan tâm lớn nhất.
Bà Huang cảnh báo rằng với nhiều quốc gia đang theo đuổi kế hoạch 6G của riêng họ, tiêu chuẩn đối mặt với viễn cảnh bị phân chia thành nhiều hướng.
"Công nghệ 6G có nhiều khía cạnh và tình hình quốc tế ngày càng phức tạp. Liệu một tiêu chuẩn thống nhất toàn cầu tương tự như 5G có thể được hình thành hay không vẫn chưa chắc chắn", bà cho biết tại hội nghị China Mobile 6G cuối tuần trước.
Bà Huang cho biết China Mobile sẽ đi trên "con đường quốc tế hóa" đến 6G. Nhà mạng này sẽ kiên định đối với các tiêu chuẩn thống nhất toàn cầu và nhằm mục đích tích cực thu hút các công ty nước ngoài tham gia các dự án R&D của mình.
Nhưng bà Huang cho biết 6G cũng cần một số đổi mới cơ bản nhưng không nói rõ cụ thể là gì và lưu ý rằng các công nghệ hiện có đang đạt đến giới hạn của định lý Shannon và Định luật Moore, và 6G cần một số đột phá hơn.
Một hệ sinh thái phức hợp
Bà Huang cho biết "sự chuyển đổi nhanh chóng" sang RAN mở và các kiến trúc do phần mềm xác định đã tạo ra một số bất ổn trong mô hình hoạt động của ngành.
Ngoài ra, bà cho biết chức năng 6G phong phú hơn sẽ yêu cầu một hệ sinh thái phức tạp hơn, với nhiều kịch bản hơn và tích hợp công nghệ đòi hỏi khắt khe hơn nhiều.
Một công nghệ mới đang thu hút sự chú ý của giới nghiên cứu tại China Mobile là thông tin "siêu vật liệu" (metamaterial), được mô tả là vật liệu được chế tạo với khả năng quang học mới. Cui Tiejun, một nhà nghiên cứu của Học viện Khoa học Trung Quốc, cho biết China Mobile và các đối tác đã đạt được một số kết quả nghiên cứu ban đầu rất đáng "hài lòng".
Nhà mạng này vừa công bố một loạt bài báo về các công nghệ 6G tương lai, bao gồm siêu vật liệu thông tin và truyền thông ba chiều, cùng với một số bài báo về 6G RAN và các mạng tự vận hành.
China Mobile dự kiến bắt đầu thương mại hóa 6G vào khoảng năm 2030 và có khả năng sẽ bắt đầu xác minh các công nghệ 6G quan trọng tiềm năng vào cuối năm nay.
Trung Quốc muốn dẫn đầu về 6G
Một nhóm nghiên cứu của phòng thí nghiệm Zijinshan ở Nam Kinh đã đạt được bước đột phá với tốc độ không dây cực đại ấn tượng là 206 Gbit/s trong băng tần Terahertz, được kỳ vọng là một trong những băng tần cốt lõi cho 6G.
Phòng thí nghiệm đã chạy thử nghiệm này với sự hỗ trợ của China Mobile và một số phòng thí nghiệm khác. Thông tin này được công bố vào tuần trước tại một sự kiện ở địa phương chứ không phải trong một bài báo nghiên cứu.
Thế giới từng ít người biết đến của các thử nghiệm trong phòng thí nghiệm không dây giờ là một quan tâm lớn ở Trung Quốc. 6G là một trong số nửa tá công nghệ chiến lược mà Trung Quốc đã tuyên bố tham vọng nắm bắt, nếu không muốn nói là dẫn đầu thế giới.
Theo đó, Trung Quốc đã tiếp cận bằng con đường riêng là thiết lập các tiêu chuẩn cho 6G và có thể hình thành riêng các liên minh công nghệ riêng để cạnh tranh với Liên minh Next G đã được hình thành ở Bắc Mỹ gồm các nhà mạng và nhà cung cấp lớn của Mỹ bao gồm Qualcomm, Ericsson và Samsung.
Dai Hong, một thành viên của Ủy ban Quản lý Tiêu chuẩn hóa Quốc gia Trung Quốc, đã cho biết, việc thiết lập các tiêu chuẩn kỹ thuật toàn cầu "mang lại cho ngành và tiêu chuẩn của Trung Quốc cơ hội vượt lên trên".
Khởi động đo kiểm 6G ở California, Washington
Cũng về 6G, công ty đo kiểm mạng Keysight Technologies, Mỹ có kế hoạch khởi động đo kiểm thông tin liên lạc trong các dải phổ terahertz. Các dải tần như vậy được xem khả thi cho các liên lạc 6G ban đầu.
"Keysight sẽ thiết kế, phát triển, thử nghiệm và trình diễn các công nghệ đo 6G tại các cơ sở trong nhà ở Santa Rosa, California; Santa Clara, California; và Everett, Washington", theo đề xuất của Key Insight lên Uỷ ban Truyền thông Liên bang Mỹ (FCC) để tiến hành các đo kiểm. Công ty cho biết các bài đo kiểm sẽ diễn ra trong dải phổ từ 275 GHz - 330 GHz.
Keysight giải thích: "Những tần số này - từ lâu được coi là nằm ở ngoài biên của phổ vô tuyến có thể sử dụng - đang ngày càng trở nên rất phù hợp cho việc phát triển và triển khai các ứng dụng và dịch vụ truyền thông tích cực mới".
FCC đã bỏ phiếu vào năm 2019 để mở phổ tần trên 95 GHz cho các đo kiểm như vậy. Vào thời điểm đó, cơ quan này cho biết tiềm năng về "cơ hội chưa từng có về các ứng dụng thử nghiệm mới và không giấy phép" sẽ "giúp đảm bảo rằng Mỹ luôn đi đầu trên mặt trận di động".
Đây không phải là lần đầu tiên Keysight bày tỏ sự quan tâm đến 6G. Vào năm 2019, công ty đã tham gia Chương trình hàng đầu 6G (6G Flagship Program) - được hỗ trợ bởi Học viện Phần Lan và được chủ trì bởi Đại học Oulu, Phần Lan - để khám phá khả năng của truyền thông "trên 5G".
Key Insight vào thời điểm đó cho biết: "Thế hệ tiếp theo của truyền thông không dây... dự kiến sẽ tận dụng phổ trên sóng milimet được gọi là sóng terahertz, từ 300 GHz - 3 THz. Những tần số này sẽ đáp ứng quan trọng cho việc đảm bảo tốc độ dữ liệu lên đến 1 terabit/giây và độ trễ cực thấp".
Và vào năm 2020, Keysight là một trong số các công ty không dây lớn đã tham gia Liên minh Next G./.