Nhà nước hỗ trợ thư viện tư nhân góp phần phục vụ cộng đồng

PV| 09/12/2022 13:54
Theo dõi ICTVietnam trên

Luật Thư viện ban hành năm 2019 đã đưa thư viện tư nhân, thư viện cộng đồng thành đối tượng điều chỉnh của luật và xếp vào diện được nhà nước hỗ trợ đầu tư. Từ trước đó thì nhiều tủ sách gia đình, thư viện tư nhân đã được thành lập với mục đích phục vụ miễn phí cho cộng đồng. Tuy nhiên, thư viện tư nhân ở Việt Nam vẫn gặp nhiều khó khăn trong thực tế.

Bỏ tiền nhà mua sách lập thư viện phục vụ cộng đồng

Trước đó 10 năm, Chính phủ đã ban hành Nghị định số 02/2009/NĐ-CP quy định về tổ chức và hoạt động của thư viện tư nhân có phục vụ cộng đồng. Các thư viện địa phương được mở ở đô thị trung tâm, nên người dân ở vùng sâu, vùng nông thôn gần như không có cơ hội tiếp cận với sách miễn phí. Thư viện tư nhân, thư viện cộng đồng mang lại cho họ cơ hội đọc sách.

Và trong thực tế, kể từ mốc năm 2009, nhiều thư viện tư nhân đã lần lượt ra đời. Năm 2012, thư viện "Tình quê" của ông Trần Xuân Hạ ra đời ở Nhơn Khánh, thị xã An Nhơn, tỉnh Bình Định. Ông bỏ tiền mua đất, xây dựng thư viện và mua sách về phục vụ miễn phí cho người dân. 1 năm ông Hạ chỉ trở về quê 3 lần, nhưng lần nào cũng mang theo sách. Những cuốn sách được ông mua từ lương hưu, từ sự trợ giúp của các con khi thấy cha mình làm công việc cao cả và cả những người ngưỡng mộ tấm lòng ông dành cho người dân vùng nông thôn.

Từ năm 1998, thư viện tư nhân Tứ Hưng được mở tại xã Mỹ Lộc, huyện Tam Bình, tỉnh Vĩnh Long. Những năm trước, đường giao thông nông thôn còn nhiều trắc trở,  mạng lưới viễn thông chưa phát triển nên thư viện này luôn đắt khách. Nhiều nhất là các em học sinh các trường Tiểu học Cái Ngang, THCS Cái Ngang, Trường THPT Phan Văn Hòa. Mỗi ngày có hàng chục em đến đây mượn sách về nhà; một số khác đọc tại chỗ trên những chiếc ghế, chiếc võng do ông Huỳnh Tấn Hưng mua. Hiện nay, thư viện "Tứ Hưng" đang sở hữu gần 9.000 đầu sách, nhiều nhất là truyện tranh, sách thiếu nhi, giáo khoa, kĩ thuật nông nghiệp... Mỗi ngày có từ 40 đến 50 độc giả đến liên hệ với ông.

Mô hình không gian đọc sách ở các gia đình tại huyện Lương Sơn, Hòa Bình, do cô giáo Trần Thị Hồng Hạnh kết hợp với nhóm bạn cũng được thư viện tỉnh hoặc huyện hỗ trợ, cho mượn sách, kết hợp với số sách do nhóm quản trị mua thêm hoặc tìm nguồn ủng hộ dưới nhiều hình thức, phục vụ học sinh.

Thống kê năm 2019, cả nước có 103 thư viện tư nhân, cộng đồng; tổng số tài liệu trong các thư viện tư nhân là gần 520 ngàn bản, số người sử dụng thường xuyên tại các thư viện này lên đến hơn 536 ngàn bạn đọc, trung bình mỗi thư viện thu hút hơn 6 ngàn bạn đọc/năm. Phần lớn tài liệu ở các thư viện này khá phù hợp với trình độ nhận thức, tâm lý, thị hiếu của người dân, như: Sách khuyến nông; sách hướng dẫn kỹ thuật trồng trọt, chăn nuôi; sách hỏi-đáp về pháp luật, chế độ - chính sách, bảo hiểm y tế, chăm sóc sức khỏe; sách trang bị kỹ năng sống tích cực, phòng, chống tai nạn, thương tích cho trẻ em; sách tuyên truyền về nếp sống vệ sinh khoa học, bảo vệ thiên nhiên, môi trường...

Một không gian đọc sách tại huyện Lương Sơn, tỉnh Hòa Bình

Một không gian đọc sách tại huyện Lương Sơn, tỉnh Hòa Bình

Thư viện tư nhân phục vụ cộng đồng đã góp phần "giảm nghèo" về thông tin, văn hóa cho một bộ phận người dân. Tuy nhiên, do quy mô nhỏ lẻ, nguồn lực đầu tư thấp, số lượng và chủng loại sách hạn chế, nên một số thư viện tư nhân chưa thật sự hấp dẫn bạn đọc.

Theo thông tin từ Vụ Thư viện (Bộ Văn hoá, Thể thao và Du lịch), trong 2 năm 2020 và 2021, số thư viện tư nhân có phục vụ cộng đồng tăng từ 180 lên 182.

Nhà nước hỗ trợ các thư viện tư nhân, thư viện cộng đồng hoạt động

Theo quy định của Luật thư viện, cộng đồng dân cư, tổ chức, cá nhân được tạo điều kiện để đầu tư, tài trợ, viện trợ, tặng cho, đóng góp phát triển sự nghiệp thư viện, văn hóa đọc, xây dựng và phát huy không gian đọc, phòng đọc cơ sở. Cộng đồng dân cư, tổ chức, cá nhân tham gia hoạt động thư viện được hưởng ưu đãi theo quy định của pháp luật.  Cộng đồng dân cư, tổ chức, cá nhân đầu tư xây dựng cơ sở vật chất, trang thiết bị cho thư viện; tài trợ, viện trợ, tặng cho, đóng góp để phát triển sự nghiệp thư viện và phát triển văn hóa đọc được ghi nhận và vinh danh theo quy định của pháp luật về thi đua, khen thưởng.

Nhà nước có trách nhiệm hỗ trợ đầu tư các nội dung sau đây: Cung cấp dịch vụ sự nghiệp công trong lĩnh vực thư viện, phát triển văn hóa đọc; Duy trì và phát triển thư viện cộng đồng, thư viện tư nhân có phục vụ cộng đồng không vì mục tiêu lợi nhuận; Cước vận chuyển tài liệu thư viện phục vụ nhiệm vụ chính trị, khu vực biên giới, hải đảo, vùng có điều kiện kinh tế - xã hội khó khăn, đặc biệt khó khăn.

Thực hiện quy định này, nhiều thư viện nhà nước đã tặng sách, hỗ trợ các trang thiết bị cho phòng đọc, luân chuyển sách báo về các thư viện tư nhân, thư viện cộng đồng. Khi Thư viện tư nhân Hương Hằng (Ngọc Thụy, Gia Lâm, Hà Nội) khai trương, Thư viện quốc gia Việt Nam, Vụ Thư viện, Thư viện Quân đội, Nhà xuất bản Phụ nữ, Nhà xuất bản Kim Đồng… đã tặng một số đầu sách, quà để Thư viện Hương – Hằng thêm điều kiện phục vụ bạn đọc.

Phòng đọc thiếu nhi tại nhà văn hóa Vàng San

Phòng đọc thiếu nhi tại nhà văn hóa Vàng San

Thư viện xã Vàng San (Mường Tè, Lai Châu) nằm trong trụ sở UBND xã. 2 phòng thư viện có hơn 3000 cuốn sách, gồm rất nhiều loại: Truyện tranh cho các em học sinh, sách hướng dẫn kỹ thuật sản xuất, chăn nuôi, sách về lịch sử, văn hóa các dân tộc, thơ, sách về chính trị - xã hội, Bác Hồ và các vị lãnh đạo tiền bối, an ninh quốc phòng, chăm sóc sức khỏe, văn học - nghệ thuật … 2 phòng thư viện này được Bệnh viện Bưu điện Việt Nam và Vụ Thư viện - Bộ Văn hóa - thể thao và du lịch tặng cho xã Vàng San.

Tuy nhiên, không phải hoạt động của thư viện tư nhân, thư viện cộng đồng nào cũng được chính quyền tạo điều kiện thuận lợi. Theo Bộ VH-TT&DL, trong quá trình thực thi Luật Thư viện, tại một số địa phương vẫn còn xảy ra tình trạng cơ quan có thẩm quyền chưa nắm rõ quy trình giải quyết thủ tục hành chính, đặt ra các thủ tục, yêu cầu không đúng với tinh thần của Luật Thư viện, gây khó khăn cho tổ chức, cá nhân trong việc thành lập và hoạt động của thư viện tư nhân có phục vụ cộng đồng và thư viện cộng đồng.

Để tiếp tục có các biện pháp nhằm khuyến khích, tạo điều kiện cho thư viện tư nhân và thư viện cộng đồng phát triển, đóng góp tích cực trong phát triển văn hóa đọc, cần các biện pháp hỗ trợ tổ chức, cá nhân thành lập, duy trì hoạt động của thư viện cộng đồng, thư viện tư nhân có phục vụ cộng đồng tại địa phương./.

Nổi bật Tạp chí Thông tin & Truyền thông
Đừng bỏ lỡ
Nhà nước hỗ trợ thư viện tư nhân góp phần phục vụ cộng đồng
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO