Nhà văn Nguyễn Quang Thiều: 5 năm uống bia thì chỉ có một thế giới bia, 5 năm đọc sách sẽ có ngọn đồi tri thức

CT (ghi)| 11/11/2022 10:32
Theo dõi ICTVietnam trên

Nhà văn Nguyễn Quang Thiều nói về những cuốn sách ông viết về làng quê, về những ngọn đồi tri thức mọc lên nhờ đọc sách và về vẻ đẹp của những trang sách mà nhờ nó, văn hoá được phục hồi. Và để những điều tốt đẹp sẽ khiến cái ác không lấn lướt.

Những cuốn sách về làng Chùa

Tôi sinh ra và lớn lên ở cái làng bé nhỏ, những bước đi đầu tiên đứng vững trên mặt đất là trên mảnh đất làng Chùa. Vừa rồi tôi có viết 2 cuốn sách về làng tôi, một cuốn là về ẩm thực của làng Chùa mà Trung tâm văn hoá Pháp đã làm một toạ đàm về ẩm thực thông qua cuốn sách đó. Tôi chỉ kể lại một câu chuyện về những món ăn mà tôi được hưởng thụ trong những năm tháng đói khát nhất. Nhưng trong những món ăn đấy đều chứa đựng số phận những con người làm ra nó, họ là cha mẹ ông bà cô dì chú bác tôi và những người làng Chùa.

Cuốn thứ 2 là những câu chuyện ma của làng Chùa, những câu chuyện mà chúng tôi đã được nghe những năm tháng tuổi ấu thơ sách vô cùng hiếm, nếu có một cuốn sách đặt trong làng thì nó như một viên kim cương. Ngày xưa không có điện và đèn dầu cũng hiếm, trẻ con phải học bài vào buổi chiều, cho đỡ tốn dầu. Buổi tối trong bóng tối mờ ảo đầy tiếng chó sủa và tiếng muỗi kêu bà nội tôi hay kể những câu chuyện. Bà nội tôi không biết chữ nhưng bà kể những câu chuyện ma của làng Chùa. Chúng tôi nghe và sau này tôi có nói bà nội tôi chính là nhà văn đầu tiên của tôi.Người dẫn tôi vào trong thế giới kỳ bí và rất xúc động. 

Một số tác phẩm của nhà văn Nguyễn Quang Thiều

Một số tác phẩm của nhà văn Nguyễn Quang Thiều

Và tôi sẽ viết một cuốn sách nữa về làng Chùa: Những nhân vật của làng Chùa. Như thế sẽ thành một bộ ba sách về làng Chùa: ẩm thực, chuyện ma và những nhân vật. Sau khi xong thì bộ sách sẽ như một hồ sơ văn hoá ở một nghĩa nào đó về cái làng nơi tôi sinh ra và lớn lên.

Tôi đã có lần định kêu gọi mở cuộc vận động hãy kể câu chuyện làng mình, những câu chuyện huyền bí, những câu chuyện về lịch sử, về phong tục, về ẩm thực, những câu chuyện về các nhân vật của làng. Bởi vì mỗi một làng có những nhân vật rất đặc biệt.

Đến bây giờ tôi vẫn nghĩ về điều đó. Đến lúc nào đó chúng tôi có cơ sở, có một khoản tiền nhất định thì chắc chắn tôi sẽ mở cuộc vận động kêu gọi các nhà văn hãy viết những câu chuyện mà họ ấn tượng nhất về làng mình. Tôi nghĩ rằng lúc đó chúng ta sẽ có một bộ hồ sơ bằng văn chương về lịch sử văn hoá và những vấn đề khác làm nên văn hoá làng xóm Việt Nam.

5 năm đọc sách những ngọn đồi tri thức sẽ mọc lên

Tôi viết rất muộn so với những người khác.Tôi vẫn nói đùa với nhà văn thần đồng Trần Đăng Khoa là nếu tính về tuổi nghề thì tôi phải gọi anh là ông. Vì anh Trần Đăng Khoa lúc 8 tuổi đã xuất hiện rất nổi tiếng. Còn tôi 25 tuổi mới bắt đầu rụt rè cho bạn xem những bài thơ đầu tiên. Tôi đến với thơ ca rất muộn.Tôi học Đại học Ngoại ngữ khoa tiếng Anh, đi làm việc và học tiếp tiếng Tây Ban Nha ở Cu Ba.

Tôi lang thang trên thế giới rất nhiều. Tôi đã đi hơn 50 nước, có những nước tôi đi rất nhiều lần, tiếp xúc với trí thức, nhà văn, nhà thơ, nhà làm phim, nhà báo, những người từng đoạt giải Pulitzer, những người là ứng cử viên giải Nobel. Tôi có những buổi đọc sách với họ, trò chuyện với họ và điều đó bồi đắp cho tôi rất nhiều. 

Thành viên của Câu lạc bộ Sách và hành động (Trường THPT Công nghiệp Việt Trì, tỉnh Phú Thọ)

Thành viên của Câu lạc bộ Sách và hành động (Trường THPT Công nghiệp Việt Trì, tỉnh Phú Thọ)

Tôi có nói đùa với một số nhà văn nếu 5 năm chỉ uống bia không làm gì thì khi quay lại chúng ta chỉ thấy một thế giới bia. 5 năm đọc sách, đối thoại, lắng nghe, chia sẻ, sáng tạo thì quay lại chúng ta thấy những ngọn đồi của tri thức mọc lên trên con đường chúng ta đi. Ngoại ngữ giúp cho tôi có thể đọc thơ bằng một ngôn ngữ khác và tôi quay trở lại hiểu sâu sắc hơn ngôn ngữ mẹ đẻ của mình. Ngoại ngữ làm cho nhà văn thấy chiều kích của ngôn ngữ mẹ đẻ rộng lớn hơn. Và đấy là điều quan trọng.

Tôi là học sinh luôn được đi thi viết chữ đẹp, mẹ tôi là giáo viên và bà luyện chữ rất kỹ lưỡng.Các chị em nhà tôi đều có nét chữ tương đối giống nhau vì đó là tinh thần hay cách thức mà mẹ tôi dạy. Mẹ tôi là một bà giáo làng.

Sau đó đến cấp 2 tôi học giỏi toán. Có những bài toán thầy đưa ra hóc búa mà nếu tôi là người đầu hàng thì thầy giáo mới kết thúc buổi học, còn nếu tôi chưa đầu hàng thì thầy giáo bảo vẫn còn một người có thể giải được.

Đến cấp 3 tôi bắt đầu có cảm hứng viết, mặc dù cũng không hẳn là giỏi văn. Có lần tôi được 10 điểm văn nhưng cũng có lần chỉ được 2 điểm. Hồi lớp 5 bắt đầu phải làm bài văn có mở bài thân bài kết luận. Nhưng tôi luôn luôn nhầm lẫn giữa mở bài và kết luận. 

Sau này thầy Trần Mạnh Hưởng, giáo viên dạy tôi môn văn hồi lớp 10 có nói rằng chính sự nhầm lẫn ấy mới biến Nguyễn Quang Thiều thành nhà văn, chứ nếu cụ thể quá, rành mạnh quá, đầu đuôi quá có khi lại không trở thành nhà văn.

Con người vô cảm, độc ác bởi vì họ đã rời xa những quyển sách

Con người thấy vô cảm, độc ác, giá lạnh cũng bởi vì họ đã rời xa những quyển sách, rời xa những vẻ đẹp của nó. Hội Nhà văn mở cuộc vận động đầu tiên là viết cho thiếu nhi, mở giải thưởng văn học thiếu nhi. Chúng tôi muốn tìm mọi cách in sách dành cho thiếu nhi, sách của văn học Việt Nam viết cho thiếu nhi nhiều hơn nữa để tặng cho những đứa trẻ. 

Ở Hà Nội, chúng ta mua một vài cuốn sách cho thiếu nhi rất dễ. Ở nông thôn có khi phải bán nửa vườn rau mới mua được một cuốn sách.

Phục hồi văn hoá là một cuộc phục hồi rất lâu dài vì chúng ta đã bỏ qua nó, hay có thể nói là bỏ quên một phần, hay có thể nó là vô cảm với nó. Và nó phải được phục hồi lại không phải đơn giản.

Cái quan trọng là trên thế gian này tội ác không bao giờ mất đi vì bản chất nó thế nhưng nếu chúng ta dừng những điều tốt đẹp lại thì tội ác sẽ lấn sân. Còn chúng ta kiên quyết thì ít nhất chúng ta cũng giữ được một phần thế giới còn tinh sạch này.

Ảnh minh họa

Ảnh minh họa

Tôi nghĩ là chúng ta đánh mất thì chúng ta phải quay trở lại không phải 5 năm, 10 năm mà có thể rất lâu, 100 năm đối với lịch sử không phải là dài để phục hồi lại văn hoá và đạo đức. Để ném một cái rác xuống đất mất một giây nhưng để đi qua đó cúi xuống nhặt cái cọng rác đó bỏ vào thùng rác có khi mất một trăm năm vì đó là tiến trình hình thành của hành vi văn hoá.

Chẳng phải mình tôi mà tất cả những người sáng tác đều nghĩ rằng cuốn sách ngày mai mình viết mới là cuốn sách hay nhất. Đấy không phải sự hão huyền, đấy không phải sự ảo tưởng, đấy là lòng tin và bản chất của nghệ thuật./.

Nổi bật Tạp chí Thông tin & Truyền thông
  • Báo chí quốc tế viết gì về Triển lãm Quốc phòng quốc tế Việt Nam 2024?
    Sự kiện Triển lãm Quốc phòng quốc tế Việt Nam năm 2024 thu hút sự chú ý trong - ngoài nước và cả nhiều cơ quan truyền thông quốc tế.
  • “AI như là một chiếc gương đen”
    Bài báo "AI is the Black Mirror" của Philip Ball cung cấp một cái nhìn chi tiết về trí tuệ nhân tạo (AI) và tác động của nó đến nhận thức con người.
  • Chất lượng thông tin báo chí về kinh tế - Vai trò, yêu cầu thước đo và giải pháp cần có
    Báo chí kinh tế cần là diễn đàn thực thụ cho doanh nghiệp, không chỉ cung cấp thông tin. Thông tin cần chính xác và kịp thời để hỗ trợ doanh nghiệp trong điều chỉnh chiến lược kinh doanh.
  • Những “ngọn đuốc” ở bản
    Ở Tuyên Quang, người có uy tín là những người đi đầu thay đổi nếp nghĩ, cách làm của bà con dân tộc thiểu số (DTTS). Họ như những “ngọn đuốc” đi trước, thắp sáng, lan tỏa tinh thần trách nhiệm, nêu gương với cộng đồng. Gương mẫu, uy tín, những người có uy tín đã và đang góp sức xây dựng bản làng, thôn xóm ngày càng ấm no, giàu mạnh.
  • 5 lý do để tăng cường bảo mật mạng
    Các chương trình an ninh mạng đã phát triển đáng kể trong vài thập kỷ qua. Sự ra đời của điện toán đám mây đã phá vỡ ranh giới an ninh mạng thông thường của của các doanh nghiệp, buộc các tổ chức phải liên tục cập nhật những chiến lược phòng thủ của mình.
Đừng bỏ lỡ
Nhà văn Nguyễn Quang Thiều: 5 năm uống bia thì chỉ có một thế giới bia, 5 năm đọc sách sẽ có ngọn đồi tri thức
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO