Nhà xuất bản Công an nhân dân - Dấu ấn từ một dòng văn học
Hình tượng người chiến sỹ Công an nhân dân (CAND) vì nước quên thân, vì dân phục vụ dần dần có chỗ đứng trong văn học, giống như hình tượng anh bộ đội cụ Hồ trong chiến tranh giải phóng, xây dựng và bảo vệ Tổ quốc.
Điều này khẳng định sự quan tâm của những người làm văn học trong và ngoài lực lượng CAND, chủ trương đúng đắn của những người làm công tác quản lý có tâm, luôn đau đáu về sự phát triển của văn chương nước nhà. Trong những nỗ lực không mỏi ấy, có vai trò thầm lặng của Nhà xuất bản CAND.
Đề tài văn học “Vì an ninh Tổ quốc và bình yên cuộc sống” ngày càng trở nên gần gũi hơn với bạn đọc. Đó là dòng văn học viết về người chiến sỹ CAND và phong trào toàn dân bảo vệ an ninh Tổ quốc, về những chiến công của lực lượng CAND và nhân dân đối với công cuộc bảo vệ an ninh quốc gia, giữ gìn trật tự, an toàn xã hội. Ngày càng có nhiều tác giả tham gia sáng tác về đề tài hấp dẫn này.
Không chỉ đối với sự việc (các vụ án, tội phạm, quá trình điều tra…) hấp dẫn người đọc, mà còn ở việc lý giải nội tâm con người ở cả hai chiều thiện - ác, ở cả hai phía ta - địch, ở cả hai hướng cao cả - thấp hèn. Bắt đầu từ truyện vụ án, truyện cảnh giác, sau là truyện tư liệu, đến truyện ngắn, tiểu thuyết, ký… trong văn học Việt Nam dần hình thành một dòng văn học viết về lực lượng CAND. Sự phát triển ấy gắn liền với một đơn vị đặc thù, nơi nâng đỡ để các tác phẩm văn chương đến gần hơn với bạn đọc: Nhà xuất bản CAND.
Trong 42 năm hình thành và phát triển (10/02/1981 - 10/02/2023), ngoài những xuất bản phẩm, dùng cho công tác đào tạo và nghiên cứu khoa học trong lực lượng CAND để xây dựng hệ thống lý luận về CAND, Nhà xuất bản (NXB) CAND còn hướng sự phát triển ra ngoài. Đó là sự nuôi dưỡng và phát triển văn học về đề tài “Vì an ninh Tổ quốc và bình yên cuộc sống”.
Những tác phẩm viết về người chiến sĩ công an trong chiến tranh
Một cách bền bỉ và đều đặn, hơn 40 năm qua, NXB CAND dần đưa các tác phẩm văn học về đề tài “Vì an ninh Tổ quốc và bình yên cuộc sống” ra công chúng, từng bước nương theo dòng chảy của văn chương Việt Nam hiện đại, mở rộng phạm vi, nâng cao chất lượng văn học với mục đích xây dựng một dòng văn học về CAND.
Bắt đầu với những tác phẩm mang xu hướng của dòng văn học viết về chiến tranh, đó là tiểu thuyết tình báo, tiểu thuyết phản gián, hình sự. Với tiểu thuyết tình báo, người viết chủ yếu khai thác nhân vật có thật (Phạm Ngọc Thảo, Vũ Ngọc Nhạ, Đặng Trần Đức…) trên cơ sở giải mật hồ sơ, tư liệu lịch sử xoay quanh những nhân vật tình báo, điệp viên. Nhân vật được khai thác theo hướng tái hiện tiểu sử cuộc đời với những hư cấu ở mức vừa phải, thể hiện chủ nghĩa anh hùng cách mạng.
Những hình tượng nhân vật trên có sức hấp dẫn đối với công chúng, bởi xuất thân nhân vật (tình báo, điệp viên) với những bí mật lần đầu được xuất hiện, những phương thức hoạt động lần đầu được lộ mở. Tiểu thuyết phản gián và hình sự đề cập đến sự mưu trí dũng cảm và quả cảm trong cuộc chiến chống lại các thế lực phản động, chống lại cái ác, bảo vệ lẽ phải, bảo vệ nhân dân, giữ gìn an ninh Tổ quốc.
Những tác phẩm nổi bật với xu hướng này là “Đêm yên tĩnh” của Hữu Mai; “Yêu tinh” của Hồ Phương; “Cổ cồn trắng” của Nguyễn Như Phong, “Một thế giới không có đàn bà” của Bùi Anh Tấn, “Phiên bản” của Nguyễn Đình Tú… Sức hấp dẫn của những tiểu thuyết này nằm ở cốt truyện đặc sắc, diễn biến nhanh và đầy bất ngờ; hành động luôn dẫn dắt người đọc theo những diễn biến li kì, độc đáo và hấp dẫn.
NXB CAND có một mảng sách rất hấp dẫn người đọc, đó là tiểu thuyết tư liệu. Đây là những tác phẩm dựa trên những tài liệu lưu trữ, hư cấu hóa những sự việc có thật. Người viết dựa trên những hiểu biết của mình để mở rộng phạm vi thông tin đối với độc giả về một vụ việc nào đó; dựa trên những sưu tầm, điều tra của mình để lý giải sự việc, thể hiện quan điểm cá nhân nhằm cung cấp cho độc giả những góc nhìn khác. Không khó để kể tên những tác phẩm như vậy: “Biến động ngày hè” (Lê Tri Kỷ); “FULRO - tập đoàn tội phạm” của Ngôn Vĩnh; “Đội Công an số 6” của Văn Phan; “Hồ sơ chưa kết thúc” của Phùng Thiên Tân…
Cùng với sự phát triển của văn học, hiện nay, tiểu thuyết hình sự đề cập những vấn đề nóng của xã hội: ma túy, buôn người, hình sự, Internet… Sự hấp dẫn nằm ở chỗ, người viết sử dụng tâm lý học tội phạm để truy nguyên những suy nghĩ và hành động nối tiếp nhau hình thành nên tội ác, đi vào các vấn đề đương đại của xã hội, khám phá ẩn ức tâm lý của con người ở cả hai phía thiện - ác trong một xã hội ngày càng phức tạp với nhiều vấn đề bức xúc: đồng tính, ma túy, hình sự, công nghệ cao… Có thể thấy rõ những dấu ấn từ lý thuyết tự sự hiện đại qua các tác phẩm của Phan Đình Minh, Nguyễn Đình Tú, Nguyễn Xuân Thủy, Nguyễn Thế Hùng, Di Li…
Nhà văn phá vỡ trật tự tuyến tính của tiểu thuyết theo lối cũ để đưa người đọc vào bộn bề sự kiện của cuộc sống; lối kết mở dẫn dắt người đọc như lạc vào mê cung chưa thể khép lại ngay khi kết thúc câu chuyện; xu thế đối thoại được nhà văn tận dụng tối đa để có thể soi chiếu nhân vật theo nhiều góc nhìn, nhiều quan điểm.
Những tác phẩm văn học về đề tài Công an là nguồn tài liệu phong phú giúp những nhà biên kịch, đạo diễn chuyển thể thành những kịch bản phim điện ảnh, phim truyền hình hấp dẫn. Sự “hội tụ” đó thêm một lần nữa giúp lan hình ảnh đẹp người chiến sĩ Công an trong lòng nhân dân, tạo thành tổng hợp đa dạng phản ánh chân thực đời sống của lực lượng CAND, từ đó người dân hiểu hơn về cuộc sống, chiến đấu, những nỗi niềm, tâm trạng của người chiến sĩ CAND. Có thể kể đến những bộ phim dài tập: Ván bài lật ngửa, Chuyện làng Nhô, Hương Ga, Bão ngầm…
Nuôi dưỡng khát vọng văn chương và ươm mầm tài năng văn học của những người viết trẻ
Với sứ mệnh của mình, duy trì và phát triển đội ngũ sáng tác văn học về đề tài “Vì an ninh Tổ quốc và bình yên cuộc sống” là một công việc thường xuyên và then chốt đối với NXB CAND. Không chỉ là mục đích sống còn đối với một NXB (duy trì nguồn bản thảo), việc phát triển đội ngũ cộng tác viên sáng tác văn học đang là hoạt động có ý nghĩa quan trọng đối với sự phát triển dòng văn học viết về lực lượng CAND. Hiện tại, Chi hội Nhà văn Công an đang sinh hoạt hơn 40 nhà văn đang sống và làm việc khắp mọi miền đất nước.
Tuy nhiên, sáng tác của các nhà văn không đồng đều, độ tuổi tương đối cao. Việc tổ chức các cuộc thi sáng tác văn học trở thành cái nôi nuôi dưỡng khát vọng văn chương và ươm mầm tài năng văn học của những người viết trẻ trong lực lượng Công an. Có thể kể đến những thế hệ nhà văn trưởng thành qua những cuộc thi: Nguyễn Hồng Thái, Bùi Anh Tấn, Nguyễn Như Phong, Lại Văn Long, Đào Trung Hiếu, Chu Thanh Hương…
Sau khi đạt thành tựu với các cuộc thi, những người viết được sự ủng hộ, động viên, trở thành hội viên Hội Nhà văn Việt Nam, tiếp tục có những cống hiến, góp sức chung vào sự phát triển văn học CAND. Tiếp nối những truyền thống đó, hiện nay, đội ngũ biên tập viên NXB CAND đang duy trì đội ngũ những người viết trẻ, đủ bút lực và tài năng để viết tiếp những trang văn về lực lượng. Đã thấy đâu đó những mầm xanh nghệ thuật từ những Bùi Tuấn Minh, Hoàng Anh Tuấn, Phan Đức Lộc, Nguyễn Đỗ Văn Quốc… hiện đang là những cán bộ, chiến sĩ CAND.
Trong suốt những năm qua, NXB CAND luôn có sự đồng hành của những nhà văn ngoài lực lượng CAND. Họ là đội ngũ những người sáng tác có đam mê với đề tài và yêu mến lực lượng CAND. Những tác phẩm của họ dần đã đi vào giới văn chương như một tấm bằng chứng nhận cho những “chuyên gia” văn chương về lực lượng CAND không mặc sắc phục. Có thể kể đến Nguyễn Đình Tú, Nguyễn Xuân Thủy, Di Li, Tống Ngọc Hân…
Điều đó chứng tỏ sức thu hút, hấp dẫn của đề tài “Vì an ninh Tổ quốc và bình yên cuộc sống”. Cũng đúng, vì đây là đề tài có độ mở nhưng khó khai thác, vì có nhiều yếu tố trong và ngoài văn chương chi phối (những bí mật nghiệp vụ, vấn đề lịch sử…). Do đó, việc “bạch hóa” những chuyên án, những chi tiết (trong phạm vi cho phép) của lực lượng CAND là nguồn cảm hứng hết sức thú vị không chỉ đối với người viết.
Được sự quan tâm lãnh đạo, chỉ đạo của Đảng ủy Công an Trung ương và Bộ Công an, những hoạt động văn học của NXB CAND luôn được tạo điều kiện ở mức tốt nhất. Trại sáng tác văn học thực sự là môi trường văn chương chuyên nghiệp, tôn vinh sự sáng tạo của nhà văn.
Có lẽ rằng, trong khoảng hai thập kỷ gần đây, văn học Việt Nam đã có những bước chuyển đáng lưu ý, làm nảy sinh những hình tượng văn học mới. Hình tượng người chiến sỹ CAND vì nước quên thân, vì dân phục vụ dần dần có chỗ đứng trong văn học, giống như hình tượng anh bộ đội cụ Hồ trong chiến tranh giải phóng, xây dựng và bảo vệ Tổ quốc. Điều này khẳng định sự quan tâm của những người làm văn học trong và ngoài lực lượng CAND, chủ trương đúng đắn của những người làm công tác quản lý có tâm, luôn đau đáu về sự phát triển của văn chương nước nhà. Trong những nỗ lực không mỏi ấy, có vai trò thầm lặng của NXB CAND./.