Nhân lực ngành IT có thực sự “cung không đủ cầu”?

NK| 25/10/2021 17:24
Theo dõi ICTVietnam trên

Ngành CNTT đang có tốc độ phát triển nhanh, là nền tảng cho nhiều ngành kinh tế và đem đến rất nhiều cơ hội việc làm... Tuy nhiên, báo cáo về nhân lực IT năm 2021 của Topdev cho thấy, Việt Nam đang thiếu hụt khoảng 20.000 vị trí lập trình viên so với nhu cầu của các doanh nghiệp năm 2021.

Thông tin trên được các chuyên gia chia sẻ tại buổi hội thảo trực tuyến "Giải mã nhân lực ngành IT" với sự tham gia của ông Nguyễn Văn Vũ - Giám đốc công nghệ Công ty Appota, ông Đặng Minh Tuấn - Trưởng phòng Lab blockchain tại Học viện Công nghệ bưu chính viễn thông/Tác giả phần mềm Vietkey, ông Lê Ngọc Tuấn - nhà sáng lập cộng đồng những nhà sáng chế trong lĩnh vực công nghệ Hà Nội (Maker Hanoi), ông Đặng Thái Sơn - Giám đốc Marketing Appota.

Cơ hội "màu mỡ" về thị trường IT tại Việt Nam

Không thể phủ nhận rằng, ngành CNTT là một ngành rất đặc biệt và có tốc độ phát triển nhanh, là nền tảng cho nhiều ngành kinh tế và đem đến rất nhiều cơ hội việc làm. Theo báo cáo thị trường IT Việt Nam năm 2021 được TopDev phát hành vào tháng 6/2021, trí tuệ nhân tạo (AI)/điện toán đám mây đang là lĩnh vực được nhiều lập trình viên quan tâm nhất.

Chia sẻ về cơ hội ngành AI, ông Lê Ngọc Tuấn cho rằng, câu chuyện của AI không chỉ ở phần mềm mà còn ở phần cứng, thế giới AI ngày càng đơn giản và trở thành xu hướng khi mà ngày càng nhiều các công ty lớn trên thế giới đều đầu tư vào AI, tương lai sẽ đổi từ thời thời kỳ di động sang AI. Các bạn trẻ mới ra trường làm trong lĩnh vực AI với mức lương từ 20 triệu đến 30 triệu, điều đó cho thấy mức độ hot của ngành AI.

Nhân lực ngành IT có thực sự “cung không đủ cầu”? - Ảnh 1.

Lĩnh vực tiếp theo được nhiều kỹ sư CNTT tại Việt Nam quan tâm là fintech/payment (thanh toán điện tử) và xếp thứ 3 là thương mại điện tử/bán lẻ. Đặc biệt, crypto/ blockchain đang là xu thế mới nổi trong thời gian gần đây. Chia sẻ về cơ hội trong lĩnh vực này, anh Đặng Minh Tuấn cho rằng, blockchain mang lại sự đột biến về tăng trưởng hàng đầu trong lĩnh vực CNTT hiện nay. Điểm nổi bật ở ngành này là có độ tin cậy bằng dữ liệu, là ngành mới và chưa hoàn toàn trưởng thành nên có nhiều mảnh đất để tạo ra nhiều sản phẩm dịch vụ mới, lương cao và thiếu hụt nhân sự rất nhiều. Các bạn lập trình viên không chỉ ứng tuyển vào các công ty lớn mà có thể startup với những ý tưởng của mình.

"Tuy nhiên lĩnh vực này cũng sẽ có nhiều khó khăn để đảm bảo độ an toàn, để hiểu và sử dụng cần tập hợp rất nhiều thứ, do đó cũng đòi hỏi nhân sự thật sự chất lượng, có đam mê và nền tảng tốt", ông Tuấn đưa ra lưu ý.

Nhân lực ngành IT đang gặp thực trạng "cung không đủ cầu"?

Báo cáo năm 2021 của TopDev khẳng định, trong 5 năm trở lại đây, nhu cầu nhân lực IT tại Việt Nam không ngừng tăng cao. Dựa trên báo cáo thị trường IT năm ngoái của TopDev và tốc độ tăng trưởng số lượng lập trình viên tại Việt Nam, năm 2021 Việt Nam cần 450.000 nhân lực CNTT. Tuy nhiên, tổng số lập trình viên hiện tại ở Việt Nam (tính đến quý 1/2021) là 430.000, có nghĩa là 20.000 vị trí lập trình viên sẽ không được lấp đầy trong tương lai gần. Sự thiếu hụt này xuất phát từ sự chênh lệch giữa trình độ của lập trình viên và các yêu cầu của doanh nghiệp. Cụ thể, hiện nay chỉ có khoảng 16.500 sinh viên (chiếm gần 30%) trong tổng số 55.000 sinh viên chuyên ngành CNTT đáp ứng được những kỹ năng và yêu cầu của doanh nghiệp cần.

Nhân lực ngành IT có thực sự “cung không đủ cầu”? - Ảnh 2.

Chia sẻ về vấn đề này, ông Nguyễn Văn Vũ, Giám đốc công nghệ Appota cho rằng, thị trường hiện nay không bị giới hạn bởi biên giới quốc gia, và may mắn các nhân sự trong ngành này cũng không bị ảnh hưởng nhiều bởi đại dịch COVID-19. Với xu thể chuyển đổi số ở các công ty dẫn đến nguồn nhân lực để làm các công việc chuyển đổi số diễn ra nhiều và nhanh, sự thiếu hụt cơ bản là do nhu cầu của thị trường. "Bên cạnh đó chúng ta cũng nên làm rõ vấn đề thiếu hụt giữa nhân sự chất lượng cao và nhân sự làm được việc", ông Vũ nói.

Ông Lê Ngọc Tuấn lại cho rằng độ vênh này đến từ nhiều yếu tố, đặc biệt là nguồn lực chất lượng cao đang rất thiếu. Một trong các nguyên nhân đó là các bạn đa phần thiếu sự tư duy sản phẩm, các bạn cũng không dành thời gian nhiều để nâng cao kỹ năng dẫn đến chất lượng sản phẩm kỹ thuật chưa đáp ứng được kỳ vọng của doanh nghiệp.

Bằng cấp có phải yếu tố quan trọng nhất đối với sinh viên IT?

Trước những lo ngại của các bạn sinh viên rằng bằng cấp có phải là yếu tố quan trọng đối với doanh nghiệp và nhà tuyển dụng hay không, các chuyên gia tham dự sự kiện đều cho rằng, trên thực tế, bằng cấp không phải là yếu tố quan trọng nhất, không ảnh hưởng nhiều đến quyết định nhận một nhân viên IT của nhà tuyển dụng.

Đối với ngành IT bằng cấp sẽ xếp sau kinh nghiệm vì quan trọng nhất đối với một nhân viên IT đó là bạn làm được gì, bạn có kinh nghiệm ra sao. Thậm chí, ông Vũ còn khẳng định, Appota còn chủ động tìm đến các trường đại học để xây dựng các chương trình thực tập, bởi vì sinh ra ra trường bị thiếu nhất đó là thiếu kinh nghiệm, thiếu tính chủ động. "Chắc chắn các bạn sinh viên phải học và cập nhật kiến thức liên tục nhưng cũng cần lưu ý bắt tay vào thực hành luôn để có cơ hội được các doanh nghiệp để ý. Đồng thời, nếu không có kinh nghiệm thì cần bù sót bằng thái độ", ông Vũ nói.

Về vấn đề này, ông Tuấn cũng cho rằng học cần đi đôi với hành, nên làm các dự án thật thay vì chỉ làm những bài tập lớn, hiện nay các công ty cũng rất chào đón các bạn sinh viên từ năm nhất, năm hai...

Theo ông Đặng Thái Sơn, Giám đốc Marketing của Appota, sự phát triển của ngành IT cũng như sự biến động của thị trường luôn đòi hỏi các bạn lập trình viên phải học hỏi liên tục, phát triển các kỹ năng toàn diện cũng như khả năng thích ứng nhanh với mọi biến đổi. "Những doanh nghiệp công nghệ như Appota luôn chào đón và mở ra nhiều cơ hội cho các bạn trẻ theo đuổi lĩnh vực IT, tuy nhiên chính các bạn mới là những người tự tạo ra con đường cho mình", ông Sơn nhấn mạnh./.

Nổi bật Tạp chí Thông tin & Truyền thông
Đừng bỏ lỡ
Nhân lực ngành IT có thực sự “cung không đủ cầu”?
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO