Tác giả Hồ Yên Thục đã mở ra một góc nhìn phía sau thú vị về "nghề đại học" (lời tác giả) mà chỉ người trong cuộc mới thực sự thấy và cảm được: "đại học là nghề của những người chọn con đường đi tìm sự thật. Ai chọn bước chân vào chốn này cũng phăng phăng nghiên cứu tìm cho ra lẽ phải, hùng hục vì công lý, sống chết vì tiến bộ xã hội. Nhân tiện trong quá trình hít thở hàn lâm ấy, họ cũng thể hiện chút quan điểm cá nhân, cá tính như tính con cá!".
Có rất nhiều điều xảy ra ở thế giới dạy học của cô giáo mà người giáo viên phải tự trau dồi kinh nghiệm xử lí, không có khóa đào tạo nghiệp vụ sư phạm nào trang bị cho thầy cô giáo đủ kỹ năng linh hoạt với đa dạng sinh viên đến từ các hành tinh Kim Mộc Thủy Hỏa Thổ - "những tâm hồn mong manh trong thân hình vạm vỡ". Hay như nhà phê bình nghệ thuật Nguyễn Quân viết "giáo dục đào tạo hiện muốn lấy người học làm tâm mà quên cái tâm thứ hai là người dạy chăng".
Mỗi ngày đến trường của cô giáo là một thử thách mới với muôn hình vạn trạng tình huống bi hài chồng chéo cứ ập đến dồn dập. Động lực cho cô giáo thức dậy hàng ngày, học hỏi, làm việc để tự tìm lời đáp cuộc đời cho chính mình là những nhân vật trong "học quán". Họ hiện lên sinh động trong nhật kí của cô, từ đồng nghiệp, sếp, các vị sư huynh, tiền bối đáng kính luôn rộng rãi giúp đỡ cô biết bao lần từ chuẩn bị bài giảng, chấm điểm, canh thi, ra đề bài, hay đơn giản là mời nhau ly cafe sữa ngọt đậm để xả stress. Lớp học của cô giáo hiện lên ấm áp với rất nhiều kết nối - yêu thương - chăm sóc của những con người khô khan tưởng chừng như chỉ biết có nghiên cứu, thi cử.
Cuốn nhật kí được viết dưới dạng tản văn. Đó là tập hợp những ghi chép thường ngày bằng giọng dí dỏm, mộc mạc và nhiều cảm xúc từ "khoái ru" đến "đi thẳng vào lòng đất". Những cuộc đối thoại lượm nhặt ở hành lang, bãi gửi xe, hay căng tin trường... Tất cả cứ thoáng trôi qua hàng ngày mà lại xuất hiện trong cuốn sách một cách rất đặc trưng của nghề giáo, vừa thân quen vừa lạ lẫm.
Biết bao câu chuyện thú vị với đầy đủ các cung bậc cảm xúc hỉ nộ ái ố xảy ra trong mối quan hệ giữa thầy - trò trong thời công nghệ 4.0. Bức tranh trường học hiện lên nhiều màu sắc từ đầu đến cuối học kì với nhiều thành phần đa dạng đi đi lại lại "cá tính như tính con cá", từ làm bài viết, thuyết trình, đồ án tốt nghiệp, thi cuối kì…
Và cũng từ trường học thực tế đến trực tuyến với những tâm thư của sinh viên đầy cảm động gửi cho cô giáo giữa mùa dịch. Những buổi học online dở khóc dở cười của "mấy ngàn con người từ hang cùng ngõ hẻm, tất cả các cơ sở từ Nam ra Trung ra Bắc phóng lên mạng học ì xèo. Có đứa đang ở sông ở núi ở biển vẫn mò được internet wifi mà xông vào "trận đánh" học hành thi cử không cần thấy mặt nhau này. Họ có hiểu mô tê gì đang xảy ra trong xã hội này cũng không quan trọng, quan trọng là chung vai sát cánh, bảo toàn quân số đến kỳ thi cuối. Thần thái tính sau".
Nhà phê bình nghệ thuật Nguyễn Quân đánh giá: "Đây là một tập tản văn thú vị, sắc sảo và cả hài hước về tâm lý giáo dục và "khủng hoảng" giáo dục hiện nay".
Trong cuốn sách nhỏ 162 trang này, bạn đọc sẽ thấy giáo dục đang thay màu áo, nơi người học và người dạy di chuyển tự do hơn từ trao truyền kiến thức thành trao đổi thông tin, quan điểm, cùng nhau xây dựng kiến thức mới. Thầy trò 4.0 bình đẳng về tư duy nhưng vẫn giữ trọn nét tôn sư trọng đạo phương Đông đáng quý./.