Nhiều hoạt động khuyến khích phát triển công nghiệp nông thôn trên cả nước

Trần Cao| 18/10/2022 14:19
Theo dõi ICTVietnam trên

Công nghiệp nông thôn góp phần tích cực vào quá trình chuyển dịch cơ cấu kinh tế, cơ cấu lao động, tăng thêm lượng hàng hóa và gia tăng tốc độ phát triển của nền kinh tế.

Công nghiệp nông thôn chiếm vị trí quan trọng trong phát triển kinh tế-xã hội

Trong cơ cấu của nền kinh tế, công nghiệp nông thôn chiếm một vị trí quan trọng. Sự phát triển của công nghiệp nông thôn sẽ trực tiếp góp phần vào sự phát triển ngành công nghiệp nói chung. Không những thế, công nghiệp nông thôn còn giúp tạo ra nhiều công ăn việc làm, người dân ở khu vực nông thôn sẽ có cơ hội tăng thu nhập. 

Ngành công nghiệp nông thôn phát triển cũng kéo theo các ngành dịch vụ khác phát triển, giúp giảm sự chênh lệch về phát triển kinh tế - xã hội giữa các địa phương, đặc biệt là sự chênh lệch giữa thành thị và nông thôn. Vì thế, công nghiệp nông thôn góp phần tích cực vào quá trình chuyển dịch cơ cấu kinh tế, cơ cấu lao động, tăng thêm lượng hàng hóa và gia tăng tốc độ phát triển của nền kinh tế.

Nhận thức rõ vai trò của công nghiệp nông thôn, nhiều chủ trương về phát triển công nghiệp ở khu vực nông thôn đã được Đảng và Chính phủ quan tâm ban hành, nhằm hiện thực hóa quyết tâm chỉ đạo, triển khai đưa đất nước trở thành nước công nghiệp hiện đại. Quyết tâm này càng được khẳng định trong Nghị quyết Đại hội XIII của Đảng. Do đó, các hoạt động khuyến công, công nghiệp nông thôn được đẩy mạnh, khuyến khích. Quyết định số 1881/QĐ-TTg ngày 20/11/2020 Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Chương trình khuyến công quốc gia giai đoạn 2021 - 2025 đã đặt ra các mục tiêu phát triển công nghiệp nông thôn, tiểu thủ công nghiệp. Đặc biệt khuyến khích hoạt động chuyển giao, ứng dụng khoa học công nghệ, sản xuất sạch hơn nhằm nâng cao hiệu quả sử dụng tài nguyên thiên nhiên, nguyên liệu, bảo vệ môi trường và sức khỏe con người. Thúc đẩy hoạt động kết nối giao thương, đặc biệt là hướng công nghiệp nông thôn tới thị trường xuất khẩu.

Nghị quyết số 19-NQ về nông nghiệp, nông dân, nông thôn đến năm 2030 tầm nhìn tới 2045 cũng nhấn mạnh phát triển công nghiệp, dịch vụ, chuyển dịch cơ cấu kinh tế, tạo việc làm tại chỗ cho lao động nông thôn; đẩy mạnh chuyển đổi cơ cấu kinh tế nông thôn, gắn phát triển nông nghiệp với phát triển công nghiệp, dịch vụ…

Tất cả các chủ trương, chính sách đều nhằm tạo điều kiện phát triển công nghiệp nông thôn nhằm chuyển dịch cơ cấu kinh tế khu vực nông thôn theo hướng công nghiệp hóa, hiện đại hóa. Các cơ sở công nghiệp nông thôn được tạo thuận lợi tiếp cận các cơ hội phát triển, nâng cao năng suất chất lượng, năng lực cạnh tranh, thực hiện có hiệu quả lộ trình hội nhập kinh tế quốc tế, góp phần xây dựng nông thôn mới.

Hỗ trợ phát triển sản phẩm công nghiệp nông thôn tiêu biểu

Tại tỉnh Khánh Hòa, nhiều hoạt động khuyến khích phát triển công nghiệp nông thôn đã được tổ chức, trong đó đáng chú ý là bình chọn sản phẩm công nghiệp nông thôn tiêu biểu trên địa bàn tỉnh. Theo thống kê, đã có 186 sản phẩm đạt sản phẩm công nghiệp nông thôn tiêu biểu cấp tỉnh, 21 sản phẩm cấp quốc gia, nhiều cơ sở được hỗ trợ để phát triển.

Báo cáo của Sở Công Thương cho biết trong thời gian từ năm 2012 đến 2022, sở đã tham mưu cho UBND tỉnh ban hành nhiều kế hoạch tổ chức bình chọn, phát triển sản phẩm công nghiệp nông thôn tiêu biểu cấp tỉnh. Trên cơ sở đó, sở cũng đã hướng dẫn các huyện, thị xã, thành phố xây dựng kế hoạch bình chọn cấp huyện và thực hiện tổ chức bình chọn sản phẩm công nghiệp nông thôn tiêu biểu theo đúng yêu cầu.

Phó Giám đốc Sở Công Thương Khánh Hòa, ông Nguyễn Sanh Đương, cho biết, trong 10 năm qua chương trình bình chọn sản phẩm công nghiệp nông thôn tiêu biểu cấp huyện, cấp tỉnh đã mang lại nhiều ý nghĩa lớn lao, phát hiện nhiều sản phẩm công nghiệp nông thôn tiêu biểu trên địa bàn tỉnh. Hoạt động bình chọn sản phẩm công nghiệp nông thôn tiêu biểu các cấp đã giúp các cơ quan quản lý nhà nước phát hiện, tôn vinh các sản phẩm có giá trị, có tiềm năng phát triển sản xuất để ưu tiên hỗ trợ. 

Không chỉ vậy, đó còn là cơ hội để các cơ sở công nghiệp nông thôn đẩy mạnh nghiên cứu, kết nối giao thương, mở rộng thị trường, học hỏi kinh nghiệm quản lý, nâng cao năng lực cạnh tranh trong quá trình hội nhập kinh tế quốc tế. Các cơ sở sản xuất công nghiệp nông thôn có động lực tích cực hơn trong việc thiết kế, cải tiến công nghệ, hạ giá thành sản phẩm, mở rộng quy mô sản xuất. 

Lãnh đạo Sở Công thương Khánh Hòa cho biết chương trình bình chọn trong 10 năm qua đã hỗ trợ các cơ sở công nghiệp nông thôn ra đời nhiều sản phẩm mang đậm bản sắc văn hóa địa phương, vùng miền phục vụ phát triển du lịch, góp phần tăng giá trị ngành công nghiệp của tỉnh.

Trong khi đó, tại Bắc Giang, chương trình hỗ trợ phát triển sản phẩm công nghiệp nông thôn tiêu biểu cũng đã diễn ra tích cực. Mục đích của chương trình là xây dựng hình ảnh, quảng bá thương hiệu, tìm kiếm thị trường tiêu thụ sản phẩm cho các cơ sở công nghiệp nông thôn trên địa bàn, từ đó tạo động lực thúc đẩy phát triển công nghiệp, tiểu thủ công nghiệp, làng nghề ở địa phương.

Trung tâm Khuyến công và Xúc tiến thương mại tỉnh Bắc Giang đã phối hợp với các tổ chức, doanh nghiệp, hợp tác xã thực hiện được các đề án khuyến công tỉnh nhằm phát triển sản phẩm công nghiệp nông thôn tiêu biểu. Nhiều hội chợ hàng công nghiệp nông thôn tiêu biểu đã được tổ chức, hỗ trợ các cơ sở công nghiệp nông thôn tham gia, kết nối cung cầu trong cả nước.

Tại Thanh Hóa, vừa qua Hội chợ triển lãm hàng công nghiệp nông thôn tiêu biểu khu vực phía Bắc năm 2022 cũng đã diễn ra. Đây là hoạt động nằm trong chuỗi các hoạt động ngành công thương 28 tỉnh khu vực phía Bắc do Bộ Công thương phối hợp với UBND tỉnh Thanh Hóa tổ chức. Hội chợ đã thu hút 28 tỉnh, thành phố thuộc khu vực phía Bắc và 5 tỉnh, thành ngoài khu vực phía Bắc, với tổng 400 gian hàng tham gia.

Hội chợ được xem là nơi để các địa phương, doanh nghiệp gặp gỡ, giao lưu và chia sẻ, giới thiệu, quảng bá sản phẩm, hình ảnh, thành tựu công nghiệp của địa phương. Các doanh nghiệp khu vực phía Bắc và các tỉnh, thành trong cả nước cũng đã giới thiệu tiềm năng phát triển các mặt hàng công nghiệp nông thôn tiêu biểu của mỗi địa phương, các ngành nghề truyền thống, hàng thủ công mỹ nghệ. Đặc biệt, Hội chợ giúp các cơ sở sản xuất, doanh nghiệp phát triển tiêu thụ sản phẩm cho doanh nghiệp, tìm kiếm đối tác, mở rộng thị trường tiêu thụ.

Nhiều hoạt động khuyến khích phát triển công nghiệp nông thôn trên cả nước - Ảnh 1.

Thứ trưởng Bộ Công Thương Đỗ Thắng Hải phát biểu tại lễ khai mạc Hội chợ triển lãm hàng công nghiệp nông thôn tiêu biểu khu vực phía Nam năm 2022

Trong khi đó, Hội chợ triển lãm hàng công nghiệp nông thôn tiêu biểu khu vực phía Nam năm 2022 đã được Cục Công Thương địa phương phối hợp Sở Công Thương tỉnh Tây Ninh tổ chức. Phát biểu khai mạc tại sự kiện, Thứ trưởng Bộ Công Thương Đỗ Thắng Hải khẳng định Hội chợ triển lãm hàng công nghiệp nông thôn tiêu biểu khu vực phía Nam là sự kiện quan trọng của Chương trình khuyến công quốc gia năm 2022.

Lễ tôn vinh, trao Giấy chứng nhận Sản phẩm công nghiệp nông thôn tiêu biểu khu vực phía Nam năm 2022 cũng đã diễn ra tại Hội chợ. Có 220 sản phẩm trong số 364 hồ sơ đăng ký tham gia bình chọn đã được Hội đồng bình chọn, Ban Giám khảo vinh danh. Những sản phẩm được tôn vinh nằm trong các nhóm sản phẩm như nhóm sản phẩm thủ công mỹ nghệ, nhóm sản phẩm chế biến nông, lâm, thủy sản và thực phẩm; nhóm sản phẩm về thiết bị, máy móc, dụng cụ và phụ tùng cơ khí và nhóm các sản phẩm khác./.

Nổi bật Tạp chí Thông tin & Truyền thông
  • Báo chí quốc tế viết gì về Triển lãm Quốc phòng quốc tế Việt Nam 2024?
    Sự kiện Triển lãm Quốc phòng quốc tế Việt Nam năm 2024 thu hút sự chú ý trong - ngoài nước và cả nhiều cơ quan truyền thông quốc tế.
  • “AI như là một chiếc gương đen”
    Bài báo "AI is the Black Mirror" của Philip Ball cung cấp một cái nhìn chi tiết về trí tuệ nhân tạo (AI) và tác động của nó đến nhận thức con người.
  • Chất lượng thông tin báo chí về kinh tế - Vai trò, yêu cầu thước đo và giải pháp cần có
    Báo chí kinh tế cần là diễn đàn thực thụ cho doanh nghiệp, không chỉ cung cấp thông tin. Thông tin cần chính xác và kịp thời để hỗ trợ doanh nghiệp trong điều chỉnh chiến lược kinh doanh.
  • Những “ngọn đuốc” ở bản
    Ở Tuyên Quang, người có uy tín là những người đi đầu thay đổi nếp nghĩ, cách làm của bà con dân tộc thiểu số (DTTS). Họ như những “ngọn đuốc” đi trước, thắp sáng, lan tỏa tinh thần trách nhiệm, nêu gương với cộng đồng. Gương mẫu, uy tín, những người có uy tín đã và đang góp sức xây dựng bản làng, thôn xóm ngày càng ấm no, giàu mạnh.
  • 5 lý do để tăng cường bảo mật mạng
    Các chương trình an ninh mạng đã phát triển đáng kể trong vài thập kỷ qua. Sự ra đời của điện toán đám mây đã phá vỡ ranh giới an ninh mạng thông thường của của các doanh nghiệp, buộc các tổ chức phải liên tục cập nhật những chiến lược phòng thủ của mình.
Đừng bỏ lỡ
Nhiều hoạt động khuyến khích phát triển công nghiệp nông thôn trên cả nước
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO